;
Kính lạy chư vị Tổ tiên tâm linh và huyết thống của chúng con.
Thở vào, chúng con ý thức là chư vị đang có mặt trong chúng con. Chư vị chưa bao giờ bỏ chúng con, và chúng con luôn luôn mang chư vị mà đi về tương lai. Chúng con biết rằng trong quá khứ, chúng con đã dại dột gây ra bao nhiêu lầm lỗi. Chúng con đã tạo ra chia rẽ, hận thù, khổ đau, cô đơn và tuyệt vọng. Chúng con đã để cho tập khí chủ nghĩa cá nhân lộng hành và tàn phá. Chúng con đã thấy được rằng danh vọng, tiền tài, quyền lực và tư dục đã không đem lại hạnh phúc chân thực cho chúng con. Chúng con đã thấy được rằng chỉ có lòng thương yêu và sự hiểu biết mới đem lại một ý nghĩa cho sự sống và chúng con phải tập sống với nhau như một dòng sông trong tăng thân thì con cháu chúng con mới có được một tương lai sáng đẹp trên trái đất này.
Giờ phút mà chúng con tập họp lại đây trước bàn thờ chư vị, chúng con kính cẩn phát nguyện là bắt đầu từ năm Tân Mão, 2011, chúng con sẽ tập sống thật hài hòa và an vui trong phạm vi gia đình và tăng thân của chúng con, như những con ong cùng sống chung trong một tổ ong hay những tế bào của cùng một cơ thể. Chúng con hứa là chúng con sẽ học hỏi thái độ cởi mở để có thể truyền thông được dễ dàng với những thành phần khác trong gia đình và trong tăng thân chúng con, luôn luôn tập hạnh lắng nghe và ái ngữ. Chúng con nguyện tập lắng nghe chư vị, cũng như chúng con sẽ tập lắng nghe anh chị em, bằng hữu và con cháu của chúng con, để chúng con có thể sống hài hòa và hạnh phúc với nhau. Chúng con nguyện sẽ tập thấy hạnh phúc của tăng thân là hạnh phúc của chính mình. Chúng con biết đây là cách thức duy nhất để bảo đảm cho con cháu của chúng con một tương lai trên trái đất. Trong giờ phút linh thiêng khởi sự cho năm mới, chúng con trân trọng và thành kính hứa với chư vị là chúng con sẽ tập thở có chánh niệm, tập đi có chánh niệm, tập nói năng có chánh niệm, tập nhìn bằng con mắt của tăng thân và nghe bằng tai của tăng thân, tập sống đơn giản trở lại, tiêu thụ ít trở lại và tập thương theo tinh thần từ bi và không kỳ thị. Chúng con đã tha thứ được cho nhau, đã hòa giải được với nhau trước khi đến đây trình diện với chư vị trên bàn thờ Tổ tiên của chúng con. Xin chư vị chứng giám lòng thành của chúng con và luôn luôn phù hộ cho chúng con và cho các cháu. Chúng con nguyện thực tập cho chư vị và cho cả con cháu của chúng con để hòa bình, an lạc và thương yêu có mặt trở lại trên thế gian này. Chúng con kính dâng hương hoa, quả phẩm, lòng hiếu thảo của chúng con, và xin lạy xuống trước chư vị bốn lạy.
Lạy nhau đầu năm
Lời quán nguyện lễ lạy nhau đầu năm
(Thực tập của chúng xuất sĩ tại Làng Mai vào buổi sáng ngày mồng một tết nguyên đán)
Đảnh lễ Đức Quan Âm
Chúng tôi là những người nam xuất gia, là những vị Tỳ Khưu, là những Sa di, có người còn đáng tuổi để làm con quý vị, có người còn đáng tuổi làm em trai quý vị, có người đã đáng tuổi làm anh của quý vị, lại có người đã đáng tuổi làm cha của quý vị. Tuy nhiên trong mỗi người của chúng tôi đều có bóng dáng của Bồ Tát Phổ Hiền đại sĩ, bởi vì chúng tôi là đệ tử của Bồ Tát Phổ Hiền đại sĩ và là sự tiếp nối của Phổ Hiền đại sĩ. Chúng tôi muốn lạy xuống trước quý vị, những người nữ xuất gia, những vị Tỳ Khưu ni, những vị Thức Xoa Ma Na, những vị Sa di ni, trong quý vị có những người đáng tuổi làm mẹ chúng tôi, có những người đáng tuổi làm chị chúng tôi, lại có những người đáng tuổi làm em gái chúng tôi hoặc làm con gái chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi biết trong mỗi quý vị đều có bóng dáng của Bồ Tát Quan Âm đại sĩ, bởi vì quý vị đều là đệ tử của Bồ Tát Quan Âm đại sĩ và là sự tiếp nối của Quan Âm đại sĩ. Chúng tôi là con của Bụt và đệ tử của Thầy; quý vị cũng đều là con của Bụt và đệ tử của Thầy. Vì vậy chúng tôi và quý vị đều là con một nhà, và ba cái lạy cung kính này là để chúng tôi tự nhắc nhở chúng tôi và cũng để nhắc nhở quý vị về sự thật ấy. Chúng ta phải nhớ xem nhau như anh chị em ruột thịt một nhà và phải bảo vệ cho nhau để tất cả mọi người trong chúng ta đều có thể sống trọn vẹn được suốt đời cuộc sống đẹp đẽ và có ý nghĩa của một người xuất gia. Chúng tôi nguyện ngày đêm tự bảo hộ cho chúng tôi và cũng là để bảo hộ cho quý vị, bằng giới luật và bằng uy nghi mà chúng tôi đã tiếp nhận được từ Bụt và từ Thầy.Và chúng tôi cũng cầu mong là quý vị cũng phát nguyện ngày đêm tự bảo hộ cho quý vị và bảo hộ cho chúng tôi bằng sự hành trì những giới luật và những uy nghi mà quý vị đã tiếp nhận. Lạy Bụt, lạy Tổ, lạy Thầy chứng minh cho ước nguyện cao cả của chúng tôi trong giờ phút chúng tôi chí thành lạy xuống ba lần trước quý vị, và trước Đức Quan Âm đại sĩ có mặt trong mỗi quý vị. (Chuông)
Đảnh lễ Đức Phổ Hiền
Chúng tôi là những người nữ xuất gia, là những vị Tỳ Khưu ni, là những Thức Xoa Ma Na, là những Sa di ni, có người còn đáng tuổi làm con gái của quý vị, có người còn đáng tuổi làm em gái quý vị, nhưng cũng có người đã đáng tuổi làm chị của quý vị, lại có người đã đáng tuổi làm mẹ của quý vị. Tuy nhiên trong mỗi người chúng tôi đều có bóng dáng của Bồ Tát Quan Âm đại sĩ, bởi vì chúng tôi là đệ tử của Bồ Tát Quan Âm đại sĩ và là sự tiếp nối của Quan Âm đại sĩ. Chúng tôi muốn lạy xuống trước quý vị, những người nam xuất gia, những vị Tỳ Khưu, những vị Sa di, trong quý vị có những người đã đáng tuổi làm cha chúng tôi, có những người đáng tuổi làm anh chúng tôi, lại có những người đáng tuổi làm em trai chúng tôi và những người mới đáng tuổi làm con trai chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi biết trong mỗi quý vị đều có bóng dáng của Bồ Tát Phổ Hiền đại sĩ, bởi vì quý vị đều là đệ tử của Bồ Tát Phổ Hiền đại sĩ và là sự tiếp nối của Phổ Hiền đại sĩ. Chúng tôi là con của Bụt và đệ tử của Thầy; quý vị cũng đều là con của Bụt và đệ tử của Thầy. Vì vậy chúng tôi và quý vị đều là con một nhà, và ba cái lạy cung kính này là để chúng tôi tự nhắc nhở chúng tôi và cũng để nhắc nhở quý vị về sự thật ấy. Chúng ta phải nhớ xem nhau như anh chị em ruột thịt một nhà và phải bảo vệ cho nhau để tất cả mọi người trong chúng ta đều có thể sống trọn vẹn được suốt đời cuộc sống đẹp đẽ và có ý nghĩa của một người xuất gia. Chúng tôi nguyện ngày đêm tự bảo hộ cho chúng tôi và cũng là để bảo hộ cho quý vị, bằng giới luật và bằng uy nghi mà chúng tôi đã tiếp nhận được từ Bụt và từ Thầy.Và chúng tôi cũng cầu mong là quý vị cũng phát nguyện ngày đêm tự bảo hộ cho quý vị và bảo hộ cho chúng tôi bằng sự hành trì những giới luật và những uy nghi mà quý vị đã tiếp nhận. Lạy Bụt, lạy Tổ, lạy Thầy chứng minh cho ước nguyện cao cả của chúng tôi trong giờ phút chúng tôi chí thành lạy xuống ba lần trước quý vị, và trước Đức Phổ Hiền đại sĩ có mặt trong mỗi quý vị. (Chuông)
Quán nguyện 4 vị Bồ tát lớn
Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi. (C)
Lạy đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Chúng con xin tập nhìn với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập nhìn với con mắt không thành kiến. Chúng con xin tập nhìn mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau, để thấy được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn vật. Chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau cho chúng con và cho mọi giới. (C)
Lạy đức Bồ Tát Phổ Hiền, chúng con xin học theo hạnh nguyện của Bồ Tát, biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống. Chúng con xin nguyện buổi sáng dâng niềm vui cho người, buổi chiều giúp người bớt khổ. Chúng con biết hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình, và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự. Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ và mỗi nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho người. Chúng con biết rằng nếu chúng con siêng năng tu tập thì tự thân chúng con có thể là một nguồn an lạc bất tuyệt cho những người thân yêu của chúng con và cho cả muôn loài. (C)
Lạy đức Bồ Tát Địa Tạng, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối,khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự, để có thể mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hy vọng và giải thoát. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai đang không còn lối thoát, những ai bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người. Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế; trái lại, chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Đất, để có thể trở thành trung kiên và không kỳ thị như Đất, và cũng được như Đất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con. (CC)
Quán nguyện về Bồ Tát Thường Bất Khinh
Lạy đức Bồ tát Thường Bất Khinh, chúng con xin học theo hạnh của Bồ Tát, luôn nhìn sâu với con mắt không kỳ thị để thấy được những đức tánh tốt đẹp nơi người khác. Mỗi khi gặp ai Ngài cũng luôn xá chào cung kính và khen ngợi rằng: "Tôi rất kính quý Ngài, Ngài là một vị Bụt tương lai." Chúng con xin nguyện nhìn sâu vào tự thân để nhận diện những điều tích cực nơi chúng con, để tự chấp nhận và thương yêu được chính mình. Chúng con nguyện chỉ tưới tẫm những hạt giống tốt nơi chúng con và nơi những người xung quanh, để những tư tưởng, lời nói và hành động của chúng con sẽ có khả năng gây thêm niềm tự tin và chấp nhận nơi chính chúng con, nơi con cháu chúng con và nơi tất cả mọi người. Chúng con xin tập nhìn sâu với con mắt không kỳ thị để thấy niềm vui và sự thành công của người là niềm vui và sự thành công của chính mình. Chúng con nguyện tập hành xử và nói năng với đức khiêm cung và niềm cung kính, nguyện học hạnh ái ngữ để giúp những ai có tự ti mặc cảm thấy được rằng họ cũng là những màu nhiệm của vũ trụ. Chúng con biết chỉ có khi nào chúng con vượt thoát được biên giới ngã chấp thì chúng con mới pháp bỏ được mặc cảm hơn người, thua người và bằng người và đạt đến tự do và hạnh phúc chân thật.
Khấn nguyện chúc tán tổ sư
Chúng con, tăng thân xuất gia, hôm nay vào ngày giỗ sư tổ ...........đã tập họp tại chùa....... (thôn......., xã........, quận....., tỉnh....., nước Việt Nam), kính cẩn trình diện trước tổ đường với tất cả lòng dạ chí thành của chúng con, cúi xin các thế hệ tổ sư của chúng con từ bi chứng giám:
Chúng con ý thức được cây có cội, nước có nguồn; chúng con biết Bụt và các thế hệ tổ sư là cội nguồn của chúng con và chúng con là sự tiếp nối của liệt vị. Chúng con nguyện tiếp nhận tuệ giác, từ bi và an lạc mà Bụt và chư tổ đã trao truyền; nguyện nắm giữ và bồi đắp không ngừng gia tài tâm linh quý giá ấy. Chúng con nguyện tiếp tục thực hiện chí nguyện độ sanh của liệt vị, nguyện chuyển hóa những khổ đau trong chúng con, giúp đượcngười đương thời chuyển hóa những khổ đau của họ và mở ra cho các thế hệ tương lai những pháp môn thích hợp có khả năng giúp họ đem đạo Bụt áp dụng được vào trong mọi lãnh vực của sự sống. Chúng con nguyện thực tập để sống an lạc ngay trong giờ phút hiện tại, để nuôi dưỡng chất liệu vững chãi và thảnh thơi trong chúng con và để giúp được những người chung quanh.
Chúng con nguyện nhìn nhận nhau là anh chị em trong một gia đình tâm linh, bởi vì chúng con biết rằng tất cả chúng con đều là con cháu của liệt vị. Chúng con nguyện sẽ chăm sóc cho nhau, thấy được những khó khăn và khổ đau của nhau để hiểu, để thương và để giúp nhau trong công trình chuyển hóa. Chúng con xin hứa sẽ tập sử dụng các hạnh ái ngữ và lắng nghe để nuôi dưỡng tình huynh đệ trong tăng thân, nguyện chấp nhận sự soi sáng của tăng thân để nhận diện những khả năng cũng như những yếu kém của mình mà vun trồng hoặc chuyển hóa, nguyện xóa bỏ mọi hiềm hận để có thể nương vào nhau mà đi trên con đường thành tựu đạo nghiệp.
Chúng con biết chỉ khi nào chúng con làm được như thế thì chúng con mới xứng đáng là con cháu của Bụt và của liệt vị tổ sư.
Chúng con cúi xin Sư Tổ cùng tất cả liệt vị tổ sư từ bi chứng minh cho tâm thành kính và hiếu thảo của chúng con như phẩm vật quý giá nhất của sự cúng dường trong ngày giỗ tổ. (lạy ba lạy) (C)
Cảm niệm Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam
Cảm niệm Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam
Thiền sư Khương Tăng Hội
Lặng lẽ một mình,
đó là khí chất
tâm không bận bịu
tình không vướng mắc
đêm đen soi đường
lay người thức giấc
vượt cao, đi xa
thoát ngoài cõi tục.(1)
Kính bạch Sư tổ! Chúng con đang có mặt cho Sư tổ đây. Chúng con cảm thấy rất hạnh phúc và ấm áp khi được ngồi đây và nhớ nghĩ đến công hạnh của Sư tổ. Người đã sống cách xa chúng con gần hai nghìn năm, vậy mà mỗi khi lạy xuống chúng con vẫn thấy Sư tổ có mặt trong dòng sinh mạng tâm linh của chúng con.
Trong bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, Sư tổ đã dạy rằng: “An Ban là đại thừa của các vị Bụt dùng để cứu độ chúng sanh.” Kính bạch Sư tổ, chúng con cảm thấy là chúng con đang thở được hơi thở của Người. Khi chúng con đem sự thực tập về Quán Niệm Hơi Thở chia sẻ cho mọi người, chúng con đã giúp được cho rất nhiều người tìm lại được cuộc sống đích thực, mà bấy lâu họ đã đánh mất. Chúng con thấy Sư tổ là một người lái thuyền rất vững chãi, đang cùng ngồi chơi với chúng con và cùng chèo một mái chèo với chúng con.
Kính bạch Sư tổ! Người là một bông hoa rất đẹp, mang trong mình hai dòng máu văn hóa. Cha là người nước Khương Cư (Bắc Ấn) và mẹ là người Việt. Nhưng tiếc thay, mới hơn mười tuổi Người đã mất cả song thân. Mang trong mình một nỗi đau rất lớn, khi phải sống thân phận mồ côi. Nhưng nhờ có duyên lành, Người đã tìm đến cửa Bụt để nương tựa, và có ai biết được rằng, chú tiểu đó sau này đã trở thành một bậc thầy lỗi lạc, không những là một niềm kính ngưỡng cho dân Việt mà còn cho cả vua dân Đông Ngô lúc bấy giờ.
Khi còn là một Thầy tu trẻ, Sư tổ là một mẫu người xuất gia lý tưởng ở Luy Lâu. Ngoài Phật học, Người còn rất giỏi về ngoại giáo, như Nho học, Lão học, đồ vĩ, thiên văn, địa lý..v.v. Với tài năng, nhiệt huyết và công phu tu tập, Người đã làm cho trung tâm Luy lâu trở nên phồn thịnh. Một nơi đã khơi nguồn mạch sống tâm linh cho nước Việt. Sư tổ còn là người đem thiền tập nguyên thỉ về tắm mát trong dòng chảy đại thừa, làm giàu thêm gia tài tâm linh đạo Bụt. Cũng nhờ đó, mà ngày hôm nay, chúng con gặt hái được nhiều hoa trái trong công phu tu tập. Những hoa trái đó, chúng con xin kính dâng lên Sư tổ như một lời biết ơn của chúng con.
Kính bạch Sư tổ! Mang trong mình một hoài bão lớn, của một bậc Xuất trần Thượng sĩ có chí hướng đại thừa, Người đã một mình, một bát đi lên miền Bắc, không ngại khó khăn, gian khổ, Người quyết đem ánh sáng đến những nơi còn tối tăm. Người như đang nắm vững mái chèo trong tay và không còn lo sợ bất kỳ một cơn dông bão nào. Khi đến được Kiến Nghiệp – kinh đô nước Ngô, thì đây là lần đầu tiên người ta thấy được hình ảnh của người xuất sĩ. Trải qua những khó khăn của văn hóa, tôn giáo, chính trị, nhưng cuối cùng người đã gây được sự cảm mến và kính phục cho vua con nước Ngô, là Tôn Quyền và Tôn Hạo. Dưới sự hoằng pháp của Sư tổ, người Ngô đã được phép xuất gia, từ đây đạo Bụt đã bắt đầu cắm rễ ở Đông Ngô, làm nền tảng cho Phật giáo phát triển ở Trung Hoa sau này.
Kính bạch Sư tổ! Nhớ nghĩ đến công hạnh của Sư tổ, chúng con không biết làm sao để nói hết lòng cảm phục của chúng con đối với Người. Từ một chú bé mồ côi, Sư tổ đã trở thành một bậc thầy tâm linh lỗi lạc cho cả hai nước Việt, Hoa. Chúng con ngày hôm nay đang tiếp tục đi trên con đường mà Sư tổ đã dày công khai sáng. Cúi xin Sư tổ luôn bảo hộ và che chở cho chúng con.
Nam mô Sơ tổ Thiền tông Việt Nam Thiền sư Khương Tăng Hội chứng minh.
Người viết: Chân Minh Hy
_____________________
(1) Đây là bài kệ của Tôn Xước-một trí thức trong hoàng gia Đông Ngô ca ngợi Sư tổ.
Một lòng hướng về Sư tổ Nhất Định
(Khai sơn Chùa Từ Hiếu – Huế)
“Thân mang chuỗi hạt nhàn năm tháng
Tay chống gậy thiền dạo núi sông”
Kính bạch Sư tổ! Chúng con đang tập tiếp xúc với Người qua hình ảnh một bậc thầy già chốn núi rừng Dương Xuân. Một túp liều tranh, một bà mẹ già và với ba người đệ tử. Đó là khoản thời gian hạnh phúc nhất của Sư tổ. Người có thời gian chăm sóc mẹ già và trao truyền những hoa trái tu học cho những người học trò yêu quý.
Xuất thân từ làng Trung Kiên – Một vùng đất Phật giáo ở Quảng Trị, Sư tổ đã đến chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) núi Hàm Long – Huế, để xuất gia học đạo với Thiền sư Phổ Tịnh, lúc đó Người chỉ mới lên bảy tuổi. Đến năm 30 tuổi, nhận thấy nơi Sư tổ có chí khí của một bậc Xuất trần nên Sư tổ được Bổn sư phú pháp truyền đăng với bài kệ:
Nhất Định chiếu quang minh
Hư không nguyệt mãn viên
Tổ tổ truyền phú chúc
Đạo Minh kế Tánh Thiên.
Từ đây, Bước chân của Sư tổ đã in dấu ấn trên khắp vùng đất Cố Đô. Đi đến đâu Người cũng đã gieo xuống những hạt giống hiểu biết, thương yêu, vững chãi và thảnh thơi trên mảnh đất nhân tâm. Từ những ngôi làng quê cho đến chốn kinh thành, các vua quan lúc ấy nhờ thấm nhuần ân đức của Sư tổ mà muôn dân được an bình. Cũng do đó mà vua Minh Mạng đã mời Sư tổ giữ chức Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự. Tăng Cang là người có khả năng làm khuôn thước đạo đức cho đạo cũng như đời. Với đạo đức và uy phong của Sư tổ, Người thực sự là một vị Thầy tâm linh, làm chổ nương tựa cho vua dân chốn Thần Kinh lúc bấy giờ. Giáo lý mà Người trao truyền, vì vậy đã mang đậm dấu ấn nhập thế, không chỉ dừng lại ở chốn Thiền môn mà đã đi vào các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Năm 1843, sau khi thôi làm Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự và trao quyền điều hành chùa Báo Quốc cho pháp đệ là Hòa Thượng Nhất Niệm, Người một mình, một bát vân du đến núi Dương Xuân, dựng am tranh bên một con suối nhỏ, lấy tên là An Dưỡng Am. Sư tổ đã đưa mẹ mình cùng với ba người đệ tử về đây cùng tu tập, hằng ngày cuốc đất trồng rau, vui nếp sống thanh bần. Lúc ấy, Sư tổ đã đến tuổi lục tuần, nhưng Người vẫn làm bổn phận của một người con hiếu đối với người mẹ già tám mươi tuổi. Có một hôm, mẹ của Người ốm nặng và thầy thuốc nói rằng, cụ bà cần phải tẩm bổ thì mới mong qua khỏi. Sư tổ đã chẳng ngần ngại, chống gậy xuống núi, đến chợ Bến Ngự mua một con cá thật to, mặc những lời thị phi hai bên đường, Người ung dung xách trên tay đem về nấu cháo dâng mẹ. Tiếng đồn vang đến Vua Thiệu Trị, vua không chịu được, liền tức tốc lên Thảo Am của Người để tìm hiểu thật hư, khi vừa đến Thảo Am thì đúng lúc Sư tổ đang dâng bát cháo cá cho mẹ. Vua hiểu ra được mọi điều và niềm cảm phục nơi vua lại tăng lên bội phần. Công việc đó Người có thể nhờ một học trò cư sĩ của mình làm được, nhưng không, Người đã tự mình làm chuyện đó, để rồi câu chuyện cứ lan truyền trong nhân gian làm cảm hóa không biết bao nhiêu người.
Tuy người ở chốn thâm sơn nhưng đạo phong của Người vẫn còn đó, cho nên các vua quan và học trò của Người vẫn thường lên thăm. Đường đi thật khó khăn, từ Kinh thành Huế lên thảo am của Người chỉ có năm cây số, vậy mà phải mất nữa ngày đường mới tới nơi. Có lúc các vua quan ngỏ ý muốn xây một ngôi chùa cúng dường Sư tổ nhưng Người đã nói: “Nếu muốn ở chùa thì tôi đã ở Giác Hoàng Quốc Tự, ở Chùa Báo Quốc rồi, đâu cần phải lên đây dựng thảo am làm chi”. Có những lúc khác, thấy Người túng thiếu, các quan lại có ý muốn cúng dường thì Người nói rằng, Người đã có ba người học trò cuốc đất trồng rau, đủ sống qua ngày rồi, chẳng cần chi thêm nữa. Dạ! Đúng rồi thưa Sư tổ, một người vô sự thì đâu cần tìm cầu chi nữa. Niềm vui của Người là được chơi với mẹ già và trao truyền trái tim của mình cho những người đệ tử. Chúng con cảm thấy thật may mắn, khi các thế hệ Tổ sư đi qua đã tiếp nối được Người một cách xứng đáng và để cho hôm nay chúng con được nương tựa.
Kính bạch Sư tổ! Chúng con thấy là chúng con cũng đã có mặt một lần cùng với Người, khi Người đặt bước chân đầu tiên đến núi Dương Xuân, chúng con cũng đã có mặt trong những người học trò của Người và hằng ngày cùng cuốc đất trồng rau với Người, chúng con cũng đã có mặt với Người khi Người xuống núi làm một người vô sự, và bây giờ đây, Người cũng có mặt với chúng con trong giờ phút hiện tại, trong mỗi hơi thở, mỗi nụ cười và mỗi bước chân vững chãi của chúng con. Thảo am ngày xưa ấy, đã khơi nguồn cho dòng suối cam lộ chảy mãi cho đến hôm nay. Chúng con thật hạnh phúc khi biết rằng, giờ đây con cháu của Sư tổ đã có mặt khắp mọi nơi. Đi đến đâu chúng con cũng đang tiếp nối công việc của Sư tổ, là gieo xuống mảnh đất tâm của mọi người những hạt giống hiểu biết, thương yêu, vững chãi, thảnh thơi mà chúng con đã được tiếp nhận từ thầy tổ, và chúng con cũng ý thức là Người cũng đang làm công việc đó với chúng con trong giờ phút hiện tại.
Kính bạch Sư tổ! Chúng con cảm thấy lòng mình thật ấm áp, khi được ngồi đây và nói lên được lòng biết ơn của chúng con đến với Người. Xin Sư tổ luôn có mặt đó và bảo hộ, che chở cho chúng con.
Nam mô Khai sơn chùa Từ Hiếu Sư tổ Nhất Định chứng minh.
Người viết: Chân Minh Hy
Tưởng niệm sư tổ Thanh Quý
Một lòng hướng về Sư Tổ Thanh Quý – Chân Thật
Xuất gia tuổi nhỏ
Đến đi thong dong
Thể chất hoan hỷ
Hình dáng kiêm cung
Tâm bi hiển lộ
Lượng từ bao dung
Cao siêu mật hạnh
Vô úy đại hùng
Gậy trúc dựng xuống
Đạo tổ hưng sùng
Cháu con bảo hộ
Sáng chói tông phong
Kính bạch Sư Cố! Với tất cả lòng biết ơn, chúng con xin hướng về Người.
Thở vào, con biết là Sư Cố đang có mặt đó trong dòng sinh mạng tâm linh của chúng con.
Thở ra, con cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc.
Chúng con đã vân tập về đây, để có mặt cho nhau và tập nhận diện sự có mặt của Người trong mỗi chúng con, trong từng hơi thở bình an, trong thế ngồi vững chãi và nụ cười tha thứ bao dung.
Kính thưa Sư Cố! Cả cuộc đời của Người là một mùa xuân rất ấm áp và bình an. Luôn hiến tặng đến cho mọi người cái tình thương vô úy. Những đức hạnh ấy đã thấm vào lòng người, trong mỗi học trò của Người. Những hạt giống tốt lành đó đã đi vào đất, bay theo gió khắp mọi nơi. Để rồi khi mùa xuân về chúng con lại có dịp trở về nguồn cội, thăm lại mãnh vườn xưa.
Chúng con đang có mặt đây và đang tập tiếp xúc với Người. Sư Cố luôn dành một tình thương to lớn; chia sẻ sự có mặt của mình đến với những người học trò yêu quý. Cứ mỗi khi đại chúng làm việc, thì Sư Cố cũng mang nón, chống gậy đi thăm hết nhóm này, nhóm kia. Có khi Người cũng dừng lại và làm việc chung với các chú, các điệu. Có một lần đó, đang cuốc đất với các chú sau vườn, trời nắng làm cho ai cũng mệt, Sư Cố dừng lại một chút, đưa tay quẹt mồ hôi trên tráng, rồi nhìn các sư chú mà nói:
- Chắc chết rồi thì mới hết mệt, phải không con?
Các sư chú mĩm cười, rồi mấy thầy trò tiếp tục cuốc đất. Một lúc nữa, Người dừng lại, đưa mắt về một sư chú trẻ và hỏi:
- Nhưng chết rồi thì ai hết mệt?
Câu nói tuy đơn sơ, nhưng nó đã thẩm thấu và đang đào xới mãnh vườn tâm, để khơi nguồn cho dòng suối tuệ giác nơi những người học trò.
Có một lần khác, có một sư chú đang làm thị giả cho Người, nhưng vì sơ ý cho nên đóng cửa không được nhẹ nhàng cho lắm. Sư Cố liền nói:
- Con hãy đi đến đó, rồi mở cửa và đóng lại thêm một lần nữa. Lần này thì nhớ đóng cho đàng hoàng hơn.
Sư chú đi đến, đặt bàn tay cẩn trọng lên liếp cửa và nhẹ nhàng đóng lại. Sư chú đâu có biết rằng đó là chánh niệm. Nhưng một điều mà sư chú biết chắc rằng, đây là sự sống của sư chú, là công phu tu tập hằng ngày. Bàn tay mà Sư Cố đã trao truyền ngày xưa ấy, hôm nay chúng con vẫn đang được tiếp nối. Chúng con thấy mình cũng là một với sư chú kia, hàng ngày vẫn thường luôn thất niệm, nhưng nhờ bàn tay của Bụt, của Sư Cố mà chúng con đang mở dần cánh cửa của thực tại, để được sống thảnh thơi trong từng giây phút của sự sống hàng ngày. Người không có một bài pháp thoại nào để lại cho chúng con, nhưng những lời dạy ấy lại là những bài thuyết pháp bất diệt, nhẹ nhàng mà sâu lắng.
Kính bạch Sư Cố! Tuy Người đã lớn tuổi, nhưng Nhười vẫn cảm thấy thích thú tự tay làm lấy những công việc hàng ngày. Hồi đó chưa có máy giặt, cũng chẳng có nước máy. Những bộ đồ được thay ra, Người đã xếp lại rất đẹp và gọn gàng, làm cho các sư chú thị giả không biết đó là đồ dơ. Đợi đến trưa, khi mọi người đã đi ngủ hết, Sư Cố lặng lẽ một mình đi xuống suối và tự tay giặt lấy. Làm công việc ấy trong niềm vui và tự do của mình. Công việc tuy đơn giãn mà khó làm biết bao.
Còn một câu chuyện khác mà Sư Thúc – một người học trò yêu quý của Người, đã kể cho chúng con nghe, khi chúng con được ở bên cạnh Người. Có một lần đó, Sư Cố được mời dùng cơm trong một đại giới đàn, Người từ chối vì Người không phải trong hàng Tam sư, nhưng vì mâm cơm đã dọn sẵn bốn cái chén, cho nên cuối cùng Người bị mời dùng cơm chung với ba vị Hòa thượng khác. Có lẽ đây là đại giới đàn ở Huế, vì trên mâm cơm có một vài đĩa bánh lọc và bánh nậm. Sư Cố dáng người nhỏ con, Người lặng lẽ bóc từng chiết bánh ra ăn và gấp lại những chiết lá chuối, rồi đặt nó trên mọt cái đĩa đã hết thức ăn. Trong khi đó thì các vị khác không có làm như vậy, như muốn để cho các điệu được ăn mày công đức dọn dẹp. Nhưng cái hình ảnh nhẹ nhàng ấy của Sư Cố đã đi vào trong lòng các vị và các chú thị giả trưa hôm ấy. Làm cho ai cũng mến phục đức tính khiêm cung nơi Sư Cố. Cả một đời, Người chẳng muốn làm phiền lòng ai, dù việc ấy rất nhỏ, Người không cần phải làm.
Kính bạch Sư Cố! Lại một mùa xuân nữa lại về và chúng con lại có dịp quây quần bên nhau, ôn lại những kỷ niệm đẹp về Người. Để rồi từ đây, trên bước đường tu học hình bóng người luôn mãi trong trái tim của chúng con.
Xin cho chúng con đem hết lòng hướng về Sư Cố với tất cả niềm biết ơn của chúng con.
Xin Sư Tổ chứng minh cho tấm lòng thành của chúng con.
Nguồn: Langmai.org