;
Nhân mùa vu lan, chúng tôi dành trọn một buổi sáng cùng nhau đến thăm thầy Thế Đăng. Không hiểu sao, không chỉ tôi mà hầu hết các đồng nghiệp đều rất thích đến thăm thầy, đến chơi với thầy, đến để được gần thầy. Nhưng chuyến đi lần này còn có một ý nghĩa đặc biệt.
Số là em Phương Thảo, Phó Tổng giám đốc Thái Hà Books, một học trò xuất sắc trong cả công việc lẫn tu tập của tôi đang sống và làm việc tại Hà Nội lại chọn thầy Thế Đăng hiện đang tu hành tại một nơi khá xa của Sài Gòn làm thầy bổn sư. Phương Thảo cất công bay từ Thủ đô vào đây để xin quy y Tam Bảo với thầy. Và thầy Thế Đăng đồng ý ngay.
Cũng khá hiếm thấy khi lễ quy y được tiến hành tại chùa và Phương Thảo là người duy nhất được thầy Thế Đăng làm lễ. Thường thì trong lễ quy y có ít nhất vài chục, thậm chí vài trăm Phật tử được quy y một lần. Ấy vậy mà em lại có duyên lành và phước báu lớn đến vậy. Phải chăng bởi em từ đất trười miền Bắc xa xôi đến với thầy. Phải chăng kiếp trước em đã là đệ tử của thầy.
Chúng ta đều biết rất rõ rằng quy y tam bảo tức là ta quay về nương tựa ba ngôi báu là Phật, Pháp và Tăng. Rằng ta quay về bờ giác để nương tựa Phật – người đưa đường chỉ lối cho ta trong cuộc đời này, ta quay về nương tựa Pháp – con đường của trí tuệ và tình thương, ta quay về nương tựa Tăng – đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. Việc quy y Tam Bảo rất quan trọng đối với Phật tử chúng ta vì đã về nương tựa Phật ta đã có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời, đã về nương tựa Pháp ta được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa, đã về nương tựa tăng ta được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. Đồng thời khi quy y Tam Bảo chúng ta đều phát những nguyện lớn: xin nguyện cho mọi người thể nhận được giác tính, sớm mở lòng bồ đề, xin nguyện cho mọi người nắm vững các pháp môn cùng lên đường chuyển hóa, xin nguyện cho mọi người xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. Có gì tuyệt vời hơn đâu. Rieng đối với tôi, chỉ cần đọc tụng ba sự quay về này mỗi ngày và nhắc tâm mình, tự nhắc mình tinh tấn tu tập đã là tốt lắm rồi. Và hình như chỉ cần làm tốt những lời trong bài quy y quay vè nương tựa này có lẽ cũng có thể giác ngộ được rồi.
Chúng tôi đến nơi và bất ngờ đầu tiên là một hàng cau cả hơn chục cây trên lối vào chùa đã bị chặt. Thì ra ông chủ miếng đất đó với thầy Thế Đăng là chỗ thân thiết nên ngày xưa ông nhất trí cho thầy trồng thêm hàng cau sang đất của ông để cho đẹp lối đi chung. Nay ông san nền, bán đất lô nên cau đã bị hạ gục. Tôi thấy tiếc vô cùng. Vì miếng cơm manh áo của con người mà cây cũng chẳng còn, cau thơm đã mất thật rồi. Trồng bao năm mới có hàng cau này chứ đây có như trồng rau, trồng cải. May thay vẫn còn hàng cau phía bên đất chùa nhà.
Chùa thầy có vườn khá rộng và có rất nhiều cây. Đủ các loại cây. Vậy nên, việc đầu tiên của các bạn trẻ là thăm vườn, chụp ảnh và hái trái cây. Mùa nào thức ấy, thế nào cũng có gì đó để ăn. Hôm nay thì có ổi, có dâu, có trái cóc. Các bạn nữ là mê món này nhất. Chùa thầy rộng mà ở tận vùng xa nên ít Phật tử không như trong thành phố. Vậy nên trái trên cây nhiều lắm. Đoàn chúng tôi thăm thầy có tôi, thầy Trần Tuấn Mẫn phó TBT kiêm Tổng thư ký tòa soạn tạp chí Văn hóa Phật giáo và 4 em học trò, đồng nghiệp.
Chúng tôi được ngồi bên thầy ở ngoài hiên chùa. Tôi rất thích ngồi quay lưng vào tường ngắm vườn cây và trời mây. Tôi chợt nhận ra rằng cũng vẫn trong ngôi này nếu biết chọn hướng ngồi sẽ có 1 cảnh rất đẹp. Ngắm mây bay với bầu trời xanh tươi làm mình thật thư thái, bình an, mát mẻ và tôi như tâm mình thành 1 chú chim thỏa thích bay trên bầu trời bao la. Thú vị vô cùng khi hôm nay, quan sát, tôi thấy trên bầu trời có 1 đám mây lớn lững lờ bay. Bay theo sau là nhiều đám mây nhỏ giống như người mẹ dắt con đi chơi mùa Vu lan. Ngắm mây bay thích thật.
Mục đích là đến thăm thầy vậy mà chưa kịp nói gì thầy Thế Đăng đã ân cần hỏi thăm từng anh chị em trong công ty. Trí nhớ của thầy thật sự là tốt. Nhưng cái lớn hơn có lẽ là sự quan tâm, tình yêu thương của thầy dành cho các trò. Hình như thầy ưu tiên cho những học trò từ Hà Nội xa xôi vào đây với thầy hơn thì phải. Tôi thì mê nự cười giòn tan, trong veo của thầy lắm.
Chúng tôi ngồi uống trà bên nhau. Tôi lại được ưu tiên có thêm 1 ly cà phê nữa. Mặc dù ít uống café nhưng tôi thấy rất vui vô cùng. Những giây phút tĩnh lặng bên thầy Thế Đăng và thầy Trần Tuấn Mẫn tôi ngộ ra nhiều điều rất thú vị.
Hóa ra thầy và trò rất gần nhau. Trong chúng tôi có thầy ở trong đó rồi. Chúng tôi cũng có những lúc hiền từ, nhiều khi cười rất đẹp, nhiều lúc thấy rất bìn an Có khác gì thầy đâu. Mình mà ung dung, tự tại, có tâm vô ngã vị tha thì thành thầy rồi. Thầy vốn vẫn trong chúng ta sẵn, chỉ có điều, chúng ta chưa biết nuôi dưỡng, tưới tẩm nên cái “tôi” đang lớn hơn tính thầy mà thôi. Nếu biết về điều này thì dù có ở Hà Nội thì thầy vẫn bên cạnh. Thì ra Phương Thảo giỏi hơn tôi, thầy ở xa mấy ngàn cây số mà có lẽ em đã biết cách để thầy luôn bên em.
Hóa ra khoảng cách giữa Hà Nội và Sài Gòn là rất gần. Chỉ 1 sát na là tâm ta đã bay về đến Hà Nội. Thế mà lúc đi từ cơ quan bên quận Phú Nhuận phải qua hết Gò Vấp sang quận 12 mà tâm tôi đã nảy ra ý nghĩ rằng xa. Đã bay từ Thủ đô vào đến được Sài Gòn, chẳng lẽ, mấy chục cây mà là xa ư. Xa gần cũng tại tâm.
Hóa ra người thầy làm lễ quy y cho mình, trở thành thầy bổn sư của mình chính là người mẹ thứ 2. Người mẹ đẻ có công sinh thành và nuôi dướng mình nhưng người thầy tâm linh lại có công hướng dẫn đưa mình từ bờ mê sáng bờ giác. Tôi giật mình: không có thầy hướng dẫn, coi chừng ta có lớn mà không có khôn, có tuổi mà không có trưởng thành. Lại giật mình: người Tây Tạng coi thầy quan trọng hơn Phật là có lý. Phật để lại những lời dạy vô cùng quý giá, kinh Phật nhiều vô cùng nhưng nếu không có thầy, biết đường nào mà mò trong rừng kinh kệ này, nhất là với những đệ tử Phật sơ cơ như chúng ta đi đâu bây giờ khi thấy tối như đêm, dày như đất.
Hóa ra lễ vu lan đúng rằm tháng 7, tức vừa kết thúc mùa an cư của quý thầy. Và đây là dịp không chỉ để tưởng nhớ và biết ơn cha mẹ, người đã có công sinh ra ta mà là cơ hội lớn để biết ơn những vị thầy tâm linh, người đưa đường chỉ lối cho ta trong cuộc đời này. Mà đâu chỉ có một kiếp này. Nếu đi đúng đường, ta còn có bao kiếp tuyệt vời mai sau.
Hóa ra hoa trong vườn chùa thầy nở rất đẹp, trái cây vườn thầy rất ngon bởi tâm của thầy rất rộng lớn. Thì ra chim ở đây rất nhiều và hót rất hay, hót liên tục bởi chúng cũng biết tìm đến những nơi thanh tịnh để được vui chơi, cùng tu tập với thầy. Cũng có thể, hàng ngày lũ chim kia hàng ngày được nghe thầy tụng kinh, trì chú hiện đang tụng kinh hay trì chú bằng thứ ngôn ngữ của loài chim.
Tôi nhớ rằng có một học trò của Đức Phật đã kể với chính Ngài rằng, trong một kiếp trong quá khứ, vị thầy ấy đã có thần thông và đi được với tốc độ của ánh sáng. Thế rồi thầy ấy đã đi suốt ngày suốt đêm không nghỉ, không ăn, không ngủ, mong thoát ra khỏi cõi sinh tử luân hồi, mong đến được cõi niết bàn. Nhưng vị thầy này đi hết một kiếp mà vẫn không ra khỏi cõi ta bà và thầy đã chết trên đường đi. Hóa ra đến được cõi tịnh, cõi lạc không thể tính bằng quãng đường, bằng thời gian mà cách duy nhất là chuyển tâm. Bờ bên này là mê, bờ bên kia là giác. Sống ác, sống thất niêm là mê. Sống thiện, sống chánh niệm là giác. Chỉ 1 niệm thôi. Khe hở để chúng ta từ bờ này sang bờ kia rất nhỏ, rất rất gần.
Tôi lại nhớ rằng khi mấy thầy trò bước khỏi con phà rời bên này sông là quân Gò Vấp, sang bên kia bờ là quận 12 mà đã thấy khôn khi khác hẳn. Rất mát mẻ, dễ chịu. Cách nhau có vài chục thước thôi mà như mình về 1 cõi khác rồi. Chúng tôi luôn thích thú với khí hậu, cây cối và khung cảnh bên đó lắm.
Hôm nay, thầy trò Phương Thảo về thăm thầy Thế Đăng, qua các câu chuyện và trong khung cảnh ngồi thư giãn trong bình an của ngôi chùa quê, tôi càng ngộ ra rằng mê và tỉnh quá gần nhau. Thật là vi diệu.
Cám ơn ngôi chùa của thầy Thế Đăng, nơi mà tôi hay gọi là cõi tịnh độ ngay trong thế giới ta bà Việt Nam này. Nguyện mong thầy bình an và khỏe mạnh để chỉ dạy cho chúng con và biết bao chúng sinh. Mùa vu lan này chúng con đã làm được một điều ý nghĩa và có ích.