;
Phần I
Ốm đau thông thường được xem như là một thứ gì đó mà sớm muộn tất cả chúng ta đều sẽ không sao tránh khỏi. Thế nhưng cũng có một thứ "bệnh" không hề làm phương hại đến cuộc sống thường nhật nên người ta không hề xem nó là một thứ bệnh. Trên khắp thế giới mọi người đều xem thứ "bệnh" ấy đơn giản chỉ là một thể dạng tự nhiên nơi mỗi con người. Tuy nhiên nếu suy xét cẩn thận thì người ta sẽ nhận thấy cái thân xác được xem là "bình thường" đó thật ra là đang đau ốm bởi vì các thành phần vật chất và tâm thần tạo ra nó suy thoái trong từng giây phút một, thế nhưng không mấy ai nghĩ đến điều đó mà thôi.
Những người khỏe mạnh thì làm hết việc này đến việc nọ, suy nghĩ, lo lắng, thế nhưng toàn là những chuyện phù phiếm chẳng ích lợi gì cả. Những kẻ ốm đau thì may mắn hơn nhiều, tuy liệt giường nhưng chẳng phải làm gì cả, ngoài việc nghĩ đến các sự bực dọc và đau đớn của mình. Tâm thức họ không bị tràn ngập bởi đủ mọi thứ lo toan, cũng không suy nghĩ vẩn vơ hết chuyện này đến chuyện khác, mà duy nhất chỉ lo lắng vể những sự đau đớn của mình..., nhưng thật ra thì những sự đau đớn ấy cũng có thể loại bỏ được bất cứ lúc nào.
Các bạn không nhận thấy sự khác biệt giữa hai trường hợp trên đây hay sao? Trong những lúc mà các bạn bận rộn vì phải lo toan đủ mọi thứ thì một sự "trống không" cũng có thể xảy đến trong tâm thức, thế nhưng sự "trống không" ấy cũng chỉ là một trò giả tạo, không phải là "Tánh Không" đích thật (tình trạng bận rộn không cho phép mình nghĩ đến những chuyện khác quan trọng hơn và hữu ích hơn, chẳng hạn như các sự đau đớn và bệnh tật. Tình trạng "không nghĩ đến các chuyện ấy" có thể xem như một sự "trống không", tức không một chút ý thức nào về bản chất vô thường, khổ đau và cái chết của chính mình. Đấy cũng tương tự như một trò chơi ú tim, nấp phía các sự bận rộn hay chui vào một xó kẹt trong tâm thức mình để trốn né thực tại). Trái lại mỗi khi đau ốm nằm liệt giưòng, thì đấy cũng là một dịp giúp các bạn nghĩ đến vô thường, khổ đau và vô ngã (không có "cái tôi") là những gì đang hiện lên với mình, và đấy mới là những mối lo toan mang lại lợi ích thật sự. Các bạn phải luôn để tâm đến một điều duy nhất là không được xem những gì đang phải gánh chịu sự đau đớn là mình. Đối với các hiện tượng thể xác và tâm thần (có thể hiểu là các cấu hợp hay ngũ uẩn tạo ra một cá thể) mà các bạn cảm nhận được, thì cũng chỉ nên xem chúng như là những hiện tượng thiên nhiên đang trôi đi và tiếp tục trôi đi. Chúng không phải là mình, không thuộc của mình. Các bạn không có một quyền lực nào đối với chúng cả. Hãy nhìn vào tất cả những gì đang khiến các bạn phải đảo điên để tự hỏi xem mình có một tí xíu quyền lực nào đối với chúng hay không? Hoàn toàn không. Các bạn nên hiểu rằng điều đó đúng với tất cả mọi người.
Dù thân xác đang bị bệnh gì thì điều đó cũng không quan trọng mấy. Đáng ngại hơn nhiều là căn bệnh ở bên trong tâm thức mình. Trong những lúc bình thường, chúng ta không bao giờ nghĩ đến đến các thứ bệnh trong tâm thức, chẳng hạn như thèm muốn, bám víu, đam mê... (kinh sách gọi là kilesa/klesa, là các thứ "xúc cảm hay các yếu tố bấn loạn trong tâm thức", hay các "độc tố tâm thần", kinh sách gốc Hán ngữ gọi là "phiền não"!?). Chúng ta chỉ biết lo sợ về những thứ bệnh tật trên thân xác, e sợ những gì thật kinh khiếp bất thần xảy ra trên cơ thể mình. Dù cố gắng cách mấy để ngăn ngừa chúng và lúc nào cũng cứ nơm nớp mong chúng đừng xảy đến, thế nhưng một lúc nào đó thì chúng ta cũng không sao né tránh được chúng. Thuốc men chữa trị bệnh tật trên thân xác cũng chỉ công hiệu tạm thời mà thôi. Những người từng sống trước đây, dù không bị những thứ bệnh tật ngặt nghèo, nhưng tất cả đều đã từ giã chúng ta. Tất cả đều phải bỏ lại thân xác mình.
Khi nào biết thường xuyên suy tư theo chiều hướng đó thì các bạn sẽ nhận thấy được sự thật về vô thường, khổ đau và vô ngã đối với bản thân mình. Sau đó dần dần các bạn sẽ quán thấy dễ dàng hơn bản chất ảo giác của mọi sự vật, và buông bỏ chúng ngày càng dễ dàng hơn.
Các bạn hãy cố gắng buông bỏ và cố nhìn xem: vậy thì ai đang đau đớn đó? Có phải là "mình" đang đau đớn, hay là sự đau đớn phải chăng cũng chỉ là một dhamma ? (dhamma trong trường hợp này có nghĩa là một hiện tượng/sự kiện/biến cố. Nên hiểu rằng chữ dhamma tiếng Pa-li, tiếng Phạn là dharma, có nhiều nghĩa khác nhau, trong số này có hai nghĩa chính yếu nhất, trước hết là Đạo Pháp/Spiritual Path hay Giáo Huấn của Đức Phật/Buddhadharma, nghĩa thứ hai là "hiện tượng"/phenomenon.) Các bạn phải suy nghiệm thật sâu xa về điều này để nhận thấy rằng thật ra không có một "cái tôi" nào đang đau đớn cả. Căn bệnh (hay cơn đau) không phải là "của mình" mà là của cơ thể, một căn bệnh của thân xác. Cơ thể vật chất và các yếu tố tâm thần đương nhiên phải biến đổi và chịu những sự đau đớn gây ra bởi sự biến đổi đó, thế nhưng trong sự biến đổi và đau đớn ấy không hề có một "cái ngã" nào cả. Các bạn phải tập trung sự chú tâm hướng vào các cảm nhận đó, quan sát chúng, tìm hiểu chúng, hầu quán thấy chúng một cách thật minh bạch (sự đau đớn là của thân xác, là một hiện tượng/dhamma trên cơ thể; bên trong sự đau đớn đó không có "cái tôi" nào cả để cùng đau đớn với nó). Hãy biến sự nhận biết ấy trở nên hoàn toàn trong sáng, nó sẽ giải thoát các bạn khỏi mọi sự đau đớn và bấn loạn. Đấy là cách mà các bạn làm cho tất cả mọi thứ khổ đau phải chấm dứt. Đối với các cấu hợp (cá thể con người là một tổng thể gồm năm thành phần "cấu hợp", kinh sách gốc Hán ngữ gọi là "uẩn") thì chúng cứ tiếp tục hiện ra, già nua, bệnh tật và chết, và đấy là chuyện của chúng. Khi nào các nguyên nhân và điều kiện (cơ duyên) tạo ra chúng không còn hội đủ nữa thì chúng chui vào quan tài.
Tuy nhiên cũng có một số người rất hãnh diện về sức khỏe của mình, lại bỗng nhiên lăn đùng ra chết. Trong các trường hợp đó tâm thức họ không kịp ý thức về những gì xảy đến với họ. Số phận của họ sẽ tệ hại hơn nhiều so với những người đau ốm nằm dài trên giường, bởi vì người lâm bệnh có cơ hội quan sát sự đau đớn của mình hầu phát huy được sự buông xả. Không nên sợ hãi sự đau đớn! Nếu nó xảy đến, thì cứ mặc nó, không nên để cho tâm thức phải đau đớn cùng với nó, mà nên nghĩ như thế này: vậy thì tâm thức mình đã thực hiện được sự trống không về "cái tôi" và cái "của tôi" hay chưa? (xin mạn phép ghi chú thêm là đối với Phật giáo Tây Tạng/Kim Cuơng Thừa và Phật giáo Theravada, thì cảm tính hay sự cảm nhận sau cùng hiện lên trong tâm thức trước khi chết sẽ ảnh hưởng đến sự tái sinh, có nghĩa là sẽ hướng sự tái sinh của mình phù hợp với các cảm tính sau cùng đó. Thí dụ trong khi hấp hối mình biết buông xả, không bám víu bất cứ gì cả, mà chỉ chú tâm phát động lòng từ bi, mở rộng con tim mình..., thì các xúc cảm đó sẽ hướng sự tái sinh của mình vào những hoàn cảnh tốt đẹp. Trái lại các sự sợ hãi, tức giận, lo buồn, bám víu... trong lúc hấp hối sẽ hướng sự tái sinh của mình theo các chiều hướng bất thuận lợi hơn. Do đó trong khi đau ốm không nên để mình bị bấn loạn vì các cơn đau và những sự tiếc nuối và bám víu).
Các bạn nên nhìn vào bên trong chính mình hầu quán thấy mọi sự thật minh bạch, chỉ cần như thế là đủ, không phải tìm hiểu bất cứ gì khác cả. Thuốc thang giúp mình khỏi bệnh hoặc bớt đau đớn là chuyện bình thường; nếu không thấy thuyên giảm thì cũng là chuyện bình thường. Quan trọng hơn cả là trái tim mình (tâm của mình) phải trống không về "cái tôi" và cái "của tôi" (thân xác không phải là tôi, những sự đau đớn là của thân xác không phải là của tôi, kể cả tâm thức cũng không phải là tôi hay của tôi); nếu làm được như thế thì sẽ chẳng có một sự đau đớn nào bên trong nó (tức là trong "trái tim" mình, "trái tim" ở đây có nghĩa là tâm thức và xúc cảm. Trong các ngôn ngữ Á Châu và theo "tâm lý học" Đông Phương thì "tâm thức" nằm trong tim, nói một cách khác là chữ "tâm" có hai nghĩa: tâm thức và trái tim). Đối với sự đau đớn của các cấu hợp thì cứ mặc nó (đau đớn là chuyện tự nhiên của các cấu hợp tạo ra một cá thể).
Hãy xem đau ốm là một dịp may, được nằm trên giường chẳng phải làm gì cả. Đó là dịp giúp mình luyện tập thiền định về sự quán thấy sâu xa (vipassana) trong từng khoảnh khắc một (trong những lúc khỏe mạnh thì thường xuyên bị xao lãng vì công việc). Dù mình đang được điều trị ở bệnh viện hay nằm nhà thì điều đó không quan trọng nhiều. Không nên để tâm lo lắng về việc mình được điều trị tại nơi này hay nơi kia. Hãy trút bỏ ý nghĩ đó và giữ tâm trí trống không về mọi suy nghĩ và thắc mắc. Các bạn không cần phải dán lên tâm thức mình cái nhãn hiệu cho biết là mình đang ở đâu cả (một cách giúp mình buông bỏ sự sợ hãi, và bất toại nguyện vì lo sợ mình không được điều trị đúng mức).
Thật ra các cấu hợp không trú ngụ chung với "mình". Chúng hoàn toàn trống không về bất cứ một "cá thể con người" nào trú ngụ bên trong chúng. Chúng hoàn toàn trống không về bất cứ một "cái tôi" hay cái "của tôi" nào. Khi nào tâm thức đạt được thể dạng đó thì nó sẽ không còn cần đến bất cứ gì khác. Nó không đòi hỏi là phải được ở tại nơi này, phải đến nơi khác, hoặc bất cứ đâu. Đấy là sự chấm dứt tuyệt đối của khổ đau và mọi thứ căng thẳng.
Khi nào tâm thức không còn bị thâm nhập bởi các cảm nhận thích thú hay đau đớn thì nó sẽ được giải thoát, từ bên trong nó và bởi chính nó, phù hợp với bản chất [nguyên sinh] của chính nó. Tôi khuyên các bạn nên quán xét thật cẩn thận cung cách đó của tâm thức, tức là trong tình trạng trống không của nó, phù hợp với bản chất của chính nó, và cũng có nghĩa là nó không tạo ra cho nó một sự thèm muốn nào, không tìm kiếm một sự thích thú cũng không gạt bỏ một sự đau đớn nào.
Khi nào tâm trí đã hoàn toàn trống không đúng với bản chất tự nhiên của nó, không còn một cảm tính chiếm hữu nào dấy lên, thì nó cũng sẽ gỡ bỏ được bất cứ nhãn hiệu nào (một dòng chữ nào) dán (viết) lên nó. Dù cho các tư duy có hiện lên thì nó cũng xem chúng hoàn toàn vô thực thể, có nghĩa là trống không về một "cái ngã". Chúng chỉ là các sự cảm nhận hiện lên và tan biến (tư duy là đối tượng cảm nhận của tâm thức, tương tự như sự đau đớn là đối tượng cảm nhận của thân xác). Các sự cảm nhận lướt qua tâm thức mình và trôi đi, và chỉ có vậy (không thể nào ngăn chận tư duy hiện lên trên dòng luân lưu của tri thức được, thế nhưng không nên để cho chúng gây ra một tác động nào. Trong những lúc ngồi thiền, tư duy vẫn tiếp tục hiện lên, nhưng không nên để cho chúng dừng lại, cứ để chúng nhẹ nhàng trôi đi. Đến một lúc nào đó thì chúng sẽ thưa dần, yếu đi và tan biến hết).
Tóm lại các bạn phải quan sát các hiện tượng hiện ra và tan biến, nói một cách khác là phải theo dõi sự biến động liên tục của các hiện tượng trong thực tại. Đấy là cách giúp tâm thức tìm thấy sự trống không một khi mà nó không còn gán cho các hiện tượng một ý nghĩa nào nữa, tức không dán một nhãn hiệu (hay viết một dòng chữ) nào lên các hiện tượng ấy mỗi khi chúng hiện lên. Sự "hiện ra và biến mất" đó cũng là đặc tính chung của các cấu hợp (ngũ uẩn tạo ra một cá thể), các bạn phải xem đấy là những gì thuộc bản chất tự nhiên của chúng thế nhưng không được để tâm thức dính líu vào đấy, không nên nắm bắt gì cả. Hiểu được điều đó sẽ mang lại cho các bạn thật nhiều lợi ích.
Các bạn không thể nào ngăn chận được các sự thích thú và đau đớn xảy đến với mình, cũng không thể ngăn chận tâm thức mình không dán các nhãn hiệu lên mọi sự vật đưa đến mọi thứ tư duy, tuy nhiên các bạn cũng có thể chuyển sự diễn tiến đó theo một chiều hướng khác hơn. Nếu tâm thức dán một nhãn hiệu vào một cảm nhận nhằm nói lên: "Tôi đau", thì các bạn phải tìm hiểu xem cái nhãn hiệu ấy có đúng thật là như thế không, và sau khi đã "đọc" cái nhãn hiệu ấy cẩn thận thì nhất định các bạn sẽ khám phá ra là nó sai. Bởi vì nếu đúng thì cái nhãn hiệu ấy phải nói lên như sau: sự đau đớn ấy nào có phải là tôi đâu, nó hoàn toàn trống không (không có "cái tôi" nào bên trong nó cả). Hơn nữa dù có nghĩ rằng: "Tôi đang đau", thì sự suy nghĩ ấy cũng sai nốt. Các bạn phải hướng vào tư duy qua một góc nhìn khác hơn: có nghĩa là phải xem tư duy là một thứ gì đó vô thường, bất toại nguyện, không phải là thuộc của mình (các cảm nghĩ của mình không trường tồn, mà chỉ phản ảnh các sự bấn loạn luôn biến động trong tâm thức liên quan đến nghiệp của mình, chúng không hàm chứa một bản chất đích thật hay một thực thể nào cả).
Dù bất cứ những gì xảy đến với mình thì phải quán xét chúng tường tận và buông bỏ chúng. Các bạn phải thật cảnh giác không được bám víu vào các tư duy và cảm nhận của mình, tâm thức nhờ đó sẽ giữ được sự trống không của nó, phù hợp với bản chất của chính nó. Ngay cả trường hợp mà sự đau đớn trở nên quá gay gắt, hoặc tâm thức rơi vào một trạng thái tiêu cực (lo buồn, sợ hãi, bực tức, yếm thế...) thì các bạn cũng cứ tiếp tục nhìn vào bên trong chính mình, giữ sự tiếp xúc trực tiếp với sự cảm nhận của tâm thức về chính nó, như thế sẽ không có một tư duy nào hiện lên khuấy động mình nữa. Khi nào các bạn cảm nhận được sự trống không của tâm thức thì khi đó nếu có một sự bấn loạn hay một cảm tính bực dọc nào dấy lên khuấy động mình, thì các bạn cũng sẽ hiểu được ngay nguyên nhân làm phát sinh ra nó nhất thiết là một sự hiểu biết sai lầm, không phản ảnh một hiện thực tuyệt đối nào cả. Sự hiểu biết đúng đắn sẽ tức khắc loại bỏ các sự hiểu biết sai lầm.
Nếu muốn thường xuyên duy trì được nền tảng của sự hiểu biết đúng đắn như trên đây thì trước hết các bạn phải tập chủ động tâm thức mình, đồng thời tập trung chú tâm để suy tư và tìm hiểu về các hiện tượng đau đớn và khổ đau. Hãy cố duy trì sự chủ động đó cho đến khi nào tâm thức tự nó hòa nhập với sự trống không trong sáng bên trong trái tim (nội tâm) mình. Nếu các bạn thực hiện được điều đó đến chỗ tột cùng thì sự đình chỉ tối thượng của khổ đau cũng sẽ hiện ra tức khắc, đúng vào thời điểm mà tâm thức bắt đầu trở nên trống không.
Thế nhưng nếu muốn thực hiện được như thế thì các bạn phải luyện tập kiên trì. Mỗi khi sự đau đớn phát hiện dù chịu đựng được hay quá gay gắt thì cũng không nên dán cho nó một nhãn hiệu nào cả. Đối với một sự cảm nhận mang tính cách thích thú cũng thế, cũng không nên xem đó là sự thích thú "của mình". Hãy để cho nó trôi qua, đấy là cách giúp cho tâm thức tìm thấy sự giải thoát trong từng khoảnh khắc một - có nghĩa là nó hoàn toàn trống không về bất cứ một sự nắm bắt hay bám víu nào vào "cái tôi". Các bạn phải luôn vận dụng tất cả sự tỉnh thức và năng lực của mình hướng vào việc thực hiện đó.
Mỗi khi ốm đau, nằm dài ra đấy để tha hồ suy nghĩ về những nỗi khổ đau của mình, thì đấy là một dịp may giúp mình trông thấy được Con Đường, quán nhận được sự thật sâu xa của mọi sự vật (vô thường, khổ đau và không thật) để mà buông bỏ chúng. Đấy là cơ may của các bạn mà kẻ khác không có được. Nhiều người tất tả, chạy ngược chạy xuôi, xốc vác mọi việc, và dù có tự khoe là tâm trí mình luôn thảnh thơi đi nữa, thì cũng không thể may mắn hơn các bạn được. Một người liệt giường có nhiều cơ may phát huy qua từng hơi thở - ra và vào - một sự quán thấy sâu xa về mọi sự vật. Nếu luyện tập theo Giáo Huấn của Đức Phật thật chuyên cần cho đến khi nào đạt được sự hiểu biết minh bạch về bản chất sâu kín của mọi sự vật - tự chúng là như thế, bởi vì chúng cũng chỉ là như thế - thì đấy là cách cho thấy mình không lãng phí sự hiện hữu dưới thể dạng con người của mình.
Mỗi khi đề cập đến bản chất đích thật của những gì bên ngoài thì có nghĩa là nói đến sự biến đổi của các hiện tượng trong thực tại, trong đó kể cả năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn tạo ra một cá thể). Các bạn nên tìm cách khám phá ra phương cách vận hành của chúng, và một khi đã hiểu được bản chất của sự vận hành ấy thì các bạn tất sẽ phải tỉnh ngộ, không còn bám víu vào chúng và sẽ buông bỏ chúng (năm cấu hợp cũng chỉ là ảo giác, phù du, một sự kết hợp tạm thời nhờ vào cơ duyên mà có). Sau khi tâm thức đã đạt được thể dạng buông bỏ đó thì trong giai đoạn kế tiếp các bạn nên tìm hiểu nó thật cẩn thận xem nó trống không như thế nào và cứ tiếp tục suy tư sâu xa thêm nữa cho đến khi quán thấy được Tánh Không tối thượng. Thể dạng Tánh Không đó nằm ở một nơi sâu kín nhất bên trong bản thể đích thật của các bạn, nơi đó không còn hiện lên bất cứ một sự tạo tác tâm thần nào, không có gì hiện ra cũng chẳng có gì biến mất, không có một sự biến đổi nào nữa cả.
Khi nào quán thấy được bản chất của các thứ bên ngoài (trong đó kể cả năm thứ cấu hợp/ngũ uẩn) thật đúng đắn cho đến khi tất cả đều trở nên minh bạch, thì tâm thức sẽ buông bỏ, và tiếp tục buông bỏ. Và cũng tức khắc sau đó các bạn sẽ đương nhiên nhận thấy được một cách thật trong sáng bản thể sâu kín bên trong con người của các bạn - nơi đó hoàn toàn trống không, không cón sự xoay vần giữa sự sinh và cái chết, tuyệt đối không có gì được tạo tác (nên hiểu sự tái sinh và cái chết cũng là những gì hiện lên và biến mất trên dòng luân lưu của tri thức, tương tự như tư duy và xúc cảm xô đẩy nhau hiện ra và biến mất trên dòng tri thức đó. Dòng tri thức sau khi đã loại bỏ được những sự hiển hiện và biến đổi đó trên dòng luân lưu của nó sẽ trở nên tĩnh lặng và an bình). Đó là thể dạng trống không tuyệt đối của Tánh Không, không còn một nhãn hiệu nào, một dòng chữ nào nữa cả. Đấy cũng là những gì mà tôi ước mong các bạn sẽ tự khám phá thấy bên trong tâm thức mình một cách thật trong sáng.
Sự trống không bình thường của tâm thức cũng có thể mang lại đôi chút ích lợi (trong cuộc sống thường nhật - chẳng hạn trong những lúc tản bộ hay dạo chơi ở một nơi vắng vẻ - đôi khi chúng ta cũng tìm thấy một sự thảnh thơi, nhàn nhã, không lo lắng hoặc "quên hết" mọi chuyện. Đấy chỉ là cách tạm thời lẩn tránh những sự tấn công dồn dập của các yếu tố bấn loạn/kilesa trong tâm thức mình, nhưng tuyệt nhiên không phải là thể dạng trống không hay Tánh Không đích thật của tâm thức), sự trống không sâu xa ích lợi hơn thế nhiều. Tánh Không đích thật trống không đối với cả bản thể đích thật của tất cả những gì bên trong chính mình. Tánh Không đó mới thật sự đáng để chúng ta khám phá và tìm hiểu nó.
Tánh Không ấy là một thứ gì đó mà các bạn phải tự mình nhận biết. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được để mà nói lên với các bạn hầu giúp các bạn hình dung ra nó, các bạn chỉ có thể cảm nhận được nó khi nào các bạn đã thực hiện được nó mà thôi. Tuy nhiên tôi có thể cam đoan với các bạn rằng sớm muộn, vào một lúc nào đó thì nhất định các bạn cũng sẽ buông bỏ được tất cả mọi sự vật trong một thể dạng mà người ta gọi là "không còn một dấu vết nào lưu lại" (sự giác ngộ).
Nếu các bạn kiên trì phát huy đều đặn sự quán thấy nội tâm như trên đây trong từng ngày và từng khoảnh khắc một, thì cái "khoảnh khắc mà tâm thức buông bỏ được tất cả không còn một dấu vết nào lưu lại" sẽ tự động hiện lên với mình. Tâm thức sẽ "nhận biết" được thể dạng đó của nó bởi chính nó và từ bên trong chính nó. Do đó các bạn không nên để tâm thức bị chi phối bởi các cảm nhận thích thú hay đau đớn. Các bạn hãy thường xuyên tập trung sự chú tâm vào sự lắng sâu của tâm thức bên trong nó và bởi chính nó.
Các bạn không nhận thấy những gì trên đây thật hết khác biệt so với những lúc trước đây khi các bạn còn sung sức và khỏe mạnh, chạy ngược chạy xuôi, lo toan hết chuyện này đến chuyện khác hay sao? Vì thế chẳng có gì tệ hại khi phải gánh chịu sự đau đớn. Sở dĩ tệ hại là vì mình quá dại dột dán các nhãn hiệu lên mọi sự vật để mà gán cho chúng một ý nghĩa nào đó. Thông thường khi trông thấy một kẻ nào đó ốm đau và chết thì lúc đó người ta mới thức tỉnh và nghĩ đến sự phù du của sự sống. Trong những lúc bình thường không mấy ai nghĩ đến cái bản chất ấy của chính mình, hoặc có nghĩ đến đi nữa thì cũng chỉ được một lát, sau đó thì quên ngay và lại đầu tắt mặt tối lao mình vào các chuyện lo toan khác. Họ không bao giờ biết để cho sự thật ấy thấm sâu vào con người mình để mà suy nghĩ về bản chất vô thường không bao giờ bỏ quên mình. Khi mà họ còn đủ sức để làm hết việc này đến việc khác, suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ, kể hết câu chuyện này bắt sang câu chuyện kia, thì đấy là cách khiến họ mất hết định hướng trong cuộc sống mà thôi.
Việc luyện tập thiền định về sự quán thấy sâu xa (vipassana) không phải chỉ cần theo một khóa ẩn cư trong vài tháng là đủ. Tu tập như thế không thể so sánh được với những gì các bạn đang làm (những người đến tu tập với bà Upasika Kee Nanayon trong ngôi chùa của bà), có nghĩa là phải luyện tập mỗi ngày, từ sáng đến chiều và cả ban đêm, chỉ trừ khi ngủ. Mỗi khi sự đau đớn vụt trở nên gay gắt thì đấy là lúc thuận lợi nhất để thiền định, bởi vì đó là dịp giúp mình ý thức được một cách thật minh bạch vô thường là gì, đau đớn là gì, khổ đau là gì và sự bất lực của mình trước tình trạng biến động của mọi sự vật là gì.
Vậy các bạn phải tìm hiểu những thứ ấy ngay tại nơi này, trước mắt các bạn trong lúc này. Do đó các bạn không nên tránh né sự đau đớn. Hãy luyện tập thiền định về sự quán thấy sâu xa hầu nhận thấy bản chất đích thật của sự đau đớn cũng đơn giản chỉ là một dhamma (hiện tượng/pháp), và sau đó thì cứ để cho nó trôi qua, trôi qua và trôi qua. Nếu làm được như thế thì các bạn sẽ không bị nó đánh lừa mình. Đấy là con đường đưa đến sự giải thoát khỏi khổ đau.
Và đấy cũng là việc cần phải làm trước khi cái chết xảy đến với mình, các bạn phải luôn để tâm đến điều đó, không nên chờ cái chết gần kề thì mới luyện tập! Phải luyện tập thật đều đặn, luôn nhìn vào bên trong chính mình. Nếu căn bệnh thuyên giảm thì các bạn sẽ tự nhận biết từ bên trong chính mình, nếu gia tăng thì các bạn cũng sẽ nhận biết từ bên trong chính mình (căn bệnh ở đây là sự khổ đau của tâm thức, tu tập có thăng tiến hay không thì mình phải tự nhận biết lấy mình, người thầy không đoán được chuyện đó). Nếu phát huy được tầm nhìn hướng vào bên trong chính mình theo phương cách đó thì tâm thức sẽ vượt thoát sự đần độn và các sự quán thấy sai lầm của nó về mọi sự vật, nói một cách khác thì những sự thèm muốn và ô nhiễm (kilesa/các xúc cảm bấn loạn trong tâm thức) sẽ không còn gây tác hại cho tâm thức như trước đây nữa.
Đây là cơ hội giúp các bạn tu tập Dhamma (Dhamma trong trường hợp này là Đạo Pháp hay Giáo Huấn của Đức Phật, không có nghĩa là một hiện tượng), vậy các bạn nên dồn tất cả nghị lực và sự tỉnh giác vào việc đó. Hãy xem kiếp sống này là kiếp nhân sinh cuối cùng của mình. Không nên tái sinh trở lại, nếu không thì mọi sự lại cũng sẽ chẳng khác gì như hiện nay, các khó khăn cũ rích lại xảy đến với mình, và cứ thế chúng theo nhau xảy đến, không dừng lại được. Một khi sự sinh xảy ra thì tiếp theo đó sẽ có sự già nua, bệnh tật và cái chết. Tất cả đều phù hợp với sự ô nhiễm (kilesa/các sự bấn loạn) bên trong tâm thức các bạn, các bạn sẽ cảm nhận được hậu quả mang lại từ các hành động nối tiếp nhau của mình (hành động tức là nghiệp, càng hối hả hăng say, nghiệp càng xô đẩy nhau hiện lên và lưu lại các dấu vết trên dòng tri thức của mình), tốt cũng có, xấu cũng có. Nói chung đấy là chu kỳ xoay vần của khổ đau. Vậy tốt hơn hết là nên thoát khỏi sự sinh. Các bạn không nên để mình thèm khát, bởi vì bất cứ gì mà mình thèm khát đều là vô thường, khổ đau và vô thực thể.
Sự thèm khát (desire/ham muốn, bám víu) phát sinh từ các yếu tố bấn loạn trong tâm thức (trong bản tiếng Anh là "defilement and craving", trong bản tiếng Pháp bà Jeanne Schut dùng thẳng tiếng Pa-li là "kilesa" để chỉ định những sự bấn loạn này). Các bạn phải loại bỏ các thứ ấy ngay tại vị trí mà chúng hiện ra (vị trí ở đây có nghĩa là lục giác gồm: ngũ giác và tâm thức). Thèm khát cũng chỉ đơn giản là một sự ham muốn giác cảm, ham muốn dục tính, ham muốn được trở thành như thế này hay thế kia (phản ảnh sự thích thú) hoặc không trở thành (nói lên sự ghét bỏ) - tất cả sẽ khiến hạt giống của sự sinh nảy mầm trong tim (tâm) mình. Vì thế các bạn phải tập trung tất cả sự chú tâm hướng thẳng vào bên trong chính mình, nhìn đúng vào những gì cần phải nhìn, hầu giúp mình hiểu rằng sự bám víu dù có thể đưa đến sự sinh qua một sự tiếp xúc giác cảm (tức mang lại cho mình các sự ham muốn, thích thú, ghét bỏ là các nhân tố trói buộc mình vào vòng luân hồi), thế nhưng ở cấp bậc tâm thức, tức là trên dòng tri thức, thì chỉ nên xem nó là một sự "hiểu biết" và cứ để cho sự "hiểu biết" ấy tự buông bỏ chính nó (không nên chuyển nó trở thành tác ý hay hành động). Đấy là những gì mà các bạn phải luyện tập cho đến khi hoàn toàn thuần thục.
Hãy thật tỉnh giác để ý thức sự hiểu biết trong tâm thức mình và buông bỏ "những gì hiểu biết". Thực hiện được như thế rất hữu ích, vì đấy là cách giúp mình không rơi vào cái bẫy của chúng, tức là không bám víu vào những gì mình hiểu biết hay các quan điểm của mình (cảm nhận được một sự hiểu biết trong tâm thức cũng tương tự như dán một nhãn hiệu hay viết một dòng chữ lên trên sự cảm nhận ấy của mình, nói một cách khác là tâm thức tự động diễn đạt sự cảm nhận ấy bằng cách gán cho nó một ý nghĩa. Ý nghĩa ấy trực tiếp liên hệ với nghiệp đang vận hành bên trong tâm thức, phản ảnh tình trạng vô minh trong tâm thức mình. Bà Upasika Kee Nanayon thường gọi sự hiểu biết - nhãn hiệu hay sự diễn đạt trong tâm thức - là cách mà "tâm thức tự nó giăng ra cái bẫy để đánh lừa nó". Vì thế phải "buông bỏ những gì hiểu biết và cả những gì mà nó hiểu biết", đấy là ý nghĩa của câu trên đây). Nếu những gì mình biết là đúng thì cũng cứ buông bỏ chúng, nếu là sai thì cũng buông bỏ chúng. Nguời ta gọi đấy là sự buông bỏ những gì "mình biết" nhằm không gây ra một sự vướng mắc nào (không bám víu vào bất cứ gì kể cả sự hiểu biết của mình). Làm được như thế sẽ giúp cho tâm thức không nắm bắt bất cứ gì hiện ra bên trong nó. Ngay khi vừa ý thức được một sự vật (một điều) nào đó thì tức khắc các bạn phải buông bỏ nó. Phải giữ cho tâm thức luôn trống không. trống không tất cả mọi thứ tạo tác tâm thần và tư duy, trống không mọi thứ ảo giác có thể thâm nhập vào bên trong nó. Tâm thức phải tức thời nhận biết xuyên qua chúng và buông bỏ chúng, phải thật tỉnh giác và buông bỏ ngay, không nên nắm bắt bất cứ gì cả. Duy nhất chỉ có sự trống không là còn sót lại trong tâm thức mình mà thôi...
Dần dần từng chút một các bạn sẽ nhận thấy kết quả mang lại từ việc luyện tập và sự quán thấy của mình, giúp mình buông bỏ tất cả, buông bỏ cả ý nghĩ cho rằng "mình" là người đang đau đớn, " mình" là người đang hấp hối. Đau đớn và hấp hối là chuyện của các cấu hợp (ngũ uẩn), giản dị chỉ có thế. Khi nào sự hiểu biết trên đây trở nên thật trong sáng và vững chắc - có nghĩa là mình có thể thốt lên: "Chuyện đó không dính líu gì đến tôi, chẳng có "cái tôi" nào trong đó cả" - thì khi đó chỉ còn lại một tâm thức trống không, hoàn toàn không có một nhãn hiệu (một dòng chữ) nào áp đặt lên nó để chỉ định nó. Đấy là bản chất của một tâm thức khi đã loại bỏ được mọi mầm mống hoang mang và lầm lẫn mà trước kia đã khiến nó tin vào hết thứ này đến thứ kia. Sở dĩ các mầm mống đó bị diệt trừ ấy là nhờ chúng ta biết quán xét chúng và buông bỏ chúng. Vậy chúng ta hãy phát huy sự tỉnh giác bên trong tâm thức và buông bỏ bất cứ gì hiện lên, và đến một lúc nào đó thì tâm thức sẽ trở nên trống không - trong sáng một cách tự nhiên, từ bên trong nó và bởi chính nó.
Khi quay nhìn vào bên trong chính mình thì mình sẽ trông thấy tri thức hiện lên và biến mất, bởi vì bản chất của nó là như thế. Nó không thật sự hàm chứa một thực thể nào cả - đấy chỉ là những gì mà chúng ta nhận thấy khi nhìn vào các thể tính cơ bản của nó (vinnana-dhatu) (vinnana-dhatu còn gọi là "thành phần tri thức", tức là thành phần thứ 18 trong số 18 thành phần "thể-xác-tâm-thần" tạo ra các điều kiện thích nghi mang lại sự nhận thức cho một cá thể. Mưới tám thành phần này gồm có: 1-thị giác, 2-đối tượng của thị giác, 3-tai, 4-đối tượng của thính giác..., 16-thành phần tâm thần, 17-đối tượng của tâm thần, và sau hết là 18-thành phần tri thức/vinnana-dhatu). Khi nào tri thức không tham gia vào sự vận hành chung của các thành phần thể-xác-và-tâm-thần khác (tức là các cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể) thì nó chỉ đơn giản ý thức về chính nó - tức là thể dạng tỉnh thức, tinh khiết và đơn sơ của nó. Do đó người ta còn gọi nó là "tâm thức tinh khiết và đơn sơ" hay "phẩm tính tinh khiết và đơn sơ của tri thức", bởi vì tự nó và bởi chính nó là như thế, và rồi nó cũng sẽ buông bỏ cả chính nó (nói một cách khác thì đấy là thể dạng "tri thức nguyên sinh" của một cá thể). Khi người ta khuyên các bạn hãy chú tâm để hiểu biết (ý thức) và buông bỏ sự hiểu biết (sự ý thức) ấy thì đấy có nghĩa là phải chú tâm để ý thức được tri thức cảm nhận mọi sự vật, và sau đó thì tự nó cũng sẽ buông bỏ cả chính nó (kể cả những gì mà nó cảm nhận được).
Đối với "cấu hợp tri thức" (vinnana-khandha) thì đấy là một thể dạng tri thức gây ra đủ mọi thứ rắc rối (xin lưu ý thuật ngữ "cấu hợp tri thức"/vinnana-khandha khác hơn với "thành phần tri thức"/vinnana-dhatu nói đến trên đây. Chữ dhatu/thành phần chỉ định một yếu tố mang tính cách đồng nhất và "đơn thuần" hơn, chẳng hạn như chữ này cũng được dùng để chỉ định 5 "thành phần" tạo ra thân xác một cá thể là: đất, nước, lửa, khí và không gian. Trong khi đó chữ khanda tiếng Pa-li, tiếng Phạn là skhanda, có nghĩa là một cấu hợp/uẩn. Vinnana-khandha là "cấu hợp tâm thân" hay tri thức - kinh sách gốc Hán ngữ gọi là "thức" - và cũng là cấu hợp thứ năm trong số năm thứ cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể. Nếu vinnana-khandha là một thể dạng cấu hợp thì đương nhiên nó phải là ô nhiễm, vô thường và khổ đau, tương tự như tất cả mọi hiện tượng cấu hợp khác). Các sự hoang mang và lẩm lẫn ngày càng chồng chất thêm bên trong thể loại tri thức này (tức là "cấu hợp tri thức" hay là "thức" theo kinh sách tiếng Hán, nói một cách nôm na là "tâm thần" hay "nội tâm" của mình) xui dục mình bám víu vào "cái tôi" của mình. Mặc dù thể loại tri thức này có khả năng buông bỏ được các sự đau đớn trên thân xác cũng như các hiện tượng khác liên quan đến thể xác và tâm thần nói chung (uẩn), nhưng lại luôn bám chặt vào cảm tính về một cái tôi. Do đó nếu tôi khuyên các bạn hãy ý thức về sự buông bỏ những gì mình ý thức được (hiểu biết được) thì đấy cũng có nghĩa là buông bỏ thể dạng tri thức này (nó chỉ là một thứ cấu hợp), và phải đẩy tối đa sự buông bỏ đó đến một mức độ mà nó không còn một dòng chữ hay một nhãn hiệu nào để dán lên chính nó. Đấy là cách khiến nó trở nên trống không. Một khi các bạn hiểu được điều này, hoặc nói một cách khác là các bạn uốn nắn được tim mình và tâm thức mình phù hợp với tầm nhìn đó, thì sẽ chẳng còn lại bất cứ một thứ gì cả. Các sự đau đớn, khổ đau, căng thẳng, cũng như các mối lo buồn sẽ không còn mang một ý nghĩa nào cả, không còn là tốt hay xấu, hoặc là bất cứ thứ gì. Tính cách nhị nguyên (tôi và kẻ khác, đối tượng và chủ thể, tốt và xấu, đúng và sai...) không còn gây ra một tác động nào đối với mình nữa. Nếu ý thức được điều đó - nhờ vào một tri thức không nắm bắt bất cứ một thứ gì - thì các bạn sẽ hoàn toàn tránh được mọi sự tạo tác tâm thần.
Các hình thức nhị nguyên tạo dựng ra cái tốt cái xấu (sự nhị nguyên sẽ đưa đến sự phân biệt), thế nhưng chúng không hàm chứa một thực thể nào cả (các sự phân biệt không hàm chứa một giá trị tuyệt đối nào). Chúng hiện ra là như thế, chúng tan biến thì củng chỉ là như thế, hết sức đơn giản và tự nhiên. Những gì trên đây cho chúng ta thấy tại sao các hình thức nhị nguyên lại uốn nắn sự vận hành của tâm thức theo một mô hình xoắn ốc, biến tâm thức - đúng hơn là tri thức - trở thành thành một sự xoay vần bất tận gồm các chu kỳ nối tiếp nhau. Khi nào các bạn ý thức được sự hiểu biết buông bỏ sự hiểu biết (tức buông bỏ chính nó) thì bên trong tri thức các hình thức nhị nguyên không còn mang một ý nghĩa nào nữa. Trong thể dạng đó của tri thức sẽ không còn một sự nắm bắt bất cứ một nhãn hiệu nào hay một dòng chữ nào nhằm chủ đích chỉ định tính cách tốt hay xấu, thích thú hay đau đớn, đúng hay sai, hay bất cứ thứ gì khác. Các bạn chỉ cần tiếp tục buông bỏ và buông bỏ.
Đối với sự hiểu biết buông bỏ những gì mà nó hiểu biết thì sẽ khó có một từ nào có thể diễn tả được điều đó, không có "cái tôi" nào để mà "hiểu biết" cả, cũng chẳng có một "cái tôi" nào để mà "trông thấy"cả. Thế nhưng đấy lại là một sự hiểu biết thật sâu sắc, đòi hỏi một sự cố gắng nào đó để có thể nhận biết được điều ấy một cách minh bạch và đúng đắn. Các bạn phải tiếp tục quan sát với tất cả sự sáng suốt, một sự sáng suốt xuyên qua sự quán thấy của chính mình. Điều này vô cùng quan trọng, bởi vì đó là một thứ duy nhất có thể mang lại sự Giác Ngộ cho các bạn. Sự hiểu biết của các bạn phải tinh tế, khéo léo, phải luôn duy trì được các phẩm tính đó, nếu không thì sự hiểu biết của các bạn về bản chất đích thật của mọi sự vật - thuộc lãnh vực bên ngoài cũng như bên trong nội tâm - sẽ không hoàn toàn trong sáng. Nó sẽ bị chận lại ở các cấp bậc sơ đẳng nhất của tánh không, và tiếp tục dán một nhãn hiệu lên mọi sự vật để mà bám víu vào chúng, và sau cùng sẽ khiến cho mọi sự trở nên rắc rối thêm mà thôi. Thể loại "tánh không" này không thể mang ra so sánh với Tánh Không đích thật trên đây: có nghĩa là những gì hiểu biết tự loại bỏ chính nó ngay từ bên trong thể dạng tri thức tinh khiết và đơn sơ của chính nó. Hãy cố gắng giữ cấp bậc tri thức trên đây thật vững chắc. Nếu bất chợt các bạn dánh mất nó thì phải quay lại để tìm nó Các bạn sẽ nhận thấy rằng khi nào không nắm bắt một nhãn hiệu hay một ý nghĩa (một dòng chữ hay sự diễn đạt) nào, thì các tư duy nói lên cái tốt hay cái xấu (sự phân biệt) cũng sẽ dừng lại ngay. Chúng sẽ tan biến hết. Đức Phật dạy chúng ta hãy nhìn vào thế giới như là một sự trống không. Quả đúng thế, đấy là cách mà chúng ta phải nhìn vào thế giới này.
Tánh Không hiện ra khi tâm thức không gán cho mọi sự vật một ý nghĩa nào cả, không tạo tác cũng không bám víu. Đấy là cách mà nó trở nên trống không. Khi nào phát huy được sự cảm nhận đúng đắn về thể dạng trống không của tâm thức thì các bạn sẽ không còn bị lôi cuốn (quyến rũ, thu hút) bởi bất cứ gì nữa cả. Nếu chưa tập trung được sự chú tâm đúng theo phương cách đó thì các bạn cũng chỉ sẽ thực hiện được một thứ tánh không hời hợt mà thôi, và các bạn lại tiếp tục bị xao lãng bởi hết chuyện này đến chuyện khác, khiến tánh không ấy bị xao động. Thể loại tánh không đó chỉ đơn giản là một tình trạng hoang mang tâm thần. Tâm thức các bạn luôn bị bủa vây bởi các sự hoang mang đủ loại bởi vì các bạn không phân tích được mọi sự vật ở một cấp bậc thật sâu xa. Các bạn chỉ đùa cợt với khái niệm về tánh không mà thôi. Nếu muốn đạt được các cấp bậc sâu sắc của Tánh Không thì các bạn phải nhìn vào bên trong chính mình hầu phát huy một sự chú tâm thật bền vững để quán xét các sự vật, cho đến khi nào quán thấy được minh bạch bản chất đích thật của chúng xuyên qua các hiện tượng trong thực tại đang hiện ra và biến mất trước mắt mình. Tâm thức trong thể dạng đó sẽ không còn bị lôi cuốn bởi những gì đang xảy ra, không còn dán lên cho chúng một nhãn hiệu nào, cũng không nắm bắt một ý nghĩa nào nữa.
Nếu quán thấy đúng đắn được thể dạng Tánh Không đó thì sẽ không còn một khó khăn nào xảy ra, không còn một nhãn hiệu nào dán lên cái đống hỗn độn của các hiện tượng thể xác và tâm thần (các cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể) nữa. Khi xảy đến giây phút mà tất cả những thứ ấy phải tan rã hết (chết) thì chẳng có gì phải hoảng hốt, chẳng có gì phải lo buồn, bởi vì đấy là cách mà mọi sự vật ra đi một cách tự nhiên. Chỉ vì bám víu vào chúng mà chúng ta mang lại khổ đau cho mình mà thôi (dưới một góc nhìn khác thì sự bám víu đó là những gì phản ảnh "bản năng sợ chết" của chính mình).
Dhamma (Đạo Pháp/Giáo Huấn của Đức Phật hay Sự Thật nêu lên qua những lời thuyết giảng của Đức Phật) đang ngụ tại nơi này, ở ngay bên trong thân xác và tâm thức mình. Chỉ vì chúng ta không trông thấy được nó, hoặc có thấy thì cũng chỉ là một cách thấy sai lầm, cho nên chúng ta nắm bắt nó để mà mang lại khổ đau cho mình (tu tập không đúng với Giáo Huấn của Đức Phật cũng là một hình thức bám víu, chẳng những không ích lợi gì mà còn mang thêm khổ đau cho mình mà thôi). Nếu chúng ta nhìn vào mọi sự