;
Nghệ An:Lễ truyền giới Bồ Tát tại gia tại chùa Diệc
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại Tổ đình Cần Linh
Tham dự chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Nghệ An; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TWGHPGVN; Hòa thượng Thích Chơn Tế - Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trụ trì tổ đình Tường Vân; Thượng tọa Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa TWGHPGVN, Phó trưởng ban Thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An; Chư tôn đức giáo phẩm GHPGVN, Chư tôn đức thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An, Chư tôn đức tTăng ni trú xứ tại các tự viện trong và ngoài tỉnh.
Đại diện lãnh đạo chính quyền có ông Vũ Chiến Thắng – Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính pPhủ; Thiếu tướng Lê Đình Được – Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhân tài nhân lực Việt Nam; ông Nguyễn Văn Huy – Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nghệ An; ông Phan Thanh Đoài – Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An; ông Nguyễn Tiến Dần – Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành như: Sở nội vu,Sở văn hóa, lãnh đạo HĐND, UBND, và chính quyền địa phương sở tại; hơn 7000 Phật tử nhân dân khắp nơi trong và ngoài toàn tỉnh về tham dự.
Mở đầu buổi lễ, TT.Thích Thọ Lạc, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An đã tuyên đọc diễn văn Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa về Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc 2019, Lễ hội Hương sen xứ Nghệ và công trình góp phần chào mừng đại lễ Phật đản năm nay-ngôi đại hùng bảo điện Tổ đình Cần Linh.
Lễ hội Hương sen xứ Nghệ là sự kiện được BTS Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức vào tháng 4 (âm lich) hàng năm nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người xứ Nghệ, kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nay, lễ hội còn có mục đích là hướng đến sự kiện đại lễ Vesak (lễ tam hợp kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo, Nhập Niết bàn của Đức Phật thích Ca Mâu Ni).
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu tuyên đọc Thông điệp Phật đản của Đức Pháp Chủ GHPGVN. Thông điệp nhấn mạnh: “Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 trao đổi các vấn đề, trong đó có cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, sự lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững.
Đặc biệt, các vấn đề Phật giáo trong đời sống như cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu, cách mạng Công nghiệp 4.0 và Phật giáo, và cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Qua đó, cộng đồng Phật giáo thế giới đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ chính tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu mà Liên Hiệp quốc hướng tới…”
Ni sư Thích nữ Diệu Nhẫn – trụ trì chùa Cần Linh phát biểu sơ lược về ngôi chùa Cần Linh xưa và quá trình xây dựng lại ngôi chùa này.
Được biết, chùa Cần Linh được xây dựng thời tiền Lê (năm 886), trên một khoảng đất cao ráo, thoáng đãng, phía đông và phía nam chùa có sông Cồn Mộc chảy qua.
Theo sử sách chép lại, một danh tướng đời Đường của Trung Quốc có tên là Cao Biền được cử sang Việt Nam làm Tiết Độ sứ, vốn là một nhà địa lí có tiếng, nên đi đến đâu cũng thường xuyên “ngắm nghía” thế đất, mạch nước để xây dựng đền đài, miếu mạo.
Khi đến đất Hoan Diễn (là Nghệ An bây giờ), Cao Biền nhận thấy long mạch ẩn vào dãy núi Đại Huệ chạy dài về phía Đông, còn mảnh đất nay là chùa Cần Linh chính là phần đầu của con Rồng, biểu hiện tụ khí địa linh nhân kiệt của đất phương Nam .
Cao Biền đã cho làm một ngôi chùa ở đây để “cầu may”. Vào thời điểm đó ở làng Vang (nay là phường Đông Vĩnh, TP Vinh) nam giới thường chỉ sống được không quá 40 tuổi, nên việc xây chùa còn là để nhờ phép nhà Phật giúp cho Cao Biền và những người đàn ông ở mảnh đất này kéo dài thêm tuổi thọ.Lúc đó chùa được đặt tên là Linh Vân Tự (nghĩa là “chùa mây thiêng”).
Chùa Cần Linh đã từng có hai vị vua đến thăm. Đó là vua Tự Đức và vua Bảo Đại của vương triều nhà Nguyễn. Khi đến cúng tế, cầu phúc an dân ở đây, vua Tự Đức đã hiến cho chùa hai bức vọng bằng chữ Hán với dòng chữ Triện đề “Vương triều Đức tự hiến cúng”.
Vua Tự Đức thấy ngôi chùa linh thiêng với nhiều huyền tích bí ẩn, nên đã hiến tặng thêm một bức đại tự “Cần Linh”. Thực ra, ý ông muốn nói là “Cầu Linh”, nghĩa là ai muốn cầu cái gì, đến đây sẽ được toại nguyện vì nơi này rất linh thiêng. Tuy nhiên, lâu dần dân gian đọc chệch đi, hay có thể vì những lệ kiêng huý quá rườm rà của triều Nguyễn mà chữ “cầu linh” sau đó đã được đọc thành “Cần Linh” và nghiễm nhiên trở thành tên của chùa suốt bao nhiêu năm tháng sau này.
Tại buổi lễ, Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ có bài phát biểu sâu sắc đầy tính nhân văn, khơi gợi lại hình ảnh Phật giáo xưa và nay luôn sống gần gũi hòa đồng, chia sẻ trách nhiệm, đóng góp cho xã hội trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là kho tàng văn hóa truyền thống của người Việt nên Phật giáo đã được đông đảo người Việt đón nhận và được thực hiện trong đời sống xã hội ngày một sâu rộng.
Ông cho rằng, một đại lễ Vesak (tam hợp) tổ chức, một ngôi Chùa được khánh thành trên vùng đất Nghệ An đã góp phần khẳng định Phật giáo luôn đồng hành luôn có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc. Chùa là nơi thờ Phật, là trường học bỏ xấu theo tốt, đi chùa được là tốt, đến chùa là đến môi trường học Phật., môi trường tốt. Chùa Cần Linh được khôi phục khang trang sẽ là nơi phát huy giá trị đạo đức tín ngưỡng cho xã hội cho người dân xứ Nghệ. Dân gian có câu:
“Tích bạc tích vàng không bằng làng có của…
Có bạc có vàng không bằng làng có sư”.
Ông cho rằng, những giá trị đạo đức văn hóa, những nếp sống tích cực mà nhà sư mang lại cho cộng đồng cho xã hội, cho người dân được kết tinh qua tu hành chân chính là vô cùng giá trị và cao quý.Vì vậy giúp đỡ nhà sư là giúp đỡ cho chính mình – ông Vụ trưởng nhấn mạnh.
Dịp này, các tổ chức, cá nhân đã trao tặng những lẵng hoa, quà đến ban tổ chức và ni sư trụ trì. Cũng dịp này, BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An đã trao nhiều suất quà đến các em học sinh nghèo hiếu học, hội viên Hội Cựu chiến binh khó khăn với số tiền hàng chục triệu đồng.
Tiếp đó, Chư tôn đức niêm hương lễ Phật cùng lãnh đạo chính quyền cử hành nghi thức tắm Phật truyền thống.
Phần cuối của buổi lễ ban tổ chức cung nghinh Chư tôn đức về ngôi Đại hùng bảo điện niêm hương bạch Phật thả chim bồ câu cầu nguyện quốc thái dân an và làm lễ cắt băng khánh thành giai đoạn 1 Tổ đình Cần Linh.
Được biết, dự án xây dựng và mở rộng Di tích Quốc gia chùa Cần Linh theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An, khởi công xây dựng và trung tu tôn tạo vào năm 2016. Đến nay, giai đoạn 1 cơ bản đã hoàn thành.
Dự án xây dựng mới với các hạng mục; tòa Tam bảo, nhà thờ Tổ, Tam quan, Bái đường, Chính điện, Tăng đường…nhà thờ linh, tháp chuông, tháp trống, cổng tam quan…
Ngôi chùa Cần Linh được hoàn thành sẽ góp phần mang lại lợi lạc cho Phật tử, nhân dân và tất cả mọi người hôm nay và muôn đời sau.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ.
*Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp.