;
Qua bài giảng tưởng niệm cố ni sư TN Tâm Niệm, trụ trì chùa Bửu Trì, thay vì giảng đề tài Phật giáo ứng dụng trong cuộc sống đem lại lợi ích cho quần chúng, Ông lại đưa ra chủ đề: " CÁC VỊ THẦN THÁNH TRONG CÕI VÔ HÌNH". Một chủ đề nghe qua đã cảm thấy không bình thường, rất xa lạ với giáo lý thực tế của Phật giáo. Trong bài, sau khi ca ngợi cố ni sư và chính quyền, ông nói:
"Một ngày nào đó, khi đã tu chứng A La Hán, Người sẽ trở lại nơi đây, mang theo hạnh nguyện Bồ tát cùng những công đức lớn gấp bội phần để độ chúng sinh"
Theo Phật Quang Đại Từ Điển, A La Hán là bậc đoạn dứt Kiến hoặc và Tư hoặc trong ba cỏi. Luận Câu Xá quyển 4, thì A La Hán là một trong 4 quả vị Thanh Văn.. Alahan có 2: La Hán hướng và La Hán quả. Theo Đại Trí Độ thì La Hán có nghĩa - Sát tặc - Bất sinh và Ứng cúng. Tạp A Tỳ Đàm Tâm thì Thoái pháp A La Hán - Tư pháp A La Hán - Hộ pháp A La Hán - An trụ pháp A La Hán - Kham đạt pháp A La Hán - bất động pháp A La Hán... có nghĩa không nói đến A La Hán trở lại nơi đây thuyết cho quần chúng nghe.
Còn hạnh nguyện Bồ tát lại là vấn đề khác, thuộc Bồ tát đạo. Bồ tát đạo là sự tu hành của một vị Bồ tát thông qua 6 độ muôn hạnh, lợi mình lợi người để đạt đến quả vị Phật. Bồ tát đạo chỉ có ở Phật giáo đại thừa, tức trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, khác với quả vị A La Hán theo chủ trương của Tiểu thừa là giải thoát hẳn không trở lại, gọi là bất lai. Ông không nắm vững giáo lý Tiểu thừa và Đại thừa nên nói nhập nhằng đánh lận con đen làm cho người nghe tưởng thông tuệ Phật pháp.
"Ông khẳng định rằng: Đạo Phật không đánh giá tâm chứng đạo thông qua tuổi tác, mà thông qua thời gian tu tập, đạo hạnh, đạo lực của người tu. Vậy nên, dù vẻ bề ngoài hiền lành, ít nói nhưng nhiều thầy trẻ tuổi đã là Tỳ kheo rồi, vì bên trong nội tâm của họ đã được khai mở, đạo lực và đạo hạnh thật sự của họ lớn hơn ta rất nhiều."
Chuyện tâm chứng đạo thông mà thông qua thời gian tu tập, đạo hạnh, đạo lực...kể cũng lạ. Vậy cần gì những thiền sư bỏ suốt cuộc đời hành trì miên mật một pháp mà đôi khi chưa liễu ngộ. Ca ngợi tu sĩ trẻ mà đã thọ Tỳ kheo là trong tâm họ đã khai mở...thì cần gì tu tập miên mật nữa. Đúng là phá đạo tà kiến.
"Nhiều lúc tu, có một số việc ta làm không tốt khiến kiếp sau ta bị đọa làm cư sĩ"
Lại thêm một lập luận mê muội. Theo kinh, thuở Phật còn tại thế, cư sĩ Duy Ma Cật là một vị thế trí biện thông, Phật sai tỳ kheo đến thăm khi ông bị bệnh mà không ai dám đi, một cư sĩ như thế mà chưa từng nghe Phật bảo là bị đọa do làm tu sĩ không tốt, thì ông y cứ vào đâu mà dám nói sai kinh điển như thế?
"Hay khi ta đã là một cư sĩ thuần thành, hết sức lo cho đạo, tinh tấn tu hành, nhưng vẫn không xuất gia được vì còn duyên nợ với đời". Nói kiểu bằng huề, thiếu gì người không bị gia duyên ràng buộc mà có xuất gia được đâu, vì chưa đủ duyên chứ đâu phải vì duyên nợ. Thiếu gì người mặc áo tu mà vẫn còn vương vấn duyên nợ tình trần thì sao?
... Chỉ kiếp nào ta gặp được chánh pháp, gặp được minh sư, gieo được duyên lành trở lại thì ta mới xuất gia. Vậy nên, ta phải thật lòng quý trọng, kính nể quý thầy trẻ tuổi thì mới có phước về sau để tiến tu.
Đây là lối nói nịnh quý thầy trẻ ở địa phương để được lòng sau nầy họ còn mời đến giảng bậy nữa ?!
"Phật giáo Nam Tông có truyền thống xuất gia gieo duyên rồi hoàn tục lại, vì cho rằng nếu ai đã mang hình tướng người Tu sĩ trong vòng vài tháng thì kiếp sau sẽ được xuất gia trở lại. Nghe có vẻ đúng với Nhân quả, nhưng thật sự người chỉ có ý định xuất gia vài tháng thì trong đầu đã nghĩ gì? Nghĩ đến ngày hoàn tục, muốn thử cạo tóc rồi vài tháng sau bỏ chùa ra đi.
Như vậy cái nghiệp nhân của họ là gì? Đó là đùa giỡn với Chánh pháp, trong khi vào thời xưa người đã quyết định cạo tóc rồi là thề không bao giờ quay lại con đường thế tục. Xuất gia nghĩa là như vậy, không bao giờ trở lại"
Ông lại nói xúc phạm đến tập quán truyền thống của Nam Tông, chứng tỏ không hiều gì về luật nhân quả chứ chưa nói gieo duyên của Nam Tông. Nhân quả có ba loại- Nhân quả đồng thời - Nhân quả dị thời - Nhân quả sanh thời. Trong ba loại nhân quả đó, có tác ý và có vô ký, một khi được cạo đầu đắp y là đã có tác động đến ý thức, nhân đã gieo sao bảo không có quả?
Ai bảo xuất gia là không trở lại? Vậy mục đích các chùa tổ chức tu tập Bát Quan Trai giới làm gì? Ông bị Hòa thượng bổn sư đuổi ra khỏi chùa, chưa học được luật giới làm sao biết luật Phật chế tu sĩ được bao nhiêu lần vô ra Tăng đoàn? Chính ông đùa giỡn với chính pháp chứ không phải tập tục tu gieo duyên của Nam Tông đã đùa với chính Pháp.
"Ai xuất gia ba tháng sau rồi hoàn tục, đó là người đùa giỡn với chánh pháp. Điều này nguy hiểm vô cùng. Mà người nghĩ đến ngày hoàn tục rồi thì đâu còn ý chí tu hành"
Thế nhà vua Thái cũng như vua chúa các quốc gia Nam Tông đều xuất gia gieo duyên đều là đùa giỡn hay là ông đùa giởn???
" Bởi ý chí, nghị lực của vị đó khi cạo đầu là đi con đường xuất thế không bao giờ trở lại, rất đáng cho ta nể". Thế ông không thấy biết bao nhiêu vị tu rồi vẫn hoàn tục sao gọi là không trở lại?
Để trở thành người xuất gia ta phải biết gieo cái nhân chân chánh. Thứ nhất là kính trọng bậc chân tu. Thứ hai là cố gắng tu tập như người xuất gia từ khi còn là cư sĩ, đó là tập ăn chay, giữ giới kỹ lưỡng không làm điều gì sai lầm, siêng năng lễ Phật, tọa thiền tinh chuyên, v.v…
Sao Ông ăn nói mâu thuẫn thế, tập sự xuất gia gieo duyên để tạo nhân sau nầy là tu sĩ cho là đùa, còn khuyên phật tử cố gắng tu tập như người xuất gia khi còn là cư sĩ thì thế nào?
" Để đến ngày Phật Di Lặc ra đời, mọi người đều được xuất gia; Nếu không, ta cứ làm cư sĩ lang thang mãi thì thật là tội nghiệp."
Kinh nào nói Phật Di Lặc ra đời mọi người đều xuất gia vậy thưa vị giảng sư “uyên thâm” ? Nếu không có hàng cư sĩ thì ai cúng dường cho ông để ông lên pháp tòa ăn nói lếu láo?
"Theo xã hội thì thần thánh là những người luôn cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào; sống một đời vị tha, ít mắc lỗi."
Hãy nghe giải thích Thần Thánh như trên thì những người thực hiện hạnh Bồ tát, luôn cống hiến, hy sinh, vị tha, ít mắc lỗi...đều thành thần thánh hết, thế tu thế nào mới không thành thần thánh để được giải thoát? Ông không phân biệt được thế nào là thần, thế nào là thánh, thế mà cũng ra dạy cho thiên hạ học theo cái dốt của mình.
Thần là người hy sinh cho tổ quốc, mặc dù tâm phàm vẫn còn, có một thần lực kiên định chống ngoại xâm hay bảo hộ dân tộc, nhưng đức hy sinh vì đại nghĩa, được nhân dân tôn sùng thần. Thánh là một bậc cao hơn thần như thánh mẫu Thượng Ngàn, Mẫu thoải, tác động tâm linh trong đời sống quần chúng, mang tính văn hóa hơn. Thánh cao hơn thần nhưng thấp hơn tiên, vì vậy nhân gian có câu: Thần – Thánh -Tiên - Phật. Đến lúc nói đến ông Địa, Ông mạnh miệng bảo:
“Cũng vậy, ta có nên thờ ông Địa không ? Trả lời cho câu hỏi này, Thượng tọa đã kể lại hai truyền thuyết, một ở trong kinh Phật, và một ở trong lịch sử Việt Nam để khẳng định ông Địa là có thật.” Thưa Ông, kinh Phật nào xác định có ông Địa vậy? Trong lịch sử Việt Nam cũng không hề nghe nói đến lịch sử ông Địa, đây là tập quán của Trung quốc.
Nói theo tinh thần văn hóa của Việt, thì ông Địa là người quản lý môi trường thổ nhưỡng, vì thế bảo: “chúng ta thờ ông Địa nhưng không phải thờ dưới đất. Ông Địa là một vị quan có trách nhiệm, có uy đức nên phải được thờ đàng hoàng ở trên cao thì ta mới được phước. Còn ta thờ ông dưới đất, cho nên ta bị quả báo nhỏ con. Vì vậy những ai có thờ ông địa phải đặt lại bàn thờ nơi cao ráo, đó cũng là cái nhân khiến kiếp sau ta được cao ráo.”
Đây là lối lý luận hài hước, hễ thờ cao là được cao lớn, thế thì thờ trên tầng lầu năm thì kiếp sau thân được 5 thước? Bảo ông Địa có thật mà phủ nhận thần tài là điều vô lý. Nếu ông Địa cai quản môi trường thì thần tài cai quản tài lộc, nói theo tinh thần văn hóa, còn bảo không có thì cả hai đều là không.
"Các tôn giáo khác họ cho rằng ông trời tạo ra tất cả, nên ông trời với họ rất quan trọng. Với những người theo đạo Phật lại quan trọng Luật Nhân Quả, nghĩa là mọi thứ đều do nhân quả mà ra. Tuy nhiên, ta vẫn nên thờ vì ông trời rất đáng kính."
Bảo rằng mọi thứ do nhân quả mà ra, lại bảo nên thờ ông Trời vì ông trời đáng kính, vậy Ông đã thấy ông Trời chưa mà biết đáng kính, ông Trời có công gì với nhân loại theo nhân quả nhà Phật? Luật Phật ngoài Tam bảo thì không quy y tà thần quỷ vật, giờ đây Ông bảo phải thờ ông Trời mà không biết lịch sử ông trời như thế nào. Nếu dẫn chứng kinh Phật, ông Trời là chư Thiên đáng kính cần phải thờ, chả lẽ A La Hán, Bồ Tát không hơn hẳn ông Trời đó sao không khuyên tôn thờ?
"Ví dụ muốn biết rõ về các vị Bồ tát, chúng ta phải đọc và hiểu kinh Đại Thừa. Chúng ta thấy Bồ tát chưa bao giờ được sinh ra trên cuộc đời này, nhưng các vị ấy rất linh. Khi ta hướng về một vị Bồ tát thì ta đụng tới mười phương Chư Phật, Chư Bồ tát liền”.Ông múa gậy vườn hoang vừa thôi chứ, sao biết Bồ Tát chưa bao giờ sinh ra cỏi đời nầy? Bồ Tát Mã Minh, Bồ Tát Long Thọ, Bồ Tát Vĩnh Minh, Bố đại Hòa Thượng hóa thân của Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Quảng Đức...không phải là những vị từng hiện hữu cỏi trần nầy sao?
"Thêm nữa, các vị Bồ tát không cần tên, chỉ các vị Thần mới có tên. Vậy nên, khi khấn các vị Thần ta phải gọi đúng tên thì các vị ấy mới đến. Còn khi cầu Bồ tát, ta không gọi đúng tên vẫn đến vì các vị ấy đã chứng quả Phật. Chỉ cần kêu Bồ tát là cả mười phương Chư Phật đều đến và chứng cho ta.
Thế nên, tên của các vị Bồ tát trong kinh Phật đều do các vị Tổ đặt ra cả. Ta cứ sống đạo đức, cố gắng giúp người, một lòng tin Phật, rồi khi cần gì chỉ cần kêu thêm một chữ “Bồ tát” phía sau thì đều được linh ứng. Ngược lại, các vị thần trong nhân gian phải gọi đúng tên mới đến, vì họ chỉ có uy lực do lúc còn sống đã làm nhiều việc giúp đời thôi, chứ họ không phải Thánh, không đi con đường vô ngã.
Hết Ý!!! điều nầy hãy để các nhà Phật học trả lời.
"Các vị Thần được chia làm hai loại, đó là: Không biết đạo Phật và theo đạo Phật. Những vị không biết đến đạo Phật chỉ là những người có công với cuộc đời thì uy lực của họ chỉ tồn tại một thời gian rồi tự mất. Còn những vị mà lúc sống tu theo đạo Phật thì khi làm Thần vẫn hướng về Phật. Các vị này có sự bao dung lớn hơn, linh ứng hơn, sự che chở nhiều hơn". Nhưng còn một vị Thầnnói năng lếu láo như... thì sao?
Điều này cho thấy, việc ta thờ cúng Thần thánh là tốt chứ không xấu. Phật dạy không thờ tà thần quỷ vật, Ông khuyên nên thờ cúng thì ai đúng? Nếu Ông đúng thì Phật sai.!
Ôi, thời mạt pháp sao lắm người lộng ngôn, nói láo thế ? Nếu phân tích hàng trăm bài giảng của Ông thì có hàng vạn cái sai với giáo lý nhà Phật, không hiểu sao các chùa cứ thích Ông đến giảng để làm gì? Đây là cách gián tiếp đưa quần chúng Phật tử vào con đường hiểu sai chánh pháp.
"Chân sư thuyết tà pháp, tà pháp thành chánh pháp, tà sư thuyết chánh pháp, chánh pháp biến tà pháp".
Trên đây tôi chỉ là phân tích bài này, nếu xem và nghe kỹ đa số các bài giảng của vị này đều thiếu căn cứ, không có trích dẫn kinh điển, nói theo cảm tính.
Chức sắc giáo phẩm Ban Giáo dục, Ban Tăng sự, Ban Hoằng Pháp TƯ GHPGVN sẽ làm gì để chấn chỉnh triệt để vấn nạn tuyên truyền tà pháp diễn ra một cách công khai minh bạch như thế ?
23/10/2016