;
Tuy mang vẻ đẹp bình yên như bất cứ vùng quê nào trên khắp nước Việt Nam, nhưng Sóc Trăng lại còn thu hút du khách bởi một vẻ đẹp kỳ lạ khác, bởi các ngôi chùa mang phong cách rất đặc biệt, là điển hình của sự giao thoa văn hóa của ba sắc tộc Kinh, Hoa và Khmer.
Các ngôi chùa của người Hoa thể hiện lối kiến trúc và nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng, mái chùa lợp ngói âm dương lưu ly, sơn tường chủ đạo màu đỏ… Chùa người Kinh thường khoác bên ngoài vẻ màu trầm tĩnh, bình dị như với ngụ ý “lánh đời vào đạo”, lối kiến trúc và các hoa văn được tiết chế, mang yếu tố nhẹ nhàng, thanh thoát của cỏ cây hoa lá, như bộ tứ quý mai lan thu cúc, hệ thống thờ tự gồm các vị Phật, hộ pháp… Còn hệ thống chùa mang đậm phong cách văn hóa người Khmer tại Sóc Trăng lại khác hẳn.
Chiếm đến 60% số lượng các ngôi chùa ở tỉnh Sóc Trăng, chùa của người Khmer là nhân tố nổi bật, thu hút mọi người khi đến tham quan nơi đây.
So với sự trầm tĩnh của chùa người Kinh hay sự bó hẹp không gian của chùa người Hoa, chùa của người Khmer ở Sóc Trăng, nhìn từ xa toát lên một màu vàng sáng rỡ, trong một không gian rộng rãi, là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc, hoa văn hình tượng và màu sắc nổi bật. Dường như các ngôi chùa này chưa bao giờ “nép mình” dưới cuộc sống của đô thị, của phum sóc (các cụm dân cư Khmer), mà luôn hiện diện như một vị thế trung tâm trong đời sống người dân.
Nằm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 6km, ngôi chùa Bốn mặt không những nổi bật về lối kiến trúc, nói đúng hơn là quần thể kiến trúc tôn giáo có giá trị văn hóa truyền thống đậm nét của người Khmer, mà nơi đây còn lưu giữ những câu chuyện linh thiêng kỳ bí.
Đến với các ngôi chùa này, du khách đều bị thu hút tò mò, thậm chí có chút sợ hãi khi chiêm ngưỡng hình ảnh rắn 9 đầu đặt trên lối đi từ cổng vào chùa. Theo truyền thuyết, rắn Nagar có công che mưa cho đức Phật khi ngài ngồi thiền định. Còn trong quan niệm của người Khmer, rắn Nagar biểu trưng cho sự thịnh vượng, xua đi tà khí, dẫn đến cõi thiên đường, vì thế ở các công trình kiến trúc văn hóa Khmer, trên cầu thang, lối đi hay hành lang đều có tạc đầu rắn Nagar.
Từ cổng con đi vào trung tâm chính điện ngôi chùa, từng hàng cây thốt nốt xanh tươi tạo không gian tươi mát, thoáng đãng. Du khách tới đây sẽ có cơ hội gặp đoàn sư đi khất thực vì đây là một hoạt động sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống tu tập của họ.
Tượng Phật Bốn mặt trên đỉnh ngôi chùa.
Theo tài liệu ghi lại, Chùa Bốn mặt có lịch sử gần 500 năm, xây dựng trên diện tích 65.000 m2. Chùa đã trải qua ba lần trùng tu và gần đây nhất vào năm 2011, chùa được sơn màu vàng rực rỡ, sang trọng. Dù vậy, chùa vẫn giữ được kiến trúc nguyên thủy từ lúc ban đầu xây dựng cho đến ngày nay với kết cấu gạch, nước, cát, rơm và vôi. Vì thế, qua thời gian, những tầng mái ít nhiều đã có dấu hiệu rạn nứt.
Kết cấu mái của chùa được xây dựng theo dạng tam cấp, mái chồng lên mái có 3 lớp, lớp ngoài cùng lớn nhất, rồi đến lớp giữa và lớp trong cùng nhỏ dần và nhô lên cao, trung tâm là đỉnh gắn với tháp nhọn. Ở viền mái và các góc cạnh được trang trí và điêu khắc công phu các hình nét mô phỏng hình tượng rồng theo mô típ của loài cá Poonco.
Bên dưới tầng mái được chạm trổ công phu các hình tượng tiên nữ Keynor, mình chim có gương mặt phúc hậu mang yếu tố thẩm mỹ và các chim thần Krud, mình người có đầu, chân và hai cánh của chim. Chim thần Krud có miệng ngậm hồng ngọc, đứng bên dưới vị trí tiếp giáp của mái và các trụ cột, biểu trưng cho sức mạnh giơ tay nâng đỡ mái chùa.
Một điểm nữa khiến du khách rất dễ nhận diện chính là vị trí trên cao nhất, nổi bật nhất trên đỉnh của chùa là tháp với đầu tượng Phật 4 mặt, gọi là Maha Prum. Phải chăng đây chính là lý do khiến người dân nơi đây gọi chùa một cách đơn giản bình dị - Chùa Bốn mặt?
Theo quan niệm của người Khmer, đầu tượng Maha Prum tượng trưng cho đức Phật luôn quay nhìn về 4 hướng, Đông - Tây - Nam - Bắc và ở trên cao luôn quan sát để phổ độ chúng sinh. Vì thế, đến bất cứ ngôi chùa nào của người Khmer, chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy ở trên đỉnh cổng, đỉnh tháp hay đỉnh chùa đều dành vị trí trang trọng để đặt đầu tượng Phật 4 mặt. Từ trên cao nhìn xuống và ở bất cứ nơi đâu, người dân Khmer một lòng thuần tín tôn giáo, cảm giác yên tâm an lành vì có đức Phật quan sát che chở.
Qua tập phim Khám phá Việt Nam sau đây, mới các bạn cùng tìm hiểu thêm những điều kỳ bí xung quanh ngôi chùa này.
Nguồn: http://vtv.vn/du-lich/net-doc-dao-cua-chua-bon-mat-o-soc-trang/120576.vtv