;
Bài 12 - Quyết tâm đạt được Giác ngộ
Bài 12 - Lịch sử Phật giáo
Bài 13 - Sự xuất hiện của bodhicitta
Bài 14- Bốn yếu tố của Vasubandhu
Bài 11
Bodhicitta tuyệt đối và bodhicitta tương đối
Phật giáo Mahayana (Đại thừa) đặc biệt chú trọng đến bản chất năng động (linh hoạt) của bodhicitta (bồ-đề tâm, tinh thần Giác ngộ) qua cách nêu lên hai thể dạng bodhicitta khác biệt nhau: "bodhicitta tuyệt đối" và "bodhicitta tương đối".
Bodhicitta tuyệt đối
Thiết nghĩ cũng nên thú nhận ngay là sẽ không có gì nhiều để nói về bodhicitta tuyệt đối cả, bởi vì ý nghĩa sâu xa và tối hậu của nó vượt lên trên tư duy và ngôn từ. Tuy nhiên một số các vị đại sư vẫn có một cái gì đó để nói lên, chẳng hạn như họ bảo rằng bodhicitta tuyệt đối cũng chính là sunyata ("sự trống không"/ tánh không), tức là một sự trống không từ bản chất, điều đó có nghĩa là bodhicitta tuyệt đối cũng là một thứ với hiện thực tối hậu (ultimate reality/ réalité ultime). Bodhicitta tuyệt đối được thấm đượm bởi sự tinh túy của lòng từ bi. Bodhicitta tuyệt đối không phải là một sự bất động tuyệt đối (absolute inert), và "vô danh tính" (anonymous), tương tự như một trang giấy trắng (không mang tên tuổi hay dấu tích của một cá thể nào đó).
Bodhicitta tuyệt đối là một sự rung động, hiển hiện từ sự năng hoạt của cả một cuộc sống tâm linh (xả thân vì kẻ khác), và đó là những gì mà người ta gọi là lòng từ bi. Bodhicitta tuyệt đối giống như một luồng ánh sáng trắng tinh khiết, rạng ngời, không bị vấy bẩn. Không có gì có thể làm cho nó bị sứt mẻ, ô uế hay xao động được. Hơn thế nữa, bodhicitta tuyệt đối còn vượt lên trên không gian và cả thời gian. Quả là một sự thần bí! Chúng ta có thể bảo rằng bodhicitta tuyệt đối, dù là cùng một thứ với hiện thực (reality), có nghĩa là vượt lên trên mọi sự biến động (đúng hơn là vượt lên trên sự đối nghịch giữa chuyển-động và phi-chuyển-động), thế nhưng cũng không phải là bất động (static) tương tự như như một vật thể cố định nào đó (bodhicitta không phải là một "sự kiện" hay một "vật thể" nào cả, mà là một xúc cảm, một sự cảm nhận sâu xa và thiêng liêng).
Bodhicitta tương đối
Bodhicitta tương đối dễ hiểu hơn và cũng dễ thực hiện hơn. Người ta có thể bảo rằng bodhicitta tương đối là hình ảnh phản chiếu của bodhicitta tuyệt đối, hiện lên trên tấm màn hiện hữu do điều kiện mà có ("tấm màn hiện hữu do điều kiện mà có" ở đây có nghĩa là một con người hay một cá thể nào đó. Cá thể con người là kết quả mang lại từ sự kết hợp và tương tác giữa vô số nguyên nhân và điều kiện . Bodhicitta/ bồ-đề tâm hiện lên với cá thể ấy hay con người ấy - tức là tấm màn hiện hữu do điều kiện mà có ấy - chỉ là bodhicitta tương đối mà thôi), hoặc là một làn sóng dồn dập của thời gian, hoặc một quá trình chuyển động của vũ trụ (các hình ảnh này nói lên sự biến động và tính cách giới hạn của bodhicitta tương đối, trong khi đó thì bồ-đề tâm tuyệt đối mang tính cách siêu nhiên và trường tồn).
Đối với hình ảnh thì chúng ta phải luôn thận trọng, chẳng qua vì ý nghĩa của hình ảnh thường là rất giới hạn: hình ảnh phản chiếu và vật mà nó phản chiếu là hai thứ khác nhau (hình ảnh mặt trăng trong các vũng nước hay ao hồ không phải là mặt trăng trên không trung). Bodhicitta tương đối hiện ra rất thật với một số người nào đó, thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ có vẻ là như thế mà thôi (bodhicitta hiện ra với chúng ta không thật sự đúng là bodhicitta), đấy chỉ là một sức mạnh năng hoạt nhằm vào mục đích phục vụ thế giới (nhưng không phải là một yếu tố giác ngộ).
Vì vậy nếu dịch chữ "bodhicitta tương đối" là "quyết tâm Giác ngộ" thì có thể là thich nghi hơn, nhất là trong trường hợp nêu lên sự khác biệt giữa bodhicitta tương đối (phục vụ chúng sinh) và bodhicitta tuyệt đối (mang lại sự Giác ngộ). Vì lý do bodhicitta tuyệt đối và tương đối mang củng một tên gọi chung (là bodhicitta), nên dễ gây ra lầm lẫn, trên thực tế mỗi thứ mang một bản chất riêng biệt. Quả hết sức khó có thể tìm hai thuật ngữ khác biệt nhau để chỉ định hai thể dạng bodhicitta trên đây.
Có hai giải pháp: hoặc tìm hai thuật ngữ khác nhau mang ý nghĩa cũng khác nhau để chỉ định hai thể loại bodhicitta trên đây, hoặc chọn một thuật ngữ duy nhất chung cho cả hai và xem hai thể loại bodhicitta là một thứ. Trong trường hợp chọn một thuật ngữ chung, tức là xem bodhicitta là duy nhất nhưng gồm có hai thể dạng khác nhau: "tuyệt đối" và "tương đối", thì đấy là cách chủ trương sự "đồng nhất tính" (identity) (bodhicitta là duy nhất, thế nhưng ở hai dạng thể hay hai cấp bậc khác nhau: tuyệt đối và tương đối), trái lại nểu chọn cho mỗi thứ một tên gọi riêng thì đấy là giải pháp cực đoan (dứt khoát).
Sự nan giải trên đây có thể một phần là do cách dùng chữ "tuyệt đối" mà ra cả. Trong trường hợp nếu dịch chữ paramartha bodhicitta là bodhicitta tuyệt đối, thì trên phương diện triết học cũng không nên xem đó là sự hiện hữu của một cái gì đó mang tính cách tuyệt đối và độc nhất (unitary), gộp chung tất cả mọi thứ khác (bodhicitta tương đối không phải là thuộc chung trong bodhicitta tuyệt đối mà là một thể dạng bodhicitta riêng biệt chỉ mật thiết liên hệ với bodhicitta tuyệt đối mà thôi).
Chữ paramartha bodhicitta được dịch một cách từ chương là "bodhicitta ở cấp bậc tối thượng của nó", cách dịch này chính xác và vừa dễ hiểu hơn cả (không nên dịch là "bodhicitta tuyệt đối", vì chữ tuyệt đối cũng có nghĩa là duy nhất, gộp chung bodhicitta tương đối, lòng từ bi, hành động..., mà nên dịch là "bodhicitta ở cấp bậc tối thượng", có nghĩa là còn có các cấp bậc khác thấp hơn. Chữ paramartha trong chữ paramartha bodhicitta là tiếng Phạn và có nghĩa là "hiện thực", "sự thật tối thượng", hay sự "hiểu biết siêu nhiên trong lãnh vực tâm linh". Mạn phép xin nhắc lại: "bodhicitta tương đối" là bodhicitta "thường tình" nhằm khơi động lòng từ bi bên trong chúng ta, thúc đẩy chúng ta dấn thân trong thế giới, trong khi đó "bodhicitta tuyệt đối" là sự "Giác ngộ tối thượng " hay "Paramartha bodhicitta", là một cái gì đó vượt lên trên bodhicitta tương đối của mình, kể cả chính mình và thế giới).
Các sự tìm hiểu trên đây thật hết sức quan trọng. Người ta có thể bảo rằng bodhicita tương đối biểu trưng cho "con đường" và bodhicitta tuyệt đối là "mục đích". Nếu nói hai thứ ấy giống như nhau hoặc nói hai thứ ấy hoàn toàn khác biệt nhau thì đều là sai cả, quan điểm đó sẽ làm sụp đổ cả cuộc đời tu tập của mình (nếu xem hai thứ như nhau thì sẽ không bao giờ thăng tiến được vì còn vướng mắc và lẩn quẩn với bodhicitta tương đối, nếu xem hai thứ hoàn toàn khác biệt nhau thì mình sẽ không biết được vị trí của mình là ở chỗ nào). Bodhicitta tuyệt đối và tương đối không phải là một thứ, nhưng cũng không phải là hai thứ khác nhau.
Cách gọi hai thứ ấy là:samvrtti bodhicitta (samvrtti là tiếng Phạn có nghĩa là các mối quan tâm "thường tình" và "thường nhật" của mình, và cũng có nghĩa là lòng từ bi và sự dấn thân của mình trong thế giới) và paramartha bodhicitta (đã được giải thích trên đây, đó là "bodhicitta ở cấp bậc tối thượng" hay "bodhicitta tuyệt đối") có thể là cách gọi thích nghi hơn cả, vừa bảo toàn được "tính đồng nhất", vừa nói lên "sự khác biệt". Hai thể loại mang cùng một tên gọi (là bodhicitta) sẽ nói lên được tính đồng nhất, trong khi đó hai tĩnh từ khác nhau ("tuyệt đối" và "tương đối") sẽ nói lên được sự khác biệt.
Sự khác biệt giữa hai thể loại bodhicitta tuyệt đối và tương đối sẽ gợi lên một hiện thực mà chúng ta đang cố gắng thực hiện. Hiện thực đó không xa lạ với mình (bodhicitta tương đối hiện lên từ bên trong chính mình và cũng là con đường mà mình đang bước đi), và mình thì cũng không xa lạ gì với nó (bodhicitta tuyệt đối là mục đích hay mức đến của con đường mà mình cảm thấy ngày càng gần hơn với nó), dù rằng đang trong lúc này thì mình vẫn còn đang cố gắng để thực hiện được nó, và dường như là mình khác với nó (con đường và mục đích có vẻ như là hai thứ, thế nhưng điểm hội tụ của cả hai là ở bên trong chính mình).
Angelius Silesius một nhà thần bí người Đức (1624-1677, là y sĩ, văn sĩ, thi sĩ, triết gia, thần học, v.v.) sống vào thời Trung cổ, đã dựa vào chủ thuyết tân-Plato (neoplatonism, Plato là một triết gia Hy lạp thời cổ đại) khi cho rằng mắt không thể nào trông thấy được mặt trời nếu trong mắt không có một cái gì đó tương tự như mặt trời. Cũng vậy bodhicitta không thể nào hiện lên với mình nếu không có một cái gì đó tương tự như thế bên trong chính mình.
Trong tập luận "Sự thức tỉnh của lòng tin trong Đại thừa" (Treatise of the awakening of faith according to the Mahayana) một trước tác của Trung quốc vào thế kỷ thứ V (theo Phật giáo Trung quốc thì tập sách này gốc từ tiếng Phạn, mang tựa là Mahayanasraddhotpada-sastra, được Paramartha dịch sang tiếng Hán lần đầu năm 550, tựa là 大乘起信论/ "Đại thừa khởi tín luận", sau đó lại được Siksananda dịch thêm một lần thứ hai năm 770. Thế nhưng các học giả Tây phương thì lại cho rằng đây chỉ là một ngụy tác/apocryphal của Trung quốc, vì không có bản tiếng Phạn nào như thế cả), có nói rằng hiện-thực và phi-hiện-thực cùng "xông hương" cho nhau. Có một chút tuyệt đối nào đó ăn sâu vào bên trong con người của chúng ta, bất chấp tất cả các thứ khác, và đấy cũng là một cái gì đó mà chúng ta không thể nào tẩy xóa đi được, tương tự như sau khi xức nước hoa thì một tí xíu mùi thơm dính vào da thịt mình.
Là một người Phật giáo, mục đích mà chúng ta mong cầu không hề là một thứ gì đó hoàn toàn xa lạ với mình: chúng ta gắn chặt với nó qua một mối quan hệ họ hàng thật sâu kín, dù cho mối quan hệ đó có khó nhận thấy đến đâu cũng vậy. Thiếu mối dây họ hàng đó thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mục đích cả. Bodhicitta là kích thước "tuyệt đối" của một cái gì đó có sẵn từ bên trong chúng ta, thế nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được nó dưới hình thức "tương đối" mang một tầm cỡ giới hạn mà thôi (dù một người hung dữ đến đâu đi nữa, thế nhưng trước sự hung bạo, bất công và tàn ác, thì dường như một chút xao động nào đó, một chút cảm tính từ bi nào đó cũng có thể hiện lên với người ấy.
Đối với một người Phật giáo thì cảm tính đó bùng dậy thật mạnh, đó là sự bừng tỉnh của bodhicitta. Thế nhưng bodhicitta ấy chỉ mang tính cách tương đối, giúp mình dấn thân sâu hơn và xa hơn trong thế giới. Bodhicitta tuyệt đối vừa hàm chứa các thứ ấy, hiện lên từ các thứ ấy và đồng thời cũng vượt lên trên các thứ ấy hầu mang lại cho chúng ta sự Giác ngộ).
Trên đây là cách sử dụng ngôn từ qua các ý nghĩa sâu xa của nó, điều đó có nghĩa là phải luôn cảnh giác và thận trọng giúp mình bảo toàn sức khỏe tâm linh của mình (hiểu sai, hời hợt hoặc phiến diện các ngôn từ có thể sẽ đánh lạc hướng việc tu tập của mình và làm gia tăng thêm vô minh sẵn có trong tâm thần mình). Người ta có thể bảo rằng bodicitta là một tiềm năng tự tại bên trong chính mình, thế nhưng nếu muốn phát huy được nó thì phải làm một cái gì đó, không phải chỉ ý thức về sự hiện hữu của nó là đủ. Hầu hết trong số chúng ta thường là phải trải qua một quá trình tu tập lâu dài với thật nhiều cố gắng. Mục đích của bodhicitta cũng có thể xem như liên hệ với các lãnh vực thời gian và không gian, và cũng chính vì thế nên người ta thường nghĩ rằng sự Giác ngộ là điểm tột đỉnh của một chuỗi dài tiến hóa, điều đó có nghĩa là việc tu tập phải cần đến một quá trình thăng tiến.
Quả hết sức khó tạo ra sự hòa hợp về mặt ý nghĩa giữa các ngôn từ trong cả hai lãnh vực thời gian và không gian (theo nhà sư Sangharakshita thì thời gian là một cái gì đó luân lưu và trôi chảy, và không gian là một cái gì đó tỏa rộng và bất biến. Thế nhưng theo vật lý học, toán học, kể cả một góc nhìn nào đó của triết học hiện đại, thì thời gian và không gian liên hệ mật thiết với nhau, đưa đến một khái niệm chung gọi là "không-gian-thời-gian/ space-time concept).
Bodhicitta tuyệt đối không tùy thuộc vào thời gian (bởi vì thời gian là một cái gì đó chuyển động), mà phải hình dung nó trong lãnh vực không gian, có nghĩa là bất động, trường tồn và bất biến. Bodhicitta tương đối trái lại được hiểu như thuộc vào lãnh vực thời gian, có nghĩa là hàm chứa một sự đổi thay nào đó. Nếu hình dung hiện thực tối hậu trong lãnh vực không gian thì đấy là cách liên tưởng đến bodhicitta tuyệt đối.
Trái lại khi suy nghiệm về bản chất của thời gian thì đấy là cách liên tưởng đến bodhicitta tương đối. Thế nhưng cả hai thứ đều giống như nhau, hoặc đúng hơn thì chúng "không phải là hai thứ" khác nhau, điều đó cũng tương tự như trường hợp nêu lên samsara (cõi luân hồi) và nirvana (cõi niết-bàn) "không phải là hai thứ" khác biệt nhau. Một mặt sự Giác ngộ là một cái gì đó đạt được một cách vĩnh cữu, một mặt khác thì nó vẫn còn đang trên đà thăng tiến bất tận, thế nhưng trong thì cả hai cùng hội nhập với nhau ở cấp bậc tối hội.
Tóm lại bodhicitta không phải là một thứ "tư duy" đơn giản về sự Giác ngộ, mà đúng hơn là một cái gì đó mang bản chất siêu nhiên và siêu-cá-nhân. Đặc tính năng hoạt của nó phản ảnh thật rõ rệt qua cách dịch chữ "bodhicitta" là "quyết tâm Giác ngộ" (bodhicitta hay bồ-đề tâm là một sự bùng dậy của lòng từ bi khiến mình "quyết tâm" đạt được Giác ngộ giúp mình hội đủ khả năng để mang lại sự tốt lành cho tất cả chúng sinh). Thế nhưng quyết tâm đó lại không phải là một quyết tâm riêng tư của người này, hay là một thứ tư duy cá nhân của kẻ khác. Nếu tiếp tục tìm cách diễn đạt bằng ngôn từ thì chúng ta cũng có thể sẽ đi đến chỗ cho rằng bodhicitta là một hình thức quyết tâm mang kích thước vũ trụ (cosmic volition) (thật hết sức quan trọng không nên hiểu ý niệm này một cách từ chương hoặc trong lãnh vực khoa học, mà chỉ nên xem đó là một cách diễn đạt thi vi) (câu ghi chú này là trong bản dịch tiếng Pháp).
Bodhicitta là một sự quyết tâm đuợc hun đúc trong vũ trụ, mang ý nghĩa của một sự chuộc tội (redemption/ sự hối lỗi) mang kích thước toàn cầu, nói lên sự giải thoát hay sự Giác ngộ, hiện hữu thật sâu kín bên trong tất cả chúng sinh. Hoặc người ta cũng có thể nghĩ rằng bodhicitta chính là một tinh thần Giác ngộ, bàng bạc trong thế giới, hướng dẫn từng cá thể chúng sinh vượt lên các cấp bậc ngày càng cao hơn của sự hoàn thiện tâm linh (prajna-paramita).
Những gì trên đây cho thấy thật rõ ràng các cá thể không hề chiếm giữ (possess) được bodhicitta (không thể nắm bắt được nó và biến nó trở thành sở hữu của mình), nếu các bạn nghĩ rằng mình chiếm hữu được nó thì đấy không phải là bodhicitta, chính bodhicitta nắm bắt các cá thể là các bạn. Đối với những ai đã bị bodhicitta nắm bắt - nếu có thể nói như vậy - thì tất nó sẽ hiện lên với họ, khơi động bên trong chính họ và biến họ thành những người bodhisattva (những người bồ-tát).
Điều đó có nghĩa là họ sống vì mục đích Giác ngộ: có nghĩa là cố gắng biến tất cả các tiềm năng tối thượng tích chứa trong vũ trụ trở thành hiện thực, hầu mang lại sự tốt lành cho tất cả chúng sinh.
Bures-Sur-Yvette, 09.06.20
Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)