;
8-TINH CẦN
Một thời, Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Bấy giờ, vương tử Bodhi thỉnh Thế Tôn và chúng Tỷ kheo đến nhà thọ trai. Sau khi thọ trai xong, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
Khoảng bao lâu, bạch Thế Tôn, một vị Tỷ kheo tu tập theo giáo pháp của Như Lai, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh?
Này Vương tử, có năm tinh cần chi này. Thế nào là năm? Ở đây, này Vương tử: Vị Tỷ kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai; Vị ấy ít bệnh, ít não, có sức khoẻ; Vị ấy không gian trá, như thật đối với bậc Đạo sư và các đồng Phạm hạnh; Vị ấy siêng năng từ bỏ các bất thiện pháp, tu tập các thiện pháp; Vị ấy có trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp.
Này Vương tử, vị Tỷ kheo thành tựu năm tinh cần chi này có thể đắc lậu tận trong bảy năm, cũng có thể là sáu, năm, bốn, ba, hai, một năm, nửa tháng, cho đến bảy ngày, có thể có người được giảng dạy buổi sáng thì buổi chiều đã chứng đắc.
(ĐTKVN, Trung Bộ II, kinh Bồ đề vương tử [trích], VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.565)
LỜI BÀN:
Tinh cần tức siêng năng, cần mẫn, tinh chuyên và bền bỉ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công, dù cho phải đối mặt với những trở ngại, khó khăn nhất. Trong sự nghiệp tu tập, tinh cần là một trợ đạo, góp phần không nhỏ cho việc thành tựu Thánh quả.
Theo tuệ giác Thế Tôn, giữ vững niềm tin Phật, đấng Toàn giác là yếu tố đầu tiên. Tin tưởng tuyệt đối vào bậc Đạo sư, người dẫn đường tối thượng đã hoàn toàn giải thoát và giác ngộ. Tin Phật để tin tâm, thành tựu niềm tịnh tín bất hoại là tin vào khả năng giác ngộ của chính mình. Như Lai là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành. Tiếp đến, người tu phải có sức khoẻ và thể lực tốt. Thân và tâm vốn nhất như, có liên hệ mật thiết với nhau. Không thể có sự minh triết, sáng suốt trong một thân thể bệnh hoạn, ốm yếu đến kiệt sức. Mặt khác, tu tập là một sự tự giác và tự nguyện. Vì thế, trung thực và chân thật với chính mình và mọi người là một nguyên tắc căn bản để tiến tu, tịnh nghiệp. Nguyện từ bỏ các điều ác, làm tất cả việc lành đồng thời những điều ác chưa sinh thì không để phát sinh, những việc lành đã sinh thì phải làm cho tăng trưởng là cốt tủy của chánh cần. Cuối cùng là vận dụng tuệ giác, nỗ lực thiền quán về sự sanh diệt của các pháp để thân chứng về Khổ, Vô thường và Vô ngã.
Thời gian để chứng đạt và an trú quả vị giải thoát luôn tỷ lệ nghịch với tinh tấn, chuyên cần. Có thể rất dài, trải qua ba A tăng kỳ kiếp nhưng cũng có thể rất ngắn, bảy ngày cho đến một ngày, thậm chí trong một sớm một chiều tùy thuộc hoàn toàn vào sự tu tập năm tinh cần chi này của mỗi hành giả. Tinh tấn, siêng năng hay chánh cần có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp tu học như thế, nên trong lời di huấn cuối cùng trước lúc Niết bàn, Thế Tôn chỉ răn dạy: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật” (kinh Đại Bát Niết Bàn).
9-SỢ HÃI
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn? Sợ hãi tự mình trách, sợ hãi người khác trách, sợ hãi hình phạt, sợ hãi ác thú.
Thế nào là sợ hãi tự mình trách? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người suy xét: “Nếu thân ta làm ác, lời ta nói ác, ý ta nghĩ ác, thời chính ta có thể trách ta: Sao lại làm nghiệp ấy?”. Người ấy do sợ hãi tự trách, bỏ ác làm lành, sống đời trong sạch. Này các Tỷ kheo, đây gọi là sợ hãi tự trách.
Thế nào là sợ hãi về người khác trách? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người suy xét: “Nếu thân ta làm ác, lời ta nói ác, ý ta nghĩ ác, thời người khác có thể trách ta: Sao lại làm nghiệp ấy?”. Người ấy do sợ hãi người khác trách, bỏ ác làm lành, sống đời trong sạch. Này các Tỷ kheo, đây gọi là sợ hãi người khác trách.
Thế nào là sợ hãi hình phạt? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người thấy các vua chúa khi bắt được kẻ trộm cướp liền dùng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, bằng gậy cho đến lấy gươm chặt đầu. Người ấy vì sợ hãi hình phạt, không có đi trộm cắp tài sản của người khác. Này các Tỷ kheo, đây gọi là sợ hãi hình phạt.
Thế nào là sợ hãi ác thú? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người suy nghĩ như sau: “Những ai thân làm ác, nói lời ác, ý nghĩ ác thì có ác báo trong tương lai”. Người ấy vì sợ hãi ác thú, đọa xứ nên đoạn tận thân làm ác, nói lời ác và ý nghĩ ác. Này các Tỷ kheo, đây gọi là sợ hãi ác thú.
Này các Tỷ kheo, có bốn loại sợ hãi này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Sợ hãi, phần Tự trách [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.46)
LỜI BÀN:
Lo sợ, bất an là một trong những phiền não làm xáo động tâm tư con người. Tuy vậy, sự lo sợ vốn thật cần thiết cho con người hướng thiện, tránh xa những điều xấu ác. Trong cuộc sống, nếu không có chút sợ sệt, nể nang thì người ta có thể làm mọi chuyện, chẳng chừa bất cứ điều gì.
Tự vấn lương tâm, tự dằn vặt với mình về những điều xấu ác là nền tảng căn bản của tự hoàn thiện. Sợ hãi sự chê trách của người khác là dĩ nhiên với người đứng đắn và tương đối dễ làm nhưng sự tự chê trách, ghê tởm với chính mình (khi sự việc không hoặc chưa ai biết) mới là điều khó, không phải ai cũng làm được.
Sợ hãi về hình phạt, sự nghiêm trị của pháp luật cũng giúp cho con người chùn tay trước những việc ác. Luật pháp càng nghiêm minh thì cái ác càng bị đẩy lùi. Tuy chỉ giải quyết được phần ngọn của cái ác nhưng pháp luật có tác dụng trừng phạt, răn đe hiệu quả.
Không chỉ lo sợ quả báo nhãn tiền, sự sợ hãi quả báo ác thú, đọa xứ ở tương lai cũng góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện con người. Gieo nhân ác ắt sẽ gặp quả ác là một sự thật. Vì thế, những người con Phật luôn quán sát thân tâm, phát huy tuệ giác, biết sợ hãi những điều xấu ác để sống hiền thiện nhằm gặt hái an lành cho đời này và đời sau.