;
Cho nên trong Tăng Chi Bộ, Thế Tôn gọi Cha Mẹ là Phạm Thiên, và những con cháu trong gia đình nào mà kính dưỡng cha mẹ được xem ngang bằng với Phạm Thiên: “Những gia đình nào, trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên, được chấp nhận là đáng được cúng dường”
Mẹ cha gọi Phạm Thiên,
Bậc Ðạo sư thời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến con cháu
Do vậy, bậc Hiền triết
Ðảnh lễ và tôn trọng
Dâng đồ ăn đồ uống
Vải mặc và giường nằm
Thoa bóp (cả thân mình)
Tắm rửa cả tay chân
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ với cha
Ðời này người Hiền khen
Ðời sau hưởng Thiên lạc
(Tăng Chi Bộ chương 3 Ba Pháp, phẩm sứ giả của trời)
Nhân ngày Lễ Vu Lan Mậu Tuất 2018, Tâm Tịnh xin giới thiệu Mười Câu Chuyện Hiếu Dưỡng Cha Mẹ được trích dẫn từ những chuyện tiền thân trong Tiểu Bô Kinh (Nikaya), ngõ hầu giúp cho quý đạo hữu có cái nhìn sâu sắc về công ơn dưỡng dục của cha mẹ, và hạnh hiếu dưỡng song thân từ các bậc hiền thánh, ngay cả khi họ mang thân bàng sanh.
Quyển sách kết tập nhỏ này gồm hai phần.
Phần I với tiêu đề Những người con hiếu dưỡng bao gồm năm câu chuyện và một bài đọc thêm.
Chuyện thứ nhất - Tỳ Kheo ôm bình bát đi khất thực, nuôi dưỡng song thân già yếu như những câu kệ cảm tác sau:
Cha mẹ già yếu không chỗ ở
Không ai nuôi dưỡng thật bơ vơ
Tỳ Kheo hiếu tử ứa lệ sầu
Ôm bình khất thực khắp thành đô
Phụng dưỡng song thân rất ân cần
Đạo sư Đức Phật liền ca thán
Lành thay, lành thay hạnh hiếu từ.
Chuyện thứ 2- Hiếu Tử Sutana: kể về chàng thanh niên nghèo sẵn sàng hy sinh thân mình cho ác quỷ Dọa Xoa đổi lấy một ngàn đồng vàng để phụng dưỡng mẹ già như được cô đọng trong bài cảm tác:
Bất chấp hy sinh mạng sống này
Có một ngàn vàng nuôi Mẫu thân
Thay vua thế chỗ tế ác thần
Trong rừng hoang vắng xơi thịt nhân
Song vì trí tuệ phương tiện xảo
Thu phục ác quỷ theo chánh chân
Từ đây yên tâm phụng dưỡng mẹ
Mang bình yên đến khắp muôn dân.
Chuyện thứ 3 - Nam cư sỹ toàn tâm toàn lực chăm sóc mẹ già, không nghe theo lời xúi giục của vợ đuổi mẹ ra khỏi nhà.
Chuyện thứ 4 – Hiếu tử Sàma: bậc chí hiếu, đã làm chấn động những thiên thần trong khu rừng như được đúc kết bằng những bài kệ cảm tác sau:
Khóc than cha mẹ bị mù
Là do chất độc mãng xà gây ra
Trong lúc tuổi già còn xa
Lại mù đôi mắt trong rừng thâm sâu
Cười vui có được duyên lành
Tự tay chăm sóc song thân an lành
Không may tên độc từ Vua
Xé tan tĩnh lặng trúng ngay chân chàng
Kêu lên hai tiếng Mẹ Cha
Không ai phụng dưỡng tuổi già song thân
Hiền ngôn bay vút trời cao
Thần tiên cảm động quay quanh hộ trì
Vua kia giật thốt cả mình
Vì nhầm lỡ bắn hiền nhân hiếu từ.
Chuyện thứ năm – Hai hiền giả Sona và Nanda: với 93 câu kệ tán thán công ơn dưỡng dục của cha mẹ, và tán thán công hạnh hiếu dưỡng song thân như những vần thơ từ 89-93 sau:
89. Từ mẫu cũng như nghiêm phụ ta
Phải đều được kính trọng tôn thờ,
Hiền nhân tán thán người nào có
Những đức tính này tỏ lộ ra.
90. Song thân như vậy đáng tuyên dương,
Giữ địa vị cao cả khác thường,
Được gọi "Phạm thiên" do cổ đức,
Uy danh hai vị lớn khôn lường.
91. Song thân hiền phải được tôn vinh
Xứng đáng từ con cái của mình,
Người dưỡng mẹ cha theo chánh hạnh
Là người có trí tuệ thông minh.
92. Đem dâng thức uống với đồ ăn
Sàng tọa và y phục xứng phần,
Phải tắm mẹ cha, dầu tẩm ướt,
Rửa cho sạch sẽ cả đôi chân.
93. Bậc trí tán dương các việc trên,
Làm con phụng sự mẹ cha hiền,
Hân hoan tràn ngập trên trần thế,
Thân hoại, an vui hưởng cõi thiên.
Phần II với tiêu đề Những tấm gương hiếu dưỡng trong loài bàng sanh gồm năm chuyện.
Chuyện thứ sáu - Khỉ anh và khỉ em nuôi dưỡng mẹ già bị mù, và đã hy sinh thân mình để bảo vệ mạng sống cho khỉ mẹ.
Đôi khỉ nuôi mẹ già mù mắt
Trên cây cổ thụ chốn rừng xanh
Không may bị kẻ săn phát hiện
Khỉ mẹ trên cây trong tầm ngắm
Khỉ anh thấy vậy liền chết thay
Để mẹ được sống cùng khỉ nhỏ
Dù vậy ác nhân không đành bỏ
Lại nhắm bắn tên vào khỉ mù
Khỉ em thấy thế liền thế mạng
Cho mẹ được sống thêm tuổi già
Lòng tham vô đáy kẻ săn mồi
Giết cả khỉ mẹ thảy ba con.
Chuyện thứ bảy - Chim kền kền không nghĩ đến mạng sống của mình khi bị mắc bẩy mà chỉ than khóc cho cha mẹ kền kền già yếu ở trong núi Linh Thứu từ nay không còn ai phụng dưỡng.
Chuyện thứ tám – Bạch Tượng Vương không chịu ăn uống cao lương mỹ vị trong kinh đô được Vua ban cho mà chỉ mong trở lại rừng thiêng tiếp tục chăm sóc mẹ già mù lòa.
Chuyện thứ mười - Chim két bị mất mạng trên biển vì mang xoài ngon ngọt về nuôi dưỡng mẹ cha già mù lòa trên đảo nhỏ.
Hy vọng tập sách nhỏ này mang lại nhiều điều bổ ích cho quý bạn.
Tâm Tịnh giới thiệu và cẩn tập
https://socialeducationalr.wixsite.com/tuhoa-cicg/stories