;
Cảm xúc về một bài thơ đề tặng của cố nghệ sĩ Đoàn Yên Linh
Nghệ sĩ Đoàn Yên Linh thứ hai từ trái qua, Bác Mười Út Trà Ôn và tác giả bài viết, Ảnh do Anh thuê người chụp tại chùa Xá Lợi nhân một cuộc họp lớn vào năm 1991.
Nhân kỷ niệm 30 năm khai sơn Thiền Viện Phước Hoa và mừng xuân Di Lặc PL 2560 – DL 2016, Chư tăng Thiền Viện có in thiệp chúc xuân, lấy bốn câu thơ đề tặng lúc trước của nghệ sĩ Đoàn Yên Linh làm chủ đề chính, đã tạo hiệu ứng cảm xúc lung linh trước hết về công ơn kiến lập của cố Hòa thượng Viện chủ Thích Thông Quả, trong giới xuất gia và tại gia; đặc biệt với anh chi em văn nghệ sĩ vốn từng có gắn bó, chia ngọt sẻ bùi theo từng giọt mồ hôi lo toan trăn trở của cố Hòa thượng cùng Chư tăng trong suốt chiều dài 30 năm cơ nhọc đã qua. Sau đó là sự hoài niệm ngậm ngùi cho chính tác giả bốn câu thơ đề tặng đó : Nghệ sĩ ngâm thơ Đoàn Yên Linh.
Bìa thiệp xuân Thiền viện Phước Hoa với bốn câu thơ đề tặng của Đoàn Yên Linh
Nghệ sĩ Đoàn Yên Linh tên thật là Nguyễn Đức Lợi (từ đây xin dùng từ Anh), sinh năm Kỷ Mão - 1939 tại Dĩ An, Bình Dương nhưng có nguyên quán tại làng Đa Sỹ, Hà Đông, Bắc Phần. Vốn có tâm hồn yêu thơ ca nên ngay từ thưở ấu thời đã từng tham gia nhiều hoạt động văn nghệ địa phương qua giọng ngâm truyền cảm đặc biệt của mình. Dù khi trưởng thành, một thời gian dài làm thư ký cho Tòa án nhưng hoạt động căn bản của Anh vẫn chì là thơ ca dấn thân, chưa một lần ngừng nghĩ. Vào những năm của thập niên 60, Anh đã khẳng định được tên tuổi trong hoạt động thơ ca chuyên nghiệp, đặc biệt qua làn sóng phát thanh của đài Sàigòn. Khi nghệ sỉ Hồng Vân thành lập nhóm Mây Hồng - nhóm thi nhạc đầu tiên chuyên hát nhạc phổ từ thơ, thì thế đứng của Anh thêm vang xa. Cũng từ đó mối thâm giao nghệ thuật giữa Anh và nghệ sĩ Hồng Vân luôn gắn kết cho đến tận sau này. Sau năm 75 mối thâm giao đó trở nên ý nghĩa hơn khi tất cả đã dành thời gian hoạt động thơ ca rất lớn cho Phật pháp, và được nhiều người kính trọng hơn, trong đó có người viết bài này.
Từ năm 2006 về sau Anh đã nhiều lần bị đột quỵ do tai biến mạch máu não, một thân một mình chống chọi với bệnh duyên. Tuy nhiên nhờ công đức kiến lập bằng giọng ngâm trầm ấm, xuất phát tự tấm chân tình nơi chốn Già Lam nên Anh được bạn bè, thân hữu từ khắp nơi trong và ngoài nước ân cần trợ duyên rất tận tình. Từ một người chăm nuôi bệnh được thuê để túc trực chăm lo cho Anh cho đến khi trực tiếp người em duy nhất của Anh là Ông Lộc thay phiên nhau lo lắng để Anh không cảm thấy trống vắng ở ngưỡng cửa tử sinh. Nghệ sĩ Hồng Vân - người bạn thân thiết gắn bó rất lâu dài trong sự nghiệp ngâm thơ của Anh và là người chị rất đỗi thân yêu của chúng tôi, trong những tháng ngày này, sau mỗi chuyến ngâm thơ biểu diễn ở đâu, nhóm của Chị lại trích ra một phần để góp tặng cho Anh. Nhưng rồi khi đã đã mãn duyên trần, không còn vấn vương thế sự, Anh lặng lẽ ra đi, trút bỏ lại tất cả những gì tác tạo được trên thi văn trong lòng mọi người hâm mộ !
Vâng ! Anh đã từ trần từ lâu rồi ! Anh từ bỏ tất cả để ra đi trong thanh thản, không một lời từ biệt , không một tiếng trách hờn. Có lẽ Anh muốn giọng ngâm của mình còn phảng phất trong những nơi từng biều diễn, nhất là muốn hình ảnh và tấm lòng của mình mãi còn hiện diện trong các buổi văn nghệ ở các chùa...và còn nhiều lắm công lao thầm lặng của Anh mà giờ đây dường như chỉ có mỗi một vòng hoa tang mang hai chữ Không Không !.
Buồn lắm và cảm thấy có lỗi với hương linh Anh! Với nhiều người có lẽ thốt lên một vài câu như thế câu cũng giúp giảm nhẹ phần nào sự ái náy trong lòng, nhưng với mình, và cũng có thể có nhiều bạn bè anh em khác nữa chưa hay về sự ra đi của Anh, thì niềm ray rứt không chỉ dừng lại nơi đó mà còn tràn đầy những kỷ niệm giòn tan trong tiếng cười, trong cách sống của Anh mỗi khi gặp gỡ, dù bất luận nơi cửa thiền không hay trong bữa tiệc gia đình đầm ấm hoặc bên trong cánh gà sân khấu buổi văn nghệ chùa xa. Nhưng cũng “giận lắm” Thiền Viện Phước Hoa bởi mạnh dạn tỏ lòng tưởng nhớ Anh trong ngày “tam hợp” (30 năm thành lập Thiền Viện-30 mùa Thành Đạo và 30 mùa xuân Di Lặc) quan trong nhất, bằng bốn câu thơ của chính Anh đã được trích đầu bài trên, chứng tỏ sự trân trọng tài nghệ và tấm lòng của Anh nơi náy đối với văn hóa Phật giáo quan trọng hơn tất cả! Với tác giả bài viết, Anh cũng đã từng đề tặng với những lời lẽ rất chân tình và thấm đậm thiền vị.
Bài thơ của anh tặng tác giả ngày 25/05/1992 và nhờ nhà thư pháp Song Nguyên viết.
Nhớ hoài, Anh bình dị lắm, đi đâu cũng kè kè túi vải bên hông, và với chiếc xe gắn máy cà tàng Anh chở theo ánh mắt chúng tôi biết bao nhiêu là tình cảm bình dị như chính cuộc sống của anh. Cái cung cách chiếm trọn tình cảm mọi người đó của Anh đã giúp anh em vốn đã ngưỡng mộ chị Hồng Vân lại càng thêm trân trọng chị thêm hơn bởi mỗi khi đi diễn Anh thường chở chị ấy sau lưng, đến từng sân khấu dù lớn hay nhỏ giữa cuộc đòi. Nói theo nhạc sĩ Thanh Hiệp là “ Chị Hồng Vân để Anh Đoàn Yên Linh chở trên chiếc xe đi diễn như vậy, chứng tỏ cái chất đạo tình, cái nghĩa tình bình dị rất gần gũi và dễ mến nơi chị rất lớn, rất đáng kính trọng, không như mốt số ca sĩ, nghễ sĩ nổi tiếng khác”. Và thật sự như vậy, ngày nay anh em vẫn rất kính trọng và nhìn chị Hồng Vân bằng ánh mắt chan chứa thân tình chưa bao giờ vơi cạn. Một người chị - một nhân cách nghệ sĩu lớn trong lòng chúng tôi.
Ca sĩ - NSUT Hồng Vân với tác giả bài viết tại Thiền viện Phước Hoa).
Anh mất rồi, những anh chị em văn nghệ sĩ Phật giáo chúng tôi vẫn luôn đau đáu về một hình ành thân thương, tràn ngập tiếng cười mỗi khi có Anh bên cạnh. Anh tạo ra tiếng cười thoài mái cho anh em để rồi khi ra đi Anh để lại bao nhiềm niềm tiếc thương hụt hầng có chứa trong đó nỗi niềm ray rức của chúng em là đã quá vô tình không hay biết cái hung tin tử biệt mà mình có trách nhiệm phải biết, biết trước hơn người khác. Phải chăng đó cũng là ước mong của Anh rằng có như vậy là để Anh luôn được sống trong lòng mỗi người, mọi người không bao giờ quên Anh, và nữa Anh muốn mọi người còn đây hảy luôn học thuộc bài học vở lòng về cách tri ơn và nhớ ơn !
Tạm khép lại những dòng tưởng nhớ này, người viết xin kể về một câu danh ngôn của Victor Hugo (1802 - 1885) treo ở vách ván nhà , mỗi khi Anh đến chơi thường chăm chú đọc và nói với mọi người chung quanh rằng “ Mấy vị thấy không lòng tốt cù ở đâu cũng được đánh giá cao hơn tài năng”. Victor Hugo nói rằng “TRÊN ĐỜI NÀY CÓ MỘT THỨ MÀ TA PHẢI CÚI ĐẦU NỄ PHỤC, ĐÓ LÀ THIÊN TÀI . VÀ CÓ MỘT THỨ MÀ TA PHẢI QUỲ GỐI KÍNH TRỌNG, ĐÓ LÀ LÒNG TỐT” .
Nguyện cầu hương linh Anh an nhiên nơi miền Tịnh thổ.
Tiết hạ xuân tháng Giêng Bính Thân
Giác Đạo - Dương Kinh Thành