;
Việc chính thức trở thành một Tỳ kheo Phật giáo, người đó phải xuất gia, có thầy thế độ, thầy truyền giới. Dù là Tỳ kheo ở nước nào, phương nào, thời nào đều phải tuân theo luật Phật chế mới trở thành tu sĩ Phật giáo. Đây cũng là chỗ căn bản để phân biệt tu sĩ Phật giáo và tu sĩ trong các tôn giáo khác như: tu sĩ Bà-la -môn, Kì-na giáo, Hoả Thần giáo…
Người thời sau Phật diệt độ, đều y theo luật định mà làm, như lục tổ Huệ Năng khi thọ lãnh y bát từ ngũ tổ, nhưng bị kiếp nạn phải ở nơi rừng sâu 15 năm, lúc này vẫn còn mang thân tướng cư sĩ, sau đó đến chùa Pháp Tính, được thiền sư Ấn Tông thỉnh cầu thiền sư Cầu-na-bạt-đà-la cùng hội đồng thập sư truyền thọ Tỳ kheo giới.
Ở Việt Nam, vào thời nhà Trần có Thiền sư Hương Vân Đại Đầu Đà - Trần Nhân Tông, sau khi 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, ông xuất gia với Quốc sư Huệ Tuệ, được truyền thọ giới Tỳ Kheo tại cung Vũ Lâm - Ninh Bình.
Trong tất cả các giới của người xuất gia theo Phật thì giới tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni là quan trọng nhất đối với sự tồn tại lâu dài của Phật pháp. Tuy nhiên làm thế nào để "đắc" được giới, tức là làm thế nào để có tư cách là một tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni ? Đây là một vấn đề căn bản của Luật học, cần hội đủ 5 yếu tố.
1. Giới tử hợp lệ
2. Tăng chúng hợp lệ
3. Ranh giới hợp lệ
4. Tuyên ngôn hợp lệ
5. Tăng sự hợp lệ
Một người có thể tự cạo đầu đấp y tuỳ theo nguyện vọng của người đó, nhưng nếu không hội đủ 5 yếu tố, thì đó không phải là một Tỳ kheo. Và 5 yếu tố này là nguyên tắc để tiến hành truyền giới Cụ túc.
Trong luận Câu-xá, quyển 14, có trích dẫn ý kiến của các Tỳ-nại-da tỳ-bà-sa sư về vấn đề thọ giới.
Theo đó thì có mười phương pháp khác nhau để trở một Tỳ kheo(thọ cụ giới):
1- Do tự nhiên mà được giới, tức Phật, Độc giác - những vị đầu tiên biết đến giáo pháp trong thời không có Giáo Pháp. Ngày nay là thời đang có giáo pháp tất nhiên không ai được tự xưng là tự đắc giới.
2- Do được chính tính ly sinh, kiến đế đắc giới tức năm tỳ-khưu Kiều Trần Như. Một số người do nghe Phật thuyết pháp mà chứng A La Hán cũng là loại này. Ngày nay không áp dụng trường hợp này nữa vì Phật đã diệt độ, phàm nhân chưa chứng A La Hán mà tự nhận, tự đắc giới là đại vọng ngữ. ( 1 trong 4 trọng tội, phạm thì mất tư cách tỳ-khưu).
3- Do Phật gọi “Thiện lai tỳ-khưu “, tức trường hợp của Gia-xá. Khi đức Phật nói lời này, người kia liền râu tóc tự rụng, y cà-sa và bình bát tự hiện ra trên thân (do thần lực của đức Phật) tự thành tỳ-khưu đầy đủ giới pháp oai nghi. Phương pháp này là tự thân Phật truyền giới. Ngày nay Phật đã nhập diệt không ai đắc Pháp theo phương pháp Thiện lai.
4- Do nhận Phật là đạo sư, đối trước Phật hiện tiền mà quy y, thề đi theo, trọn đời giữ giới - tức như tôn giả Đại Ca-Diếp. Ngày nay Phật đã nhập diệt cũng không được áp dụng phương pháp này.
5- Do khéo trả lời, tùy thuận những điều Phật hỏi về giới; tức như Tô Đà Di. Ngày nay Phật đã nhập diệt không áp dụng phương pháp này.
6- Do theo sự hướng dẫn của đạo sư mà thọ bát kỉnh pháp. Tức là bà Đại Ái Đạo (mẹ kế của đức Phật) và 500 vị tỳ-khưu-ni đầu tiên.
7- Do sai sứ đi cầu giới. Do những người phụ nữ đẹp từ chùa ni qua chùa tăng dọc đường có thể bị xâm hại nên sai người nữ khác đi Cầu giới.
8- Do trì luật, tác pháp yết-ma (người hành giới luật tác pháp) như ở các nước biên địa xa xôi với Chánh pháp, thì chỉ cần 5 vị sư truyền là đắc giới.
9- Do thập chúng, tức là ở vùng Phật pháp thịnh hành thì phải có 10 luật sư truyền giới thì mới đắc giới. Phương pháp 5 người hoặc 10 người truyền giới là phương pháp duy nhất được sử dụng hiện nay.
10- Do nói quy y Phật, Pháp, Tăng, 1,2,3 lần, tức như thập lục Hiền Bộ cùng hợp lại để thụ cụ giới. Riêng về Tam ngữ đắc giới thì chỉ áp dụng lâm thời vì lúc Phật còn tại thế, tăng đoàn phát triển nhanh nhưng và Phật chưa quy định bạch tứ yết-ma thọ Cụ túc, tức là trước lúc quy định về trường hợp thứ 8 và thứ 9.
(Thập Tụng Luật, quyển 56, Đại chính, 23, tr. 410, thượng).
Mười pháp trên đây, trừ Phật và Độc giác, kể cả A-la-hán, còn tất cả đều phải y vào Thầy (thầy là Phật hoặc tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni). Đó là pháp tắc thọ giới làm khuôn phép ngàn đời. Chống lại phép tắc này là con cháu ma quân phá hoại pháp Pháp.
Ngoài ra, trong Cương Yếu Giới Luật nêu ra 8 hạng Tỳ kheo, chúng tôi xin phép được nêu thêm để tham khảo như sau:
1. Danh tự Tỳ-kheo: Là tên do thế gian gọi, chứ không phải Tỳ-kheo, vì không thọ giới Cụ túc.
2. Tương tợ Tỳ-kheo: Là cạo bỏ râu tóc mà không thọ giới. Giả bộ hình tướng xuất gia nhưng thực chỉ là cư sĩ trọc đầu.
3. Tự xưng Tỳ-kheo: Là cạo bỏ râu tóc rồi mặc áo ca-sa trà trộn trong hàng ngũ xuất gia, tự xưng Thích tử. Trong Phật giáo gọi là tặc trụ. Hạng này cần phải đuổi ra khỏi ngôi nhà Phật pháp và không cho thọ giới.
4. Khất thực Tỳ-kheo: Cũng mặc áo ca-sa khất thực, lạm xưng Thích tử, nhưng kỳ thực là ngoại đạo hay cư sĩ, không có giới luật.
5. Thiện lai Tỳ kheo: Là khi Phật còn tại thế, bậc lợi căn đến xin xuất gia. Phật gọi "Thiện lai Tỳ-kheo" tiến tu phạm hạnh để diệt khổ, tức thời râu tóc được phép tự rụng, y ca-sa dính vào mình đúng Luật, trở thành Tỳ-kheo.
6. Trước ca-sa Tỳ-kheo: Là 3 y của Tỳ-kheo cắt dọc từng miếng may lại và nhuộm màu hoại sắc mà mặc, như ngoại đạo người thế tục cũng xưng là Tỳ-kheo, kỳ thực không phải Tỳ-kheo.
7. Phá kiết sử Tỳ kheo: Tất cả phiền não ràng buộc, làm cho chúng sinh phải trôi lăn trong 3 cõi. Nếu xuất gia có thể đoạn trừ được phiền não ấy thì chứng quả A-la-hán, liền đặng Cụ túc giới.
8. Bạch tứ kiết-ma Tỳ-kheo: Nếu có người muốn xuất gia, họ đối trước chúng Tăng ba phen cầu khẩn. Chúng Tăng mới một lần bạch, 3 lần kiết-ma truyền giới Cụ túc, gọi là bạch tứ kiết-ma. Một lần thưa, ba lần hỏi (biểu quyết).
Trong 8 hạng Tỳ-kheo nói trên, trừ Thiện lai Tỳ-kheo, là chúng Tỳ-kheo chỉ có trong khi đức Phật còn tại thế. Trong những năm đầu khi chưa chế giới, những thiện nam nào đến với Ngài và xin phát tâm xuất gia thì gọi là Thiện lai Tỳ-kheo. Ngay khi Ngài gọi "Thiện lai Tỳ- kheo" thì mặc nhiên giới thể được đầy đủ.
Trong kinh còn nói rõ thêm là: Y pháp cụ túc, tu phát tự lạc là y phục được đầy đủ, râu tóc tự rụng. Tự rụng ở đây không phải là nó tự rụng liền đâu, nhưng nó được phép cắt, cạo đúng Luật. Cụm từ "Thiện lai Tỳ-kheo" chỉ có trong thời đức Phật chưa chế giới và cũng chỉ có Phật mới dùng tiếng "Thiện lai Tỳ-kheo" mà thôi. Còn sau khi đức Phật chế giới rồi thì chỉ có thọ giới trong giới đàn và phải bạch tứ kiết ma mới thành Tỳ-kheo.
Bây giờ còn lại 7 hạng Tỳ-kheo. Trong 7 hạng Tỳ-kheo đó, tùy hành giả tự chọn. Nếu chọn hạng Danh tự Tỳ-kheo thì chỉ có cái tên suông. Nếu chọn hạng Tương tợ Tỳ-kheo thì cũng na ná như Danh tự Tỳ-kheo. Tóm lại, ai muốn chọn loại nào thì tùy ý.
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dầu tân dầu cựu về mặt giới luật, thể tánh đồng nhất.
Nhất Dạng Sơn
Am Cỏ Thơm ngày 16/5/2024.