;
Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức hằng năm từ lâu đã trở thành ngày hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây là cơ hội quý báu để những người con báo đáp một phần nào công ơn trời bể của hai đấng sinh thành.
Đối với hầu hết người dân Việt, lễ Vu lan Báo hiếu được tổ chức hằng năm từ lâu đã trở thành ngày hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bởi vì, đây là cơ hội quý báu để những người con báo đáp một phần nào công ơn trời bể của của cha mẹ. Dẫu biết rằng:
“Sinh ra ta trên cõi đời vạn nẽo
Đấng song thân luôn vất vả vì ta
Ơn của người như vũ trụ bao la
Nuôi ta lớn không mong ngày đền trả…”
Thế nhưng, phận làm con mấy ai không nghĩ đến những việc cần phải làm để tri ân công ơn trời bể mà cha mẹ đã cho ta. Chính vì vậy, theo truyền thống đã có từ hàng ngàn năm nay của đạo Phật, cứ mỗi độ mùa thu về, sau ba tháng An cư Kiết hạ, chư Tăng tự tứ, Ngày hội Vu lan lại đến, lòng người con Phật lại hướng về chùa, sắm sanh lễ vật, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền Phước thọ tăng long, cha mẹ quá cố sớm ngày vãng sanh Lạc Quốc.
Chùa Cổ Am từ lâu đã trở thành nơi nương tựa tâm linh của phần đông tín đồ trên địa bàn tỉnh, chính vì vậy, trong ngày lễ trong đại này hàng ngàn thiện tín Phật tử đã quy tụ về chùa dự lễ.
Đúng 8h30, đại lễ bắt đầu với nghi thức cung nghinh chư Tôn đức và quan khách quang lâm giảng đường do các bạn thiếu nữ Phật tử chùa Cổ Am cung rước trong trang phục áo dài - là biểu tượng truyền thống của văn hoá Việt Nam. Đại lễ diễn ra trang nghiêm, thành kính và xúc động từ tất cả các nghi thức như: dâng hoa, cung rước hương linh anh hùng liệt sĩ về dự lễ, cài hoa hồng, dâng y cúng dường…
Chứng minh đại lễ, sau khi thay mặt chư tăng tiếp nhận vật phẩm cúng dường, Đại đức Thích Tâm Thành gửi lời cảm tạ tri ân đến toàn thể quan khách cùng bà con Phật tử có mặt trong buổi lễ. Thông qua câu chuyện “người mẹ một mắt” và “tiền thân của ngài Mục Kiền Liên”. Đại đức nhắn nhủ bà con Phật tử phải quý trọng và biết ơn cha mẹ, bởi lẽ, cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời của mình để cho ta có được cuộc sống tốt đẹp nhất.
Sau khi kết thúc Đại lễ và dùng cơm trưa, bà con Phật tử tiếp tục tham dự lễ cầu siêu cho cửu huyền thất tổ và cha mẹ đã quá cố. Đây là nghi lễ tâm linh vô cùng quan trọng cho những hương linh quá vãng, chính vì vậy, bà con Phật tử dự lễ rất trang nghiêm và thành kính để đem những nén hương lòng nguyện cầu cho người đã mất được vãng sanh lạc quốc.
Chùm ảnh ghi nhận trong đại lễ: