;
Hỏi: Mật Tông là gì?
Đáp: Mật Tông là một tông phái của Đạo Phật dùng các “MẬT NGỮ” của chư Phật làm phương tiện tu hành.
Hỏi: MẬT NGỮ là gì?
Đáp: Mật ngữ có nghĩa là “lời nói kín”. Mật ngữ còn gọi là “Chân ngôn” (lời nói chân thật). Mật ngữ còn gọi là “Chú”, đây là tiếng thông thường người đời hay dùng nhất.
Chú cũng có nghĩa là lời nói bí mật.
Hỏi:Tại sao nói là bí mật?
Đáp: - Bí mật vì nó không được giải nghĩa.
- Bí mật vì chỉ có chư Phật mới hiểu trọn vẹn.
- Bí mật vì tùy trình độ, căn cơ và sự ứng dụng mà mỗi người một khác, đạt một kết quả khác.
- Bí mật vì nó chỉ được thông đạt qua Tâm truyền Tâm, giữa thầy trò, giữa chư Phật (hoặc người nói ra chân ngôn) với hành giả. Điều này chỉ người nào tu Mật rồi mới chứng nghiệm được).
- Bí mật vì kết quả đạt được tùy Tâm hành giả.
Hỏi: Tại sao lại dùng “Chú” làm phương tiện tu hành?
Đáp: Tu theo đạo Phật có rất nhiều cách để đi tới “cứu cánh giải thoát”, có người niệm Phật, có người tụng kinh, có người ngồi Thiền, vậy thì dùng “Chú” cũng chỉ là mượn xe đi đến đích mà thôi.
Hỏi: Tại sao lại chọn “Chú” mà không dùng các cách niệm Phật, tụng kinh?
Đáp: Trong một cuộc hành trình muốn đi tới một điểm nào đó, người ta thường thích chọn xe nào đi cho nhanh và thỏa mái. Vậy thì việc chọn “Chú” mà không dùng các phương tiện khác là như thế.
Hỏi: Tại sao lại nói dùng “Chú” là phương tiện đi nhanh?
Đáp: Vì dùng “Chú” thì ngoài “tự lực” của mình còn nhờ “tha lực”, giống như đi thuyền biết trương buồm nên nhờ được gió đẩy mà đi nhanh hơn.
Hỏi: Thế nào là “tự lực” và “tha lực”?
Đáp: “Tự lực” là dựa vào sức của chính mình mà thành việc. “Tha lực” là nhờ vào sức khác ở ngoài mình trợ giúp. Người tu Mật Tông nói đến tha lực là nói đến sức hỗ trợ vô hình từ các cõi xuất thế gian đưa đến.
Hỏi: Tại sao lại phải nhờ vào tha lực?
Đáp: Bởi vì sức người có hạn mà sức ngoài thì vô hạn, nếu ta biết nương vào sức đó thì sẽ giúp ta sớm đạt kết quả.
Hỏi: Nhờ đâu ta có tha lực hỗ trợ?
Đáp: Nhờ ở chân ngôn tức “Chú”.
Hỏi: Căn cứ vào đâu mà nói “Chú” có tha lực giúp ta mau thành tựu?
Đáp: Điều này thuộc về bí mật, mà chỉ có thể chứng minh được bằng:
- Đức tin của mình,
- Sự chứng nghiệm, và
- Cảm nhận.
Kết quả chỉ được chứng minh khi đã hành trì.
Hỏi: “Chú” do đâu mà có?
Đáp: “Chú” do TÂM Phật mà có. “Chú” do lòng thương xót chúng sinh mà có. Chư Phật, chư Bồ tát hoặc các vị khác khởi từ tâm chân thật, từ lòng thương xót chúng sinh mà nói ra “Chú” để cứu độ. Vì “Chú” phát xuất từ TÂM CHÂN THẬT nên mới gọi là “Chân ngôn”.
Hỏi: Đọc “Chú” có lợi ích gì?
Đáp: Vì “Chú” xuất phát từ chỗ vô hạn là Tâm Phật nên lợi ích của nó cũng vô cùng, không thể kể hết. Tuy nhiên, đối với người tu thì lợi ích đứng đắn và thiết thực nhất là: “Chú” giúp ta được tìm cầu giải thoát mau chóng và giúp người khác cùng tiến với ta. Còn các lợi ích khác như có thần thông, trừ tà ma, chữa bệnh chỉ là phụ, không nên nhìn “Chú” bằng con mắt hạn hẹp đó.
Hỏi: Những ai đọc “Chú” được?
Đáp: “Chú” là phương tiện của Phật cho mượn nên ai mà chẳng có quyền đọc. Tuy nhiên khi ta mượn một cái xe thì điều cần thiết là ta có biết sử dụng nó hay không. Nếu không thì xe sẽ trở thành một trở ngại, một khó khăn cho ta, làm cho ta dừng lại với xe mà không tiến được trên đường Đạo. Bởi vậy, những người biết lái xe, hiểu bệnh của xe, phải là những người được huấn luyện chuyên môn. Do đó đọc “Chú” thì ai cũng có thể đọc được, nhưng có kết quả hay không, nhiều hay ít, đó mới là vấn đề, ấy là chưa nói đến cái hại có thể đến nữa.
Nói thế không hẳn là chỉ những người tu chân ngôn mới được đọc “Chú” mà bất cứ ai nếu với tâm thành thật, hướng đến sự tốt lành cho mình, cho người, vẫn có thể dùng “Chú” mà vẫn thấy linh nghiệm.
Hỏi: Đọc “Chú” đòi hỏi những điều kiện gì?
Đáp: Đương nhiên là cần một số điều kiện. Thông thường ta phải có:
- Sự tin tưởng vững chắc vào “Chú”,
- Lòng thành khẩn khi đọc,
- Hướng về làm lợi ích cho tha nhân hay các chúng sanh.
Đối với người tu Mật Tông thì còn cần nhiều điều khác nữa như:
- Phải xả thế nào.
- Phải dụng tâm ra sao
- Phải dụng ý thế nào
- Phải dụng lực làm sao
- Phải trì tụng thế nào trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
- Phải làm thế nào Tam mật tương ứng
- Phải làm lợi ích cho chúng sanh thế nào, và
- Phải hồi hướng công đức ra sao.
Tất cả những điều đó, nói riêng cho người tu Mật, sẽ được giải đáp trong phần II, nói về người tu Mật Tông phải làm gì?
Hỏi: Khi nào nên đọc “Chú”, khi nào không nên đọc?
Đáp: Nên đọc những lúc tâm thanh tịnh, hướng về làm lợi lạc cho người khác, cho chúng sanh.
Tuy nhiên lúc Tâm rối loạn thì “Chú” cũng giúp cho tâm được an ổn. Không nên đọc “Chú” khi tâm ác, có ý hại người.
Đối với những người tu Mật Tông thì không lúc nào là không nên đọc “Chú”, vấn đề là nên đọc “Chú” nào và vào trường hợp nào để làm lợi lạc chúng sanh.
Hỏi: Đối với người tu Mật Tông thì việc trì “Chú” là gì?
Đáp: Mục đích tối hậu là giải thoát cho mình và để cứu độ người khác. Mục đích là phải tu thành Phật bằng phương tiện trì “Chú” ngay trong hiện kiếp này.
Hỏi: Muốn tu thành Phật bằng phương tiện trì “Chú” thì phải làm sao?
Đáp: Thì người hành giả tu Mật Tông phải thực hiện được “Tam Mật tương ưng”, nghĩa là làm sao cho “Thân, Khẩu, Ý giống như Phật”.
Hỏi: Làm thế nào để được “Tam Mật tương ưng”?
Đáp: Muốn được “Tam Mật tương ưng” thì phải qua một quá trình tu tập hành trì. Đi nhanh hay chậm là do sự tự ngộ và mở Tâm của mình.
Hỏi: Người tu Mật Tông đối với GIỚI, ĐỊNH, HUỆ như thế nào?
Đáp: Tu theo Phật đạo mà muốn thành tựu thì chẳng Tông Phái nào mà không có GIỚI – ĐINH - HUỆ cả.
Đối với Mật Tông, GIỚI là Tâm giới, tịnh giới. Như vậy có nghĩa là tự lòng mình thấy cần giữ giới, tự mình trở về với cái tịnh, cái sạch, đó là “thân tương ưng”, nếu không giới tịnh thì việc tu không kết quả. Khi đã giới rồi thì vào ĐỊNH chẳng khó, vì tự giữ giới đã sinh Định, rồi lại còn nương vào oai lực của chơn ngôn nữa thì kết quả phải đạt. Do Định đó mà Huệ phát là chuyện tất nhiên vậy. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn thì ĐỊNH HUỆ là một, không có rời nhau. Do đó, nếu giữ giới rồi sau đó nương vào chân ngôn mà hành trì thì tự nhiên đủ cả Định, Huệ.
Hỏi: Mật Tông thuộc Tiểu thừa hay Đại thừa?
Đáp: Phân chia Tiểu thừa, Đại thừa chỉ là tạm tách ra cho dễ hiểu về đường hướng tu tập và qua niệm hành trì mà thôi. Mật Tông không nằm trong thừa nào kể trên cả, mà đường đi của Mật Tông là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, một bước đến giải thoát mà người ta gọi đó là “TỐI THƯỢNG THỪA”.
Hỏi: Thế nào là “Tối thượng thừa”?
Đáp: Tối thượng thừa là một bước đi lên “thành Phật”.
Tối thượng thừa là: vạn pháp thông đạt, vạn pháp đầy đủ, tâm vô cấu nhiễm, lìa các pháp tướng đi thẳng vào TÂM Phật.
Hỏi: Đường lối của Mật Tông ra sao?
Đáp: Đối với Mật Tông tu là để “cứu độ” chúng sinh chứ không phải là để “giải thoát” cho riêng mình. Do đó, đường lối của Mật tông là: ở mọi nơi, trong mọi lúc đều nhằm làm lợi lạc cho chúng sinh.
Hỏi: Mật Tông khác với các tông phái khác như thế nào?
Đáp: Về mục đích sau cùng của các tông phái đều đạt đến Giác ngộ giải thoát. Vậy thì Mật Tông cũng không đi ra ngoài mục đích đó, nếu có khác chăng chỉ khác trên phương diện hành trì đối với các Tông phái khác mà thôi, hay nói khác đi là chỉ khác nhau về cách dùng phương tiện để đạt đến mục đích “cứu cánh”. (Vấn đề này sẽ được bàn rộng hơn ở phần III nói về “Quan niệm của người tu Mật”). Còn về sự khác nhau trên phương diện độ sanh thì tôi không nói đến, vì tất cả đều “tùy duyên” mà đáp ứng.
Hỏi: Tu Mật Tông có khó không?
Đáp: Khó hay dễ là do mình. Các cụ thường nói “Vạn sự khởi đầu nan”, nghĩa là mọi việc khi bắt đầu đều khó, nhưng lúc quen rồi thì thấy dễ thôi.
Hỏi: Người nữ có tu được Mật Tông không?
Đáp: Đạo không phân chia nam, nữ. Phật không chọn nam, nữ để độ riêng. Vậy tại sao ta lại phân biệt? Đã là đi tìm giác ngộ thì già, trẻ, lớn, bé, trai gái gì mà không được!
Hỏi: Người ta thường nói “Tự Tu Tự Độ” vậy Mật Tông có như vậy không?
Đáp: Nên hiểu nghĩa “Tự Tu Tự Độ” là mình phải tự tu cho mình, không ai tu giùm hoặc tu mướn cho mình được, đừng hiểu là “tu không cần Thầy”. Các cụ đã dạy “Không thầy đố mày làm nên”. Vì vậy, dù là thế gian hay xuất thế gian, làm việc gì muốn đạt đến mục đích mau chóng và toàn mỹ thì đều phải có học và có Thầy cả. Mật Tông cũng như vậy thôi.
Hỏi: Người ta thường thấy đọc chú, bắt ấn cho là mê tín và hành tà giống như mấy ông thầy pháp. Vậy Mật Tông thì sao?
Đáp: Khi nào tin một cách mù quáng thì là mê tín thật, còn người tu Mật Tông thì biết rõ việc mình làm, thẩy rõ mục đích mình đi tới, vậy sao gọi là mê tín được.
Còn việc tà chánh thì phải hiểu là Đạo không có phân chia Tà, Chánh. Mà Tà hay Chánh là do TÂM ý người hành Đạo. Nếu ta tu theo Chánh đạo, nhưng ta dùng phương tiện đi làm việc xấu, cướp đoạt tiền bạc, vợ con của người, lòng đầy tham, sân, si, thì đó là ta hành tà. Còn nếu như thầy Pháp mà người ta làm việc cứu người không nghĩ đến lợi ích cá nhân, không hại người lành, ngăn chặn kẻ ác thì đó là chánh chớ đâu phải tà.
Về người tu Mật tông thì là “Tu để thành Phật” vậy tà làm sao được? Phật và Ma chỉ khác nhau ở lòng “Từ Bi Cứu Độ” mà “Từ Bi Cứu Độ” là tôn chỉ của Mật Tông đấy.
Hỏi: Tu Mật Tông có cần ăn chay giữ giới không?
Đáp: Nếu ăn chay được thì tốt, vừa ít bệnh tật lại mau tiến tu hơn, vì thân thể thanh tịnh. Còn như không ăn chay được thì cũng vẫn tu được, chỉ có điều là ta đã không thể hiện lòng từ bi của Phật, vì ta đã dùng thân mạng của một chúng sanh khác nuôi sống thân mạng của ta.
Về giữ giới thì người Phật tử nào đã quy y rồi thì đều phải giữ năm giới:
- Không sát sanh
- Không trộm cướp
- Không tà dâm
- Không nói sai, nói dối, nói đôi chiều, nói đâm thọc
- Không uống rượu.
Người tu Mật Tông cũng vậy thôi, và vấn đề này sẽ được bàn đến trong phần sau, khi nào người tu Mật Tông đã hành trì tự nhiên không nói đến giữ giới mà lại tự giữ giới hơn ai hết.
Hỏi: Biệt làm sao để chọn “Chú” nào mạnh, “Chú” nào yếu, “Chú” nào linh, “Chú” nào không?
Đáp: Mạnh hay yếu khi nào học và hành trì thì sẽ rõ, còn linh hay không là ở mình. Các cụ thường nói: “Linh tại ngã bất linh tại ngã” ta không nên quên điều đó.
Hỏi: Người Phật tử khi đọc kinh sách gặp một câu “Chú” thấy ghi những kết quả lớn nên đem trì tụng, như vậy có ích lợi gì không?
Đáp: Có lợi nhưng rất nhỏ nhoi, không đáng kể so với lợi ích đã ghi chép trong kinh sách.
Hỏi: Vì sao lợi ích lại nhỏ?
Đáp: - Vì lòng còn tham, muốn cầu lợi ích riêng mình,
- Vì tâm còn nhỏ hẹp nên sự linh ứng không lớn
- Vì không biết dùng “Chú” nên sự đáp ứng chẳng được như ý,
- Vì thiếu ấn pháp nên chưa trọn vẹn,
- Vì công đức chưa đủ mà lại muốn được thành tựu lớn.
Hỏi: Vì sao đọc “Chú” lại cần bắt ấn?
Đáp: Ấn là bí pháp thuộc về “thân mật”, khi nào tu lâu sẽ hiểu. Đại để có thể tạm giải thích: khi ta bắt ấn thì làm phát huy cái lực của “Chú”, cũng ví như mở đài, tivi mà có thêm cây ăngten vậy.
Đối với người tu Mật thì việc bắt ấn còn là một sự “thể nhập” vào pháp thân Phật nữa.
Hỏi: Tại sao người tu Mật Tông lại gọi là “Trì Chú”?
Đáp: Trì có nghĩa là nắm giữ lấy. Nếu ta chỉ đọc không thôi thì nó sẽ theo gió mà bay đi. Còn khi nói “Trì” thì phải nghe rõ “Chú” , phải theo âm thanh của “Chú” mãi mãi không rời. Đó là sự khác biệt giữa “ĐỌC” và “TRÌ”.
Hỏi: Trì chú, bắt ấn bao lâu thì có kết quả?
Đáp: Người tu Mật Tông nói đến “thành tựu” để cứu độ chúng sanh chớ không mong cầu kết quả cho mình. Còn thành tựu lâu hay mau, lớn hay nhỏ đều do ở mình, chỉ có hai điều chắc chắn cò thể nói được: Một là tu Mật Tông thì tiến từng giờ, từng ngày. Hai là đã tu thì sẽ có thành tựu, chỉ khác nhau ở chỗ lớn hay nhỏ mà thôi.
Hỏi: Thế nào là tiến từng ngày, từng giờ?
Đáp: Điều này thuộc về chứng nghiệm, chỉ khi nào tu mới thấy rõ được. Tuy nhiên có thể nói rằng nương vào chân ngôn, hành giả tiến được rất nhanh. Giờ sau khác giờ trước, ngày sau khác ngày trước.
Hỏi:Tại sao thành tựu lại khác nhau lớn hay nhỏ?
Đáp: Đối với một hành giả, thì sự thành tựu lớn hay nhỏ là do tâm mình. Còn nếu đem so sánh giữa hai hành giả tùy theo căn cơ, phước đức và sự mở tâm của mỗi người mà có sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu gắng công tu để đạt được sự “tương ưng” thì cái thành tựu ban đầu nhỏ sau cũng sẽ lớn lên vô hạn. Do đó người hành giả đừng sợ là không thành tựu và cũng đừng buồn khi thành tựu nhỏ.
Hỏi: Muốn tu Mật Tông thì cần có những điều kiện gì?
Đáp: Cửa Phật rộng mở không ngăn chê ai nên không cần điều kiện. Chỉ cần người tu thực lòng muốn “cứu độ chúng sanh” là tu được thôi. Nếu ta đã sắn đức tin và có lòng từ thì ta tu đâu có gì trở ngại.
Hỏi: Điểm nào là điểm mà Mật Tông hơn hẳn các tông phái khác?
Đáp: Mật Tông chỉ đem so sánh với các tông phái khác để biết sự khác biệt thôi, chứ không phải để phân biệt hơn kém.
Hỏi: Vậy thì sự khác biệt ra sao?
Đáp: Điểm nổi bật và dễ nhận thấy nhất, đó là Mật Tông lấy “Chú” làm phương tiện, và do phương tiện này đem đến những lợi ích đặc biệt lớn lao.
Hỏi: Lợi ích đặc biệt thế nào?
Đáp: “Nghiệp” là cái đem con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi, nay nhờ “Chú”, ta chuyển được Nghiệp, giải được Nghiệp để sớm giải thoát. Đó là điểm khác biệt quan trọng nhất của Mật Tông so với tông phái khác.
Hỏi: Còn điểm nào khác nữa?
Đáp: “Chú” còn giúp hành giả lập công bồi đức và tiêu tội nữa.
Đấy là chỉ kể những lợi ích thiết thực cho vấn đề giải quyết sanh tử luân hồi thôi, chứ chưa nói đến lợi ích chữa bệnh, tăng thêm thọ mạng…
Hỏi: Phật tử theo tông phái khác, nay xem kinh sách rồi tự mình “trì CHÚ” và “bắt ẤN” như vậy có được không?
Đáp: Được chứ, có ai cấm đâu! Tuy nhiên, tu học kiểu đó cũng giống như người mù chơi dao, lợi bất cập hại (lợi ít hại nhiều).
Hỏi: Tại sao lợi ít mà hại nhiều?
Đáp: Vì “Chú” là con dao hai lưỡi, nếu biết xài thì rất nhạy bén còn không biết xài thì dễ bị đứt tay.
Hỏi: Vậy là thế nào?
Đáp: Đã gọi là “Thần chú” vì có những linh nghiệm lớn, thì cũng có những tác hại không nhỏ cho người hành giả nếu không biết sử dụng.
Hỏi: Hại ra sao?
Đáp: Đã có biết bao nhiêu tu sĩ cũng như Phật tử trì chú lâu ngày trở thành khùng điên hoặc bất bình thường. Đó là phản ứng tất nhiên của “Chú”.
Hỏi: Như vậy, muốn “trì CHÚ” và “bắt ẤN” phải làm sao?
Đáp: Phải được truyền pháp một cách đúng đắn qua các tu sĩ Mật Tông, hoặc những người tu học Mật, chứ không nên tự mình làm ẩu.
Hỏi: Muốn được truyền pháp thì phải làm sao?
Đáp: Thì phải gia nhập dòng pháp Mật Tông.
Hỏi: Nhập dòng pháp là thế nào?
Đáp: Là xin theo nhập học, tu theo Mật Tông.
Hỏi: Gia nhập dòng pháp cần điều kiện gì?
Đáp: Cửa Phật rộng mở, pháp môn thì nhiều, ai hợp môn nào thì theo môn ấy, không có gì đòi hỏi ở người phát tâm tu hành cả. Mật Tông cũng giống như các tông phái khác là muốn xin học thì phải được làm lễ ra mắt với chư Phật, với Tổ Pháp bằng một lễ “Quy y Quán Đảnh”.
Hỏi: Phật tử đã quy y rồi, thuộc tông phái khác, nay theo Mật Tông được không?
Đáp: Đã quy y rồi thì không cần quy y nữa, nhưng phái làm lễ “Quán đảnh”. Đang theo tông phái khác mà nay muốn theo Mật Tông thì phải xin phép “Sư Môn”, tức xin phép thầy mình đã, khi được chấp thuận thì mới xin gia nhập được.
Hỏi: Xin cho biết sơ qua về lịch sử Mật Tông.
Đáp: Mật Tông là một tông phái của Đạo Phật đã có từ lâu, nhưng ít phổ biến như các tông phái khác vì nhiều lý do (xem phần III nói về quan niệm của người tu Mật Tông sẽ rõ). Đại để, có thể nêu ra một vài điểm:
- Vì Mật nên không truyền rộng được,
- Vì rất ít người có đủ căn cơ để tu học và có duyên để gặp,
- Vì nhân duyên của chúng sinh khi nào hội đủ thì Mật Tông mới có mặt.
Do đó lịch sử của Mật Tông không có một sự truyền thừa tuần tự từ vị tổ này đến vị tổ khác, đời này tiếp đời khác như Thiền Tông hay Tịnh Độ. Mật Tông đi chìm, chỉ nổi khi cần cứu độ chúng sanh, sau lại chìm đi không để ai biết. Đó cũng là đặc điểm của Mật Tông vậy. Tuy nhiên, Mật Tông khi truyền qua Nhật thì ở đây cũng tạm lập một hệ thống truyền thừa như sau:
Tổ Pháp là đức ĐẠI NHẬT NHƯ LAI, sau truyền cho ngài KIM CANG TÁT ĐỎA, Ngài KIM CANG TÁT ĐỎA truyền cho ngài LONG MÃNH vv.. theo hệ thống dưới đây:
1. Đại Nhật Như Lai
2. Kim Cang Tát Đỏa
3. Long Mãnh tức Long Thọ
4. Long Trí
5. Kim Cang Trí
6. Bất Không
7. Huệ Quả (Trung Quốc)
8. Không Hải (Nhật Bản)
Ở Việt Nam thì đời nhà Lý có các Pháp sư nổi tiếng như:
- Từ Đạo Hạnh
- Nguyễn Minh Không.
Đời Trần, đời Lê sau này cũng có nhưng không hiển lộ và không lập môn phái.
Hỏi: Mật Tông thịnh hành nhất ở đâu?
Đáp: Như trên đã nói, Mật Tông không phổ biến nên ở nước nào cũng có, nhưng đem hành sử một cách rộng rãi thì rất khó thấy được, nhất là ở trong các nước mà Phật giáo chiếm đa số dân chúng. Tuy nhiên có thể nói đến một nước tiêu biểu nhất có nhiều người tu Mật Tông, đó là Tây Tạng trước năm 1950, và bây giờ là ở Nhật.
Hỏi: Đức Đại Nhật Như Lai thành Phật bao giờ, lại gọi là Tổ Pháp?
Đáp: Đức Đại Nhật Như Lai thành Phật trên cõi trời Vô Sắc, thuyết pháp độ sanh từ ở đó. Ngài là một hóa thân của đức TỲ LÔ GIÁ NA. Ngài là pháp thân.
Vì ngài thuyết kinh Đại Nhật, Ngài dạy về pháp Mật nên tôn ngài là Tổ Pháp của Mật Tông.
Hỏi: Mật Tông có kinh riêng à?
Đáp: Kinh chỉ là phương tiện hướng dẫn tu hành. Những kinh thuyết riêng về Mật Pháp cho người tu Mật Tông hành trì gồm có:
- Kinh Đại Nhật
- Kinh Kim Cang Đảnh
- Kinh Tô Tất Địa
- Kinh Mật Nghiêm…
Kinh Đại Nhật tức là kinh “Tỳ Lô Giá Na thành Phật”.
Và Tạng cũng có bộ “Mật Tạng”.
Nhưng đại để những kinh sách này hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt, nếu có chăng, chỉ là những phần “trích dịch” mà thôi, phần đông còn là chữa Hán. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ cho người tu Mật thời nay, nhưng đây không phải là một trở ngại.
HÀNH GIẢ MẬT TÔNG
Du già hành cước khắp nơi,
Không nơi ngừng nghỉ chẳng dời chân tâm.
Đi vào cuộc sống âm thầm
Quên mình vì đạo chẳng nhằm lợi danh.
Hàng ngày trong việc độ sanh,
Sống vì trần thế đấu tranh chẳng ngừng.
Đi hoài chẳng có chỗ dừng,
Nơi nào cần tới vui mừng đến ngay.
Thời gian chẳng kể đêm ngày,
Cứ đi, đi mãi như say tình đời.
Làm tròn “Mật Hạnh” sáng ngời,
Ra vào cuộc thế như chơi ván cờ
Nguồn: Bửu Minh Đàn