;
Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumàra, ở vườn Nai. Rồi gia chủ cha Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulà bạch Thế Tôn:
- Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà được đem về đây cho con khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này và còn muốn thấy mặt nhau trong những đời sau nữa.
Nữ gia chủ mẹ Nakulà cũng bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulà, khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ có điều gì xâm phạm đến chồng con, cho đến ý nghĩ cũng không, đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này và còn muốn thấy mặt nhau trong những đời sau nữa.
- Vậy này các gia chủ, khi cả hai vợ chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này và cũng muốn thấy mặt nhau trong những đời sau nữa, cả hai người cùng có niềm tin, cùng giữ giới, cùng bố thí, cùng tu tập trí tuệ thì trong đời hiện tại được thấy mặt nhau, và trong các đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Nguồn sanh phước, phần Xứng đôi, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.668)
LỜI BÀN:
Tình nghĩa vợ chồng khi đã kết tóc xe duyên thì không chỉ nguyện ước sống mãi bên nhau cho đến đầu bạc răng long mà còn nguyện cùng nhau đi cho đến sơn cùng thuỷ tận. Đây cũng là mong ước, tâm nguyện chân thành đồng thời cũng là điệp khúc muôn thuở của tất cả những người đang yêu.
Tuy nhiên, giữa ước mơ và thực tại là một khoảng cách xa vời. Khi đã thực sự chung sống, chẳng khó khăn gì để mọi người nhận ra một sự thật rằng: hạnh phúc tuy có đấy nhưng quá đỗi mong manh, khó tìm nhưng lại dễ mất.
Tuyệt vời thay cho gia đình Nakulà, sống chung mà chẳng có điều gì xâm phạm lẫn nhau cho dù trong ý nghĩ. Cố nhiên là họ yêu thương nhau nhưng cốt tuỷ của vấn đề ở chỗ là họ thực sự hiểu nhau. Yêu thương và hiểu biết lẫn nhau là hai yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chúng hỗ tương, khắng khít và chẳng thể tách rời.
Bởi yêu thương mà thiếu hiểu biết thì tình thương ấy sẽ trở thành sự trói buộc. Sẽ không đủ sức mạnh để tin yêu, thông cảm, tôn trọng, tha thứ và bao dung… nếu không thực sự hiểu biết lẫn nhau.
Vun bồi những chất liệu nuôi dưỡng tình yêu nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình, theo quan điểm của Thế Tôn, cả hai người phải nỗ lực tu tập về tín, giới, thí và tuệ. Tin tưởng nơi chính mình và người bạn đời của mình; tự nguyện gìn giữ phẩm hạnh, thuỷ chung son sắt; hỷ xả và tha thứ những lỗi lầm của nhau; hiểu biết nhau thật sự là bí quyết để nuôi dưỡng tình yêu nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trong bối cảnh xã hội phát triển, khi xu thế ly hôn, đổ vỡ hạnh phúc gia đình ngày một gia tăng như hiện nay, thiết nghĩ sự tu tập theo lời Phật dạy như trên để hàn gắn những tổn thương, giữ gìn hạnh phúc gia đình là cẩm nang không thể thiếu đối với mọi người, nhất là những người con Phật.