;
Báo chí xưa nay vốn cho mình cái quyền được đúng, được dẫn dắt, không thể khác hơn khi người ta gọi nó là “quyền lực thứ 4” và ở Việt Nam nó còn có một “tổng biên tập” duy nhất là Tuyên giáo.
Ôi giá như và chỉ giá như thôi, ai cũng nghĩ được như ông Nguyễn Thanh Sơn, và giá như ông ấy có thể đóng vai chức sắc Giáo hội thì qúy biết bao nhiêu. Không phải Phật giáo không cần chấn chỉnh, nhà dột thì phải lợp lại nóc là lẽ đương nhiên, nhưng đó phải là một ngôi nhà mà các thành viên không chia năm sẻ bảy.
Ông Nguyễn Thanh Sơn nói về nội bộ Giáo hội, nói về các em báo chí trẻ nhiệt huyết, nhưng tầm nhìn (ở đây là một cái nhìn lâu dài, cái nhìn đại cuộc) vẫn chưa tới tầm nhìn của một chính khách như ông. Dù Phật giáo có phải là chỗ dựa cho nhà nước hay không, thì cũng nên hiểu rằng thực tế quần chúng cũng chả còn chỗ nào thân thiện hơn Phật giáo.
Tin lành ư? Công giáo ư? Đó chỉ gợi nên một thứ mặc cảm quá khứ khó nói hết bằng lời.
Phật giáo trở thành tiếng cười đùa trong một bức tranh mà các màu sắc không thể trộn lẫn vào nhau.
Hệ quả của tiếng cười đầy mai mỉa kia chính là chỉ trong vài ngày một Phật giáo trí tuệ trở thành một tôn giáo cổ vũ mê tín (đơn giản thế thôi ư). Đúng như ai đó nói làm trăm cái tốt chẳng ai nhìn hở một cái xấu có nghìn soi mói.
Không soi mói sao được khi phương châm từ ngày thành lập của Giáo hội này đã là “Đạo pháp Dân tộc Chủ nghĩa xã hội”.
Và thử nhìn cơn giận dữ mà xem, kể cả với những người xưa nay vốn chẳng tin và không lọt tai với nền báo chí chính thống (lề phải). Ai không tự nhận mình ở vụ việc này nảy sinh tâm lý giậu đổ bìm leo, tát nước theo mưa, giận cá chém thớt?
Khí thế hừng hực như thời đấu tố. Nhưng đó là nhân quả và hệ quả tất yếu buộc phải diễn ra cho một thử thách, một liều thuốc thử mới cho Phật giáo.
Và không gì khác hơn khi bất mãn với chế độ họ phải đánh vào một chỗ dựa gần như là duy nhất - quần chúng Phật giáo. Một cơ hội nghìn vàng không thể tốt hơn.
Chứ một Ba Vàng, một Phúc Khánh với một nhúm người mà đòi đổi lấy sự “trong sạch” của cả một dân tộc này ư, nực cười.
24,6% dân số là người có đạo, Phật giáo chỉ chiếm 14,91%, thấp cổ bé họng, chỉ là một cây kiểng của mặt trận tổ quốc. Còn 76,4% kia không dính dáng gì đến sự suy đồi của đạo đức xã hội này ư?
Một bài toán chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng rõ.
Tôi không quan tâm lắm tới cái gọi là “mê tín dị đoan”, khẩu hiệu đã trở thành lý do người ta đốt phá đền chùa một thời, và bởi mê tín vẫn là chuyện của nghìn đời, và cũng chả có xã hội nào đủ chỗ chứa cho hết thảy các thành phần tinh hoa ưu tú.
Đôi khi cái hồn nhiên ngây thơ và có phần mông muội lại nằm ở chính sự hấp dẫn của cái gọi là mê tín, một thứ sản phẩm đầy nghi hoặc của cả loài người.
Và chính khi loài người cần thay đổi, đám tinh hoa kia không chọn đám tinh hoa khác để kết hợp đâu, mà nó rất cần một thứ quần chúng mông muội kia, họ sẵn sàng tin vào những lời hoa mỹ và sẵn sàng bỏ mạng vì điều đó.
Có một tờ báo nhanh nhảu giật tít “Không phải chấn chỉnh, cần có cuộc chấn hưng Phật giáo”.
Tôi đã phải ngạc nhiên vì chỉ mới đây thôi rất nhiều phát biểu của chức sắc giáo hội và quan chức nhà nước đều vinh dự tự hào nói chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ như bây giờ. Một hệ thống quản lý Phật giáo theo ngành dọc từ cấp trung ương đến phường xã. Một hệ thống giáo dục rộng khắp được đào tạo đến bậc tiến sĩ. Một công cuộc hoằng pháp, đối ngoại mở rộng, vân vân...
Những Phúc Khánh, Quán Sứ (dâng sao giải hạn), những Ba Vàng (thỉnh oan gia trái chủ)..., đó đều là những nơi mà chức sắc lớn của Giáo hội trụ trì.
Vậy chấn hưng Phật giáo nên bắt đầu từ đâu, chấn hưng cái Giáo hội này hay chấn hưng Phật giáo nằm ngoài giáo hội này? Phật giáo đồ tự mình đứng lên chấn hưng hay nhà nước cảm thấy cần phải chấn hưng thay cho giáo hội này?
Nghi vấn của tôi ai sẽ trả lời được?
Báo chí như thế thì non nớt quá. Điều kiện lịch sử xã hội như thế nào để ra đời cái gọi là “chấn hưng”. Muốn chấn hưng phải có phong trào? Ai cho phép phong trào xuất hiện. Bây giờ tôi có thể cầm biển kêu gọi chấn hưng Phật giáo đứng trước tòa soạn của báo Tuổi Trẻ được hay không?
Nhà nước cho phép chấn hưng như thế, chẳng khác người đi giao mâu bán thuẫn, ta tự đánh ta. Rất hài hước.
Nếu nhà nước này chẳng nhận nó là con đẻ của mình và cần phải dạy dỗ cho đàng hoàng thì hãy thả cho nó tự do bươn trải đi. Tôi tin khi ấy mọi trật tự sẽ được tăng ni phật tử tự do sàng lọc.
Tuyên giáo đang bật đèn xanh cho báo chí đánh Phật giáo? Tôi thề rằng họ sẽ chẳng dám đến nhà thờ phục kích hay tập kích truyền thông. Cứ nhìn lại phản ứng giận dữ và thất vọng của tín đồ trong vụ giám mục Ngô Quang Kiệt mà xem.
Tôi nghĩ đây là một cuộc khủng hoảng truyền thông Phật giáo, nhưng cũng chính là một “tai nạn nghề nghiệp” của cánh báo chí lề phải, khi chưa thể nhìn bằng con mắt của một chính khách chuyên nghiệp (ở tầm Thứ trưởng Bộ NG). Nó đã vượt ngoài tầm kiểm soát của chính báo chí.
Tình cảm của người Phật tử bị tổn thương sâu sắc là một điều không thể chối cãi.
Nếu tất cả báo chí lề trái xưa nay bực tức với thái độ mũ ni che tai của Phật giáo, có gân hết cổ lên mà tấn công Phật giáo thì cũng chỉ như tự dùng tay mình đấm vào tường vì vốn chả ai thèm quan tâm. Nhưng báo chí lề phải đánh một cách hệ thống và bài bản như thế thử hỏi ai không hình dung ra đằng sau có một bàn tay.
Chuyện mê tín trong một vài ngôi chùa, nó có khác chuyện mê tín ở nhà thờ, đền, phủ miếu mạo tràn lan trên đất nước này hay không? Hình thức khác nhau nhưng bản chất vẫn là một mà thôi, tín ngưỡng là ngước cái cổ lên mà tin, tin không cần logic khoa học gì hết...v.v...
Chấn chỉnh Giáo hội này có thể không sai, nhưng cái sai chính là ở thời điểm. Trận đánh nào thành công cũng phải đúng thời điểm. Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa diễn ra Vesak của Liên Hiệp Quốc. Giờ Tam Chúc chỉ như một sân khấu chả hơn chả kém. Sự gục đầu nghiệt ngã của hệ thống BOT chùa, ai mất lợi? Chả dính dáng gì đến Phật giáo, dù ai đó cố sức gắn vào cho bằng được.
Nhân chuyện này để quản lý hòm công đức ư? Ngây thơ! Vì nó phải thực hiện đồng bộ ở tất cả các tôn giáo và phải hoàn thiện hệ thống pháp lý. Nhà nước minh bạch trước, làng nước bước theo sau. Bằng không đụng vào lợi ích sát sườn, mâu thuẫn xã hội sẽ nảy sinh phức tạp. Vẫn là thời điểm chưa chín muồi, vì ứng xử pháp luật ở Việt Nam còn rất yếu kém.
Đánh vào xuất thân từ Hệ phái Trúc Lâm, là đánh vào hệ tư tưởng Phật Việt. Nó chẳng khác sai lầm khi tập kích truyền thông vào Bát Nhã khi xưa, một pháp môn có đường lối tu tập rõ ràng và rất hiệu quả trong ngoại giao văn hoá ở tầm quốc tế. Một đối nội, một đối ngoại, đều là trọng điểm để đối kháng Trung Hoa.
Phật giáo thêm một lần tan nát. Ai ngư ông đắc lợi?
Xin các bác cứ yên tâm tu tâm và chẳng cần phải tới chùa làm gì. Phật độ hữu duyên. Nó cũng không phải niềm kỳ vọng to tát gì cho riêng ai. Vì các bác vẫn nghiện đạo, nghiện tư tưởng của các bác đến mụ mị và cũng không thèm, không dám thay đổi nữa kia, thì các bác đòi hỏi ở nó nhằm mục đích tư lợi gì? Giết gà dọa khỉ ư? Nó buộc phải đứng về phía các bác ư?
Phật giáo là tôn giáo trí tuệ hay mê tín dị đoan, lịch sử tồn tại mấy nghìn năm chỉ vì vài chuyện hỗn dung với tín ngưỡng dân gian, qua vài câu công kích của các bác mà nó trở nên như vậy ư?
Xin kết thúc bài viết ở đây và xin trở về với tiếng khóc uất nghẹn kia, rằng thêm một lần nữa niềm tin xã hội đã bị đánh cắp bởi một thứ truyền thông cắt cúp méo mó, đúng như người ta vẫn ví một nửa chiếc bánh mì thì vẫn là chiếc bánh mì nhưng một nửa sự thật thì mãi mãi không phải sự thật..
P/s: Xin lỗi, tôi không phải người mê tín vào báo chí cho dù nó nhân danh bất cứ lề nào.
*Bài viết thể văn phong góc nhìn riêng của tác giả.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=qwpuDB4qSnE|500|500}