;
Tại buổi lễ, toàn thể đạo tràng bái vọng về nhị vị Hòa thượng chứng minh, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS Trưởng ban Hoằng Pháp TƯ – Trưởng ban Trị sự GHPG VN Tỉnh Hà Tĩnh; Hòa thượng Thích Chân Tính – Trụ trì chùa Hoằng Pháp (TPHCM).
Trong không khí trang nghiêm, Đại đức Thích Quảng Duyên cử hành nghi tiến Giác linh, niêm hương tưởng niệm cố Hòa thượng thượng Nhật hạ Sách; nhất tâm cầu nguyện Giác linh cố Hòa thượng cao đăng Phật quốc, không xả nguyện xưa, tiếp tục hội nhập Ta bà cứu độ chúng sinh và cùng đại chúng tụng kinh Vu Lan. Đại diện môn đồ thế quyến đối trước giác linh sàng Chư tổ phát nguyện hộ trì Tam bảo, phát tâm tu học hoằng dương Phật pháp trong bổn phận người cư sĩ để xứng đáng với sự xả thân vì đạo pháp của bậc Ân sư và chư vị tiền bối hữu công.
Hòa thượng Thích Nhật Sách pháp hiệu Thích Tinh Cần thế danh Hà Thế Hanh, sinh năm 1902, nguyên quán xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Năm 1916 mới 14 tuổi xuất gia vào Cố đô Huế tu học, được các bậc tôn túc Hòa thượng yêu quý, đặc biệt là vị thầy bổn sư đã kèm cặp tu hành sớm trở thành một vị Tỳ kheo trẻ, tinh thông giáo lý Đức Phật lại có phẩm hạnh. Năm Ất Hợi 1935 tỳ kheo Thích Nhật Sách được bổ xứ ra Hà Tĩnh để hoằng truyền giáo pháp và xây dựng Phật pháp trên vùng đất này.
Tại đây, Ngài đã phối hợp với Thượng tọa Thích Mật Thể (lúc bấy giờ) mở Trung tâm dạy học Phật pháp (Hội Quán Phật Học) tại chùa Phật Học (đầu đường 26/3, Tp. Hà Tĩnh khu vực sân vận động mới, Đồng Quế ngày nay), đây là Trung tâm Phật học đầu tiên của khu vực Nghệ Tĩnh. Tại Trung tâm lúc đó có hơn 60 học viên tham dự và hàng trăm Phật tử thường xuyên về đây nghe giảng giáo lý. Ngài trụ trì chính là ngôi chùa Cổ Lam (cạnh Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh bây giờ).Từ đó Ngài đã đặt chân đến hầu hết các chùa trên đất Hà Tĩnh, Ngài còn liên lạc chặt chẽ với Phật giáo miền Bắc để thỉnh mời các vị tôn túc vào bồi dưỡng, tăng thêm kiến thức Phật pháp cho Phật tử hiện hữu nhân dân.
Sau năm 1945 Ngài phụ trách tỉnh Hội Phật giáo Hà Tĩnh. Cách mạng thành công năm 1954 thực dân pháp rút quân khỏi Đông Dương, Phật giáo miền Bắc kiện toàn, Ngài phụ trách Phật giáo Tỉnh hội Hà Tĩnh, lấy chùa Phật Học làm trụ sở hoạt động.
Ngày 3 tháng 7 năm Ất Mùi vào ngày 20/8/1955 Ngài đã viên tịch tại chùa Cổ Lam, phần mộ được táng tại khu vực Hồ Thành xưa (nay là trụ sở UBND tỉnh) và nay ninh phần và tháp mộ của Ngài tọa lạc tại nghĩa trang Đồng Nài, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Gần 70 năm trôi qua, với bao thăng trầm đổi thay của thế sự, Phật giáo cũng không nằm ngoài sự phát triển đổi thay đó, từ những cảnh quan hoang tàn đổ nát, từ những cơ sở Phật giáo bị đập phá hư hoại, đến nay nhiều ngôi chùa được phục dựng khang trang, nhiều cảnh Phật trang nghiêm cờ hoa rực rỡ được dựng xây bề thế, đó là niềm vui, niềm vinh dự cho Phật giáo đồ, chỉ tiếc rằng đâu đó còn lưu dấu những bậc tiền nhân đơn độc dấn thân hy sinh thầm lặng vì đạo pháp trong thời cuộc đảo điên những thập niên trước, các bậc tiền nhân như “cục than hồng” giữ lửa và sưởi ấm cho đạo pháp lúc băng giá khốn nguy, ngọn than hồng ấy đã âm thầm cháy trong gió rét mưa giông góp phần nhen nhóm lên “ngọn lửa đạo” đang rực cháy hôm nay.
Chiều cùng ngày bổn tự đã tổ chức lễ cầu siêu, cầu nguyện cho Chư vị Phật tử tiền bối hữu công, chư gia bách tánh và hương linh cụ ông Nguyễn Văn Khai là thân sinh của Phật tử Viên Đạt - người đã phát tâm dùng số tiền vòng hoa phúng điếu thân phụ để trợ duyên cho chùa Vĩnh Phúc mở rộng khuôn viên.