;
Kính lễ Đức Như Lai Thế Tôn !
“Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Xa xôi tăm tối cũng đều nghe
Những ai lạc bước mau dừng lại
Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về…”
Giây phút này con ngồi đây lắng nghe tiếng chuông ngân, hòa cùng Tăng già và hàng trăm Phật tử tại Mile Square Park, Fountain Valley, Cali trong đêm đốt nến, lắng lòng, quán tưởng, nguyện cầu trước Đại Lễ Phật Đản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK) sẽ cử hành vào ngày mai. Tâm tư con thực hiện một hành trình : “Đường về xứ Phật” và tâm tình của “người cùng tử”, người con lạc bước lâu nay, xin bộc bạch dâng lên cúng dường Đức Phụ Từ trong giờ khắc thiêng liêng tưởng nhớ, kỷ niệm Đản sinh của Người.
Cách đây hơn 25 thế kỷ, khi con người chưa được “văn minh” như ngày nay hoa đua nhau nở, chim reo ca, địa cầu rúng động đón chân một vị Bồ Tát với đại nguyện vào đời và cũng không cần đến các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, tin ấy sớm lan nhanh trong quần chúng và các nhà tiên tri xa gần kéo về thành Ca Tỳ La Vệ với tâm trạng hiếu kỳ, háo hức, diễm phúc vạn hạnh diện kiến dung nhan của bậc kỳ vĩ sơ sanh đó với bao nhiêu dấu hiệu hứa hẹn cho một tương lai huy hoàng rộng mở cho nhân loại. Chiêm ngưỡng tượng Như Lai sơ sinh với tay chỉ trời, tay chỉ đất, đi trên bảy bước hoa sen trên khán đài, con vô vàn thán phục sự trong sáng tuyệt vời, vô nhiễm của Ngài giữa cõi ngủ trược ác thế : “Sinh trong trần nhưng khác người trần”. Còn người thường thì kẹt vướng trong mỗi bước chân đi, mỗi việc làm. Câu nói đầu tiên của Người khi vào đời : “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, nhiều người hiểu và hành xử theo cách của họ với nhân ngã bỉ thử, chấp vào cái ngã riêng, ích kỷ, nhỏ nhoi :
“Ta là một là riêng là tất cả
Trong thế gian không ai sánh bằng Ta”
Cũng một đêm như đêm nay, khi mọi người đang trong giấc ngủ say nồng hay đang cuốn cuồn trong dục lạc, một Thái Tử tột đỉnh cao sang đã lên ngựa Kiền Trắc rời xa cha già mẹ yếu, vợ đẹp, con xinh, vương thành, xã tắc, bôn ba khắc khoải theo tiếng gọi tầm cầu chân lý. Quả thất đó là một cuộc xuất ly vĩ đại vô tiền khoáng hậu, một người có tất cả lại từ bỏ tất cả, một Thái Tử cao sang trở thành gã hành khất lang thang. Nhiều khi của cải, vật chất danh lợi là vòng dây trói buộc khiến cho tâm thức con người bị quanh quẩn, so đo, không được tự do, bay bổng, thanh thoát,...Tại sao Ngài phải trốn đi trong đêm vắng? - Vì : “chính trong đêm tối, Ta đi tìm ánh sáng”, tiếng lòng thương cảm thường trực đã không cho phép Ngài vui hưởng phước của mình trước nỗi khổ niềm đau trầm thống đè phủ kiếp nhân sinh mà thúc giục bước chân Ngài đi tìm lối thoát chung, an vui hạnh phúc thật sự cho muôn loài. Đó là sự cao cả, hi sinh, vô ngã, vị tha, “xả phú cầu bần, xả thân cầu Đạo”
Rồi cũng biết bao nhiêu đêm trường khi nhân loại vỗ về giấc ngủ trong nệm ấm chăn êm trong cánh tay ngà ngọc còn Ngài thì đang hì hục từng giây phút, từng sát na, chiến đấu với ma quân, nhịn ăn, nhịn thở, đi sâu quán sát về khởi nguyên và nhân duyên sự sống. Ai đã từng đến núi Tuyết Sơn, bên sông Ni Liên Thiền chịu đựng cái lạnh thấu xương và cái nóng oi bức, thời tiết khắc nghiệt của Ấn Độ, từng chịu đựng bầy muỗi vo ve vần vũ, đột kích không ngớt mới cảm phục tận đáy lòng về những thử thách lớn lao, những nỗi gian truân chất ngất, mồ hôi và máu của Ngài đã đổ, bao nhiêu cái giá phải trả trên bước đường suy gẫm, thể nghiệm trước khi đến đích cuối cùng.
Đặc biệt có một đêm sau 48 đêm miệt mài Thiền Quán dưới cội Bồ Đề, trải qua đủ loại ma binh quấy phá, Bồ Tát Tất Đạt Đa vẫn không một chút do dự, xao nhãng, Ngài đã sẵn sàng xả bỏ cả thân mạng của mình như bao nhiêu Tiền Thân Ngài đã từng làm, đến vậy thì còn gì phải sợ nữa. Sang canh ba, khi sao mai vừa mọc và nhân duyên công hạnh tu tập tròn đầy, Ngài đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác, thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni. Đó là đêm huy hoàng chói lọi, bóng tối vô minh nhường chỗ cho Ánh Đạo Vàng lan toả nhân gian. Tháp Đại Giác và cây bồ đề sừng sững trang nghiêm ghi dấu cho sự kiện vô cùng trọng đại đó.
Kính bạch Như Lai Thế Tôn !
Con thường đọc tụng lại những lời Ngài dạy : “Như Lai đã đặt gánh nặng xuống, những việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa”, “Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và sẽ thành Phật”. Ngài đã trải qua hành trình đầy gian lao khó nhọc, dò dẫm, tìm đường, công việc còn lại của hàng Thích Tử đơn giản hơn nhiều : Theo dấu Như Lai. Ấy vậy mà sự việc lại không có dễ dàng chút nào! Tập khí, nghiệp chướng, phiền não luôn vây quanh ngăn ngại hành trình tu tập mỗi người. Vẫn còn đó thiên hình vạn trạng tham sân si ẩn náu và an ủi, vỗ về, biện bạch cho bản ngã, việc làm của mỗi người : mình đang phương tiện, tùy duyên, “gặp thời thế, thế thời phải thế”, ngay cả hàng xuất gia nhưng có phải thực sự xuất gia đúng nghĩa như Ngài không? Tại sao lại có hiện tượng quen lờn, khinh suất, giải đãi phóng dật, sụt giảm lòng tin trong tu tập, kiểu như : “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật ngoài hiên, tam niên Phật thăng thiên, tứ niên bất kiến Phật” ? Nay đang là thời Chánh Pháp, hưng long hay đang thời Mạt Pháp? Số lượng Phật tử đông thêm, kinh sách, CDs sẵn sàng, đạo tràng nở rộ thế nhưng mỗi hành giả hãy dành thời gian mỗi đêm ra quán sát như đêm nay để xem : có thực sự là mình đang thăng hoa trên hành trình giải thoát hay không, mình có còn liên tục giữ được “sơ tâm” chí nguyện và lý tưởng như ban đầu học Phật không? Học nhiều, nói nhiều, bày tỏ nhiều, biểu diễn phô trương hình thức nhiều, nhưng công phu tu tập thực sự được bao nhiêu? Giác ngộ, giải thoát là mục tiêu cụ thể, cao nhất, đang hướng dần tới, có thể đạt được hay chỉ là “khẩu hiệu”, nhãn hiệu, sáo ngữ, hay là cách thức lôi cuốn phong trào và mộng tưởng xa vời?
Có những lúc con nhận thấy thực tế phũ phàng trái ngang chua xót khi kinh sách đã đọc nghiên cứu nhiều hơn, bằng cấp học vị thu thập nhiều hơn, nói và giảng chánh pháp Như Lai có vẻ hay ho lưu loát hơn mà tham sân si lại chưa chịu giảm xuống! Cuộc sống người xuất gia thời nay không đơn giản như Tăng đoàn thời Đức Phật với ba Y một Bát mà phải sở hữu, sử dụng nhiều vật chất : vi tính, tủ lạnh, máy lạnh, xe hơi, thẻ tín dụng,…và rồi cái mối nguy hiểm của trói buộc, nợ nần, vướng mắc lại nhiều hơn. Quả thật : “Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Mong mỏi gì đến việc chinh phục quần chúng, chinh phục thiên nhiên, chinh phục xã hội khi mình không chế ngự, tỉnh giác, điều phục, tự làm chủ chính mình được? Con người có thể bay từ châu lục này đến châu lục khác, có thể diễn thuyết những điều thanh cao tuyệt đối nhưng rốt cuộc vẫn đi không khỏi đầu ngọn cỏ và thân vốn vương nặng bụi trần, nhiều khi hổ thẹn khi không thực hiện được điều mà mình dạy bảo người khác nên làm, làm sao trở thành “hoa sen thanh khiết”?
Như Lai Thế Tôn ơi! Trong đời Ngài, Ngài đã ba lần ra biên giới để cản Lưu Ly Vương không đến tàn sát dòng họ Thích và giẫm nát thành Ca Tỳ La Vệ, là thân nam nhi “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, niệm tưởng đến Tứ Trọng Ân, con phải làm những gì cho đất nước, quê hương, trên thế giới với bao nhiêu nạn khủng bố, nổ súng, bom nguyên tử, sát hại, xung đột, kỳ thị, áp bức, chiến tranh, dịch bệnh, đói nghèo, động đất, sóng thần, thiên tai và tin đồn tận thế vẫn nhan nhản hàng ngày. Trong Tứ Diệu Đế của Ngài, nhiều người đã thể nghiệm được chân lý thứ nhất là “Khổ Đế”, vậy ba chân lý còn lại : Tập, Diệt, Đạo, đòi hỏi mọi người phải chiêm nghiệm và hành trì nhiều hơn nữa. Ngài quả là : "Một chúng sanh duy nhất, một Con Người phi thường xuất hiện trong thế gian, vì lợi ích cho số đông, vì lòng từ mẫn, vì sự tốt đẹp, vì sự hạnh phúc của chư thiên và loài người" (Anguttara Nikaya).
Hôm nay chúng con thắt giải đồng tâm hiệp lực nguyện cầu và hành động cho quê hương và thế giới trở nên Chân Thiện Mỹ, với hạnh nguyện dấn thân cứu khổ độ sinh, làm giảm nỗi khổ niềm đau cho đồng bào, dân tộc và nhân loại chúng sanh. Nếu bảo tu hạnh từ bi ban rải khắp chúng sanh, pháp giới mà không ngó nghĩ về những nỗi khổ mà dân tộc quê hương mình đang gánh chịu, nơi đó chúng ta đã thọ nhận biết bao nhiêu ân tình để trưởng thành như hôm nay, vậy có phải là trốn tránh trách nhiệm và xa rời thực tế hay không? Tu là chuyển nghiệp, biệt nghiệp và cộng nghiệp có thể thay đổi. Đức Phật không đứng ra kêu gọi những cuộc “cách mạng xã hội” nhưng chính năng lực tu tập của tứ chúng đưa đến những đổi thay và chuyển biến nhiệm mầu. Bao nhiêu vị vua lả học trò của Ngài, học hỏi Ngài cách trị quốc, các vị vua Việt Nam thời Đinh, Lê, Lý, Trần là Phật tử, theo lời dạy các quốc sư mà thương yêu lo cho dân cho nước, khiến cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bình, hạnh phúc, thịnh trị. Tấm gương xưa vẫn còn đó và ngày nay Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc, chủ tịch UNESCO và bao nhiêu hàng trí thức khác vẫn đang trân trọng ghi nhớ, kỷ niệm, học hỏi từ bậc vĩ nhân cao cả của nhân loại : Thích Ca Mâu Ni thì lẽ nào hàng lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo thế giới, nhân dân Việt Nam, Tăng Ni Phật tử và nhân loại lại không thể tìm kiếm được những giải pháp cho những khủng hoảng hiện tại từ trong kho tàng Pháp Bảo của Đức Thế Tôn? Khi nào Bát Chánh Đạo còn được học hỏi và hành trì khi ấy an lạc và hạnh phúc vẫn được hiển hiện.
Dù không được sinh ra cùng thời với Đức Phật nhưng con có được nhiều duyên phước : học hỏi tu tập nhiều năm tháng tại xứ Phật, cảm kích sờ vào trụ đá đánh dấu đản sanh tại Lâm Tỳ Ni, tần ngần ngồi xem nhóm người cắt cỏ và những tường gạch đổ nát tại Thành Ca Tỳ La Vệ, thán phục khi đi vào hang động ở Khổ Hạnh Lâm, tôn kính đảnh lễ cây bồ đề và toà ngồi của Ngài, ngắm nhìn những đàn nai nhởn nhơ thanh bình tại Vườn Lộc Uyển, lắng nghe tiếng hát Sông Hằng vào mỗi sớm mai, bùi ngùi cầm những chiếc lá Sa La trong tay, luyến tiếc nhớ thương tại Vườn Câu Thi Na với Tượng Phật nhập Niết Bàn. Con đã trải qua những đêm không ngủ và kinh hành vòng quanh tại Bồ Đề Đạo Tràng, những giờ thiền quán tại Linh Thứu Sơn và Hương Thất của Phật, một lần nữa, đêm nay, con ngồi đây để kính tưởng, đảnh lễ đấng Từ Tôn. thời gian như ngừng trôi, không gian thời gian như xích lại để cho con được những giây phút giao cảm tâm tư, “Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn” trong tình cha-con, thầy trò với Như Lai Thế Tôn. Con không phải cảm thán như một Tăng sỹ phủ phục bên tượng Ngài nằm tại Câu Thi Na :
“Phật tại thế thời ngã trầm luân,
Kim đắc nhân thân Phậtdiệt độ,
Ảo não thử thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắcthân”
Khi Phật còn tại thế thì Ta trầm luân
Nay được thân người, Phật đã diệt độ
Đáng thương thân này nhiều nghiệp chướng
Không thấy thân vàng Đức Như Lai.
Sắc thân Như Lai không còn nhưng Pháp Thân vẫn lồng lộng bao trùm pháp giới. Dù nghiệp chướng đến đâu, hôm nay con cũng nương tựa Tăng đoàn và “đức chúng như hải”, con luôn tâm niệm :
Hạnh phúc thay chư Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay Tăng già hòa hợp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu.
Dâng ngọn đèn lên cúng dường dưới chân Đức Thế Tôn con ý niệm được : Ngài là bậc sáng suốt giác ngộ, toả ánh từ quang khắp Đông Tây Kim Cổ :
Từ Tôn in vết thần chân lý
Sáng rọi thanh xuân vạn cõi lòng.
Từ đó Tổ Tổ “truyền đăng tục diệm” nguồn sáng ấy. Hôm nay con đã có được họ “Thích” của Người, là Như Lai sứ giả, “con công không giống lông cũng giống cánh”, nguyện cầu Ngài chứng minh và gia bị cho tâm nguyện và hành trình của chúng con. Nay vừa là ngày Lễ Mẹ và ngày Lễ Cha - Niềm Tin và Trí Tuệ Bát Nhã là mẹ sinh ra bao nhiêu công đức lành và Thánh quả. Chúng con ý thức rằng kỷ niệm Phật đản không phải trong một đêm hay một ngày mà là trong mỗi phút giây, sát na, hơi thở sự sống, phải sống với chánh pháp, gìn giữ mạng mạch Phật Pháp, mỗi hành giả là sứ giả Như Lai trong hành trình tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, khiến cho vị Phật bên trong chúng ta phát khởi ra và mang đến cho đời nhiều nội dung Phật chất, làm tốt Đạo, đẹp Đời.
Xin cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người, trùng trùng duyên khởi đã tạo duyên hỗ trợ cho con trong hành trình tu học và tạo nên được khung cảnh thiêng liêng ấm áp như đêm nay để con được quán chiếu, tâm tình, làm hành trang tâm linh quý giá trong hành trình tu tập và hạnh nguyện mang ánh sáng, tình thương vào đời và từng bước thể nhập với Như Lai, với thể tánh chân như.
Đêm nay thắp nến nguyện cầu
Việt Nam hạnh phúc, năm châu thanh bình
Cầu xin Từ Phụ chứng minh
Thảnh thơi, vững chãi hành trình con đi.
Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cali, đêm thắp nến nguyện cầu Phật Đản, PL 2557