;
Lời khuyên của thiền sư Ajahn Chah cho phút lâm chung - Phần 1
Lời khuyên của thiền sư Ajahn Chah cho phút lâm chung - Phần 2
Cho dù tâm bạn đang nghĩ về việc gì, ví dụ như về con cái chẳng hạn, hãy suy nghĩ với trí huệ, nhận biết bản chất thật của sự việc và rồi buông xả. Khi đó bạn sẽ không còn đau khổ. Bản chất của Tâm là tươi sáng, vui vẻ, an lạc và trọn vẹn, không xao lãng. Ngay bây giờ, hơi thở trong chánh niệm sẽ giúp bạn khai mở bản chất của tâm mình.
Đây là công việc của riêng mỗi cá nhân chứ không phải của ai khác. Mỗi người đều có phần việc của mình. Bạn có nhiệm vụ và trách nhiệm của riêng bạn và bạn không cần phải làm thay phần việc của người khác. Đừng bị xao lãng và vướng mắc về chuyện của mọi người. Hãy buông xả hết; và khi làm như vậy, tâm bạn sẽ trở nên yên tĩnh. Nhiệm vụ duy nhất của bạn ngay bây giờ là tập trung tâm trí của bạn lại và an trú trong trạng thái yên bình. Hãy để người khác làm công việc của họ và tự phát triển. Hình thức, âm thanh, mùi hương, vị ngon… hãy để những việc đó cho những người có liên quan. Hãy bỏ lại tất cả sau lưng và tập trung vào việc của bạn, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Cho dù bất kỳ cảm giác hay suy nghĩ nào xuất hiện trong bạn như là sợ đau, sợ chết, lo lắng về những người khác hoặc bất cứ điều gì, hãy nói với chúng: "Đừng làm phiền ta. Mi không phải là việc của ta". Chỉ cần nói với chính mình như vậy khi những suy nghĩ lóe lên trong tâm tưởng.
Thế giới này có rất nhiều việc dễ làm bạn bận tâm và xao lãng: "Người này sẽ làm gì? Khi tôi chết, ai sẽ chăm sóc họ? Nếu thiếu tôi, con tôi sẽ xoay sở như thế nào?" Tất cả chỉ là chuyện của “thế giới". Ngay cả ý nghĩ sợ chết hay đau cũng là “thế giới”. Ném hết “thế giới” đi! Thế giới này có quy luật và vận động của riêng nó và mỗi người có số mạng của riêng họ, nằm ngoài sự kiểm soát của ta. Nếu bạn cho phép những việc thế sự này phát sinh trong đầu và chi phối, tâm trí bạn sẽ bị khuấy động, che khuất, bạn không thể khai mở bản chất thật sự của tâm, như mặt hồ bị khuấy động, nước bị vẩn đục và bạn không thể nhìn thấy đáy hồ vậy. Vì thế khi bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm trí, chỉ cần nói "Đây không phải là việc của tôi. Đây chỉ là vô thường, khổ, và vô ngã. "
Ngôi nhà thực sự của bạn
Việc mong muốn tiếp tục được sống trong một thời gian dài sẽ làm cho bạn đau khổ. Nhưng nếu bạn muốn chết ngay hoặc chết rất nhanh chóng thì cũng không đúng. Mong cầu mà không được sẽ làm bạn đau khổ. Việc gì đến sẽ đến vào đúng lúc nó phải đến, tuân theo quy luật tự nhiên. Bạn không thể tác động bằng bất cứ hình thức nào về việc cơ thể của bạn đến và đi khỏi cuộc đời này. Một lần nữa, đây là bằng chứng thân này không thực sự là của bạn. Bạn có thể tô điểm cho nó một chút, làm cho nó trông hấp dẫn và tinh tươm trong một thời gian, như các cô gái trẻ tô son điểm phấn và sơn móng tay cho đẹp. Nhưng khi tuổi già đến, tất cả mọi người đều ngồi trên cùng một thuyền, đi đến cùng một nơi. Đó là cách cơ thể của bạn tuân theo quy luật tự nhiên, bạn không thể làm khác đi được. Nhưng có một điều bạn có thể tác động, chăm chút để ngày càng trẻ đẹp, thanh xuân và mạnh mẽ hơn bất kể thời gian, đó là tâm của bạn!
Bất cứ ai cũng có thể xây dựng một ngôi nhà bằng gỗ và gạch, nhưng Đức Phật dạy rằng loại nhà đó không phải là ngôi nhà thực sự của chúng ta; mà chỉ là ngôi nhà trên danh nghĩa. Đó là một ngôi nhà của trần gian tuân theo luật vô thường. Ngôi nhà thật của chúng ta là sự bình an nội tâm mà ta có thể an trú trong đó. Một ngôi nhà nơi trần gian này có thể trông tuyệt đẹp, nhưng không phải lúc nào cũng rất yên bình. Có sự lo lắng, xào xáo về việc này việc khác, rồi phiền não phát sinh… Vì vậy, chúng ta nói đó không phải là ngôi nhà thực sự của chúng ta. Sớm hay muộn gì chúng ta cũng phải từ bỏ ngôi nhà này. Đây không phải là nơi chúng ta có thể sống vĩnh viễn bởi vì nó không thực sự thuộc về chúng ta, nó là một phần của “thế giới”.
Cơ thể chúng ta cũng vậy: chúng ta ngộ nhận đó là “chính tôi”, “của tôi”, thuộc về “tôi”, nhưng trong thực tế điều đó hoàn toàn không có thực. Đó là một ngôi nhà thế tục. Cơ thể bạn bị kiểm soát bởi quy luật tự nhiên từ khi sinh ra cho đến bây giờ; nó trở nên già nua và ốm yếu và bạn không thể làm gì để ngăn cản được điều đó. Nó chính là như thế. Nếu bạn rất khao khát và mong muốn một con vịt phải giống như một con gà, như vậy không phải là khờ dại lắm sao? Khi bạn nhận ra mong muốn như vậy là không thể được, vịt phải là vịt, gà phải là gà, thân này phải già đi và chết đi, bạn sẽ tìm thấy sức mạnh và năng lượng. Tuy nhiên nhiều người lại mong muốn cơ thể này tiếp tục sống mãi, điều đó là không thể.
Sự vật luôn biến đổi và vô thường. Có đến phải có đi, có sinh phải có diệt. Vậy mà chúng ta lại muốn chúng vĩnh hằng và không đổi. Đây là sự vô minh.
Ngay khi chúng ta sinh ra thì sự chết đang chờ sẵn ở cuối con đường. Sinh và tử là một bởi chúng là hai giai đoạn của một cuộc đời. Giống như một cái cây: khi có cành ắt phải có gốc. Bạn không thể có khởi đầu nhưng lại không muốn có kết thúc. Người ta đau đớn, vật vã hay sợ hãi khi đối diện với cái chết, trong khi đối diện với sự sinh ra, con người ta vui mừng hớn hở biết bao. Buồn vui, khóc cười như vậy là vì họ chưa có cái nhìn tỉnh giác, thấu đáo và thông suốt về bản chất sự việc. Tôi cho rằng nếu bạn thực sự muốn khóc, tốt hơn nên khóc lúc đứa bé được sinh ra bởi lẽ sinh sẽ dẫn đến tử, tử là kết quả của sinh. Sinh là gốc, tử là ngọn. Bạn hãy nhìn kỹ: nếu không có sinh, sẽ không thể có tử. Bạn có hiểu điều này không?
Đừng lo nghĩ quá nhiều. Bạn chỉ cần nghĩ rằng, "Sự vật là như vậy, cuộc đời là như vậy". Vượt qua tất cả để đến được bờ bên kia là công việc của bạn, nhiệm vụ của bạn. Ngay bây giờ không ai có thể giúp đỡ bạn; gia đình và tài sản của bạn cũng không thể làm gì cho bạn. Tất cả những gì có thể giúp bạn bây giờ là sự an nhiên tỉnh giác trong tâm.
Còn tiếp
Việt dịch: Diệu Liên Hoa
AJAHN CHAH – Lion’s Roar