;
Chân dung Cố Hòa thượng Thích Quang Đạo
SUY NGẪM VỀ NHỮNG DI HUẤN SAU CÙNG CỦA THẦY
- Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
- Kính bạch Giác linh Thầy !
- Kính thưa quý huynh đệ cùng quý nam nữ Phật tử.
Hôm nay là ngày tưởng niệm Đại tường Giác linh Thầy. Mới đó mà đã hai mùa Vu lan chúng con phải cài hoa trắng, ngày giải hạ chúng con chỉ biết hướng vọng mừng khánh tuế Thầy qua di ảnh.
Lặng lẽ ngắm nhìn chân dung bậc nghiêm từ, chúng con biết Thầy đã đi vào cõi vô tung nhưng tuệ giác, tình thương, lòng bi mẫn của Thầy vẫn ở lại, còn lưu dấu sâu đậm trong niềm tiếc thương, tâm kính phục của môn đồ và tứ chúng thập phương. Đặc biệt nhất là, dù cho thời gian dần xóa đi những dấu xưa nhưng âm vang những di huấn tối hậu của Thầy vẫn luôn đồng vọng.
Thường thì lời dặn dò, di huấn của một người trước lúc đi xa chính là điều mà họ xem là hệ trọng nhất, thường thao thức, luôn trăn trở suốt cả cuộc đời. Trước lúc viên tịch, Thầy đã gom hết sức tàn về thăm ban giám hiệu, các học trò và ngôi trường Phật học Đồng Nai thân thương, nơi mà hơn nửa cuộc đời Thầy đã tâm huyết dựng xây.
Ngay thời khắc sống chết chênh vênh, sinh tử phập phù, Thầy đã rút hết ruột gan buông lời giáo huấn nghe vang rền như sấm động giữa chiều Thu, những lời dạy cô đọng và kỳ đặc khiến bao người ngẩn ngơ như những công án thiền lâm thuở trước. Đó là: “Chùa to Phật lớn để làm gì? Tổ chức khéo, đồ chúng đông, Phật tử nhiều để làm gì? Thuyết pháp hay để làm gì?”.
Những di huấn này quả là tâm huyết, là tim gan máu thịt, nói một cách khác đó là những công án. Thầy dành trọn cả cuộc đời để trùng hưng Tam bảo, chung tay góp sức xây chùa - dựng tượng - đúc chuông rất nhiều già lam tự viện, đến cuối đời Thầy lại bảo “Chùa to Phật lớn để làm gì?”.
Thầy dành cả đời để kiến lập đạo tràng, tổ chức các khóa tu học, tín đồ Phật tử quy hướng đông đến hàng vạn, rồi đến cuối đời lại răn “Tổ chức khéo, đồ chúng đông, Phật tử nhiều để làm gì?”.
Thầy là bậc pháp sư, thuyết pháp cho hàng vạn thính chúng, ban đạo từ cho vô số pháp hội đạo tràng, và cuối đời lại dạy “Thuyết pháp hay để làm gì?”.
Vậy thì, vấn đề được Thầy đặt ra ở đây là dành cho các học trò đệ tử, hay cho chính bản thân Thầy? Ai mà không biết chùa to Phật lớn để phụng sự Tam bảo, tiếp Tăng độ chúng, hoằng dương Phật pháp, cứu độ quần sinh. Ai mà chẳng hay kiến lập đạo tràng để thượng cầu hạ hóa, cứu thế độ nhân nhằm báo đền bốn ơn sâu nặng. Ai mà không biết thuyết pháp hay là để trao truyền Chánh pháp, tiếp nối mạng mạch Như Lai.
Như thế, những câu hỏi ‘Để làm gì’ mà Thầy đã đặt ra lúc cuối đời thực chất để làm gì?
Có nên chăng, hàng học trò đệ tử của Thầy hãy đem công án ‘Để làm gì’ đặt trước mặt, dán lên trán, đội trên đầu để hằng tham cứu. Người xuất gia trong thời nay làm được một trong ba điều kể trên đã là khó. Làm được cả ba điều như Thầy đã làm lại càng quá khó, thật hiếm hoi. Nhưng nghiêm túc và chân thành mà nói, những thành tựu đó cũng chỉ là phương tiện, là sự nghiệp hữu vi, chưa phải là mục tiêu cốt tủy, trọng yếu của người xuất gia. Nói thẳng ra, đó chưa phải là chân trời cao rộng của giác ngộ và giải thoát mà người xuất gia phải thành tựu.
- Kính bạch Giác linh Thầy,
Trong đời Thầy có thể đã có nhiều giải ngộ, có nhiều xả buông để giải thoát thảnh thơi, và nhất là Thầy đã có thành tựu nhất định trong nhiều Phật sự quan trọng. Nhưng khi nhìn lại sự nghiệp khá đồ sộ ấy, Thầy trực nhận ra rằng chúng thật vô thường, huyễn hóa, trống rỗng như bản chất tính Không - vô ngã của chính nó; các pháp hữu vi, hữu hình thì hữu hoại là lẽ thường.
Vậy trộm nghĩ, Thầy muốn cảnh tỉnh chúng ta, những thành tựu Phật sự ấy cũng chỉ là phương tiện, vun bồi cội phước mà thôi, không phải là cứu cánh giác ngộ giải thoát và không có công năng làm chủ sinh già bệnh chết. Mặt khác, phải chăng Thầy muốn khai thị, nếu không xả ly những chấp thủ về những gì mình đã làm được - cho dù đó là thiện lành, là Phật sự - thì sẽ bị kẹt, khó mà tiến xa đến giải thoát tối hậu.
Cũng như chiếc lồng chim của bậc đế vương dù có làm bằng vàng ròng cũng là tù ngục, những hạt bụi vàng của người thợ kim hoàn dù quý giá đến mấy nhưng rơi vào mắt vẫn xốn xang. Thế nên hãy xả buông hết mọi thứ, kể cả những thành công mới mong đặt chân đến phương trời cao rộng.
Về một phương diện khác, điệp khúc di huấn ‘Để làm gì?’ như một lời trối trăn, phải chăng Thầy muốn cảnh tỉnh hai chúng đệ tử xuất gia, nhất là những vị có trách nhiệm kế thừa Phật sự lần sau cuối về quan điểm hành đạo, thái độ ứng xử, kết nối đạo tình.
‘Chùa to Phật lớn để làm gì?’ khi mà đệ huynh mỗi người một ngả, Phật tử tứ tán thập phương. ‘Tổ chức khéo, đồ chúng đông, Phật tử nhiều để làm gì?’ khi tự trong bản chất không phải là Phật sự đúng nghĩa, phụng sự mà thiếu vắng từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha.
‘Thuyết pháp hay để làm gì?’ khi mà thuyết giảng không vì hoằng pháp lợi sinh, cốt chỉ lợi mình, vun bồi thêm tự ngã. Bởi Thầy biết rõ con đường đạo vốn đầy rẫy chông gai. Nếu tâm chưa được khai minh, tuệ chưa được tỏ sáng thì chỉ quẩn quanh với tự ngã mà từ đó sinh ra chướng ngại muôn trùng.
- Kính bạch Giác linh Thầy,
Nhờ ân đức giáo dưỡng sâu nặng, nhờ lòng bi mẫn mênh mông nên dẫu đã hai mùa Vu lan vắng bóng Thầy, Tổ đình Phước Viên cũng như môn đồ tứ chúng đệ tử chúng con khắp mọi nơi vẫn mạnh khỏe, an hòa, vững bước phụng sự chúng sinh trong hương thiền bát ngát của Thầy.
Chúng con tự dặn lòng, luôn khắc cốt ghi tâm những di huấn tối hậu của Thầy để tu học và phụng sự trong tinh thần vô ngã vị tha nhằm nghiêm thân tấn đạo. Chúng con xin đốt nén hương lòng, thầm hứa với Thầy sẽ tiếp tục noi gương Thầy thực hành mười đức ‘Ôn hòa, Lương thiện, Cung kính, Tiết kiệm, Nhường nhịn, Bao dung, Nhẫn nại, Chịu đựng, Chơn thực, Nghiêm minh’ trong tu học, trong ứng xử với huynh đệ và trong khi hành đạo lợi ích chúng sinh.
Xin Thầy chứng tri cho tấc lòng thành kính của chúng con.
- Nam mô tự Lâm Tế chánh tông, tứ thập tứ thế, Liễu Quán pháp phái, Phước Viên đường thượng, húy thượng NGUYÊN hạ MINH, tự QUANG ĐẠO, hiệu CHIẾU NHIÊN Hòa thượng Giác linh tác đại chứng minh.
Môn đồ pháp quyến
QUẢNG TÁNH
Khể thủ cẩn bạch.