;
Lật tẩy trò bịp của ông thầy dị dạng (tiếp theo)
LÚC TỤNG KINH PHẢI UỐNG BIA CHO... NGỌT GIỌNG
Nhân vật tự xưng “thầy” là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, mập ú mà nhóm đệ tử của ông quen gọi là “sư phụ”. Đệ tử của ông đa phần ở độ tuổi trung niên. Đệ tử nam thì có vẻ mặt kém sáng sủa, còn đệ tử nữ lúc nào cũng phấn son lòe loẹt, mắt xanh, môi đỏ, tóc nhuộm đủ màu, xăm chân mày bén ngót. Nói là “chùa” nhưng thực chất đó một căn nhà cấp bốn rộng hơn 50m2 nằm lọt thỏm sau những tòa cao ốc. Bên hông am có một bức tranh làng quê, còn gọi là làng Bình An để “chứa” các vong linh cần siêu thoát. Trong nhà có cái hồ lô màu đen, cao hơn một mét, lớn cỡ một người ôm. “Sư phụ” nổ rằng: “Hồ lô này đã bị ta “nhốt” rất nhiều vong linh”. Trên cổ hồ lô treo cái “túi càn khôn” màu vàng dùng để “bắt ma”. Xung quanh hồ lô là chi chít những tượng, với nhiều vẻ mặt buồn, vui. Khắp nơi, tranh ảnh được đặt ngổn ngang và chằng chịt dây đèn điện nhấp nháy như mạng nhện. Hễ thấy người lạ đến chùa, sư phụ hoặc đám đệ tử ông ta đều gặng hỏi: “Ai giới thiệu đến đây?”.
Khoảng 19 giờ hàng ngày, sư phụ và các đệ tử tụ tập mọi người đến chánh điện để tụng kinh. Cổng chính luôn được khóa chặt, mọi người gần như bị nhốt trong chùa. Trước khi tụng, một đệ tử thường chuẩn bị sẵn hai lon bia bravia để thầy uống cho... thanh giọng. Người đến nghe kinh được bố trí ngồi sau chánh điện. Bên trái và phải chánh điện là đám đệ tử tập hợp thành những “dàn đồng ca”. Mỗi khi “sư phụ” cất lời tụng, đệ tử thi nhau rướn cổ hét theo. Thay vì ngồi ngay ngắn để niệm phật thì vị sư ngồi ngả ngớn trên những chiếc ghế. Thỉnh thoảng, một tay ông chống bên hông, tay còn lại cầm micro tựa chống cằm, đầu chúi về phía trước trông rất kỳ quái.
Giữa chánh điện là chỗ ngồi của năm người đàn ông. Lúc làm lễ, những người này vô tư nói cười, có khi họ mặc quần ống xăn, ống thả, hai tà áo buộc sang một bên. Ngồi giữa đám đàn ông là hai người đàn bà; một người tên Hạnh khoảng 60 tuổi; người kia tên Hồng Hoa - còn gọi là Út, khoảng 40 tuổi, thay phiên nhau lên đồng. Nhập cuộc cầu kinh khoảng 20 phút, người lên đồng sẽ lắc lư đầu, mình mẩy run rẩy, chân tay múa máy, tóc tai xù xợm rồi lồng lộn lên một cách điên dại. Mỗi khi người lên đồng giẫy giụa là năm người đàn ông xúm lại ghì vai, đè đầu, khóa chặt chân tay. Nếu tiếp tục vùng vẫy, “sư phụ” sẽ dùng đôi bàn tay khủng của mình bóp đầu người lên đồng để “trị” ma. Thành phần nhập xác lên đồng cũng rất đa dạng. Có khi là “vong linh chiến sĩ, linh hồn các em bé, quỷ sứ, ma cà rồng; có khi là hổ, báo, rắn, rết tu thành tinh...”. Tùy theo thành phần nhập xác là loại gì mà người lên đồng có cách “hành xử” giống loại đó.
Tối 22-1-2013, chúng tôi lại đến chùa. Tụng kinh chưa được 20 phút, đột nhiên bà Út lên đồng, toàn thân ngoe nguẩy trên nền gạch. “Sư phụ” đến hỏi: “Ngươi là con gì? Ở đâu đến đây?”. “Con là con rắn thành tinh”. “Sư phụ” đọc kinh làm con phải ói ra 611 con rắn con rồi đó”. Nghe xong, mọi người trố mắt thán phục bởi tài nghệ trục xuất rắn của sư phụ. “Con rắn” nhập xác cho biết thêm: “Thầy của con là một con rắn thành tinh hai đầu. Thầy con “ghiền” một phụ nữ đã có chồng nên bảo con nhập vào người phụ nữ này và làm cho cô ta xanh xao, gia đình xào xáo, vợ chồng ly tán”.
MỖI NGÀY “ĐƯA” VỀ 5 TỶ VONG LINH?!
Ngày 23-1-2013, chúng tôi đến chùa khi trời vừa chập choạng tối. “Sư phụ” đang tiếp ba vị khách. Một người đàn bà khoảng 50 tuổi mặc áo lam, bên trái bà ta là một phụ nữ hơn 40 tuổi mặc áo xanh, bên phải là người đàn ông nước ngoài da đen, cao to. Người đàn bà mặc áo lam nói: “Lần trước, hễ tối ngủ là tôi thường xuyên gặp ma đến đòi bóp đầu, bóp cổ. Hôm sau ngủ dậy thấy mình mẩy đau ê ẩm, nghe nhiều người mách bảo, tôi tìm đến nhờ sư phụ cứu giúp nên giờ không còn gặp ma, mình mẩy cũng hết đau”. Nói xong, người đàn bà quay qua giục người phụ nữ bên trái: “Cô và người đàn ông kia đến nhờ sư phụ giúp gì thì nhanh kể đi”. Người phụ nữ áo xanh lập tức chỉ qua người đàn ông nước ngoài trút bầu tâm sự: “Con và anh này hùn vốn thuê mặt bằng buôn bán ở đường Võ Văn Tần (quận 3) nhưng mấy tháng nay không kinh doanh được. Trước đây đã có rất nhiều người thuê mặt bằng này nhưng làm vài tháng là bỏ đi. Chẳng biết trong nhà đó có ma quỷ gì không? Nhờ thầy coi giúp”.
Sư phụ lắng nghe, thỉnh thoảng gật gù tỏ vẻ bí hiểm. Nghe xong, sư phụ giải thích: “Bữa nay chỗ nào cũng có ma quỷ hết ráo. Bây giờ đa số là quỷ vì ma lâu đời sẽ thành quỷ. Trước đây có ma cà rồng, hiện nay có thêm quỷ cà rồng?!”. Sư phụ phán: “Cô không cần lo lắng, sau này người nào đến thuê thì người đó tự cúng kiếng”. Người phụ nữ áo xanh chen lời: “Nhưng con muốn lo để chủ mới vào thuê làm ăn được suôn sẻ”. Vị sư phụ: “Muốn lo thì tốn tiền dữ lắm!”. “Tốn bao nhiêu, thầy cho con biết?”, người phụ nữ hỏi. Uống một ngụm trà, sư phụ ra điều kiện và nổ: “Đầu tiên phải mua mười thiên gạch (mười ngàn viên - N.V) để cúng dường tam bảo, cúng quan âm ở đây. Chỗ này nhiều vong linh lắm! Hôm nay, thầy đi ra ngoài và chỉ đem về có một tỷ rưỡi vong linh thôi. Mấy lần trước, mỗi lần ra ngoài, thầy đưa về năm tỷ vong linh. Mang về như vậy, thầy phải tụng liên tục ba ngày mới siêu thoát hết. Mà chỉ có thầy mới làm được điều này chứ mấy thầy khác thì đừng mong. Các vong linh này là những chiến sĩ chết trong thời chiến tranh, mình đem về tụng kinh siêu thoát thì công đức vô lượng. Nhưng thầy chưa làm hết bởi thầy đang bận những việc khác”. Nói tới đây, sư phụ chợt khựng lại: “Ba ngày tới thầy có công chuyện rồi”. Người đàn bà mặc áo lam giục: “Thầy tranh thủ cúng giùm cô này với”.
Vị sư phụ ra giá: “Muốn thầy cúng thì phải phát tâm cúng dường. Mình không phát tâm cúng dường thì thầy không làm được. Thầy sẽ làm miễn phí nếu người đó không có khả năng cúng. Ví dụ hôm trước thầy đến một “ủy ban quân đội” để cứu giúp cho những người không có điều kiện. Mình làm ăn mà không chịu làm phúc thì không có hậu cho con. Đối với thầy, mỗi khi “thỉnh” thầy lên cúng thì không có chuyện gì là không làm được hết ráo”. Nhìn qua người phụ nữ như có ý thăm dò, ông “quảng cáo” tiếp: “Ở ngoài Huế, ngoài miền Trung còn vào đây cầu cứu thầy nữa là. Vong linh ở những chỗ đó thuộc về cái tà rồi, thầy tới chỗ đó nói thì tất cả phải theo thầy về hết. Nội bàn chân của thầy thôi, thầy giẫm chỗ nào thì đất chỗ đó chịu không nổi”. Người đàn bà áo lam nghe vậy liền chắp tay “mô phật”. Chúng tôi giật mình nhìn xuống đất, quả thật thầy có đôi bàn chân to tướng, ống chân tròn lũn khác thường.
Sư phụ tiếp lời: “Ở chỗ đó vong vị nhiều lắm! Nào là tai nạn xe, chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh, nào là em bé chết, binh gia ở những chỗ khác mang về nên cần phải có một lá bùa binh dữ dằn lắm mới trị nổi. Thầy ở đây là để cứu độ chúng sinh và chuyện đó thầy đã từng làm nhiều”. Người phụ nữ mặc áo xanh nóng lòng: “Con muốn thầy giúp liền, bao nhiêu tiền không thành vấn đề”. Chẳng biết trong chùa này có ban bệ gì không nhưng khi nghe người phụ nữ áo xanh nói vậy, vị sư phụ lớn tiếng: “Thư ký đâu, ghi trường hợp này lại cho thầy”.
Người đàn bà áo lam nói thêm: “Chị này mua mảnh đất trên Bình Chánh, xây nhà được hai năm rồi, muốn bán nhưng không ai mua, hàng chục người đến xem rồi cũng lắc đầu ra đi. Thầy xem giùm mảnh đất đó có vong linh nào ám không?”. Sư tiếp tục nổ: “Thầy ở đây nhưng biết mảnh đất đó có nhiều vong lắm?! Dưới miếng đất đó có nhiều xương cốt. Nơi đây có quỷ “cư trú” và cả vong linh của các chiến sĩ. Muốn bán được thì phải cúng kiếng. Nếu cúng không xong, thầy sẽ chuyển sang biện pháp bóp đầu”. Thầy khoe thêm: “Hôm trước thầy bước lên một cái xà lan rất to, chiếc sà lan suýt bị lật bởi lúc nào xung quanh thầy cũng có hàng ngàn binh gia, chiến sĩ theo, sà lan nào chịu nổi. Thầy đi đến đâu là đám đệ tử của thầy sẽ báo về cho thầy biết ở dưới đó có gì rồi, nên chỉ cần thầy đi một vòng là bắt được rất nhiều ma quỷ”.
CHỮA BỆNH HAY SỜ SOẠNG?
Hôm nào có người nhờ “sư phụ” chữa bệnh thì đến khi tụng kinh, ông ta sẽ ngoắc người đó đến chắp tay, quỳ gối trước mặt rồi dùng bàn chân “tượng” đạp, day, nhéo vào lưng. Tối 2-2-2013, vào đọc kinh khoảng mười phút, ông gọi một phụ nữ tên Thúy (35 tuổi, quê Long An) đang gật gù cầu nguyện đến bên cạnh. Ngồi chưa ấm chỗ, ông lấy chân phải của mình đạp mạnh lên lưng Thúy làm cô này chúi dụi về phía trước. Thi thoảng, ông lách bàn chân qua bên hông, xuống dưới eo, đùi của Thúy để... bấm huyệt. Mặc dù miệng niệm Phật nhưng mắt ông láo liên, xem chừng mọi người đang “say” kinh liền tranh thủ thò tay xuống eo, lưng... người phụ nữ sờ soạng. Khoảng năm phút sau, ông nhấc bàn chân “khủng” của mình ra khỏi lưng Thúy, một nam thanh niên tên Tuấn ngồi bên cạnh ghé tai thì thầm: “Chị có thấy đỡ tý nào không?”. Thúy nhăn nhúm mặt mày: “Đỡ gì mà đỡ, ông ta véo, đạp đau muốn chết”.
“Chữa bệnh” cho Thúy xong, sư phụ đến chiếc ghế gỗ đặt giữa nhiều người phụ nữ đang chắp tay vái lạy, ngồi ngả ngớn trên ghế, miệng đọc “ráp kinh”, mắt nhắm nghiền. Tay trái ông cầm micro, tay phải vỗ lên đầu, lên vai một cô gái trẻ, chân phải thì đạp trên lưng một phụ nữ khoảng 40 tuổi, mặc áo màu hồng. Vừa đọc kinh, chân ông vừa đạp liên tục vào người phụ nữ mặc áo hồng. Thỉnh thoảng, ông hạ tay xuống dưới “du lịch” khắp lưng cô gái trẻ kế bên. Nhiều hôm sau, hễ chữa trị cho ai thì y như rằng “sư phụ” lại tái diễn kịch bản... dùng chân đạp, tay sờ soạng người đó. Phụ nữ thì được sư phụ ưu ái “chữa” và sờ lâu hơn đàn ông.
Sau nhiều lần đến chùa, chúng tôi bộc bạch: “Hôm trước đi làm về không may bị té khiến mình mẩy đau ê ẩm, đêm đến nhức mình không sao ngủ được, hôm nay đến nhờ sư phụ chữa giúp”. Sư phụ ngồi chễm chệ trên chiếc ghế và ra hiệu cho chúng tôi đến. Thay vì bắt mạch, kê đơn, hốt thuốc, ông dùng bàn chân béo múp “ịnh” lên lưng chúng tôi rồi day, đạp rất khí thế. Bệnh tình chẳng những không bớt mà ngược lại, đêm về cái lưng chúng tôi đỏ tấy, nhức mỏi nhiều hơn. Mấy hôm sau quay lại chúng tôi nói: “Mẹ con bị bệnh, đã đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi, sư phụ có cách nào giúp?”. Ông ra điều kiện: “Nhất định là bị âm binh nào đó quấy phá rồi. Muốn thầy chữa, trước tiên phải mua một cặp đèn dầu tới đây cúng”.