;
>Hướng đến cải cách giáo dục Phật học tại Việt Nam
>Giới Luật - Cơ sở của đạo đức Phật giáo
>Giáo dục trong gia đình theo tinh thần Phật giáo
Giáo dục Phật giáo là một vấn đề mang tính thời đại, có lịch sử lâu đời, nội dung phong phú. Từ khi bắt đầu ra đời thì giáo dục đã là một nội dung quan trọng của Phật giáo. Bản thân Thích Ca Mâu Ni cũng rất coi trọng giáo dục, trong Kinh A Hàm rất nhiều lần nhắc đến điều này. Giáo dục phải linh hoạt, uyển chuyển để Phật giáo đến được với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Thích Ca Mâu Ni đồng ý dùng cả những cách nói thông dụng nhất để truyền đạo, mục đích cuối cùng là Phật giáo giúp con người ta lĩnh hội được giáo lý đạo Phật, từ đó vui vẻ, thanh thản, đạt đến cảnh giới giải thoát.
Trước đây, khi giáo dục Phật giáo vẫn còn bó hẹp trong tự viện, thì tự viện trở thành một cơ sở giáo dục quan trọng của đất nước, đặc biệt vùng nào có nhiều chùa chiền. Giáo dục trong chùa thậm chí còn phải gánh cả trách nhiệm giáo dục thế tục, đào tạo ra nhiều nhân tài, thúc đẩy sự phát triển văn hóa xã hội. Đến thời kỳ hiện đại, vì rất nhiều lý do từ nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, xã hội… giáo dục Phật giáo đã được mở rộng. Đặc biệt là khi Ki Tô giáo được truyền vào Việt Nam, được nhân rộng nhờ vào thế lực của quân xâm lược và cách thức giáo dục, truyền giáo bài bản; giáo dục Phật giáo truyền thống gặp không ít xung đột. Mô thức giáo dục của phương Tây đã ảnh hưởng đến giới Phật giáo nước ta, là điều kiện để khái niệm viện Phật học bắt đầu hình thành. Vì cách thức giáo dục Phật giáo truyền thống không còn đủ sức gánh vác trách nhiệm lớn lao nên buộc phải thay đổi để phù hợp với quy luật của lịch sử.
Nhân dịp Hội đồng trị sự GHPGVN tổ chức hội thảo “Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Định hướng và phát triển”, người viết xin góp một vài ý kiến về việc “học” và “tu” trong giáo dục Phật giáo hiện nay.
I Sơ lược về hiện trạng giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay
Hiện nay cả nước có bốn học viện và rất nhiều trường cao, trung Phật học, các trường đều có phương hướng giáo dục tu sĩ rõ ràng, xuất hiện sự liên thông, liên kết giữa các trường, các viện trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các trường bên ngoài. Phương pháp giảng dạy và tu tập đã có sự học hỏi cải tiến, tu sĩ được tiếp nhận nhiều hơn thông tin khoa học và xã hội qua truyền thông, qua hoạt động thực tiễn. Đây là những điều kiện tốt để hoàn thiện hơn nữa giáo dục Phật giáo. Nhìn chung, các tu sĩ đã có những điều kiện thuận lợi để thu nhận và phố biến các kiến thức, tri thức khoa học song hành với tu tập.
Ngoài những điều kiện thuận lợi nêu trên thì để tu học trong Phật giáo Việt
Sự học hỏi tri thức chung về tri thức Phật giáo của tu sĩ tuy mở rộng nhưng cũng có dấu hiệu chạy theo tâm lý coi trọng bằng cấp, thiếu sự tự học và thực học. Bên cạnh đó, khác với sự học hỏi chung, tu sĩ Phật giáo còn phải tu tập, hành trì 3 môn học cốt lõi là Giới- Định- Tuệ. Tuy nhiên có một số bộ phận tu sĩ có xu thế không hoặc chỉ học môn nào phục vụ cho sự tư lợi, tích lũy tài sản. Hiện tượng nhà sư đi cúng lễ cho người dân để tư lợi đã thấy rất rõ. Khi cúng lễ và làm các hoạt động tâm linh khác ngoài Phật giáo, vô hình chung các hoạt động này đã làm lu mờ cái học cơ bản Giới- Định- Tuệ, cái học làm nên sự trường tồn của Phật giáo.nguoiphattu.com
Vấn đề chức năng kinh tế của người tu sĩ thế nào cho đúng mực phục vụ xã hội và đạo pháp. Phát huy vai trò tham dự và xã hội của tu sĩ là một yêu cầu của thời cuộc, song đó không phải là vai trò chính củ người tu sĩ. Về căn bản họ phải là tấm gương tâm linh cho Phật tử và tạo dựng lòng tin của người dân với Phật giáo. Do vậy việc đóng vai trò kinh tế chỉ là một hoạt động thứ yếu. Sự gia tăng các nguồn thu tài chính vật chất của Phật giáo do người Phật tử cúng dường không phải là mối quan tâm duy nhất nhưng đáng tiếc điều đó đã xảy ra, sức mạnh của tiền tài đã thâm nhập vào đời sống tu tập và tu trì của tu sĩ[1].
Tuy cơ sở đào tạo Phật học hiện nay đã tương đối đủ vậy mà cho đến nay vẫn chưa thấy trường lớp nào đưa bộ môn Nghi lễ vào giảng dạy. Nghi lễ không chỉ là việc tán tụng, cúng kiến mà bản chất của Nghi là những việc phải làm, Lễ là những điều phải tuân. Phải xem Nghi lễ là môn học chính như là bộ môn Đạo đức công dân ở xã hội, nhất là trong xã hội đa chủng, đa chiều như hiện nay; dạy nghi lễ như là một một lời nhắc nhở thêm cho Tăng Ni trẻ phải biết lễ nghi mà thực hành. Có lẽ nền giáo dục của Phật giáo Việt Nam còn nhiều bất cập[2].
II Ý nghĩa việc học và tu trong cơ sở giáo dục Phật giáo
Trong mô hình giáo dục trong chùa ngày trước, đệ tử học được kiến thức chủ yếu từ thầy mình, trình độ của thầy đến đâu thì của trò cũng chỉ đến đó. Khi nào thầy không đáp ứng được hết nhu cầu học của trò thì trò có thể đi tìm người thầy khác. Cho nên một vị cao tăng thường có rất nhiều người thầy thì mới có thể tích lũy được nhiều kiến thức. Thậm chí học thầy trong nước không đủ, còn có thể đi tìm thầy ở nước ngoài. Vì vậy, trước kia, việc tầm sư học đạo là một công việc khó khăn, mất thời gian, sức lực mà kết quả thu về thì có hạn. Lượng kiến thức theo cách học này tương đối hạn hẹp, phiến diện, không đủ chiều sâu, mang tính chủ quan của người dạy rất lớn.
Còn đến thời hiện đại ngày nay, việc giáo dục của học viện Phật giáo nặng về việc học tập trên giảng đường, thiên về việc truyền dạy kiến thức. Việc bồi dưỡng nhân tài hiện nay xét về mặt kiến thức thì tốt hơn rất nhiều so với hình thức “giáo dục trong chùa” xưa kia với nội dung phong phú và rất có chiều sâu; nhưng nếu xét về mặt tu hành thì nhân cách tăng ni không đạt được kết quả như hình thức “giáo dục trong chùa”. Mà đặc điểm của Phật giáo là nhấn mạnh sự quan trọng của việc tu hành, một mặt phải có kiến thức nhưng mặt khác phải có sự tu hành chuẩn mực. Vì vậy, quan hệ học và tu trở thành vấn đề không dễ giải quyết đối với việc giáo dục trong học viện Phật giáo hiện nay.
Giáo dục Phật giáo khác với giáo dục thế tục thông thường, vì giáo dục Phật giáo giúp con người có sự giải thoát về mặt tinh thần; còn giáo dục thế tục thiên về dạy người ta kiến thức để mưu sinh. Nhưng hiện nay, giáo dục Phật giáo chịu ảnh hưởng của mô thức giáo dục thế tục rất nhiều, nặng về học kiến thức. Vì thế, người xuất gia hiện nay có sự tiến bộ rõ rệt về kiến thức nhưng lại đi xuống về mặt tu hành. Chính vì vậy dẫn đến việc tài đức của người tu hành không cân bằng, tài thì tăng nhưng đức thì chưa hẳn. Đây là hiện tượng tương đối phổ biến, là biểu hiện của việc chưa giải quyết tốt quan hệ giữa học và tu.
Đất nước ta đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh, vì điều kiện lịch sử có nhiều hạn chế, nên về mặt khoa học kỹ thuật cũng như việc bồi dưỡng nhân tài đã có lỗ hổng, giới Phật giáo cũng bị tình trạng tương tự như thế. Đó là điều dễ hiểu vì khi chính trị bất ổn, các yếu tố khác của xã hội cũng khó mà có thể phát triển bền vững. Sau này, khoa học kỹ thuật được nâng cao, kiến thức xã hội và kiến thức kinh tế đã hình thành, thì dẫn tới tình trạng, ai có kiến thức người đó sẽ thành công. Điều này rất khác biệt với xã hội cũ, trọng quan hệ và kinh nghiệm đời sống. Những năm trở lại đây, cả xã hội đều coi trọng kiến thức, nhấn mạnh kiến thức, giáo dục trong trường học thế tục lấy kết quả học tập kiến thức bằng điểm số để đánh giá chất lượng giáo dục. Điều này cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến giới Phật giáo, lấy kết quả học tập và tài năng để đánh giá con người, trở thành một cách làm thông thường của học viện Phật giáo, “tu” tuy có được giáo hội coi trọng, nhưng trên thực tế vẫn không được đánh giá đúng mức.
Căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của Phật giáo, thì học và tu thuộc hai phạm trù khác nhau. Tu là chỉ sự tu hành, nghĩa hẹp thì là chỉ việc giữ giới luật, tu thân dưỡng tính, tụng kinh, ngồi thiền…, nghĩa rộng thì là chỉ tất cả các sự vụ có liên quan đến Phật giáo. Điển hình nhất về phương diện này là Thiền tông, tổ Huệ Năng đã đề xướng việc tu hành có thể tiến hành ngay trong đời sống hàng ngày, tư tưởng này ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ sau. Như vậy, tư tưởng về “tu” cũng có nhiều dòng khác nhau. Đứng từ góc độ giáo dục Phật giáo mà nói, thì “tu” và “học” tuy đối lập nhưng là một thể thống nhất, có định nghĩa và phạm vi riêng biệt. “Học” trong giáo dục Phật giáo là chỉ việc học tập, ở đây nhấn mạnh việc học lý luận giáo lý và tiếp thu kiến thức, trong đó bao gồm cả kiến thức thế tục cũng như kiến thức chuyên ngành của Phật giáo.
Phật giáo là một tôn giáo đề cao tri thức, mục đích cuối cùng của Phật giáo là giúp con người giải thoát về mặt tinh thần. Nhìn một cách toàn diện về giáo dục trong Phật giáo thì “học” và”tu” vừa đối lập nhau nhưng lại là một thể thống nhất. “Học” là lý thuyết, lý luận; “tu” là thực hành, thực tiễn. “Học” yêu cầu người tu phải đi đứng từ lý luận để hiểu được chân đế của nhân sinh, phải làm sao nắm bắt được kiến thức của xã hội, bồi dưỡng kiến thức Phật giáo cho Phật tử, từ đó xây dựng chính tín. “Tu” là người tu phải tự mình thực hiện cách thức giải thoát, nên làm gì, không nên làm gì, tạo dựng lòng tin cho Phật tử, giúp Phật tử không đi nhầm đường.
Quan hệ học và tu là một “bất nhị pháp môn”, nhưng nhiều tín đồ hiện nay vẫn chỉ là người có học nhưng không có tu. Tức là họ đọc kinh sách, nắm bắt lý luận và kiến thức trên sách vở nhưng không có sự lĩnh hội thực tiễn tôn giáo. Những người như vậy có thể coi là người không hiểu đạo. Vì việc đọc sách, nắm bắt kiến thức chỉ là cơ sở để giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội nói chung và trong cuộc đời mỗi con người nói riêng. Nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều người như vậy, điều này là một điều đáng lo ngại, như cách nói thế tục thì có tài mà không có đức thì dễ phạm sai lầm với những hậu quả đáng tiếc.
III Quan hệ giữa học và tu
Làm thế nào để giải quyết tốt vấn đề học và tu là một việc không dễ dàng. Cần làm rõ chính xác quan hệ của hai việc, đồng thời cần rất nhiều yếu tố tổng hợp khác, mà quan trọng nhất là sự lĩnh hội về “độ”, tức là làm thế nào để xác định được định lượng giữa học và tu.
Thứ nhất, học và tu không đối lập nhau, mà kết hợp với nhau tạo thành một khối, thể hiện bằng một thể thống nhất. “Học” là tri thức và lý luận, cần thông qua “tu” để xác nhận và kiểm tra, vì vậy “học” không thể tách rời được “tu”. “Tu” là thực tiễn và hành động, cần dựa vào “tu” để có sự hướng dẫn, vì vậy “tu” không tách rời được “học”. Quan hệ giữa chúng là quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, tức là không có “học” thì không có “tu”; và ngược lại, không có “tu” thì không có “học”; “học” đã bao hàm “tu”, “tu” đã bao hàm “học”; là một chỉnh thể thống nhất không thể tách rời.Nhưng bất kể một lý luận hay tư tưởng nào cũng đều cần sự kiểm nghiệm của thực tiễn, mục đích cuối cùng của học cũng cần có sự nghiệm chứng của “tu”, kết quả cuối cùng được thể hiện trong “tu”. Từ ý nghĩa này có thể thấy, “tu” là mục đích và kết quả, “học” là phương pháp và cách thức.
Thứ hai, học và tu là quá trình không ngừng biến đổi và phát triển, “học” để “tu” tốt hơn, “tu” để nâng cao hiệu quả “học”. Bởi vì lý luận chỉ đạo thực tiễn, nắm bắt càng nhiều tư tưởng thì kết quả việc tu tập mới được nâng cao. Cũng tương tự như vậy, khi hiệu quả của thực tiễn “tu” được nâng cao, thì việc lý giải “học” cũng tự nhiên nâng lên một tầm cao mới, bởi vì lý luận được xây dựng bởi thực tiễn. “Tu” kiểm chứng tri thức “học”, “học” nâng cao năng lực “tu”. “Học” càng cao thì “tu” càng tốt, và ngược lại, “tu” càng tốt thì “học” càng cao. Lịch sử đã chứng minh điều này, những vị cao tăng luôn có song hành cả kiến thức học thuật vào đạo đức tu tập.
Thứ ba, muốn học và tu tốt cần nắm vững về “độ”. Vì nội hàm và ngoại diên của học và tu không dễ nắm bắt. Có học mà không có tu, hoặc ngược lại có tu mà không có học, chính là biểu hiện của sự mất cân bằng về “độ”. Nẳm chắc nguyên tắc của “độ” mới có thể nhận thức “trung đạo” của Phật giáo, không thiên lệch về “học” cũng như “tu”, phải đi chính giữa. Từ đó mới nhất thể hóa được việc học và tu.
Thứ tư, việc học và tu phải căn cứ vào các điều kiện khác nhau. Đối với mỗi con người trong xã hội, học và tu liên quan mật thiết đến mỗi con người, nhưng mỗi người đều có đặc thù và điều kiện riêng, không giống nhau, nên phải xác định nhân tố tổng hợp của người học. Thường thì người có trình độ văn hóa, tri thức cao, việc lĩnh hội lý luận và nắm bắt kiến thức sẽ tương đối toàn diện, khả năng phân tích vấn đề và góc độ nhìn nhận vấn đề sẽ chuẩn xác hơn. Những điều này giúp ích rất nhiều cho con người khi học và tu, vì tri thức và văn hóa là cơ sở của tu tập. Nhưng với người có văn hóa thấp thì cũng chưa chắc đã không thể học và tu, vì Phật giáo giảng về căn cơ, giác ngộ nên những người giác ngộ tốt cũng có thể học và tu tốt, có thể thành chính quả. Tóm lại, đối với việc tu và học, không có một mô thức hay tiêu chuẩn nhất định, quan trọng nhất là sự lĩnh hội và kinh nghiệm của mỗi người. Nhưng đối với giáo dục trong viện Phật học, thì tu và học nên có một tiêu chuẩn nhất định. Bởi vì đối với “học” thì phân biệt sự cao thấp của tri thức là dễ dàng, còn với “tu” thì cần có cuộc sống tuân theo giới luật, giữ đạo hạnh.
IV Những điều cần lưu ý
Việc học và tu cuối cùng đề cập đến vấn đề bồi dưỡng con người như thế nào, nghĩa là phương hướng và tôn chỉ của việc học và tu là gì. Với những vấn đề khó giải quyết đang tồn tại trong hiện thực thì bắt buộc phải kế hợp hai cách giáo dục trước đây và bây giờ. Tức là cần quản lý việc tu tập của tu sĩ theo phương thức “giáo dục tự viện” và nâng cao kiến thức của họ qua mô hình giáo dục của các trường Phật học. Tu sĩ cần sống cuộc sống ngày thường như ở trong chùa, nơi mình thụ giới, trên có thầy, dưới có anh em đồng môn, chịu sự giám sát và đánh giá trực tiếp từ thầy và những người khác; còn học sẽ học tập tại học viện, nơi có điều kiện để tiếp thu, giao lưu và trao đổi nhiều kiến thức phong phú. Nếu làm được điều này, chất lượng tu và học sẽ được nâng cao rõ rệt.
Để tu và học trở thành một thể thống nhất, không còn tồn tại sự phân chia thì giáo trình giảng dạy của viện Phật học cần phải bao hàm cả hai nội dung học và tu. Muốn có hệ thống đào tạo được căn bản chúng ta cần có một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, có khoa học và thống nhất cả nước. Muốn làm tốt công việc này phải thành lập một Hội đồng biên soạn giáo trình một cách nghiêm túc, nghiên cứu học hỏi, tiếp thu của Phật giáo các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan V.V.. từ đó vận dụng cho phù hợp với thực tiễn của Phật giáo Việt
Giáo hội nên quan tâm tạo điều kiện cho các Tăng Ni trẻ có năng lực, có bằng cấp “thực học” đóng góp cho ngành giáo dục Phật giáo để bồi dưỡng nhân tài cho Giáo hội, nghiên cứu tình hình từng địa phương lập “Phật học viện” nội trú các cấp (từ sơ cấp đến Học viện) không nên để các trường rời rạc như hiện nay, lập Phật học viện tập trung và khép kín, để Tăng Ni sinh tập trung học hành có kết quả tốt hơn và ngăn chặn, khắc phục tình trạng Tăng Ni sinh ở phòng trọ bên ngoài làm mất hình ảnh nghiêm thanh tịnh của người tu sĩ và dễ nhiễm tục. Được vậy sẽ tập trung được nội lực thì việc dạy và học sẽ tốt hơn. Phật học viện từ thấp lên cao, đó là hướng đi chiến lược để đào tạo tăng tài cho Phật giáo Việt
Phật giáo là một bộ phận của xã hội, tuy nó có đặc tính riêng, nhưng cũng có những nét tương đồng với xã hội, cho nên Phật giáo không thể tách rời khỏi xã hội mà phải thích ứng với những biến đổi của xã hội. Cụ thể tại Việt Nam, Phật giáo cần phải thích ứng với xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trong giáo dục Phật giáo, không thể không hướng tu sĩ nhận thức song hành Phập pháp và xã hội chủ nghĩa.
V Kết luận
Phật giáo có tám vạn bốn nghìn pháp môn, yêu cầu con người phải kết hợp cả việc học và tu mới có thể lĩnh hội được kiến thức. Người học đọc sách, đọc tài liệu thì gọi là “học”; viết bài, tổng kết, rút ra kết luận, tự mình đi theo nhận thức để điều chỉnh hành vi, nhân cách… gọi là “tu”. Nếu chỉ coi việc “học” và “tu” là hai quá trình nhận thức và thực hành thì vẫn là một cách nhìn hạn hẹp, chưa sử dụng được phương pháp phản chiếu “bất nhị pháp môn”. Trong quan hệ “học” và “tu”, chúng ta không thể chỉ sử dụng tiêu chuẩn tri nhân, phải sử dụng phương pháp “bất nhị” để lý giải và xem xét. Có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nếu như người học khi nghiên cứu kinh Phật mà được sống trong một môi trường học thuật, tu tập trong lành, thì vô hình trung sẽ giác ngộ và có thái độ đồng tình với đạo Phật. Như vậy thì “học” mà “tu”, “tu” mà “học”, hai công việc tưởng như đối xứng nhau này sẽ hòa làm một, “bất nhị”, không phân chia. Nói chung, cần có một cái nhìn khách quan toàn diện và chuẩn xác về mối quan hệ “học” và “tu”, tránh việc tách rời “học” và “tu” khiến chúng trở thành hai việc đối lập.
T/s Kiều Thị Vân Anh
Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ
[1] Nguyễn Ngọc Quỳnh, “Cơ hội và thách thức của Phật giáo Việt Nam trong thời đại ngày nay”. Kỷ yếu hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 – 2011)
[2] Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, “Vì một giáo hội Phật giáo Việt Nam toàn hảo”. ”. Kỷ yếu hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 – 2011)
[3] Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, “Vì một giáo hội Phật giáo Việt Nam toàn hảo”. ”. Kỷ yếu hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 – 2011).