;
>Sự hiểu biết về thân trung ấm có giá trị như thế nào?
Thưa quý vị,
Bất cứ ai, dù đang theo tôn giáo nào hoặc không theo tôn giáo nào, mà muốn học Phật pháp, đều không có gì trở ngại cả. Phật giáo không phải là một tôn giáo mê tín, mà là một hệ thống giáo dục dựa trên quy luật nhân quả để chuyển hóa con người từ xấu thành tốt, “không làm điều xấu ác, siêng làm điều tốt lành”. Sau giai đoạn chuyển xấu thành tốt, con người trở nên hoàn thiện, thì sẽ có những thiện quả tạo thành duyên lành cho đương sự bước vào bước tu tập thứ hai là “tự thanh tịnh tâm ý”, hoàn toàn rũ bỏ Tham Sân Si, chuyển từ mê lầm sang giác ngộ, tỉnh thức, giải thoát khỏi vòng sinh tử, khai phóng tâm linh bất sinh bất diệt.
Nhà Phật rất hoan nghênh bất cứ ai muốn tìm hiểu Phật pháp và nghiên cứu Tam Tạng kinh, luật, luận, trong kho tàng kinh điển của đạo Phật. Có nhiều học giả thâm hiểu giáo lý nhà Phật, - trong số đó có những người Tây Phương, - viết sách luận giải về đạo Phật, là những người thuộc các tôn giáo khác, không phải là Phật tử. Nhiều kinh sách nhà Phật đã được dịch ra tiếng Anh bởi những học giả vốn là tín đồ các tôn giáo khác, đọc kinh sách Phật giáo vì tò mò, hoặc có trường hợp đọc với mục đích tìm những điểm không ưng ý để chỉ trích. Nhưng sau khi tiến sâu vào tư tưởng nhà Phật, họ cảm nhận được tinh thần khai phóng, từ bi, bình đẳng, nên trong lòng họ có sự chuyển hóa, tăng trưởng thiện cảm đối với đạo Phật. Khởi đầu là tìm hiểu phần lý thuyết, dần dần họ bước vào phần thực hành các phương pháp luyện tâm qua thiền quán Phật giáo, thấy được an lạc. Càng đi sâu vào tư tưởng uyên áo của đạo Phật, họ càng thấy tâm hồn được tự tại, giải thoát.
Một số người tìm tòi nghiên cứu kinh sách nhà Phật không vì thiện ý, nhưng cuối cùng lại trở thành những tu sĩ đáng kính, có công lớn trong việc hoằng truyền Phật pháp tại các quốc gia Tây Phương. Ngày nay, nếu chúng ta vào một tiệm sách online, thí dụ Amazon.com, click vào chữ Buddhism, chúng ta sẽ thấy xuất hiện gần bốn chục ngàn tựa sách Phật giáo, hầu hết đều do người Tây Phương viết.
Câu hỏi thứ hai:
- Muốn tu tập theo Phật giáo, có cần phải bỏ tôn giáo của mình, chuyển qua đạo Phật không?
Thưa quý thính giả,
Ðiểm son của đạo Phật là tinh thần tôn trọng đời sống nội tâm và sinh mạng muôn loài. Tôn giáo, tín ngưỡng, là vấn đề rất tế nhị, có những ràng buộc tình cảm sâu xa đối với quá khứ và thân quyến của đương sự. Cho nên người Phật tử không thuyết phục người khác bỏ tôn giáo của họ để theo đạo Phật. Ðức Phật là bậc Giác Ngộ. Ðạo Phật là đạo Giác Ngộ. Giác thì không mê, cho nên người Phật tử không muốn ai bước vào đạo Phật bằng con đường mê tín. Những người từ đạo khác chuyển qua đạo Phật, phần lớn là do họ nghiên cứu kinh điển thâm sâu, hiểu được phần cốt tủy, tự ý đi tìm các vị tu sĩ để làm thủ tục gia nhập cộng đồng Phật tử. Cũng có những trường hợp không cần thủ tục gì cả, người muốn thực hiện những bước tu tập của đạo Phật cứ tự nhiên y theo lời dạy của đức Thế Tôn: “Không làm điều xấu ác, siêng làm điều thiện lành và tự thanh tịnh hóa tâm”, không để cho tâm hồn bị dính mắc vào bất cứ một giáo điều, một hình ảnh nào cả, như thế cũng xứng đáng là một Phật tử đúng nghĩa rồi.
Có rất nhiều thí dụ về thái độ tôn trọng các tôn giáo khác của người Phật tử. Chúng tôi xin đơn cử vài trường hợp, như vua A Dục, trị vì xứ Maurya, miền Bắc Ấn Ðộ từ năm 272 đến năm 236 trước công nguyên, mất năm 231. Ông là một Phật tử thuần thành, đã ứng dụng lời dậy của đức Phật vào việc trị nước, đem lại thanh bình cho toàn xứ Ấn Ðộ thời đó. Quan điểm của ông là làm sao cho dân chúng có một đời sống hạnh phúc, gồm tự do, lòng từ bi, tránh chém giết, tôn trọng sự thật. Ông cũng là người cổ võ việc ăn chay và chống tệ nạn giết thú vật để cúng tế. Trong một trụ đá kỷ niệm, có khắc lời ông như sau:
- “Ta không nên chỉ đề cao tôn giáo của mình mà chê bai các tôn giáo của người khác, mà nên tôn trọng những điều hay của các tôn giáo khác nữa. Hành xử như thế, ta sẽ giúp cho nếp sống đạo của ta tăng trưởng và đồng thời cũng giúp những người thuộc các tôn giáo khác sống đạo. Nếu làm ngược lại, là chúng ta tự chôn vùi tôn giáo của mình và cũng làm hại những tôn giáo khác. Bất cứ ai tôn vinh tôn giáo mình trong khi chỉ trích các tôn giáo khác, mà nghĩ rằng: “Tôi ngợi ca, thờ phượng tôn giáo của tôi”, thật ra là làm thương tổn sâu xa cho tôn giáo của chính họ. Cho nên, sống hài hòa với nhau thì tốt hơn. Hãy lắng nghe, lắng nghe với thiện ý những học thuyết của các tôn giáo khác”.
Tiến sĩ Malasekara cũng nói :
- “Không bao giờ có chuyện đạo Phật truyền giáo bằng cách ép buộc những người không thích phải tin theo mình, lại càng không dùng các thủ đoạn gây áp lực, hoặc nịnh nọt tâng bốc, hoặc dối trá lừa phỉnh, để đạt được thắng lợi trong sự hoán chuyển tư tưởng người khác. Những nhà truyền giáo của đạo Phật không bao giờ tranh đua để giành người cải đạo như ở nơi chợ búa”.
Ðạo Phật đã bị hiểu lầm rất nhiều, người thì cho rằng đạo Phật chỉ lo cúng đám làm chay cho người chết, kẻ lại nghĩ rằng đạo Phật chỉ thích hợp với các bậc tu sĩ ở ẩn. Với mục đích trình bày sự trong sáng của đạo Phật, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một bài pháp trích dịch từ cuốn “What the Buddha Taught”, do hòa thượng Walpola Rahula giảng:
...”... Có một số người cho là đạo Phật quá cao siêu, một đường lối tu quá nghiêm túc, khắc khổ, khiến cho những người dân bình thường sống trong thế giới ngày nay không thể kham nổi. Như thế, nếu muốn thực hành giáo pháp, muốn làm một Phật tử chân chính, người ta phải rút lui vào các tu viện, hoặc những nơi vắng vẻ.
Rõ ràng đây là một sự hiểu lầm rất đáng tiếc, do thiếu hiểu biết về giáo lý nhà Phật. Người ta thường vội vã có những kết luận sai lầm như thế, sau khi nghe một vài mẩu chuyện, hoặc tình cờ đọc một cuốn sách, mà vì thiếu sự tìm hiểu rộng rãi, tác giả đã viết về đạo Phật một cách phiến diện.
Giáo lý của nhà Phật không phải chỉ dành riêng cho giới tu sĩ trong tu viện, mà là của tất cả mọi người, kể cả những nam nữ cư sĩ sống trong gia đình. Tuân theo Bát Chánh Ðạo là sống trong tinh thần Phật giáo. Dù là tu sĩ hay cư sĩ, mọi người đều có thể áp dụng nguyên tác này vào cuộc đời, không phân biệt.
Ðại đa số dân chúng trên thế giới không thể trở thành tu sĩ, hay rút lui vào các hang động hoặc rừng sâu núi thẳm để ẩn tu. Vậy nếu những người này mà không ứng dụng được lời dạy của đức Phật vào đời sống hằng ngày của họ thì dù những lời dạy ấy có cao siêu, tinh khiết đến đâu đi nữa, đối với họ cũng là vô dụng. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu đúng tinh thần của giáo pháp, -- không phải chỉ hiểu theo từ ngữ -- thì chắc chắn bạn có thể thực hành Phật pháp trong khi vẫn sống cuộc đời bình thường.
Có thể có một số người cảm thấy nếu ở ẩn tại một nơi xa xôi vắng vẻ, chấm dứt các hoạt động xã hội, thì sự hành trì Phật pháp sẽ dễ dàng và thoải mái hơn. Nhưng lại cũng có thể có người thấy rằng đời sống ẩn dật đó thật là tẻ nhạt, khiến cho cả tâm hồn và thể xác của họ đều uể oải, không thể giúp cho cuộc sống tinh thần và nội tâm của họ được thăng hoa.
Sự ẩn dật chân chính không có nghĩa là phải xa lánh hẳn thế gian. Tôn giả Sariputta, một đại đệ tử của Phật nói rằng, một người có thể tu khổ hạnh trong rừng nhưng tâm vẫn đầy những tư tưởng ô nhiễm, bất tịnh, trong khi một người khác có thể sống trong làng mạc hay thành thị, không thực hành khổ hạnh, mà tâm lại thanh tịnh, trong sáng. Ngài nói, so sánh giữa hai người ấy, thì người sống cuộc đời thanh tịnh nơi làng mạc, thành thị, lại cao cả và giá trị hơn người kia rất nhiều.
Dường như đối với một số người thì sự lui về ẩn tu trong một nơi vắng vẻ, không bị quấy nhiễu phiền phức, sẽ cảm thấy thoải mái. Nhưng nếu có thể thực hành Phật pháp tại nơi ồn náo, sống giữa đồng loại để giúp đỡ và phục vụ họ, thì lại càng can đảm và đáng khuyến khích hơn. Trong vài trường hợp, người ta có thể sống ẩn dật để tịnh tu một thời gian cho đời sống nội tâm thêm sâu sắc, đạo lực thêm bền chắc, ngõ hầu trau giồi cho nhân cách tăng trưởng, thêm khả năng để sau này giúp đỡ mọi người.
Mặc dầu vậy, nếu có người nào mà lại đem cả cuộc đời dành cho sự sống trong cô độc, chỉ nghĩ đến hạnh phúc và "cứu rỗi" cho riêng mình, không quan tâm đến đồng loại, thì điều này chắc chắn không phù hợp với lời dạy của đức Phật, vốn đặt nền tảng trên tình thương, lòng trắc ẩn và sự phục vụ tha nhân.
Kinh Sigala đã nói lên sự quan tâm sâu sắc của đức Phật đối với cách hành xử của người cư sĩ tu tại gia, trong những mối dây liên hệ với gia đình và thân bằng quyến thuộc, như sau:
Có một chàng thanh niên tên Sigala, vâng theo lời dặn dò của người cha trước khi qua đời, hằng ngày thường quay mặt về sáu Phương là Ðông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới, để sì sụp lễ lạy.
Ðức Phật bảo anh ta rằng theo Phật pháp, sáu Phương có nghĩa khác. Phật pháp dạy rằng Phương Ðông là cha mẹ, Phương Nam là thầy dạy, Phương Tây là vợ con, Phương Bắc là bạn bè, quyến thuộc, láng giềng, Phương Dưới là người làm công và thợ thuyền, Phương Trên là tu sĩ và đạo sư. Ngài dạy Sigala phải tôn kính sáu Phương này. Ở đây chữ tôn kính có ý nghĩa rất đặc biệt, vì người ta chỉ tôn kính cái gì thiêng liêng, cao quý, đáng kính. Ðạo Phật coi sáu nhóm người này như là những điều thiêng liêng, xứng đáng được tôn kính.
Nhưng làm thế nào để tỏ lòng tôn kính?
Ðức Phật dạy rằng chỉ có thể tỏ lòng tôn kính chân thành bằng cách làm tròn bổn phận đối với họ. Những bổn phận này được đức Phật giảng giải rõ ràng cho Sigala như sau:
- Thứ nhất: cha mẹ là thiêng liêng đối với con cái. Cha mẹ là Trời. Từ ngữ “Trời” để biểu tượng sự cao quý và thiêng liêng nhất, theo tư tưởng Ấn Ðộ. Cho nên ngay tại thời đại này, trong những gia đình theo đạo Phật thuần thành, sáng chiều hằng ngày, con cái vẫn có những hành động để tỏ lòng tôn kính cha mẹ. Họ phải làm một số bổn phận đối với cha mẹ theo giáo lý nhà Phật: Săn sóc khi cha mẹ già yếu, làm những điều cần thiết để giúp đỡ cha mẹ, giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản cha mẹ để lại, và khi cha mẹ qua đời thì cử hành các nghi thức trong tang lễ của cha mẹ.
Về phần cha mẹ, họ cũng có những bổn phận đối với con cái, phải giữ gìn, dạy bảo cho con cái tránh xa những đường tà, khuyến khích con cái làm những việc tốt lành và ích lợi, cho con cái được hưởng một nền giáo dục chu đáo, tìm những gia đình lương thiện cho con cái kết hôn và khi con cái đã trưởng thành thì chia gia tài cho họ.
- Thứ hai: liên hệ giữa thầy và trò. Người học trò phải kính trọng và vâng lời thầy, phải chú ý đến những sự cần thiết của thầy, nếu thầy cần, phải chăm lo học hành. Về phía thầy, phải tận tâm dạy bảo học trò một cách chu đáo, giới thiệu bạn tốt cho trò và khi trò tốt nghiệp thì cố gắng tìm việc làm để bảo đảm kế sinh nhai cho trò.
- Thứ ba: liên hệ giữa chồng và vợ. Tình yêu giữa vợ chồng được coi gần như một nếp sống đạo, có tính cách thiêng liêng. Giữa vợ và chồng phải có sự tin cậy, kính trọng, hy sinh, và có những bổn phận đối với nhau. Chồng phải luôn luôn tôn trọng vợ, không được thiếu sự kính nể đối với vợ, phải thương yêu và chung thủy đối với vợ, phải bảo đảm vị trí và tiện nghi của vợ, và nên làm vui lòng vợ bằng cách tặng nàng y phục và nữ trang. (Sự kiện đức Phật không quên đề cập đến việc tặng quà cho vợ khiến chúng ta thấy được sự mẫn cảm và tế nhị đầy nhân bản của Ngài đối với niềm cảm xúc của những con người bình thường). Về phía người vợ, phải tề gia nội trợ chu đáo, làm vui lòng khách khứa, bạn bè, thân nhân và người làm công. Vợ phải yêu thương và chung thủy với chồng, phải biết giữ gìn gia sản, phải khôn khéo và hoạt bát trong công việc.
- Thứ tư: liên hệ giữa bạn bè, bà con, hàng xóm láng giềng: Mọi người phải niềm nở và tử tế đối với nhau, nói năng vui vẻ, hòa nhã, phải làm việc có lợi ích cho nhau và đối xử bình đẳng với nhau, không cãi cọ mà giúp đỡ lẫn nhau khi cần và đừng bỏ rơi khi người ta gặp hoàn cảnh khó khăn.
- Thứ năm: liên hệ giữa chủ và người làm công: người chủ có nhiều bổn phận đối với người giúp việc hoặc người làm công, phải lượng sức của người ta để mà giao việc phù hợp, tiền lương phải tương xứng, phải cung cấp thuốc men và thỉnh thoảng tặng thưởng cho người ta. Về phía người làm công thì phải chăm chỉ làm lụng, không lười biếng, phải lương thiện và vâng lời chủ, không ăn gian nói dối và phải tận tụy trong công việc
- Thứ sáu: liên hệ giữa tu sĩ và cư sĩ: với niềm kính quý, người cư sĩ phải quan tâm đến những nhu cầu vật chất của tu sĩ,người tu sĩ phải truyền bá sự hiểu biết cho cư sĩ với tấm lòng từ bi, lân mẫn và hướng dẫn họ đi trên chánh đạo, không lọt vào tà đạo.
Như vậy, chúng ta đã thấy rõ rằng dù là một người dân bình thường sống trong gia đình, tham dự những sinh hoạt ngoài xã hội, họ vẫn được thụ hưởng sự giáo hóa của đức Thế Tôn, vẫn có thể tu tập, tạo sự an lạc trong nếp sống của một người Phật tử ...”...
Thưa quý thính giả,
Những điều đức Phật dạy thì thật là trong sáng, dễ hiểu và gần gũi với mọi người. Nhưng có những kẻ do thói “bảo hoàng hơn vua”, lại làm cho hình ảnh Ngài trở nên xa vời, biến thành một thứ thần linh. Chúng tôi xin gửi tới quý vị một thí dụ, là câu chuyện “Tu viện trưởng và chú tiểu nhỏ”, trích trong cuốn Three Zen Masters : Ikkyu, Hakuin, Ryokan -- soạn giả : John Steven, như sau:
“Không bao lâu sau khi vào tu viện, chú tiểu Ikkyu được vị viện trưởng sai tắt những cây nến trên bàn thờ trước khi về phòng ngủ. Khi chú tiểu về thưa với thầy là chú đã hoàn tất công việc, vị viện trưởng hỏi:
- Thế con tắt nến bằng cách nào?
Chú tiểu thưa:
- Con thổi tắt.
Vị viện trưởng mắng:
- Không bao giờ được làm thế. Ðức Phật là đấng thiêng liêng, mà hơi thở của con người thì dơ bẩn. Phải vẫy vẫy tay hoặc dùng quạt để tắt nến.
Sáng hôm sau, khi vị viện trưởng lên chính điện để cử hành buổi lễ sáng, ông nhìn thấy chú tiểu Ikkyu đang quay mặt ra phía ngoài, lưng về phía bàn thờ mà tụng kinh.
Nổi trận lôi đình, ông quát lớn:
- Mi đang làm gì đây hả thằng bé ngu ngốc?
Chú tiểu ung dung trả lời:
- Thầy bảo con là hơi thở của con người thì dơ bẩn, không nên thở về phía các ảnh tượng đức Phật. Chúng ta làm sao có thể tụng kinh mà không thở?
Vị viện trưởng bối rối ấp úng:
- Chuyện này khác.
Rồi ông ra lệnh cho chú tiểu Ikkyu quay mặt lại bàn thờ.”
Nguồn : TVHS