;
Lời khuyên của thiền sư Ajahn Chah cho phút lâm chung - Phần 1
Đức Phật dạy chúng ta hãy kiểm tra toàn bộ thân này, từ chân lên đến đỉnh đầu, rồi sau đó kiểm tra lại một lần nữa từ đỉnh đầu xuống chân để xem thân này có những gì? Có bất cứ yếu tố nào có bản chất trong sạch không? Bạn có tìm thấy được bất kỳ điều
gì mang tính vĩnh hằng không? Toàn bộ cơ thể này đang dần bị thoái hóa và Đức Phật nói rằng cả thân này cũng không thuộc về chúng ta, ta nên biết điều đó. Cơ thể chúng ta phát triển và thoái hóa, bị chi phối bởi luật vô thường. Làm sao ta có thể mong nó khác đi được? Thực ra khi cơ thể của bạn trở nên già đi và thoái hóa như thế này, không có gì sai hay là trục trặc cả, mà đó là quy luật tự nhiên. Vì thế đừng vọng tưởng sai lầm và lấy đó làm đau khổ. Khi tâm ta vọng tưởng, chúng sẽ dễ dàng đưa ta đến vô minh.
Giống như nước sông luôn chảy xuống chỗ thấp hơn thay vì chảy ngược lên, đó là quy luật tự nhiên. Nếu một người đứng bên bờ sông, thấy nước chảy xuôi dòng lại u mê kỳ vọng nó chảy ngược về đầu nguồn, anh ta sẽ thấy vô vọng và cực kỳ đau khổ vì những suy nghĩ sai lầm đó. Cho dù anh ta có làm gì đi chăng nữa, những sai lầm vọng tưởng sẽ không để cho tâm anh ấy một phút an lành. Nếu anh ta có hiểu biết và chánh kiến, anh sẽ thấy rằng nước chắc chắn phải chảy xuống dốc. Chừng nào anh ta chưa nhận ra và chấp nhận thực tế này, anh ta vẫn còn bị rơi vào khủng hoảng và đau buồn.
Dòng sông phải chảy xuống dốc; giống như cơ thể của bạn vậy. Nó đã từng trẻ trung, xinh đẹp và tràn đầy sức sống, giờ đây cơ thể của bạn trở nên già nua, đi ngang qua những đoạn gập ghềnh và hướng về sự chết. Đừng mong muốn nó sẽ khác đi, hay ít ra là sẽ không xảy đến với bạn. Bạn không có năng lực để quay ngược thời gian. Đức Phật khuyên chúng ta hãy nhận biết bản chất của sự sự vật rồi buông bỏ những chấp thủ của chúng ta đối với sự vật trên thế gian này. Hãy nương tựa và ẩn náu nơi sự buông xả. Hãy thiền định ngay cả khi bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Hãy để tâm trí của bạn hòa nhịp với hơi thở. Hít thở sâu và sau đó để tâm vào hơi thở bằng cách niệm Phật hoặc các câu chú. Hãy thực hành điều này thường xuyên.
Buông xả tất cả các sự vật bên ngoài
Khi càng cảm thấy kiệt sức, bạn càng phải nên tập trung định tâm cao độ để có thể đối phó với những cảm giác đau đớn về thể xác đang phát sinh.
Khi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, bạn nên tập trung tất cả các suy nghĩ của bạn lại một chỗ và dừng chúng lại, để cho tâm trí lắng đọng, và rồi tập trung vào hơi thở. Chỉ cần tập trung niệm Phật. Buông bỏ hết tất cả mọi sự. Đừng bị phân tâm bởi những suy nghĩ hay lo lắng về con cái, họ hàng hay bất cứ điều gì khác. Buông xả hết! Hãy để cho tâm bạn tập trung vào một điểm duy nhất, làm cho thân và tâm bạn trở nên một nhờ vào việc quán sát hơi thở, và chỉ quán sát hơi thở mà thôi. Tập trung cho đến khi tâm bạn ngày càng trở nên tinh ròng, lắng đọng, cho đến khi bạn cảm thấy quen thuộc với cảm giác này và thấy nó bình thường. Lúc đó sự tỉnh giác và sáng tỏ sẽ xuất hiện bên trong bạn, rồi các cảm giác đau đớn sẽ dần dần tự biến mất.
Cuối cùng bạn sẽ thấy hơi thở đến với bạn thân thiện như thể là một người thân quen đến viếng thăm. Khi người thân ấy đi, ta tiễn họ và đứng nhìn họ đi xa khuất hoặc lên xe và rời đi. Rồi chúng ta trở lại vào trong nhà. Chúng ta quán sát hơi thở theo cùng một cách như vậy. Nếu hơi thở nặng nề, chúng ta biết rõ chúng nặng nề. Nếu hơi thở của ta nhẹ nhàng, chúng ta biết chúng nhẹ nhàng. Khi hơi thở của bạn trong lúc thiền định ngày càng đều đặn và hòa nhịp với việc thiền định sâu hơn, cứ tiếp tục như thế, trong khi giữ tâm mình tỉnh giác. Cuối cùng ý thức về nhịp hít thở ra vào sẽ biến mất (nghĩa là bạn không còn để ý đến chúng nữa mà hít thở một cách tự nhiên như ta vẫn thường hít thở mỗi ngày không cần đếm hay lưu tâm) và chỉ còn ý thức về sự tỉnh giác, hay còn gọi là Biiddlio, ai đạt đến cảnh giới này là người tỉnh giác, kẻ chói sáng. Đó là sự hòa nhập, khai mở Phật Tính, tuy có sẵn nhưng ẩn sâu trong ta, với trí huệ và sự rõ ràng trong tâm trí. Trong lịch sử chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc toàn giác thực sự nhập Niết Bàn. Còn chúng ta đang trên con đường tìm kiếm sự giác ngộ; cũng có thể có những trải nghiệm về Phật tính, Niết bàn tùy theo mức độ thực hành mà ta đạt được.
An Nhiên Tự Tại
Khi đang thực hành thiền định, cho dù bạn thấy hình ảnh đẹp rực rỡ, âm thanh du dương như tiếng Phạm âm, hãy cứ để chúng tự đến rồi tự đi, còn tâm ta vẫn giữ an nhiên tự tại, đừng bám chấp vào bất cứ điều gì. Hãy buông xả và đặt mọi thứ xuống, tất cả mọi thứ, chỉ tập trung an trú trong sự tỉnh giác bất nhị trong tâm. Đừng lo lắng về quá khứ hay tương lai. Chỉ cần an nhiên tự tại, bạn sẽ đạt đến cảnh giới không tăng tiến, thoái chuyển hay ngăn ngại, và cũng không còn gì để bám chấp. Tại sao? Bởi vì cái tôi này thực sự không có, và bạn đang ở trạng thái tỉnh giác nên cảm nhận và hiểu được điều này một cách chính xác, rõ ràng nhất.
Đức Phật dạy chúng ta nhận biết tánh Không trong mọi sự vật theo cách này, đừng bám chấp, đừng nặng lòng cũng đừng mang theo điều gì trong tâm trí. Để đạt được cảnh giới này, hãy buông xả.
Việc nhận biết Giáo Pháp, con đường dẫn đến giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta phải tự làm một mình. Vì vậy, hãy cố gắng buông xả mọi thứ và học hiểu lời Phật dạy. Thực sự chí thành nỗ lực chiêm nghiệm và thực hành. Đừng lo lắng về gia đình của bạn. Tại thời điểm này họ là họ; trong tương lai họ sẽ được như bạn. Không có ai trên thế giới này có thể thoát khỏi số phận. Đức Phật dạy chúng ta đặt mọi thứ vô thường xuống. Khi bạn buông xả, bạn sẽ thấy chân lý và sự thật. Còn không thì sẽ không thể. Đó chính là con đường mà mọi người trên thế giới này phải đi qua nếu muốn đạt được sự Giác Ngộ. Vì vậy, đừng lo lắng và đừng bám chấp vào bất cứ điều gì.
Còn tiếp..
Việt dịch: Diệu Liên Hoa
AJAHN CHAH – Lion’s Roa