;
Chẳng biết thực hư thế nào nhưng từ đó gia đình ông gặp hết tai ương này đến tai ương khác làm cho vợ điên, cháu nghiện, con cái chết bất đắc kỳ tử.
Lịch sử “đa thiêng”
Cây có tên cây đa Đồng Vàng nằm trên một gò đất cao giữa cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay. Theo các cụ cao niên trong làng thì có lẽ cây đa này đã có hàng trăm tuổi. Trước đây, cánh đồng này là mảnh đất cha truyền con nối của nhà Lý Kiểm, một hào lý trong làng.
Với cánh đồng thẳng cánh cò bay, đất đai phù xa bồi đắp, lại gần con sông Đào thuận tiện cho việc thủy lợi, năng suất lúa lúc nào cũng đứng đầu cả khu vực nên được gọi là cánh Đồng Vàng. Cánh đồng rộng đến mức người đi làm thuê phải dậy từ mờ sáng, khi mặt trời lên cao mới đến nơi làm.
Trước đây, những ngày nắng nóng, giữa đồng không mông quạnh không có lấy một bóng cây, người ta phải lấy rơm rạ làm những chiếc lều nhỏ ven đường để ngồi trú nắng ban trưa. Thương mọi người vất vả, một thầy đồ nho trong làng đã lên tận phủ Thiên Bản (nay thuộc xã Cộng Hòa) xin một cây đa về trồng.
Trong cánh đồng chỉ duy nhất có một gò đất cao mà mọi người thường gọi là gò Đống Đa, và cây đa được trồng trên vị trí gò đất này. Cảm phục ý định cụ đồ, người dân trong làng cũng chăm chút cây đa không kém, mối lần đi làm qua, hay tối trở về mọi người lại bốc một nắm bùn để lên gốc cây. Cây đa trồng xuống thì lớn nhanh như thổi, chỉ sau hai năm cành lá sum suê, tán xòe rộng cả vài chục mét, những ngày nắng nóng có thể tỏa bóng mát che nắng hàng trăm người.
Đến nay người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu chuyện đã xảy ra cách đây khá lâu. Vào thời kỳ đó các lý trưởng trong vùng thường đấu đá, tranh giành, triệt hạ nhau, nhất là quyền lực và ruộng đất tốt. Lý Cống là lý trưởng làng trên vốn có nhiều mâu thuẫn với Lý Kiểm nên tâm hãm hại “đối thủ”. Sau nhiều lần thất bại chốn quan trường, hắn đã đi nhờ một “thầy địa lý” giỏi để tìn cách “yểm long mạch” đất nhà Lý Kiểm.
Qua nhiều ngày dò la, cuối cùng người này khi đi qua cánh Đồng Vàng, thấy lạ khi cây đa xanh tốt giữa một vùng đất rộng mênh mông và nhất là cây được trồng tự nhiên mà lại mang thế ngũ phúc. Thế ngũ phúc có nghĩa là “Phúc, Lộc, Thọ, An, Khang”: Nghĩa là có phúc, tốt lành may mắn, có lộc giàu có nhiều ruộng đất, thọ là sống lâu trăm tuổi, an là sống yên ổn không bị xáo trộn, có khang là vui vẻ. Đây đúng là một thế cây đầy đủ đẹp đẽ nhất cộng với thế đất tạo cho vùng đất này càng thêm giầu có, phồn vinh như cái tên Bách Cốc, nơi có hàng trăm loại ngũ cốc.
Hắn vỗ đùi đánh đét nói “đúng là chốn này” rồi hắn đứng dậy lẳng lặng bỏ đi. Đêm hôm đó từ trong làng nhìn ra cánh đồng, mọi người thấy gốc đa bốc cháy đùng đùng, đám lính canh tuần cùng bố con Lý Kiểm chạy ra đến nơi hò nhau múc nước dập lửa. Sáng hôm sau mọi người ra đồng đều thương cho cây đa gốc cháy xém, cành lá rũ rượi.
“Thương tiếc” cây đa, mọi người lấy bùn xoa lên thân cây và lấy rơm rạ phủ lên gốc. Điều kỳ lạ là sau khi những chiếc lá rụng hết, lớp vỏ bong tróc và sau cơm mưa những cành cây lại nẩy lộc, đâm chồi và xanh tươi lạ thường. Tuy chỉ có chỗ thân cây bị đốt cháy thành một hốc lớn đến 4 – 5 đứa trẻ trâu có thể chui vào ngồi lọt thỏm trong đó. Biết không thể triệt hạ được nhà cụ Lý Kiểm, “thầy địa lý” quay ra làm phản nhà Lý Cống. Các vị cao niêm kể lại sau đó nhà Lý Cống bị cháy nhà vợ con chết cháy hết, còn hắn cũng mất chức lý trưởng, cuộc đời rơi vào cảnh thân tàn ma dại.
Cây đa “báo oán”?
Dù là cây đa giữa đồng nhưng người dân ở đây chẳng khi nào dám động đến, dù là bẻ cành hay làm bất cứ việc gì xâm hại đến gốc đa. Và không biết lời “thầy địa lý” năm xưa đúng hay không mà sau này làng Bách Cốc là nơi học hành thành đạt nhất cả vùng, có người giữ chức vụ quan trọng ở Trung ương, ở tỉnh… và hàng trăm con em địa phương đã và đang học các trường đại học danh tiếng trên cả nước.
Cây đa “báo oán”
Có thời điểm giá cây cảnh cao ngất ngưởng, cả làng, cả xã nhà nhà làm cây cảnh. Người ta đi tìm tất cả những loại cây như lộc vừng, sung, sanh, si mọc ở bờ ao, gốc dậu thậm chí cả những cây đa cổ thụ đốn hạ để đem về tạo thế, tạo dáng vì vừa mất ít thời gian mà lại được dáng cây ưng ý bán với giá vài chục triệu đồng.
Thời kỳ này gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng trong làng nổi lên về làm kinh tế giỏi từ cây cảnh, nhà ông lúc nào cũng tấp nập khách hàng. Chỉ vài năm phất lên từ nghề trông cây cảnh gia đình ông đã có cơ ngơi hoành tráng nhất vùng. Chẳng hiểu vì ham làm giàu hay bất chấp tất cả khi ông dám mang cưa lên gò Đống Đa cưa một cành đa to của cây về cắt khúc tạo dáng.
Với kỹ thuật thâm hậu, chỉ thời gian ngắn ông đã có được gốc đa ưng ý, có khách vào trả giá 30 triệu đồng vẫn chưa muốn bán. Chẳng ai trong làng dám nói với “đại gia cây cảnh” một câu, mọi người chỉ kháo nhau về việc, sáng hôm sau lên gốc đa, từ vết cây bị cắt một màu đỏ thâm như vết máu khô và tán lá “cụ đa” vàng vọt hẳn đi như người bị thương nặng.
Sau đó ít lâu vợ ông phát bệnh điên loạn, lấy hết quần áo lót của con cháu ra cắt vụn, phá phách nhà cửa rồi chửi mắng tất cả mọi người. Bà luôn mồm nói: “Mày cắt chân tay tao, tao sẽ phá nát nhà mày”. Sau nhiều lần thuốc thang và đưa các bệnh viện tâm thần chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm, đành nhốt bà suốt ngày trong nhà.
Ông là người không tin vào chuyện ma tà, cúng lễ nên có người mách “do ông chặt cành đa nên bị cây đa báo thù” nhưng mỗi lần như vậy ông lại mắng té tát người nói. Vợ ông bệnh tình khoảng 5 năm sau thì mất.
Việc làm cây cảnh có tiền nên các cháu ông đều bỏ học giữa chừng về làm cây cảnh với ông nội. Thế nhưng vào thời điểm đó tệ nạn xã hội lan tràn, nhất là ma túy. Nghe đâu trong những lần chở cây đi giao ở Hà Nam, Hà Nội, Thái Bình…, cháu ông đã bị cánh lái xe đưa vào con đường nghiện hút ma túy, lúc đầu là một đứa, sau rồi cả 3 đứa cháu đều dính vào nghiện ngập.
Lúc đầu gia đình còn giấu, nhưng sau này bao nhiêu tiền của tích cóp của ông trong nghề làm cây cảnh lần lượt “đội nón ra đi”. Người bố của 3 đứa con nghiện hút khi biết chúng nợ tiền người ta đến 300 triệu đồng đã đột tử mà chết. Trong khi thị trường cây cảnh bão hòa, chẳng ai mua, nghe nói mấy cây đa đó giờ cũng để một xó chẳng ai buồn trả giá mang đi.
Từ một gia đình giàu có trong vùng, nhà ông sớm rơi vào cảnh túng quẫn, đồ đạc trong nhà chẳng còn thứ gì, khổ nhất là nuôi 3 thằng cháu nghiện, ngày ngày vật vờ đói thuốc. Không biết bao lần ông đã phải lầm lũi thân chinh đi trả tiền, chuộc xe do những thằng cháu của ông mượn đi cắm lấy tiền hút trích.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nam, trưởng thôn Bách Cốc, những suy đoán của người dân đều không có căn cứ, chuyện gia đình ông Hoàng gặp vận hạn liên tiếp chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thực tế, bà vợ ông cũng đã bị bệnh tâm thần từ khá lâu và đến thời điểm cắt cành đa mới phát bệnh nặng rồi mất. Việc các cháu ông sa vào tệ nạn xã hội cũng do bị bạn xấu rủ rê mà nghiện ngập, cờ bạc nên các bậc cha mẹ đau lòng mà dẫn đến kết cục bố đột tử mà chết.
“Sau sự việc đó chúng tôi cũng đã ra quy định để bảo vệ cây đa Đồng Vàng, không để người dân tự ý phá hoại, bởi ngoài việc bảo vệ môi trường, cây đa cũng là một cảnh quan của địa phương. Đồng thời chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền cho thế hệ thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội nhất là ma túy, cờ bạc”, vị trưởng thôn cho biết.
(Theo yêu cầu của nhân vật trong bài viết, tên người này đã được Tòa soạn thay đổi)
Theo Hà Nam - PLVN