;
Lời nói đầu
Kinh Di Giáo là một tác phẩm đúc kết những gì cần thiết nhất cho người xuất gia, văn chương đẹp đẽ, ý tứ rõ ràng. Ðây là những lời dạy sau cùng của Ðức Phật, đầy tình thương và sự khích lệ.
Thời còn hành điệu tôi được học kinh này bằng Hán văn, giờ học vào ban đêm. Chùa tôi ở giữa núi rừng bao la tịch mịch, những lời kinh đơn giản nhưng đầy xúc cảm đã tác động rất mạnh vào tâm hồn thơ ngây của tôi, nhất là những đoạn như "Ư Sa la song thọ gian, tương nhập Niết bàn, thị thời trung dạ tịch nhiên vô thanh, vị chư đệ tử lược thuyết pháp yếu"; "Nhữ đẳng thả chỉ, vật đắc phục ngữ. Thời tương dục quá, ngã dục diệt độ ... Thị ngã tối hậu chi sở giáo hối". Niềm xúc động lan tỏa trong tâm hồn non trẻ, đã tạo dấu ấn và niềm tin thanh tịnh đối với Tam bảo, điều đó đã dẫn tôi vượt qua bao chướng ngại trên con đường tu học sau này.
Khi được nghe Ban giáo dục tăng ni Trung ương mời các giảng sư đóng góp giáo án cho chương trình giáo dục Phật giáo các cấp, dù khả năng giới hạn, tôi cũng muốn góp phần mình trong sự nghiệp chung. Ðược Thượng tọa Chơn Thiện gợi ý về kinh Di giáo, tôi nhận soạn giáo trình kinh Di giáo một cách nhanh chóng vì ấn tượng của tuổi thơ hiện về trong tôi.
Giờ đây tầm nhìn về kinh Di giáo có khác xưa, hệ thống hơn, sâu sắc hơn và rộng rãi hơn, nhưng không hơn được hình ảnh đẹp đẽ của Ðức Phật trong tâm thức tôi thời kỳ hành điệu.
Khi soạn giáo trình này tôi dựa vào bản dịch và lời chú giải của Hòa thượng Trí Quang về kinh Di giáo, kinh tạng Nikàya và A hàm. Giáo trình có hai phần chính: một là phần nhận thức tổng quát, hai là phần lược giải nội dung kinh. Có thêm phụ lục nguyên văn bản dịch kinh Di giáo của Hòa thượng Trí Quang cho người dạy và tăng, ni sinh tham khảo.
Với khả năng có giới hạn, kinh nghiệm tu tập còn non yếu, chắc chắn không tránh khỏi sai lầm và thiếu sót. Kính mong chư tôn đức, thiện hữu tri thức hoan hỷ bổ khuyết để giáo án được hoàn bị hơn.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tp Hồ Chí Minh ngày 15 tháng 10 năm 1997
Tỳ kheo Thích Viên Giác
Kinh Di Giáo Lược Giải
Chương 1
Nhận Thức Tổng Quát
I. Xuất Xứ
Kinh di giáo là một bộ kinh ghi chép những lời dạy cuối cùng của đức Phật, những gì tiêu biểu nhất, tinh tuý nhất của giáo pháp. Vì vậy kinh này được coi là căn bản và cần thiết cho người xuất gia.
Kinh di giáo xuất hiện ở Trung Hoa vào đời Diêu Tần (384-417), bản kinh do ngài Cưu Ma La Thập dịch. Căn cứ vào bản dịch đó, nhiều nhà nghiên cứu và chú giải về kinh này làm cho kinh Di Giáo càng phong phú và sâu sắc hơn, các luận bản như là: Di Giáo Kinh Luận, Di Giáo Kinh Luận Pháp Trú Ký, Di Giáo Kinh Luận Ký, Phật Di Giáo Kinh Luận Sớ Thiết Yếu, Phật Di Giáo Kinh Giải...(Dịch giải kinh giáo huấn để lại của Phật, Trí Quang).
Bối cảnh thuyết kinh là trong rừng Sa la Song Thọ, trước giờ đức Phật nhập Niết bàn. Các nhà nghiên cứu Phật học Trung Hoa xếp kinh Di Giáo này vào hệ thống kinh Niết Bàn, gồm những kinh tạng của Nguyên thủy và Ðại thừa, là những kinh nói về trạng thái Ðức Phật lúc nhập Niết bàn và những lời giảng dạy của ngài (LSPGTH, Thanh Kiểm)
Truyền thống Nikàya và Ahàm có 2 kinh: Trường bộ kinh có kinh Ðại Bát Niết Bàn, Trường Ahàm có kinh Du Hành. Cả hai kinh này nội dung giống nhau (khi trích dẫn chỉ trích kinh Ðại Bát Niết Bàn là đủ). Kinh ghi chép lại chuyến du hành cuối đời của Ðức Phật vào khoảng thời gian (6 đến 10) tháng trước khi ngài nhập Niết bàn. Lộ trình đi bắt đầu từ thành Vương Xá cho đến xứ Kusinara.
Truyền thống Ðại thừa cũng có nhiều kinh, nhưng tiêu biểu nhất là kinh Ðại Bát Niết Bàn, 40 quyển do ngài Ðàm Vô Sấm dịch (kinh này trùng tên với kinh Trường bộ). Nội dung nói về "pháp thân thường trú" mang tính triết học bản thể.
Ðể cho sự nghiên cứu được dễ dàng, chúng ta không bàn đến quan điểm "pháp thân thường trú" của kinh Ðại Bát Niết Bàn hệ Ðại thừa.
II. Liên hệ Kinh Di Giáo với Kinh Ðại Bát Niết Bàn.
Sau khi đọc hai kinh Ðại Bát Niết Bàn và kinh Du Hành trong Trường Bộ kinh và Trường Ahàm, đối chiếu với bản kinh Di Giáo này, một số nhận định có thể rút ra như sau:
1. Về mặt hình thức:
Kinh Ðại Bát Niết Bàn và kinh Du Hành thuộc loại văn tường thuật, ký sự. Kể lại chuyến du hành cuối đời Ðức Phật đi từ Vương Xá đến Kusinara, đi qua từ 14 đến 17 địa danh khác nhau. Qua mỗi địa phương Ðức Phật và đại chúng dừng lại nghỉ ngơi một thời gian, mỗi nơi Ðức Phật đều thuyết pháp độ sinh, những thời pháp ấy đều được ghi lại.
Kinh Di Giáo bản Hán dịch có hình thức một tác phẩm văn học, được sắp xếp hệ thống hóa những lời dạy của Ðức Phật thành một thời thuyết pháp từ đầu cho tới cuối và đặt ngay vào thời điểm Ðức Phật sắp nhập Niết bàn.
2. Về mặt bố cục nội dung:
Kinh Du Hành và kinh Ðại Bát Niết Bàn trình bày nội dung trải dài theo con đường mà Ðức Phật và đại chúng đi qua, những gì xảy ra, những gì được thuyết giảng đều ghi chép, cho đến thời điểm Ðức Phật nhập Niết bàn tại rừng Sa La Song Thọ.
Giáo lý được Ðức Phật nhấn mạnh và lặp đi lặp lại là phương pháp hành trì Giới-Ðịnh-Tuệ. Giáo lý được Ðức Phật xác định rằng đó là nội dung chứng ngộ, giảng dạy và truyền bá là 37 phẩm trợ đạo. Một số lời dạy mang tính di huấn 3 lần qua 3 thời điểm khác nhau trong chuyến du hành cuối cùng ấy.
Kinh Di Giáo bản Hán trình bày bố cục nội dung rất mạch lạc và có hệ thống, nghĩa là đúc kết những gì Ðức Phật dạy trong kinh Du Hành và Ðại Bát Niết Bàn thành một bản văn, ý tứ rõ rệt, có thêm hoặc bớt so với hai kinh trên một số vấn đề. Nội dung được trình bày tuần tự Giới – Ðịnh – Tuệ và những lời khích lệ tu tập sau cùng.
3. Những điểm giống nhau:
a) Pháp môn tu tập Giới Ðịnh Tuệ
Ở kinh Du Hành và Ðại Bát Niết Bàn, pháp môn Giới Ðịnh Tuệ được Ðức Phật lặp đi lặp lại từ đầu kinh cho đến cuối kinh 8 lần, điều đó cho thấy Giới Ðịnh Tuệ là những gì cần thuyết, là cốt lõi của sự tu tập: "Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc tức là dục lậu , hữu lậu và vô minh lậu" (ÐBNB).
Kinh Di Giáo cũng trình bày pháp môn Giới Ðịnh Tuệ nhưng đề cập chi tiết và dài dòng hơn.
b) Những lời di huấn:
-Xác định giới pháp là thầy, trong kinh ÐBNB, Phật dạy: "Này Anan, pháp và luật ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi ta diệt độ thì pháp và luật ấy sẽ là đạo sư của các ngươi"(Trường bộ kinh II, T. 663).
Kinh Di Giáo Phật dạy: "các thầy tỳ kheo, sau khi Như Lai diệt độ phải trân trọng tôn kính tịnh giới...phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các ngươi. Nếu Như Lai có ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy" (Trí Quang dịch).
-Lời dạy cuối cùng:Trong kinh Ðại Bát Niết Bàn, Phật dạy:"Này các tỳ kheo, nay ta dạy các ngươi: các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn lên chớ phóng dật" (sđd).
Kinh Di Giáo Phật dạy: "Này các tỳ kheo hãy thường nhất tâm nỗ lực cần cầu tuệ giác giải thoát, toàn thể vũ trụ là pháp biến động hay không biến động đều là trạng thái bất an và tan rã (vô thường)" (Trí Quang dịch).
c) Những lời khích lệ
Kinh Ðại Bát Niết Bàn đức Phật dạy: "Này các tỳ kheo, nếu có tỳ kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về Phâït, Pháp, Tăng, con đường hay phương pháp thì các thầy hãy hỏi đi. Sau khỏi hối tiếc rằng: Bậc đạo sư có mặt trước chúng ta mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn" (sđd). Sau đó đại chúng phát biểu không có gì thắc mắc.
Kinh Di Giáo đức Phật dạy: "Các thầy tỳ kheo, đối với bốn chân lý các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc không nên giữ sự hoài nghi mà không cầu giải đáp" (sđd). Sau đó đại chúng cũng không thắc mắc.
Qua những liên hệ trên, chúng ta có thể kết kuận rằng mối quan hệ giữa hai kinh Ðại Bát Niết Bàn (ÐBNB) và Du Hành với kinh Di Giáo có mối quan hệ chặt chẽ. Có thể nói rằng kinh Di Giáo đã đúc kết lại hệ thống hóa nội dung của hai kinh trên. Tất nhiên kinh Di Giáo được trước tác về sau.
III. Nội Dung Tổng Quát Kinh Di Giáo.
Nội dung kinh Di Giáo được xây dựng trình tự Giới, Ðịnh, Tuệ. Phần Giới được nói đến nhiều nhất, hơn một nửa dành cho Giới. Ðây chính là phần nền tảng của kinh cũng là căn bản của Ðịnh, Tuệ và giải thoát.
1) Giới học:
Sự quan trọng của giới được xác định ngay từ đầu kinh rằng: "Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy, nếu Như Lai có ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy". Xác quyết như vậy để đề cao vai trò của giới luật, nhưng dễ gây ngộ nhận về giá trị tuyệt đối của giới, vì vậy có những hành giả chỉ tu tập giới, chấp thủ giới điều như là những nguyên tắt bất di bất dịch.
Kinh ÐBNB nói rõ hơn một chút: "Này Anan pháp và luật ta đã giảng dạy và trình bày..." bao hàm cả giáo pháp và giới luật, là chỗ nương tựa cho chúng tỳ kheo sau khi Ðức Phật nhập diệt.
Có người coi giới là phụ thuộc của thiền định và trí tuệ họ coi những hình thức giữ giới có vẻ tiểu tiết, thuộc căn cơ trình độ thấp, họ coi thiền và tuệ phóng khoáng và siêu thoát hơn. Thực ra giới hạnh là nền tảng cho thiền và tuệ. Mối quan hệ của 3 phần này không thể phân ly. Giới hạnh không chỉ thực hành những qui định trong giới bổn mà còn là công phu gạn lọc, kiểm soát, ngăn ngừa và đoạn trừ các ô nhiễm của tâm lý. Từ đó tạo điều kiện cho thiền định được vững chãi, phát triển trí tuệ được dễ dàng.
Giới hạnh là một phần của định và tuệ. Do vậy nên hiểu giới trong kinh Di Giáo qua 3 chi phần của bát chánh đạo: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Vậy giới hạnh không chỉ tác dụng trong phạm vi cá nhân mà còn tạo ảnh hưởng về mặt xã hội.
Trên cơ sở đó phần giới của kinh di giáo ngoài những điều mang tính qui định của giơí bổn, còn thêm các phần: chế ngự các giác quan, chế ngự tâm ý, tiết chế ăn uống, thực hành đức tàm quí, nhẫn nhục, khiêm tốn, không dua nịnh, thiểu dục, tri túc và hạnh độc cư. Những đức tính này cũng có trong kinh Du hành và kinh Ðại Bát Niết Bàn.
2) Ðịnh học:
Như trên đã nói giới là nền tảng, không có giơí hạnh thì hành vi bất thiện, tâm lý bất an, tâm không sẵn sàng để thực hành thiền định. Chúng ta không nên hiểu thiền định như là pháp môn của một tông phái, danh từ thiền tông dễ gây ngộ nhận như vậy. Thiền định là con đường tu tập của đạo Phật, không có thiền tất cả các pháp môn đều bế tắc, thiền là xương sống của Phật giáo.
Tâm lý chúng ta luôn luôn bị tác động bởi các đối tượng giác quan và đối tượng tâm ý. Những tham lam, sân hận, si mê, sợ hãi, phiền muộn ... làm tâm ta náo động, bất an. Ðịnh là làm cho tâm không bị náo động, tán loạn. Tâm bình lặng thì mới sáng suốt, do vậy thấy rõ hơn về bản chất của đời sống, như mặt nước có lặng mới phản chiếu sự vật, kinh Di Giáo Phật dạy: "Tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ " (HT Trí Quang dịch). Nhờ thiền định những hoạt động của tình cảm (thất tình, lục dục) lắng dịu, tâm lý thoát ly được sự ức chế của cảm giác và tư duy , thói quen chấp ngã được chuyển hóa, trí tuệ càng sắc bén, tâm càng thanh tịnh . Không có thiền định thì không có tuệ, đồng thời giữ giới cũng khó.
Phần định trong kinh Di Giáo có 3 tiết: tiết 1 thuyết minh về hạnh tinh tấn, tiết 2 nói về công đức chánh niệm và tiết 3 nói về công đức thiền định . Như vậy phù hợp với 3 chi phần trong bát chánh đạo:chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Tinh tấn trong phần thiền định là sự nỗ lực duy trì sự an trú tâm trong thiện pháp đưa đến an trú chánh niệm làm cơ sở cho tâm định. Ðức Phật dạy: "Ta tinh cần, tinh tấn không lười biếng. Ta an trú chánh niệm, không có loạn, thân được khinh an, không có giao động, tâm được định tĩnh chuyên nhất" (Trung bộ kinh I, T. 53). Tinh tấn là sự duy trì tâm, chuẩn bị tâm trong trạng thái sẵn sàng để tâm vào định.
3) Tuệ học:
Trí tuệ cũng là chánh kiến, chánh tư duy, vừa là nhân vừa là quả của giới hạnh và thiền định. Có giới phải là do tuệ, nhưng mức độ tuệ chưa đạt đến viên mãn có thể đoạn tận các lậu hoặc, có định cũng do tuệ ở mức độ cao hơn.
Khi tâm định mọi cấu uế của tâm đều lắng dịu, tâm trở nên thuần nhất, nhu nhuyến dễ sử dụng, do đó tâm hướng về bất cứ đối tượng nào đều trực nhận bản chất của đối tượng đó. Ðức Phật dạy: "Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, ta dẫn tâm hướng tâm đến túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh" (Trung bộ kinh I. T 56).
Trí tuệ theo quan điểm của đạo Phật khác với quan niệm thông thường, trí tuệ là sự thấy biết đoạn trừ phiền não, ô nhiễm, tác dụng của trí tuệ là đoạn được, ví như lưỡi gươm cắt đứt mối dây ràng buộc. Có ngươì học cao, địa vị lớn , trí thức lớn nhưng chưa chắc có trí tuệ như người ta thường nói học vị cao chưa hẳn đã có văn hóa. Trong kinh Di Giáo đức Phật dạy: "Các thầy tỳ kheo, có trí tuệ thì hết đam mê" sự thấy biết mà hết được đam mê ấy Phật giáo gọi là trí tuệ hay liễu tri – cái biết rốt ráo.
Kinh Di Giáo phần tuệ học có 2 tiết. Tiết đầu nói về công đức thành tựu trí tuệ, tiết 2 nói về công đức không hý luận. Không hý luận tức không đam mê hý luận, coi trọng lý thuyết, học thuyết, ưa chuộng huyền đàm, bề ngoài có vẽ thông minh trí tuệ, nhưng bên trong thì rỗng; hý luận làm rối loạn tâm thức. Vì vậy không hý luận được đưa vào nhóm tuệ là hợp lý . Trí tuệ ở trong bát chánh đạo là chánh kiến, chánh tư duy. Chánh kiến tương đương tiết 1, chánh tư duy tương đương với không hý luận ở tiết 2.
4) Những lời khích lệ và dặn dò cuối cùng:
Gồm 6 tiết cuối cùng, ghi những lời dạy khích lệ tinh thần tu tập của đại chúng. Con đường chân lý đã có, bậc đạo sư hướng dẫn cũng đã có, còn lại là phần thực hành của người đệ tử có nỗ lực tu tập hay không mà thôi.
Ðức Phật cho phép đại chúng được trình bày chỗ hoài nghi của mình đối với giáo pháp, để sau này khỏi hối tiếc nhưng đại chúng không nghi ngờ gì về giáo pháp, bày tỏ niềm tin vững chắc của mình.
Ðức Phật khuyên đệ tử không nên buồn rầu, những gì cần làm Ngài đã làm, những người đáng độ Ngài đã độ, các đệ tử cần tiếp tục chí hướng mà bậc đạo sư đã vạch sẵn thì pháp thân của Như Lai sẽ thường trú bất diệt.
IV. Kết Luận
Toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo đều nhắm đến mục đích giải thoát. Ðức Phật dạy: "Nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn, giáo pháp của ta chỉ có một vị đó là vị giải thoát". Suốt cuộc đời của đức Phật, hoạt động không ngừng nghỉ chỉ để thực hiện mục tiêu giải thoát khổ đau cho con người.
Phương pháp thực hiện mục tiêu thoát khổ này, được đức Phật giảng dạy rõ ràng và nhất quán: Giới, Ðịnh, Tuệ. Ðiều này không có gì bàn cãi, nó đã được thực hiện cụ thể hay bàng bạc trong tất cả kinh điển Nguyên thủy lẫn Ðại thừa. Vấn đề ở chỗ giới thiệu trình bày như thế nào, nhấn mạnh khía cạnh nào mà thôi.
Ðối với kinh Di Giáo, Giới Ðịnh Tuệ được giảng dạy trong bối cảnh Ðức Phật sắp nhập Niết bàn, tạo ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Lời dạy cuối cùng của một bậc đạo sư bao giờ cũng là điều thiết yếu, mặc dù lời lẽ đơn giản ngắn ngủi nhưng đấy là những lời tâm huyết của một đời người. Cho nên có tác dụng rất lớn về mặt tâm lý.
Kinh Di Giáo rất coi trọng phần giới, nên trình bày chi tiết. Vì vậy có người cho kinh này là pháp của người sơ cơ mới học. Ðó là một cái nhìn vội vã. Luận sư Thế Thân trong Di Giáo kinh luận đã nhận định rằng kinh Di Giáo là đạo phương tiện của Bồ Tát:
"Luận này còn xây dựng, giải thích nghĩa kinh Phật là để các Bồ Tát biết được đạo phương tiện. Biết được đạo phương tiện ấy thì phật pháp trường tồn diệt trừ lỗi phàm thánh, thành tựu lợi tự tha" (Trí Quang dịch}.
Và kinh Pháp Hoa, một bộ kinh lớn của Ðại thừa, coi phẩm An lạc hạnh là hạnh của Bồ Tát, nội dung phẩm An lạc hạnh không khác phần giới của kinh Di Giáo . Vì vậy phải biết tác dụng của kinh Di Giáo là lớn lao vô cùng.
- Phần 2-
Chương II
Nội Dung Kinh Di Giáo
A. Lời Mở Ðầu Của Kinh Di Giáo
Vài lời ngắn gọn nhưng lời mở đầu đã khái quát cuộc đời của Ðức Phật từ lúc thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho 5 anh em Kiều Trần Như, cho đến lần thuyết pháp sau cùng độ cho Tu bạt đà la. Rồi dạy những lời di huấn cho đệ tử dưới cây Sa La trong hơi thở cuối cùng. Hình ảnh ấy qua lời mở đầu đã nói lên sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh vĩ đại của một bậc đạo sư.
Ý tứ lời mở đầu là:
1. Giới thiệu tổng quát cuộc đời thuyết pháp độ sinh của Ðức Phật từ lúc khởi đầu cho đến lúc kết thúc. Coi trọng công cuộc độ sanh tức là nhấn mạnh mặt tích cực, mặt lợi ích mà đức Phật đã cống hiến cho cuộc đời.Thường thì khi giới thiệu đức Phật, người ta thường bắt đầu khi Ngài sinh ra, lớn lên xuất gia tu học...cho đến nhập diệt. Nhưng ở đây muốn nhấn mạnh cuộc đời độ sinh hơn.
2. Cuộc đời độ sinh của Ngài, hạnh nguyện của Ngài đến đây đã viên mãn như kinh thường nói: Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn. Nhưng những gì cần làm đã làm xong, những người có thể độ đã hóa độ tất cả. Ðiều này cũng nói lên sự hoàn thiện, vi diệu của giáo pháp,nhờ vậy mà đạt được những thành quả lớn lao.
3. Những lời Di giáo sắp nói đây là những điều cốt yếu của giáo pháp.Giáo pháp đức Phật đã giảng dạy suốt cuộc đời rất rộng rãi bao la khó lĩnh hội hết được. Cuối cùng,lúc sắp nhập Niết bàn Ngài đã tóm tắt những điều cốt lõi thiết yếu nhất để cho đệ tử nuơng vào đó mà tu học, khỏi bị bơ vơ lạc lối.
B. Giới Học
I. Xác Ðịnh Giới Luật Là Ðạo Sư.
Từ "Nhữ đẳng tỳ kheo... vô dị thử giả": Kinh văn nói rất rõ rằng sau khi đức Phật diệt độ thì phải tôn trọng quí kính tịnh giới,như người mù được mắt sáng thì phải giữ gìn con mắt đó, như người nghèo mà được vàng ngọc thì phải bảo vệ nó. Phải biết rằng tịnh giới là đức thầy cao cả chẳng khác nào đức Phật còn tại thế.
Trong giới bổn tỳ kheo cũng nói tương tự về sự giá trị của giới:
"Giới như biển cả
không có bờ mé
lại như ngọc báu
cầu hoài không chán"
và:
"Như Lai đã khéo
nói ra giới kinh
Như Lai lại khéo
Nói ra giới pháp
Dầu rằng Như Lai
Nhập vào Niết bàn
Chư vị hãy coi
Giới ấy như Phật" (Tỳ kheo giới, Trí Quang dịch 1994)
Tôn trọng giới luật có nghĩa là tôn trọng con đường đưa đến giải thoát, bởi lẽ giới là nền tảng cho định tuệ. Cũng có nghĩa là tôn trọng giữ gìn điều thiện điều tốt, biểu hiện tâm hướng thượng của người Phật tử vì đặc tính của giáo pháp là có khả năng hướng thượng.
Sau cùng, tôn trọng giới luật. Coi giới luật như Phật là thể hiện trách nhiệm đối với sự tồn vong của Phật pháp, như giới kinh đã dạy:
"Giới kinh tồn tại
lâu dài trong đời
thì pháp của Phật
sẽ được hưng thịnh" (Tỳ Kheo giới, Trí Quang dịch)
II. Những Giới Ðiều Tiêu Biểu
Từ "Giữ tịnh giới... không nên tích trữ "
1- Ðoạn này nêu lên một số giới điều tiêu biểu nhưng rất cụ thể – Những giới điều này phù hợp với một số giới điều trong giới bổn và một số thì trong các kinh.
Trong 30 giới xả đọa của tỳ kheo giới, giới thứ 19 nói: "Nếu tỳ kheo mà đổi chác các thứ tiền và của báu thì phạm ni tát kỳ ba dật đề". Giới 20 nói: "Nếu tỳ kheo mà mua rẻ bán đắt mọi thứ thì phạm ni tát kỳ ba dật đề" (Tỳ kheo giới Trí Quang dịch). Những giới điều đó tương đương với lời Phật dạy trong đoạn này: "Các thầy không được buôn bán, đổi chác, sắm sửa đấùt nhà,nuôi người tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo.
Trong 90 giới Ba dật đề, giới thứ 10 nói:" Nếu tỳ kheo tự tay đào đất hay bảo người đào đất thì phạm Ba dật đề". Giới thứ 11 nói: "Nếu tỳ kheo chặt phá cây cối thì phạm Ba dật đề". Kinh Di giáo nói gọn hơn:"Kể cả việc chặt phá cây cỏ và đào cuốc đất đai
Những điều như:"chế thuốùc thang, coi thiên văn, đoán thời tiết, tính lịch số...không tham dự thế sự, lãûnh sứ mạng liên lạc, chú thuật, thuốc tiên, giao hảo kẻ quyền quý..." đều có ở trong các giới bổn như điều 18 trong 24 thiên oai nghi, giới thứ 29 của Bồ tát giới.
2. Ðoạn này trình bày một số giới điều, dù không đủ như giới bổn, nhưng rất rõ là thiết lập giới theo công thức giới trong bát chánh đạo: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
a) Chánh ngữ: là ngôn ngữ chân chánh, nghĩa là không tà ngữ, theo HT Trí Quang thì: "Tà ngữ theo tà pháp và tà ngữ theo tà nhân. Tà ngữ theo tà pháp là tà thuật như đọc chú thuật. Tà ngữ theo tà nhân là giao hảo với quyền quý, nên nói năng với họ một cách hèn hạ, thân thiết với họ rồi ăn nói với người khác một cách ngạo mạn (Trí Quang giải).
b) Chánh nghiệp: Hành vi chân chánh, trái lại là tà nghiệp , gồm tiết chế cơ thể, ăn đúng thì giờ, sống bằng cách sống trong sạch, không tham dự thế sự, lãnh sứ mạng liên lạc...
c) Chánh mạng: phương tiện sinh sống chân chánh, traí lại là tà mạng, gồm: "buôn bán đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người tôi tớ và sú2c vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh vàng bạc, điều chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết , tính lịch số đều không thích hợp.
Như vậy giới được trình bày là những điều kiện bảo đảm cho hành vi đạo đức gồm hành vi ngôn ngữ, phương tiện sinh sống, ngăn ngừa thân khẩu ý đi vào con đường sai lầm và tội lỗi. Mặt khác ngăn ngừa những trường hợp thế tục hóa hàng ngũ xuất gia. Ðó là thể hiện tinh thần của giới bổn và biểu hiện hành tướng của người xuất gia như đức Phật thường dạy: "Sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi và chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt." (Trung bộ kinh III).
III Tác Dụng Của Giới
Từ: "Ðó là Như Lai nói tóm tắt... trú ẩn cho mọi thứ công đức". Thuyết minh tác dụng của giới có 3:
1). Giới đưa đến giải thoát: "Giới thì chính thuận với căn bản giải thoát nên Như Lai mệnh danh là Ba-La-Ðề-Mộc-Xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định và trí tuệ có năng lực hủy diệt thống khổ".
Ba-la-đề-mộc-xoa: một danh từ để gọi giới luật, dịch là biệt giải thoát. Tác dụng của giới là giải thoát, đoạn trừ những bất thiện của thân khẩu ý. Nguồn gốc của đau khổ là sự trói buộc của phiền não. Giới là đình chỉ ác nghiệp nên có tác dụng đưa đến giải thoát. Mặt khác giới phát sinh thiền định và trí tuệ nên có năng lực hủy diệt thống khổ. Vì vậy khi một người thọ trì giới mà cảm thấy gò bó, sinh nhiều phiền não, không thư thái thanh thản thì phải xem lại nội dung và phương pháp hành trì. Giới bao giờ cũng đưa đến sự thanh thản thân tâm.
2). Giới duy trì thiện pháp: "Ai giữ giới thì người đó có thiện pháp", có một định nghĩa về giới nữa là tác thiện. Làm điều thiện là một hình thức giữ giới. Hơn nữa khi đình chỉ điều ác, ngăn ngừa điều ác thì bao hàm nghĩa tác thiện. Về mặt tâm lý khi khởi tâm không làm điều ác nghĩa là tâm đang hướng thượng, hướng thiện, những thiện chưa sinh sẽ sinh, thiện pháp đã sinh được tăng trưởng. Thiện pháp bao gồm ý niệm hướng thượng và hành vi, ngôn ngữ dẫn đến lợi ích an vui.
3) Giới thành tựu công đức: "không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh". Công đức ở đây có nghĩa là những thành quả do tu tập mà có. Những thành quả ấy gồm các cấp độ thiền định như sơ thiền cho đến diệt thọ tưởng định, hoặc đến chứng tam minh
Từ căn bản là giới con đường tu tập đưọc thiết lập, nhưng giới không phải chỉ là tuân thủ các giới điều mà còn bao gồm công phu tu tập, kiểm soát các nhiễm ô của tâm lý, thành tựu công đức là thực hiện viên mãn các bước tiếp theo. Kinh toán số Mục Kiền Liên (Trung A-hàm 144) và kinh Ganaka Moggallana (Trung bộ kinh 107) đưa ra đạo lộ tuần tự tu tập như sau:
a) Thầy tỳ kheo giữ gìn giới hạnh, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, có oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới.
b) Thầy tỳ kheo hộ trì các căn, khi mắt thấy sắc không nắm giữ tướng riêng, không nắm giữ tướng chung, những nguyên nhân gì làm cho tham ái, ưu bi khởi lên thì chế ngự đoạn trừ nguyên nhân ấy , thinh, hương...cũng vậy.
c) Thầy tỳ kheo tiết độ trong ăn uống, chân chánh quan sát ăn không để vui đùa, đam mê, trang sức cho thân mà chỉ để khỏi tổn hại thân, để giữ gìn phạm hạnh...
d) Thầy tỳ kheo được huấn luyện chú tâm cảnh giác ban ngày cũng như ban đêm, trong các hành động gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp.
e) Thầy tỳ kheo được huấn luyện chánh niệm tỉnh giác trong mọi động tác của thân thể khi đi đứng nằm ngồi...đều ý thức việc mình đang làm.
g) Thầy tỳ kheo được huấn luyện ngồi thiền ở một nơi thanh vắng, kiết già lưng thẳng, an trú niệm trước mặt, gột sạch tâm trí khỏi 5 triền cái...chứng sơ thiền cho đến tứ thiền...
Trong 6 bước đi truyền thống gọi là đạo lộ tuần tự tu tập 4 bước đầu được coi là bước giới luật, từ giới luật ấy công đức được phát sinh tức là thiền và tuệ sinh.
IV. Chế ngự các giác quan
Từ "các thầy tỳ kheo đã ở trong tịnh giới... tàn diệt tất cả ": Ðây là bước đi thứ hai trong đạo lộ tuần tự tu tập mà đức Phâït đã dạy, gọi là hộ trì các căn. Hộ trì và bảo vệ giữ gìn các căn là các giác quan, nghĩa là đừng để cho 5 giác quan bị các đối tượng của nó dắt dẫn sai khiến. Kinh văn dạy: "đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự 5 thứ gíac quan". Vậy giữ giới với chế ngự các giác quan là một. Ðối tượng của 5 giác quan có 5 thứ: sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon và xúc êm dịu. Ðây là các đối tượng hấp dẫn gọi là 5 dục lạc, các đối tượng này làm thỏa mãn lạc thọ của giác quan, đó là những gì mà chúng sinh tìm kiếm hướng đến. Khi đã tham đắm dục lạc rồi thì tâm mình không còn là của mình nữa, nó lệ thuộc vào thói quen hưởng thụ, khó có thể cất bước lên cao được.
Giữ gìn giới bổn mà cứ để cho 5 giác quan tự do dong ruổi theo trần cảnh thì khả năng giữ giới rất mong manh, và tâm thức không dừng lại ở phạm vi hưởng thụ dục lạc mà còn dẫn đến vô số tội lỗi, tác họa vô cùng, khó mà dừng lại được, ví như con ngựa hung hãn mà không có dây cương thì rất nguy hiểm. Hộ trì các căn trong kinh tạng Nikàya nói khá rõ: "khi mắt thấy sắc không nắm giữ tuớng riêng, không nắm giữ tuớng chung, những nguyên nhân gì làm cho tham ái, ưu bi khởi lên thì chế ngự và đoạn trừ nguyên nhân ấy. Ðối với các đối tượng thinh, hương, vị, xúc cũng như vậy".
Kinh văn lấy ví dụ minh họa cho việc giữ gìn giác quan như "Như kẻ chăn trâu cầm gậy mà coi giữ không cho (trâu) phóng túng phạm vào lúa má của người. Hình ảnh thí dụ này rất hay, giữ gìn giác quan ví như người chăn trâu, sự cảnh giác cao độ ấy làm cho giác quan dần dần yên tỉnh. Thí dụ này có thể đã gợi hứng cho các thiền gia sáng tác 10 bức tranh chăn trâu nổi tiếng về sau.
Với cách thức cảnh giác giữ gìn các giác quan như vậy, giác quan sẽ thuần thục không có cơ hội để phóng túng chạy theo các đối tượng dục lạc. Nếu có lúc phóng túng đi nữa thì với sự hộ trì ấy sẽ làm cho giác quan trở lại thanh thản không lạc lối lâu, như kinh văn nói: "Giả sử có phóng túng 5 giác quan thì cũng không bao lâu ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả".
Bước thứ hai này rất quan trọng, tập dừng lại các thói quen thuộc bản chất hay hiện tượng. Trước hết về mặt oai nghi tế hạnh sau đi dần vào tâm thức nội tại. Người xuất gia sẽ có phong cách ổn định, tinh thần vững chãi, tâm lực được củng cố. Do vậy tác dụng của giới được sâu sắc hơn. Vị tỳ kheo đi tới mục tiêu tối hậu của mình không có con đường nào khác là hộ trì các giác quan. Ðức Phật dạy rõ trong kinh Pháp cú:
360: "Lành thay phòng hộ mắt
Lành thay phòng hộ tai
Lành thay phòng hộ mũi
Lành thay phòng hộ lưỡi"
361: "Lành thay phòng hộ thân
Lành thay phòng hộ lời
Lành thay phòng hộ ý
Lành thay phòng hộ tất cả
Tỳ kheo phòng tất cả
Thoát được mọi khổ đau ".
V. Chế Ngự Tâm Ý
Từ "Năm thứ giác quan... chiết phục tâm mình": Ðoạn này nói về chế ngự tâm ý, năm thứ giác quan do tâm chủ động, giác quan tự nó không có lỗi. Phần này vẫn là bước thứ hai của hộ trì các căn, mối liên hệ giữa giác quan và tâm ý chỉ là một mà thôi. Ðây là điểm đặc biệt của Phật giáo. Trong kinh Căn Tu Tập đức Phật đã bác bỏ quan điểm của Bà la môn Pasarìya, ông ta chủ trương rằng tu tập gíac quan là không nên thấy sắc với mắt, không nên nghe tiếng với tai. Ðúc Phật cho rằng như vậy là người mù người điếc sẽ đạt kết quả tu tập giác quan. Quan điểm của Phật là:" Này Anan, tỳ kheo khi mắt thấy sắc khởi lên vừa ý, khởi lên không vừa ý, khởi lên vừa ý và không vừa ý, chúng khởi lên như vậy vì chúng thuộc hữu vi nên thô trọng. Nếu chúng không khởi lên như vậy thì đó là cái an tịnh, cái thù diệu tức là xã tâm. Cho nên khi tâm khởi lên vừa ý, không vừa ý hay vừa ý và không vừa ý đều được đoạn diệt chỉ có xả tâm là tồn tại..." (TBK IV căn tu tập 152).
Ðức Phật muốn nói rằng khi mắt thấy đối tượng là sắc đẹp, tai nghe tiếng hay...thì tâm sẽ khởi lên 3 thái độ nhận thức: Một là vừa ý, hai là không vừa ý, ba là cũng vừa ý mà cũng không vừa ý(có cả hai). Khi tâm khởi lên như vậy đối với đối tượng là sắc hay thinh thì ta phải quán chiếu rằng sự khởi lên 3 thái độ ấy là không đúng, là sự vọng động, là sự thô trọng phàm phu. Nên quán chiếu để thấy rằng nếu tâm không khởi lên 3 thái độ như trên thì tâm an tĩnh thù diệu, cái đó là tâm xả. Nhờ quán chiếu như vậy nên khi các niệm về 3 thái độ khởi lên thì sẽ bị đoạn diệt ngay. Tu tập giác quan khác nhau là chỗ đó. Khi mới tu tập phải ngăn ngừa các giác quan đi theo thói quen thường tình là hướng đến các đối tượng lạc thú, tránh xa các đối tượng không lạc thú. Khi tu tập giác quan thuần thục rồi tức là phần thô hết, rồi phải tiếp tục cảnh giác chế ngự tâm ý vi tế đối với các đối tượng lạc thúù, phải biết rằng tâm mới là chủ nhân của mọi thứ. Có người chủ quan cho rằng tu tâm mới quan trọng còn giác quan không cần bận tâm, rồi họ mặc cho giác quan nhìn ngắm, nghe ngóng, thưởng thức làm vỡ thành trì của tâm. Tuy nhiên nếu chỉ lo chế ngự giác quan mà quên rằng tâm mới là chủ thì trở nên thiển cận cố chấp, tác dụng để sinh bị hạn chế.
Lúc Phật sắp Niết bàn ngài Anan hỏi một số vấn đề cần thiết, trong đó có vấn đề đối xử với phụ nữ phải như thế nào. Anan hỏi:
- Bạch đức Thế Tôn chúng con phải cư xử với phái nữ như thế nào?
- Này Anan chớ có nhìn họ
- Bạch Thế Tôn nếu phải nhìn họ thì phải làm như thế nào?
- Này Anan, chớ có nói chuyện với họ
- Bạch Thế Tôn, nếu phải nói chuyện với họ thì làm như thế nào?
- Này Anan, phải an trú chánh niệm -- (Kinh ÐBNB. 644)
Ðức Phật dạy đừng nhìn, đừng nói là để hộ trì giác quan đối với những đệ tử sơ cơ, tâm lý chưa vững chãi, tu tập chưa thuần thục, dễ bị ngoại cảnh thu hút. Ðức Phật dạy: phải an trú chánh niệm chính là chế ngự tâm