;
Nhớ lại chuyến đi về thăm quê hương của ngài trong độ tuổi ngoài 80 với tuổi già sức yếu, phật sự đa đoan là một bài học về tình cảm yêu quê hương và tấm lòng hiếu đạo, một tấm gương sáng để đàn hậu học noi theo.
Quê hương là gì hở mẹ.
Mà cô giáo dạy phải yêu.
Quê hương là gì hở mẹ.
Ai đi xa cũng nhớ nhiều…
Đó chính là tâm trạng của những ai xa quê hương mà trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Bình cũng không ngoại lệ. Là người con của vùng đất chín rồng, quê hương Long An trù phú, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Nhân húy nhật lần thứ 66 của cố thân phụ Nguyễn Văn Định, từ ngày 22/3/2013 (11/02 Quý Tỵ) đến ngày 26/3/2013 (15/02 Quý Tỵ) trưởng lão HT. Thích Thiện Bình – Phó Pháp Chủ - Hội đồng chứng minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã về thăm quê hương tại 143 Quốc Lộ 62, Phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An và thăm nhà từ đường tại ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ tỉnh Long An, nơi trưởng lão Hòa thượng chào đời cách nay đã 84 năm.
Cùng đi có Chư tôn đức Tăng Ni và phật tử tỉnh Khánh Hòa. Đoàn gồm 44 thành viên vượt đường dài trên 600 km, từ thành phố biển Nha Trang, miền thùy dương cát trắng về thăm quê hương Long An. Trưởng lão Hòa thương Thích Thiện Bình vừa đi tàu lửa, vừa đi ô tô, đi Honda, lại đi kiệu, rồi đi bộ, đoàn đã đến thắp hương làm lễ cầu siêu tưởng niệm húy nhật lần thứ 66 của cụ ông thân sinh ngài tại nhà từ đường ở ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ tỉnh Long An, thắp hương và nhiễu mộ tại nghĩa trang gia tộc bên đồng lúa mênh mông, trước nhà từ đường.
Trao đổi với cháu đích tôn của cụ ông Nguyễn Văn Định là ông Nguyễn Văn Hồng, Bác hai Hồng đã cho biết: Theo lời kể của các bậc tiền nhân, cụ ông Nguyễn Văn Định có 9 người con, nhưng trưởng thành chỉ còn 5 người, người con thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 9 và thứ 10, đại lão hòa thượng Thích Thiện Bình chính là người con út (thứ 10) trong gia đình.
Đến năm 1947, cụ ông Nguyễn Văn Định từ giã cõi trần và sau đó năm 1948, cụ bà thân mẫu là Nguyễn Thị Hiển cũng về với Phật. Hòa thượng Thích Thiện Bình được bà dì thứ 10 là Ni sư Thích Nữ Như Khánh, thế danh Nguyễn Thị Cúc, còn gọi là Sư bà Mười hai (vì trên đầu Ni sư còn lưu dấu 12 vết đốt hương khi Sư Bà phát nguyện thọ trì đại giới), trụ trì chùa Ân Thọ dẫn dắt học Phật và xuất gia đi tu năm 1948, lúc ấy Ngài mới 15 tuổi, ở tuối cây non đang phát triển.
Từ ấy đến nay là người con miền Nam sinh ra và lớn lên giữa ruộng đồng mênh mông sông nước, đất trời phương Nam, miền Tây Nam bộ, vùng đất chín rồng, tấm lòng dạt dào của ngài đối với quê hương vô cùng sâu nặng, mà như nhà thơ Quách Giao cùng đi trong đoàn du hành đã đặt tên cho chuyến đi này là “Nhìn sông Vàm Cỏ Tây Long An nhớ sông Cái Nha Trang”
Tuy hành đạo ở các tỉnh miền Trung, khi Huế, lúc Khánh Hòa, đặc biệt trú xứ tại Long Sơn Nha Trang Ngài là Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa 4 nhiệm kỳ liền, nhiều người không biết rõ nghĩ rằng hòa thượng là người miền Trung. Nhưng sau này khi tuổi đã cao, sức yếu, năm nào ngài cũng về thăm quê nhà, dâng hương cầu nguyện cho tổ tiên, cha mẹ, đi thăm con cháu. Và con cháu lớn lên thường tới lui thăm Ôn, nên mọi người mới biết chính xác trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Bình là người miền Nam.
Chuyến đi thăm của Hòa thượng trong độ tuổi ngoài 80 với tuổi già sức yếu, phật sự đa đoan là một bài học về tình cảm yêu quê hương và tấm lòng hiếu đạo, một tấm gương để đàn hậu học noi theo.
Nhân dịp này, ngài đã đến thăm Đại Giới đàn Thiện Nhu, thăm Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An vào chiều ngày 25/3/2013 trong buổi lễ bế mạc Đại giới đàn trang nghiêm, hoành tráng, đại lão hòa thượng đã được chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Long An đón tiếp trân trọng, nồng hậu trong tình linh sơn pháp lữ và tình quê hương ruột thịt.
Thật đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
Chương trình về thăm quê hương Long An của trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Bình kết thúc vào ngày 26/3/2013. trong niềm hoan hỷ vô biên vì Ngài đã làm được một việc đầy nghĩa tình với đạo, với đời.
Bởi vì:
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người…
Rồi hôm nay,
"Kính lạy Giác linh Thầy,
Viết tiếp Một chuyến đi
Thầy ra đi như một hành tinh lạc,
Thầy đi vào vô biên, chúng con buồn ngơ ngác.
Thầy đi mang theo cả tình đạo vị thương yêu,
Ngôi già lam còn nhớ, hoa cỏ vẫn mong chờ.
Kính lạy Giác linh Thầy. , Thầy ra đi nhưng tình Thầy vẫn đầy, một tình đạo bao la như ánh dương ngời sáng. Từ đàn em thơ trẻ đến cụ già tuyết sương mang mang niềm thương nhớ ghi đậm hình bóng Thầy.
Thầy một lần nhắm mắt là qua hết một đời chúng con buồn quay quắt ngân ngấn lệ đầy vơi…
Đúng như Điếu văn Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa Tưởng niệm : “ Hỡi ôi! Trời Nha Thành tịch tịnh, sóng Đông hải lao xao. Bậc đống lương đã thương phẩm tiêu dao. Ngôi long trượng chốn ba đào vĩnh tuyệt. Tháng Mười Bính Thân trời tuôn lôi điện, cuốn hút một vì sao. Ngày mười tám âm lịch, đất nổi cuồng phong, che mờ ngôi tinh đẩu. Tám mươi bốn năm, cõi diêm phù trổi nét ngọc tinh anh. Sáu mươi tư lạp, chốn hữu vi trụ chánh tâm bất loại.
Vậy là, Lăng già nguyệt lạc, Thạch trụ Tây khuynh. Chùa Long Sơn tang tóc đau thương. Đất Khánh Hòa ngậm ngùi tiễn biệt. Gần thế kỹ, hành bất yếm, hối bất quyện lợi sinh. Nay bổng chốc, khởi vô tích, triệt vô tung phủi gót…
Viết tiếp Một chuyến đi, Thầy ra đi mãi mãi…, giờ đây “Nhìn Sông Cái Nha Trang nhớ Sông Vàm Cỏ Đông ” Thầy đi vào vô biên, chúng con buồn ngơ ngác. Thầy đi mang theo cả tình đạo vị thương yêu,Ngôi già lam còn nhớ, hoa cỏ vẫn mong chờ…
Đệ tử Trí Bửu – Đêm Nha thành 17.11.2016 đê đầu khể thủ