;
Lý Tưởng của người Bồ-tát - Phật giáo là gì (Bài 3)
Hãy nêu lên một thí dụ cụ thể, một số người hẳn còn nhớ câu chuyện Đức Phật viếng thăm những nơi ẩn cư của các tỳ kheo và trông thấy trong một túp lều có một vị sư lớn tuổi bị tiêu chảy, nằm dưới đất thật thảm thương. Rõ ràng vị sư này nằm dưới đất đã từ nhiều ngày nhưng chẳng có ai giúp đỡ. Đức Phật hỏi vị sư già vì lý do gì mà các vị sư khác không chăm sóc cho mình. Vị sư già đáp lại: "Tôi đã gìà, không còn ích lợi gì cho ai nữa, vì thế họ nào còn bận tâm đến tôi làm gì?".
Đức Phật sai Ananda đi tìm nước đun lên cho ấm. Hai người nâng vị sư già lên giường, lau người và dọn lại chỗ nằm. Sau đó Đức Phật cho gọi tất cả các tỳ-kheo lại và bảo với họ: "Này các tỳ kheo, các bạn không có cha, chẳng có mẹ, anh chị em cũng không. Đã rời bỏ thế giới thì các bạn phải xem nhau như anh em hay cha mẹ của chính mình. Nếu có ai trong số các bạn muốn chăm sóc cho ta thì cứ hãy chăm sóc cho kẻ ốm đau" (câu chuyện trên đây được trích trong Tạng Luật: Vinaya- Mahamagga, Mn 8.26. 1-8, độc giả có thể xem bản chuyển ngữ trong phần Phụ lục dưới đây).
Câu chuyện về người phụ nữ Kisagotami
Các câu chuyện như trên đây cùng với nhiều giai thoại khác nói lên thật hiển nhiên lòng từ bi của Đức Phật, và đã in đậm trong tâm trí và cả con tim các đệ tử của Ngài. Trong số họ, nhiều người hẳn còn nhớ câu chuyện về người phụ nữ Kisagotami (còn được viết là Kisa-Gotami). Tại Ấn vào thời bấy giờ - kể cả ngày nay - chỉ số tử vong của trẻ em rất cao - có một phụ nữ còn trẻ tên là Kisagotami có một đứa con duy nhất được vài tuổi vừa qua đời. Người phụ nữ đau đớn cực độ, như điên như dại (trong kinh cho biết thêm là người phụ nữ không tin rằng con mình đã chết), đi hết nhà này sang nhà khác van nài hãy cứu con mình. Sau cùng có một người khuyên nên tìm Đức Phật, may ra Ngài có thể cứu được. Người phụ nữ nghe theo tìm được Đức Phật và xin Ngài hãy cứu con mình sống lại.
Đức Phật không thoái thác, nhưng cũng không thuyết giảng gì cả, bởi vì trước niềm đau của người phụ nữ, thuyết giảng chỉ là vô ích mà thôi. Đức Phật không đáp lại lời khẩn cầu của người phụ nữ mà chỉ nói với người này rằng: "Hãy đi tìm cho ta vài hạt cải (hạt cải là một thứ gia vị dùng để nấu nướng) tại bất cứ một nhà nào không có người chết". Thế là người phụ nữ đi hết nhà này đến nhà khác, nơi nào cũng sẵn sàng cho hạt cải, nhưng trước câu hỏi: "Trong nhà có ai đã từng qua đời hay không?", thì mọi người đều trả lời: "Xin đừng gợi lại những nỗi đau buồn của chúng tôi, người đang sống thì ít, người đã khuất thì nhiều".
Tại bất cứ nhà nào người phụ nữ cũng chỉ học được một sự thật duy nhất: cái chết không chừa ai cả. Sau cùng người phụ nữ bồng xác con đặt vào một khu rừng (trong kinh là một nơi hỏa táng) và quay lại tìm Đức Phật. Người phụ nữ Kisagotami ngồi xuống dưới chân Đức Phật, yên lặng không nói một lời nào. Sau một lúc lâu thì ngỏ lời với Đức Phật như sau: "Xin Ngài ban cho con một nơi an trú". Và người phụ nữ Kisagotami sau đó đã trở thành một ni sư (câu chuyện được trích từ bài kinh Kisagotami-Sutta trong Therigatha/Trưởng lão Ni kệ, Thig 10 hoặc PTS, Thig 213-217).
Chúa Giêsu làm phép cho La Xu Rơ sống lại
Câu chuyện trên đây [về người phụ nữ Kisagotami] trái hẳn lại với câu chuyện Chúa Giêsu làm phép cho La Xu Rơ (Lazarus/Lazare) sống lại. Nếu cả hai câu chuyện đều thật thì tất nhiên sẽ có một sự khác biệt rất lớn trên phương diện giáo lý. Đức Phật nêu lên thật tế nhị cái chết là một sự kiện tự nhiên, không ai tránh khỏi cả, trong khi đó thì Chúa Giêsu đưa ra một thông điệp khác hẳn.
Phúc âm cho thấy một điều thật hiển nhiên: Chúa Giêsu không hề có khuynh hướng thuyết giảng [về giáo lý], hoặc đôi khi nếu có thuyết giảng cho một vài người, thì cũng chỉ là những lời chứng minh rằng mình đúng thật là con của Chúa Trời (khoa thần học Ki-tô giáo chỉ bắt đầu xuất hiện khá giản lược từ cuối thế kỷ thứ II sang thế kỷ thứ III, và chỉ trở nên khúc triết hơn từ thời Trung cổ ảnh hưởng bởi tư tưởng của triết gia Thomas d'Aquin. Khoa thần học "tân tiến" ngày nay xuất hiện trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVI đến XIX. Thần học Tin Lành xuất hiện từ thế kỷ XVII với quan điểm của triết gia G. W. Leibniz). Phúc Âm theoThánh Gioan (Saint John/Saint Jean, Tin Lành thì gọi là Thánh Giăng) từng thuật lại khi Chúa Giêsu hay tin bạn mình là La Xu Rơ bị bệnh thì bảo rằng: "Bệnh tật không hề đưa đến cái chết. Cái chết sở dĩ xảy ra là để vinh danh Thiên Chúa, và mang lại sự vinh quang cho con của Thiên Chúa" (độc giả có thể xem câu chuyện này trong "Phúc Âm Thánh Gioan" 11.1-57).
Nếu bạn tin rằng Trời là vị Sáng Tạo ra thế giới và cả nhân loại, là chủ nhân ông của sự sống và cái chết - có nghĩa là có thể làm sống lại một người đã chết - thì điều đó chứng tỏ bạn có một quyền lực vượt lên trên những kẻ trần tục khác (mình là con của Trời, kẻ khác thì không), kể cả có thể xem bạn như là một vị Trời. Các người Ki-tô giáo vào thời bấy giờ (trong đó có Thánh Gioan) đều tin vào các phép lạ của Chúa Ki-tô và xem đấy như là bằng chứng xác nhận Ngài đúng thật là con của Thiên Chúa.
Đức Phật không cần những sự xác nhận như vậy. Ngài cũng chẳng nghĩ đến sự kiện mình đã đạt được giác ngộ (để cảm thấy hơn kẻ khác). Điều quan tâm duy nhất của Ngài là làm thế nào để có thể chỉ dẫn con đường đưa đến giác ngộ cho những ai mong muốn bước theo con đường đó. Khi người phụ nữ Kisagotami cầu khẩn Ngài thì vấn đề không phải là tìm cách làm cho đứa con qua đời của người phụ nữ này sống lại, cũng không phải là một dịp để chứng minh một điều gì cả về bản thân mình, mà chỉ là để nói lên sự thật liên quan đến sự sống và cái chết, với tất cả lòng từ bi của mình.
Người Phật giáo và người Ki-tô giáo không có cùng một ý niệm như nhau về phép lạ. Trong Kinh điển Pali cũng có thuật lại nhiều câu chuyện thật khác thường, [đến độ] có thể khiến nhiều người phải nghi ngờ [về tính cách đích thật của] các câu chuyện ấy. Thế nhưng điều này không phương hại gì đến sự tinh túy trong giáo huấn của Đức Phật. Kinh sách thuật lại các phép lạ từng xảy ra, chẳng hạn như trường hợp Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) âm mưu ám hại Đức Phật. Theo Kinh điển Pali thì Devadatta là một người phản bội, và sự giác ngộ còn rất xa vời với người này (Davadatta là anh em họ và cũng là đệ tử của Đức Phật, nhiều lần tìm cách ám hại Đức Phật nhưng không thành).
Câu chuyện về người phụ nữ Kisagotami quả hết sức lạ lùng: chỉ vì một biến cố xảy ra (cái chết của con mình) mà một người phụ nữ đã dành trọn đời mình vào việc tu tập. Điều đó khiến chúng ta không khỏi thắc mắc: phải làm thế nào để vượt lên trên những biến cố đau buồn mà không đánh mất dịp may tạo ra cho mình một cuộc sống mới (khổ đau cũng có thể đánh thức mình trước hiện thực, giúp mình bước theo một hướng đi mới trong cuộc đời mình).
Chúng ta thường hay chóng quên [những nỗi khổ đau của mình], trong một số trường hợp điều đó cũng có thể là điều đáng mừng, thế nhưng thông thường hơn thì chóng quên lại là một điều bất hạnh, chẳng qua vì những gì tích cực tạo ra bởi các hoàn cảnh đớn đau thì chúng ta thường hay quên (chúng ta thường không trông thấy các khía cạnh tích cực của khổ đau, hoặc dù có trông thấy đi nữa thì cũng chóng quên. Ý thức về sự thật của khổ đau đôi khi có thể mang tính cách tích cực, giúp chúng ta bước theo một hướng đi khác hơn trong cuộc đời mình). Nếu muốn bảo toàn được sự quán thấy sâu xa đó (khía cạnh tích cực của khổ đau) thì phải thật cảnh giác, không nên quay lại với các thú vui trong cuộc sống của mình trước đây nữa, mà phải nắm ngay lấy dịp may đó để biến cải chính mình, giúp mình bảo toàn và củng cố thêm sự quán thấy đó.
Thật hết sức lạ lùng, chúng ta có thể tạo ra cho mình một sự cảm nhận thật mãnh liệt (một quyết tâm, một sự nhận thức thật mạnh), thế nhưng sau một đêm thì sự cảm nhận đó cũng sẽ chẳng còn lại được bao nhiêu, điều này có thể xảy ra với tất cả mọi người. Tuy vậy nếu biết cố gắng thì chúng ta cũng có thể bảo toàn được sự cảm nhận sâu xa đó nhờ một sự chú tâm thật bền vững, cùng sự trợ giúp của bè bạn chung quanh (tức là những người cùng bước đi với mình trên con đường thánh thiện, đặc biệt trong trường hợp trên đây thì người phụ nữ Kisagotam đã tạo được cho mình sự quyết tâm đó sau khi ngồi một lúc lâu thật yên lặng dưới chân của Đức Phật và Đức Phật cũng giữ một sự yên lặng thật sâu xa và êm ả bên cạnh người phụ nữ).
Phần kết thúc của câu chuyện trên đây cho thấy thấy thật rõ ràng người phụ nữ Kisagotami có thể bảo toàn được sự cảm nhận ấy của mình, và đồng thời cũng giúp cho mọi người trông thấy hiệu quả mang lại từ lòng từ bi vô cùng tế nhị của Đức Phật (biến niềm đau của một người phụ nữ trở thành một sự quán thấy sâu xa, và người phụ nữ thì biến tình thương yêu con mình trở thành tình thương yêu tất cả chúng sinh, trong đó có mình và cả con mình).
***
Phụ lục
Câu chuyện về nhà sư bị kiết lỵ
Kucchivikara-vatthu: The Monk with Dysentery
(Vinaya-Mahavagga, Mv 8.26.1-8)
Lúc bấy giờ có một nhà sư bị tiêu chảy, nằm lên phẩn và cả nước tiểu của mình, bê bết và hôi thối. Lúc đó đấng Thế Tôn đi thanh tra các nơi trú ngụ [của các tỳ-kheo] có cả Ananda đi theo, khi cả hai cùng đi đến túp lều của vị sư này thì trông thấy vị ấy đang nằm trên mặt đất, bê bết phẩn và nước tiểu. Thấy thế Đức Phật tiến đến gần và hỏi: "Tỳ-kheo đau bệnh gì thế?"
-"Thưa Thế Tôn, tôi bị kiết lỵ"
-"Vậy có ai chăm sóc cho tỳ-kheo không?"
-"Thưa Thế Tôn, không có ai cả"
-"Tại sao lại chẳng có tỳ-kheo nào chăm sóc cho tỳ-kheo vậy?"
-"Tôi chẳng hề làm gì cho họ, vì thế họ cũng chẳng ngó ngàng gì đến tôi"
Đấng Tế Tôn bèn quay sang nói với Ananda: "Này Ananda, hãy đi lấy nước, chúng ta sẽ tắm rửa cho vị tỳ-kheo này". Ananda đáp: "Vâng, thưa Thế Tôn" và đi lấy nước. Đấng Thế Tôn xối nước lên thân người tỳ-kheo, Ananda thì kỳ cọ. Sau đó Đấng thế Tôn nâng đầu người tỳ-kheo, Ananda đỡ hai chân, nhấc bổng người tỳ-kheo lên giường.
Trước cảnh tượng đó, Đấng Thế Tôn bèn tập họp tất cả các tỳ-kheo lại và cất lời hỏi họ: "Dường như nơi gian lều đằng kia có một tỳ-kheo đang ốm đau, có đúng thế hay không?"
-"Thưa Thế Tôn, quả đúng thế "
-"Tỳ-kheo ấy bị bệnh gì vậy?"
-"Thưa Thế Tôn, vị ấy bị kiết lỵ"
-"Vậy có ai chăm sóc cho ông ta không?"
-Thưa Thế Tôn, không có ai cả".
-"Vậy tại sao các tỳ-kheo lại không đứng ra chăm sóc cho ông ấy?"
-Thưa Thế Tôn, ông ta chẳng làm gì cho ai cả, nên chẳng có ai chăm sóc cho ông ấy".
-"Này các tỳ-kheo, các tỳ kheo không có mẹ, cũng chẳng có cha (những người tu hành là những kẻ rời bỏ gia đình) vậy thì ai vào đây để chăm lo cho các tỳ-kheo? Ngoài các tỳ-kheo ra thì nào có ai khác chăm sóc cho các tỳ-kheo đâu. Nếu có ai muốn chăm sóc cho ta thì hãy cứ chăm sóc cho những kẻ ốm đau.
"Nếu có một người trợ giáo (preceptor) bên cạnh, thì người này phải chăm sóc cho người đau ốm - suốt cả đời mình nếu cần - cho đến khi người đau ốm hồi phục.
Nếu có một người thầy (teacher) bên cạnh, thì người này phải chăm sóc cho người đau ốm - suốt cả đời mình nếu cần - cho đến khi nào người đau ốm hồi phục.
Nếu có một người đang tu học (student) bên cạnh, thì người này phải chăm sóc cho người đau ốm - suốt cả đời mình nếu cần - cho đến khi nào người đau ốm hồi phục.
Nếu có một người mới bắt đầu học hỏi (apprentice) bên cạnh, thì người này phải chăm sóc cho người đau ốm - suốt cả đời mình nếu cần - cho đến khi nào người đau ốm hồi phục.
Nếu có một đệ tử đang tu học (a fellow student) của một vị trợ giáo bên cạnh, thì người này phải chăm sóc cho người đau ốm - suốt cả đời mình nếu cần - cho đến khi nào người đau ốm hồi phục.
Nếu có một đệ tử mới bắt đầu học hỏi (a fellow apprentice) của một vị thầy bên cạnh, thì người này phải chăm sóc cho người đau ốm - suốt cả đời mình nếu cần - cho đến khi nào người đau ốm hồi phục.
Nếu không có một vị trợ giáo nào, một vị thầy nào, một người đang tu học nào, một người mới bắt đầu tu học nào, một người đệ tử của một người trợ giáo nào, một người đệ tử của một vị thầy nào bên cạnh, thì tất cả Tăng đoàn phải đứng ra chăm sóc cho người đau ốm. Nếu không thì tất cả [mọi người trong Tăng đoàn] sẽ phạm vào cung cách hành xử không xứng đáng.
Người lâm bệnh có năm thứ khiếm khuyết khiến người khác thật khó chăm sóc cho mình là: không biết làm những gì thích hợp với việc chữa trị bệnh tật của mình, không biết cân lượng các món món thuốc trị liệu cho mình (vào thời bấy giờ thuốc có thể cũng chỉ là các pha chế từ cây cỏ và khoáng chất), không chịu uống thuốc, dù có một người chăm sóc bên cạnh thì cũng không biết khai với người này các triệu chứng đang xảy ra với mình, chẳng hạn như đang gia tăng hay thuyên giảm, hoặc vẫn như trước, và tự mình không có sức chịu đựng những sự đau đớn trên thân thể quá gay gắt, buốt nhói, xé thịt hoặc bức rức, có thể đưa đến cái chết. Với một người bệnh như thế thì rất khó chăm sóc cho họ.
"Một người bệnh có năm phẩm tính giúp cho việc chăm sóc được dễ dàng là: tự mình biết làm những gì thích hợp với việc chữa bệnh tật cho mình, biết cân lượng các món thuốc trị liệu, chịu uống thuốc, biết nói lên các triệu chứng bệnh tật của mình, nếu có một người chăm sóc bên cạnh, thì biết khai các triệu chứng đang xảy ra với mình, chẳng hạn như đang gia tăng hay thuyên giảm, hoặc vẫn như trước, và mình là người có thể chịu đựng được các sự đau đớn trên thân thể thật gay gắt, buốt nhói, xé thịt, hoặc bức rức, có thể đưa đến cái chết. Đối với một người bệnh có năm phẩm tính đó thì sẽ dễ chăm sóc cho họ.
"Một người chăm sóc bệnh nhân có năm điều khiếm khuyết không thích nghi để chăm sóc người đau ốm là: không biết pha chế thuốc đúng cách (chọn thuốc và sắc thuốc chẳng hạn), không biết món thuốc nào cần hay không cần để chữa trị cho người bệnh, không biết mang lại cho người bệnh những gì họ cần hoặc mang đi những gì họ không cần, chỉ biết nghĩ đến lợi lộc, không phát động được các xúc cảm nhân từ (bên trong chính mình), kinh tởm khi phải lau chùi cứt đái, nước dãi hay ói mửa, không đủ khả năng giải thích, thuyết phục, nâng đỡ tinh thần và khuyến khích người đau ốm, bằng cách mượn dịp để nói với họ về Dhamma. Một người chăm sóc bệnh nhân có năm khiếm khuyết trên đây không thích nghi để chăm sóc người đau ốm.
"Một người chăm sóc bệnh nhân có năm phẩm tính thích nghi để chăm sóc người đau ốm là: biết cách pha chế thuốc men, biết món thuốc nào cần hay không cần, lấy đi những gì người bệnh không cần và mang lại những gì cần thiết cho người bệnh, biết khơi động lòng nhân từ (bên trong chính mình), không màng lợi lộc, không kinh tởm khi phải lau chùi cứt đái, nước dãi hay ói mửa, biết giải thích, thuyết phục, nâng đỡ tinh thần người đau ốm, khuyến khích và mượn dịp để nói với họ về Dhamma. Một người chăm sóc bệnh nhân có năm phẩm tính trên đây là người thích nghi để chăm sóc người đau ốm.
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Câu chuyện trên đây được trích từ Tạng Luật (Vinaya), do đó không phải là một "bài kinh" (soutra/sutra) mà chỉ là một "câu chuyện" (vatthu). Kucchivikara-vatthu nghĩa từ chương là "Câu chuyện về đau bụng". Sở dĩ mạn phép đưa thêm phụ lục này vào bài viết trên đây của nhà sư Sangharakshita là trước hết để tìm hiểu thêm một vài chi tiết về cách tổ chức và sự sinh hoạt của Tăng đoàn vào thời bấy giờ, và sau đó là để mở rộng thêm chủ đề về lòng từ bi của Đức Phật và của Phật giáo nói chung. Câu chuyện trên đây thường được nhiều học giả và các nhà sư Tây phương trích dẫn. Bản chuyển ngữ tiếng Việt trên đây được dựa vào bản dịch tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu.
Câu chuyện trên đây cho thấy các tỳ-kheo trong Tăng đoàn không mang các phẩm trật hay tước vị như ngày nay, sự phân biệt chỉ dựa vào khả năng và kinh nghiệm tu tập của từng người. Cấp bậc cao nhất là các vị trợ giáo (preceptor), là những người có nhiều khả năng nhất để giảng dạy. Thật hiển nhiên, Đức Phật không thể thuyết giảng cho tất cả mọi người mà phải có những người giỏi về giáo lý thay Ngài đứng ra giảng dạy cho người khác. Sau đó là các vị thầy (teacher), là những người tu tập lâu năm, nhiều kinh nghiệm, đạt được một trình độ thiền định và các thành quả nào đó, thế nhưng về phương diện giảng huấn và lý thuyết thì có thể là chưa bắt kịp các vị trợ giáo. Sau đó là các tỳ-kheo còn đang trong giai đoạn học tập (student), và thấp hơn nữa là các tỳ-kheo mới bắt đầu học tập (apprentice).
Người trợ giáo có quyền có các đệ tử trong số các tỳ kheo đang trong giai đoạn học tập, và các vị thầy thì có thể có các đệ tử trong số các tỳ kheo mới bắt đầu học tập. Tóm lại mỗi vị trợ giáo và mỗi vị thầy với các đệ tử của riêng mình là một "đơn vị" trong tập thể Tăng đoàn. Tất cả mọi người sinh hoạt chung trong một khu đất hoang hay một góc rừng, mỗi "đơn vị" hay mỗi cá nhân có một cái lều - ngày nay gọi là cái "cốc" - quây quần chung quanh một tịnh xá chẳng hạn.
Cuộc sống của người tu hành không nhất thiết là lúc nào cũng trong cảnh nay đây mai đó. Vai trò của Đức Phật khác hơn đôi chút, là vì Ngài phải ra đi khắp nơi để quảng bá Dhamma. Thật vậy một vị Phật không bao giờ biết mệt mỏi trước sự thúc dục của lòng từ bi vô biên.
Điều đáng lưu ý thứ hai trong câu chuyện trên đây là trong số tất cả các tín ngưỡng, dường như Phật giáo đưa ra nhiều giới luật nhất. Ngoài một số giới luật căn bản do Đức Phật đưa ra ngay từ lúc đầu khi mới thành lập Tăng đoàn, các giới luật khác được thiết lập đần dần tùy theo các sự kiện và biến cố xảy ra trong sự sinh hoạt của Tăng đoàn. Chúng ta có thể nêu thêm một thí dụ khác, có một lần Đức Phật an cư kiết hạ gần nơi kinh đô Savatthi (Xá vệ) của vương quốc Kosala (Kiều-tát-la), rất xa với các nơi kiết hạ trước đó tại vương quốc Magadha là nơi quê hương của Ngài.
Trong dịp này có một nhóm đông tỳ-kheo rủ nhau cùng đến Savatthi để an cư bên cạnh Đức Phật. Thế nhưng trên đường họ gặp mưa bão triền miên, khi đến được Savatthi thì mùa kiết hạ đã chấm dứt. Trước một đoàn tỳ-kheo đến muộn, quần áo tả tơi, rách nát, Đức Phật không cầm lòng được bèn nới lỏng giới luật, cho phép người tỳ-kheo được nhận vải mới của người thế tục cúng dường để may mặc. Việc nới lỏng giới luật này đã đưa đến ngày lễ "Dâng y" của Phật giáo Theravada ngày nay.
Phía sau các câu chuyện trên đây, dù là nới lỏng hay thắt chặt giới luật, đều thể hiện lòng từ bi sâu xa của Đức Phật. Ở một cấp bậc bao quát hơn là giới luật cấm sát sinh mà Đức Phật đã đưa ra ngay sau khi thành lập Tăng đoàn, một giới luật mà Đức Phật không cho phép một ngoại lệ nào cả, kể cả các trường hợp vô tình cũng phải cố tránh. Ẩn cư vào mùa mưa là để tránh giẫm đạp lên côn trùng dưới chân trong mùa sinh sôi và phát triển.
Lòng từ bi ở một mức độ sâu xa hơn nữa là ahimsa hay "phi-bạo-lực", nói lên một sự yên lặng tuyệt đối, một sự dừng lại của mọi xúc cảm, tư duy, ngôn từ và hành động. Bất cứ một sự chuyển động nào của tâm thức, một lời nói nào, một cử chỉ nào trên thân thể cũng có thể gây ra một sự xao động, một hình thức "bạo lực", làm mất đi sự bình lặng và an bình nơi mình hay kẻ khác, hoặc nơi mình và cả kẻ khác. Ahimsa là một sự yên lặng thật sâu và khó thăm dò, thể hiện một tấm lòng từ bi vô biên.
Người phụ nữ Kisagotami ngồi yên dưới chân Đức Phật, và Đức Phật cũng ngồi yên bên cạnh người phụ nữ. Sự yên lặng đó của người phụ nữ thể hiện tình thương đối với con mình, và của Đức Phật thì thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng ta.
Bures-Sur-Yvette, 01.04.20
Hoang Phong chuyển ngữ