;
Lý Tưởng của người Bồ-tát - Lòng Từ bi của Đức Phật (Bài 4)
Các phẩm tính đó nêu lên một sự trái ngược hoàn toàn với người anh em họ của Ngài là Devadetta (Đề-bà Dạt-đa), một người vô cùng tham vọng. Devadatta từng tu tập nhiều năm, là một người hành thiền lão luyện, đạt được nhiều khả năng phi thường, nhưng cũng là một người rất kiêu hãnh và nhiều tham vọng.
Một hôm, khi Đức Phật đã trọng tuổi, Devadatta nói với Ngài như sau: "Thưa Ngài, tại sao Ngài lại chưa nghĩ đến chuyện rút lui để hưởng tuổi già trong an nhàn và hạnh phúc. Xin Ngài chớ ngại, tôi sẽ thay Ngài điều khiển Tăng đoàn". Không lạ gì tâm địa của Devadatta, Đức Phật trả lời như sau: "Ta không thể nào bỏ rơi Tăng đoàn được, kể cả giao phó cho Sariputta (Xá-lợi-phất) hay Moggallana (Mục-kiền-liên) (là hai đệ tử kỳ cựu và uyên bác của Đức Phật), đối với Ngài thì lại càng không thể được".
Trước những lời đó, Devadatta cảm thấy bị xúc phạm và nổi giận, bèn quyết định giết Đức Phật (có thể cũng không phải là vì các lời nói trên đây mà vì muốn sớm điều khiển Tăng đoàn theo quan điểm và chủ trương cực đoan của mình). Devadatta âm mưu với người bạn thân thiết là vua Ajatasattu (A-xà-thế) một vị vua rất đê hèn, mượn tay người khác làm sổng chuồng một con voi điên để giết Đức Phật đang đi trên đường.
Thế nhưng khi vừa trông thấy Đức Phật thì con voi bỗng trở nên hiền lành và ngoan ngoãn. Devadatta lại càng căm hận hơn nữa. Biết Đức Phật thường hay đi dưới chân một đỉnh núi cao là đỉnh Kên Kên (Gridhrakuta/ đỉnh Linh Thứu), Devadatta từ trên cao đẩy một tảng đá lớn hướng vào Đức Phật. Tảng đá nhảy chồm trên triền dốc nhưng lăn trật sang một bên, chỉ có một mảnh đá vỡ gây thương tích và làm chảy máu chân của Đức Phật.
Sau khi xảy ra các sự kiện đó, các đệ tử của Đức Phật rất lo ngại cho sự an toàn của Ngài, họ trang bị gậy gộc, thay nhau canh gác chung quanh túp lều nơi Đức Phật nằm nghỉ trong đêm (sau khi bị thương ở chân). Thế nhưng giữa khuya khi bước ra bên ngoài để ngồi thiền, thì Đức Phật bất chợt trông thấy các toán tỳ-kheo đang canh gác chung quanh. Ngài hỏi họ: "Chuyện gì xảy ra vậy? Các tỳ-kheo đang làm gì thế?".
Họ đáp lại: "Thưa Thế Tôn, chúng tôi canh gác để bảo vệ Thế Tôn". Đức Phật bèn bảo họ: "Là Phật (Bodhi/một người đã giác ngộ) thì chẳng cần phải bảo vệ. Các tỳ-kheo nên về đi". Các đệ tử của Đức Phật tuân lời và cùng nhau rút lui, để Đức Phật được yên một mình trong đêm. Sự dũng cảm và can trường của Đức Phật là như vậy.
Một vị Phât có thể bị giết hay không
Theo Phật giáo xưa (có nghĩa là truyền thống Phật giáo có xu hướng bảo thủ, tu tập nhất thiết dựa vào căn bản giáo lý trong Tam Tạng Kinh, đại diện ngày nay của xu hướng này là Phật giáo Theravada), thì sự kiện Đức Phật bị giết là chuyện không tưởng (Đức Phật là một đấng thiêng liêng không thể bị giết như một kẻ trần tục). Chúng ta không thể khẳng định chắc chắn là quan điểm giáo lý đó xuất hiện từ thời kỳ nào, thế nhưng lại hoàn toàn phù hợp với khuynh hướng của giới trưởng giả (aristocratic/giới thượng lưu, thanh lịch, cầu kỳ và lý thuyết, ngược lại với quan điểm "đại chúng") của Phật giáo cổ xưa. Những người Phật giáo đầu tiên thường có một sự sùng kính rất cao trước phẩm giá của các vị giác ngộ nói chung, họ không thể hình dung một vị giác ngộ lại có thể lâm vào các cảnh tượng như vậy (một cái chết thảm thương).
Bản chất tự nhiên của vũ trụ là không để một sự bất hạnh nào có thể xảy ra với một vị Phật cả. Các người Phật giáo xưa không thể hình dung được là Đức Phật lại có thể bị làm nhục và bị giết chết, như là những người Ki-tô giáo đối với trường hợp của Chúa Giêsu. Kể cả sau này đối với Mahayana (Đại thừa) cũng vậy, trào lưu Phật giáo này cho rằng người bồ-tát cũng có thể phải gánh chịu các cảnh đớn đau và khổ nhọc, nhưng họ không thể nào hình dung được một vị bồ-tát lại có thể bị làm nhục và bị hành quyết (trong các thời kỳ Pháp nạn, các nhà sư có thể bị phỉ báng, đánh đập, tù tội, tự thiêu, v.v., thế nhưng nếu có một vị bồ-tát bị hành quyết, thì thật khó cho người tu hành và cả kẻ thế tục hình dung hay chấp nhận).
Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề này ngoài các quan điểm giáo lý trên đây, thì không có lý do gì một vị Phật lại không thể chết vì các nguyên nhân bất thường. Có nhiều trường hợp các vị arahant (A-la-hán) từng bị giết: chẳng hạn như trường hợp của Moggallana (Mục-kiền-liên, được xem như một vị Siddhi/Tất-đạt đầu tiên. và cũng là một trong số các đệ tử đầu tiên của Đức Phật, có khả năng thực hiện nhiều phép thần thông thật khác thường, thế nhưng đã bị những người thuộc một giáo phái khác ganh tị, thuê một bọn cướp giết chết), hoặc trường hợp của một vị tu hành ẩn dật là Milarepa (Mật-lặc Nhật-ba, một vị thánh nhân Tây Tạng đã đạt được giác ngộ) bị đầu độc.
Nhiều vị đại sư khác cũng đã từng gặp phải các cảnh huống tương tự. Dường như quan điểm giáo lý cho rằng một vị Phật không thể nào bị giết không thuộc vào bản chất căn bản của Phật giáo, mà chỉ là một sự tin tưởng mang tính cách đại chúng thuộc lãnh vực văn hóa và tín ngưỡng của xã hội Ấn-độ, nhất là đối với những người thuộc đẳng cấp cao nhất trong xã hội thời bấy giờ (xã hôi Ấn trong lịch sử được chia thành bốn đẳng cấp, thêm một giới "tiên dân" được xem là "thấp kém" không có đẳng cấp nào cả).
Thế nhưng nếu nhìn qua một góc cạnh khác thì phải chăng sự kiện một vị Phật bị giết cũng có thể là một chuyện không thể nào xảy ra được. Sự vận hành chung của vũ trụ dường như không để xảy ra một chuyện như thế. Niềm tin nơi sức sống của vụ trụ nào có phương hại đến ai đâu. Ý niệm về một vũ trụ không có sức sống chỉ là một thứ gia tài của cuối thế kỷ XIX mà chúng ta thừa hưởng. Cái vũ trụ đó giống như một chiếc xe hơi hơn là một con người (cuối thế kỷ XIX là giai đoạn phát triển cao độ của các ngành thiên văn và vật lý học, với xu hướng xem vũ trụ là vật chất).
Thế nhưng qua một số các khía cạnh tương đồng nào đó, nếu có thể xem vũ trụ là một chúng sinh hàm chứa một sức sống, thì biết đâu cũng có thể ích lợi hơn là xem nó như là một thứ gì khác, và thật ra thì đấy cũng là cách nhìn của một số người, chẳng hạn như những người chủ trương "lý tưởng" ("platonic", có nghĩa là những người theo chủ thuyết triết học platonicism của triết gia Hy Lạp Plato, thế kỷ thứ V-IV trước Tây lịch, chủ trương một hiện thực vượt lên trên cả hiện thực, có nghĩa là vượt lên trên cả các sự cảm nhận bình thường). Trên thực tế vũ trụ không những có thể hình dung như một chúng sinh mang một sức sống mà còn hàm chứa cả một cấu trúc sinh động, kể cả có thể gồm chung trong đó các khía cạnh đạo đức và tâm linh, có thể chuyển đổi được các sự chuyển động bất bình thường đưa đến sự giết hại một vị Phật.
Một số cơ quan trong cơ thể giữ thật nhiều chức năng giống như là chúng có một trí thông minh nào đó. Cái "trí thông minh" đó, dù không phải là một thứ tri thức cá nhân đi nữa, thế nhưng ít ra cũng có thể là một thứ gì đó cao hơn là một chuỗi dài phản ứng tự động (mang tính cách vật lý và hóa học của các cơ quan). Trong thế giới, và cả vũ trụ cũng vậy, dường như cũng có một cái gì đó tương tự như cái trí thông minh mang tính cách tiềm-thức trên đây, và trong trường hợp này thì nó có thể giúp bảo toàn sự tốt lành và an vui cho cả thế giới và cũng có thể là cả vũ trụ (đối với người chuyển ngữ các dòng này thì dường như nhà sư Sangharakshita lý luận và tưởng tượng quá xa, thiết nghĩ sự an toàn của một vị Phật cũng có thể hiểu được một cách giản dị hơn qua nguyên lý "Tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng (interdependence/conditioning co-production) trong lãnh vực đạo đức và tâm linh).
Dù một vị Phật không thể bị giết đi nữa, thế nhưng điều đó không phương hại gì cả đến sự dũng cảm cá nhân của Đức Phật. Dầu sao người ta cũng có thể bảo rằng sự can trường của Đức Phật là một trong số các phẩm tính thật quý giá của Ngài, dự phần vào việc bảo vệ sự an toàn cho chính Ngài.
(còn tiếp)
Bures-Sur-Yvette, 13.04.20
Hoang Phong chuyển ngữ