;
Ngày 11-3 Quý Tỵ, một ngày buồn cuối Xuân, màu trời nhuốm Hạ. Một ngày khó quên, một ngày mất mát lớn về đời sống tình cảm và tinh thần đối với tôi. Ngày mà Hòa Thượng Trưởng lão Thiện Nhơn đã thị tịch. Ai đó đã nói : “ Hoa vị xuân hàn khấp – Điếu nhân trường đoạn ai “, nhưng đây không “hàn” mà thật “oi bức”, nắng lửa, hoa vẫn khóc và chim vẫn ruột cắt trăm chiều. Đây là hình ảnh của tôi trước Kim quan của Hòa Thượng. Cõi lòng tan nát “ Tâm dục toái” vậy.
Nhớ những ngày Ngài về sống tu dưới mái chùa Tổ đình. Ngài cùng phụ giúp Sư phụ là cố Trưởng lão Hòa thượng Giác Tánh lo đời sống và nhất là duy trì đạo hạnh của tăng chúng trong thời gian vô cùng khó khăn của đất nước khi chiến tranh vừa kết thúc. Xuất sắc của Ngài là trong hoàn cảnh này mà Ngài vẫn chu toàn được việc tổ chức tang lễ của Hòa thượng Sư phụ thật nghiêm túc. Cờ hoa rợp trời, chư tôn Thiền đức và đạo hữu tứ phương quy tập thật đông đảo để cung tiễn Giác linh Hòa thượng Sư phụ về cõi Phật Cực lạc, nhất nhất không hề sai sót. Mọi người đều tán thán công đức của Ngài đối với Sư phụ.
Nhớ những đêm sau lễ sám, Ngài đã bày biện trà đàm, dưới tàn vú sữa, trong ánh trăng và ghế dài, đẩu, bàn trà là những khối đá vốn là lanto cửa, để tán chân cột được Ngài săn nhặt và sắp đặt có hàng lối. Làm sao nâng mức sống của năm, sáu mươi tăng chúng ? Làm sao đào tạo tăng tài ? Làm sao để xây dựng lại ngôi Tổ đình tuy không nguy nga trang lệ nhưng cũng đủ để tăng chúng tu tập, đạo hữu về quy ngưỡng chiêm bái ? … Tất cả là những vấn đề thật có khó khăn trong lúc “củi quế gạo châu” lại rơi vào một vùng quê nghèo bị chiến tranh tàn phá như một vùng trắng nhưng không một chút tác động xấu đến buổi trà đàm. Ngài vẫn thản nhiên nói cười, đôi khi cởi áo làm gối trải mình trên băng đá dài, nhám nhúa mà tôi đã ghi lại :
Lễ Phật xong rồi mơ tiệc hoa
Vô Ưu hoa ấy phải chăng là
Một tàn vú sữa dăm băng đá
Vài giọt sương treo ánh nguyệt tà
Chuyện gẫu đưa duyên trà thấm giọng
Áo thô làm gối gió mơn da
Hả hê vui thú ôm trăng ngủ
Cực lạc rằng đây há phải xa.
Ba năm đã trôi qua. Lễ đại tường Hòa thượng Sư phụ hoàn tất là lúc Ngài thực thi những dự định đã ấp ủ. Lễ động thổ, khai cơ, đặt đá đầu tiên được tổ chức trang nghiêm dưới sự chứng minh của quý Trưởng lão Hòa thượng trong môn phái. Công trình dần dần được tiến hành. Chánh điện, nhà tổ, nhà đông ,nhà tây, trai phòng, nhà trù, tượng đài Quán Thế Âm lần lượt được hoàn thành trong muôn vàn khó khăn về kinh tế và tài chánh. Xây dựng, phát triển tăng tài thuộc Tổ đình cùng tham gia hành chánh đạo được Ngài chu toàn hài hòa không một vướng mắc nào. Sau 10 năm xây dựng, lễ Lạc thành được tổ chức một cách trọng thể. Ngài đã mang lại cho vùng quê hẻo lánh nghèo nàn này một diện mạo mới, một sự phấn khởi của đạo hữu về hành lễ thật đáng trân trọng. Với sự đóng góp quan trọng, chân tình của Thượng tọa Chơn Quang trú trì chùa Phật Quang ở núi Dinh cùng đạo hữu tại Sài Gòn và Bà Rịa – Vũng Tàu. Thượng tọa đang cầu pháp ở Ngài. Công việc tổ chức từ trai soạn tươm tất, an ninh được bảo vệ một cách hoàn hảo, những bài thuyết pháp quý báu của Thượng tọa đã làm nức lòng những người đến tham dự.
Tổ đình cơ bản đã xây dựng xong, đáng lẽ Ngài cần được nghỉ ngơi. Nhưng Ngài vẫn miệt mài lên ngược xuống xuôi, ra Bắc vào Nam để tiếp tục công việc hoằng dương, mong đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc duy trì và phát triển Đạo pháp. Đúng là «Nhất sinh hành hảo sự - Đức trạch do trường tồn» vậy. Thỉnh thoảng có lúc trà đàm, nhưng nay không phải là băng đá, gốc vú sữa nữa mà là phòng khách ấm cúng. Ngài cười và nói: «Chú thấy tôi càng hoạt động càng khỏe, có lẽ được Chư Phật, Tổ Thầy thùy ân gia hộ. Thực ra, đời ai cũng phải đến lúc ấy phải không chú? Nhưng sự chết không đáng buồn, chỉ đáng buồn khi đến lúc chết mà chẳng có gì giúp ích cho đời nhất là với tôi, một người tu hành phải không chú?». Tử bất túc bi khả bi thị tử nhi vô bổ. Thật đáng khâm phục một bậc chân tu xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ngài nhấm một ngụm trà như để ấm giọng và nói như tự thì thầm với chính mình «Nhân cố hữu nhất tử, tử hoặc trọng ư Thái sơn, hoặc khinh ư hồng mao» và lại mỉm cười tươi tắn. Đang trà đàm vui vẻ, Ngài tự nhiên đưa ra những ý nghĩ xem ra kỳ hoặc, một cảm giác bất thường làm tôi suy nghĩ? Nói một cách thản nhiên như thể chưa đủ, Ngài còn nhắc lại lời của Âu Dương Tu: «Kỳ đồng vạn vật sinh tử, nhi hậu phục quy vô vật giả, tạm tụ chi hình. Bất dữ vạn vật cộng tận nhi trác nhiên kỳ bất hủ giả hậu thế chi danh». Đọc xong, Ngài ung dung nhấm trà giải thích: <Đã cùng muôn vật sống thác, sau cùng về cát bụi, trăm năm tạm gởi ấy là hình, chẳng cùng muôn vật hủy diệt, vươn lên thành bất hủ, nghìn thu lưu lại ấy là danh>. Rồi Ngài lại mỉm cười, thản nhiên, tự tại mà tôi không giám đối diện.
Hiện trạng ấy, phải chăng là điều tiên báo tất phải đến của ngày 11 tháng 3 năm Quý Tỵ Ngài đã mỉm cười chờ đợi và đón nhận để được về với Chư Phật, Tổ, Sư phụ và quý hiền hữu như một Người đã mãn nhiệm trần thế mà hưởng an lạc.
Trước Kim quan Ngài, lần nữa tôi thành kính quy ngưỡng chiêm bái và cung tiễn Giác linh Ngài về Phật quốc trong niềm thương tiếc vô hạn!
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Giáo Chủ
A Di Đà Phật
Cẩn Chí
Nguyên Tiết: Cái Đào Xuân
CẢM NIỆM
Kính dâng Giác linh Trưởng lão Hòa Thượng
Viện chủ Tổ đình Thiên Đức: THIỆN NHƠN
Mười một tháng Ba một khởi nguồn
Tìm về nhập cảnh với VÔ NGÔN
Khóm hồng trước cửa tỏa hương tiễn
Cụm trúc bên thềm rũ bóng buồn
Cỡi hạc viễn du miền Cực Lạc
Dõi đường siêu thoát dấu sinh tồn
Rừng người quy ngưỡng lòng tan nát
Ngàn trướng hoa dâng buốt cả hồn!
Cẩn chí
Nguyên Tiết: CÁI ĐÀO XUÂN