;
Đối với Việt Nam, Phật giáo đã có lịch sử hơn hai ngàn năm đồng hành với văn hóa dân tộc. Lịch sử đã cho thấy vua Lý Thái Tổ, Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Khuông Việt…là những bậc thiện tri thức trị vì đất nước theo tinh thần từ bi của Đức Phật. Hình ảnh mái chùa làng cong vút, rêu phong cổ kính ẩn hiện dưới những rừng cây xóm làng đã in sâu khảm trong tâm trí của người dân Việt biết bao thế hệ đến nay. Vì thế, nghi lễ Phật giáo dần dà hình thành và khẳng định một vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo dựng nền bản sắc văn hóa tinh túy của dân tộc. Như đã thấy, nghi lễ Phật giáo là bản sắc đặc trưng không thể tách rời văn hóa dân tộc Việt Nam. Có thể nhận thấy vai trò quan trọng của nghi lễ Phật giáo đã góp phần xiển dương Phật pháp, tuyên giảng rộng rãi giáo lý Đức Phật trong cộng đồng dân tộc Việt Nam thông qua nội dung và hình thức của nghi lễ.
Nghi lễ Phật giáo đã trải qua một lịch sử lâu dài hình thành và phát triển trên quê hương đất nước Việt Nam. Cơ bản nhìn từ góc độ văn hóa thì nghi lễ là thành tố cơ bản góp phần tạo nên văn hóa Phật Giáo Việt Nam, một tôn giáo luôn đồng hành với lịch sử phát triển của dân tộc, gắn liền với truyền thống “hộ quốc an dân” của dân tộc Việt Nam.
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam cũng hơn hai thiên niên kỷ gắn liền với các triều đại phong kiến ở nước ta, từ khi Đạo Phật truyền bá vào Việt Nam, các thiền sư thời bấy giờ như tổ sư Khương Tăng Hội, Ma Ha Kỳ Vực, Tỳ Ni Đa Lưu Chi... ngoài việc phiên tập kinh điển, thuyết pháp giảng kinh, các Tổ đã vận dụng hình thức nghi lễ để làm phương tiện trong công việc hoằng pháp độ sanh để hướng dẫn tín đồ trở về Chánh pháp. Đó là đặc thù nghi lễ Phật giáo Việt Nam, hành sự nhưng vẫn hiển lý và luôn giữ được bản chất thiền vị, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Những người hành trì đúng truyền thống nghi lễ đã tạo cho mình một đời sống lý sự viên dung và tạo thành những giá trị của Nghi lễ “Phương tiện đa môn, quy nguyên vô nhị”. Nói cách khác, Nghi lễ và Hoằng pháp tuy hai mà một, nó song hành một cách thiết thực đi vào cuộc sống của Tăng Ni, Phật tử. Chúng ta vận dụng “Lý sự viên dung” để khai sáng đạo tâm, trang nghiêm quốc độ và dùng nghi lễ chính thống để trang nghiêm tự thân khi giao tiếp, ứng xử sống đúng lẽ đạo, xóa tan tánh tự thị của một bộ phận Tăng Ni trẻ đang có chiều hướng chạy theo lợi dưỡng mà quên đi bản chất của người tu. Lại nữa, thực hiện đúng nghi lễ chính thống mới có cơ duyên nhiếp hoá lòng người và bài trừ những tập tục lạc hậu. Như vậy, nghi lễ không chỉ là lễ nghi đơn thuần mà còn góp phần bảo vệ nền văn hoá phi vật thể Phật giáo và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Nghi lễ Phật giáo đã hình thành và phát triển trên đất nước Việt Nam từ rất sớm. Nhìn trên phương diện văn hóa, nghi lễ chính là một trong những yếu tố căn bản và tất yếu để tạo nên sắc thái đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo gắn liền với vận mệnh thăng trầm của đất nước, mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc, gắn liền với dân tộc Việt Nam.
Thể hiện sự thích nghi với phong tục, tập quán bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đại đa số quần chúng và cũng để tự tồn tại, phát triển thích nghi theo từng vùng, miền văn hóa khác nhau, nghi lễ đã được chư vị Tổ sư cải biên thành những kịch bản với nội dung thâm thúy, phong cách điêu luyện, nghệ thuật nhuần nhuyễn trên cơ sở phù hợp với những loại hình văn hóa nghệ thuật, biểu diễn nhạc điệu, sân khấu của từng vùng miền trong nước. Như chúng ta thấy, âm điệu nghi lễ Phật giáo miền Bắc ít nhiều ảnh hưởng loại hình nghệ thuật chèo, quan họ, chầu văn phía Bắc; phong cách xướng tán của nghi lễ miền Trung lại phưởng phất loại hình nghệ thuật hò Huế hay hát bộ Bình Định; cung cách và giọng điệu nghi lễ miền Nam thì lại rất gần gũi với loại hình nghệ thuật cải lương Nam bộ. Ứng dụng và vận dụng một cách hài hòa sinh động những loại hình văn hóa nghệ thuật của từng địa phương, các Tổ sư đã sáng tác, cải biên hoạt động nghi lễ với sự chuẩn mực hóa cao về mặt thẩm mỹ và nghệ thuật đã đi vào đời sống tâm linh, mà đã được xem như là nhu cầu tinh thần của cuộc sống xã hội.
Có thể nói, nền tảng căn bản của nghi lễ Phật Giáo là từ bi và trí tuệ. Bản chất của văn hóa nghi lễ Phật Giáo là nghệ thuật hóa tư tưởng giáo lý nhà Phật, dùng nghi thức và lễ nhạc đưa tư tưởng giác ngộ giải thoát đến với lòng người. Vì thế chúng ta cần phải sáng suốt tùy duyên mà khởi sự nghi lễ.. Trong một buổi lễ mà chủ lễ không ý thức được những điều này, mải mê chạy theo những toan tính tầm thường, đánh mất chánh niệm thì vô tình sẽ làm phản tác dụng của nghi lễ, khi đó nghi lễ sẽ không còn mang ý nghĩa hoằng pháp mà là một tuồng rối đậm chất mê tín lệch lạc mà thôi…
Nghi lễ Phật giáo có tác dụng rất lớn đối với sự tu hành của Tăng Ni Phật tử. Có thể nói phần lớn sinh hoạt Phật sự đều gắn liền với nghi lễ, thậm chí nghi lễ còn là thời khóa công phu chính của đa số chùa chiền tự viện, vừa để Tăng Ni hành trì tụng niệm, vừa nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của giới bình dân học Phật.
Chúng ta cũng biết, nghi lễ là nhịp cầu thiêng liêng đưa quần chúng đến với đạo Phật. Trên thực tế đại đa số quần chúng đến với đạo Phật đều khởi đầu từ thiện cảm tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật, sau đó đều phải bước qua nhịp cầu nghi lễ mới có thể tiếp nhận tinh thần tu học Phật pháp. Do vậy nếu nghi lễ được thể hiện đúng nghĩa trên tinh thần giác ngộ giải thoát và không lạm dụng vào mục đích khác thì sẽ có tác dụng rất lớn trong công tác hoằng pháp, nó không thua kém một thời thuyết giảng giáo lý.
Mục đích và ý nghĩa của Nghi lễ Phật giáo rất thiêng liêng và thiết thực cho sự nghiệp tu hành và hoằng hóa độ sanh của đạo Phật. Nhu cầu nghi lễ Phật giáo của quần chúng hiện nay rất cao, tuy nhiên điều đáng tiếc là trên thực tế hiện nay, trong sinh hoạt nghi lễ Phật giáo đã phát sinh vô số bất cập gây phản cảm bởi đi ngược lại những mục đích thiêng liêng đó.
Nghi lễ có thể được xem như một hình thái văn hóa, nét văn hóa đó thể hiện trong nếp sống gia đình đến xã hội, chứ không đơn thuần là nghi lễ cúng bái trong các tự viện Phật Giáo. Thời Phật còn tại thế, ngài đã khéo léo dùng vô số phương tiện hóa độ chúng sanh trên tinh thần “tùy duyên bất biến”. Chư vị tổ sư đã tiếp nối không ngừng tùy thuận với tín ngưỡng tâm linh của quần chúng nhân gian để ứng dụng vào việc tùy duyên giáo hóa.
Nghi lễ thể hiện tính văn hóa của Phật giáo và dân tộc là sự giao thoa của hai nền văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam với nhau. Thông qua giao lưu đã xảy ra sự tiếp biến của hai nền văn hóa, Phật giáo tùy thuận với tín ngưỡng dân gian Việt Nam nhưng bên cạnh đó văn hóa dân tộc Việt Nam đã tác động ngược lại với văn hóa Phật giáo. Sự tiếp biến ở đây thể hiện ở kiến trúc chùa chiền, điêu khắc tranh tượng, lối sống đạo đức, nghi thức cúng bái… nhưng phải nói rằng nét nhạc cổ điển truyền thống đã đi vào nghi lễ của Phật giáo một cách rõ rệt nhất được gọi là nghi lễ truyền thống. Nét nhạc cổ điển của Phật giáo Việt Nam tùy theo từng vùng miền, từng dân tộc mà thích ứng với vùng miền dân tộc ấy tạo nên nét văn hóa Phật giáo hòa quyện vào văn hóa dân tộc.
Tùy duyên căn cơ hóa độ chúng sanh, chư vị tổ sư ngày xưa đã khéo léo vận dụng giáo lý của Đức Phật mà lập ra những nghi lễ phù hợp với bản sắc dân tộc phổ biến trong từng lời kinh, tiếng kệ thông qua những giai điệu âm nhạc dân tộc một cách hài hòa để khai thị chúng sanh ngộ tri kiến Phật. Điều đó đã hình thành nên bộ môn nghi lễ áp dụng rộng rãi trong chốn thiền môn, giúp cho sự ứng phó đạo tràng được hài hòa và làm tăng thêm sự gắn bó giữa đạo và đời. Chính vì thế mà lời Phật, Bồ tát và chư vị tổ sư đã lan rộng khắp mọi miền đất nước chứ không gói gọn trong phạm vi cửa thiền.
Nghi lễ Phật giáo thể hiện sự tôn kính của mọi người đối với Tam bảo, đây là một phương tiện hữu hiệu nhất trong quá trình hoằng pháp, nhưng phải khéo léo úng dụng phương tiện này. Nếu sử dụng nghi lễ để tuyên dương chánh pháp thì đó là một phước đức nhưng nếu sử dụng nó để cầu lợi dưỡng cho riêng mình thì tai hại vô cùng. Nếu không khéo vận dụng uyển chuyển rất dễ gây ngộ nghận cho người đời rằng nghi lễ Phật giáo là mê tín dị đoan. Các hình thức cúng kiến cũng gây nên nhiều tốn kém về tiền của, sức lực và thời gian, cho nên người làm công tác nghi lễ cũng phải biết cân nhắc sao cho hợp lý để tránh lãng phí. Những nghi lễ thực hiện trong các pháp hội phải thực thi cho đúng lúc, đúng nơi, đúng hoàn cảnh chứ không thể tùy tiện lúc nào muốn thực hiện cũng được, được như vậy sẽ làm tăng thêm sự uy nghiêm của nghi lễ Phật giáo.
Thiết nghĩ giáo hội cũng nên đấu tranh loại trừ những hành vi tiêu cực lạm dụng lễ nghi hình tướng quá độ. Cái chính không phải là hình thức hay nội dung trong nghi lễ mà là nội tâm của người làm công tác nghi lễ. Nội tâm đó được thể hiện qua sự tu tập hành trì công phu của hành giả có như thế mới đưa nghi lễ áp dụng trên con đường hoằng pháp hầu để góp phần xây dựng bảo trì và luôn chỉnh trang nền nghi lễ Phật giáo đậm đà bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam và văn hóa dân tộc. Chúng ta nên nhìn sự biểu hiện nghi lễ Phật giáo bằng trái tim rộng mở, ánh mắt sâu sắc theo chiều hướng tích cực thì sẽ thấy được ý nghĩa giá trị đóng góp đích thực của nó. Không nên khoanh vùng ở cái gọi là “thầy cúng” với cái nhìn thiển cận ấy mà bình luận sẽ làm ảnh hưởng đến văn hóa tâm linh Phật giáo trong lòng văn hóa dân tộc.
Phật giáo không chú trọng vào nghi lễ, nhưng đó lại là phương tiện hoằng pháp hữu hiệu giới thiệu đạo Phật đến thế gian. Nghi lễ là sự gắn kết văn hóa Phật giáo với nền văn hóa dân tộc Việt Nam tạo nên bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Nghi lễ Phật giáo cũng giúp mọi người chuyển hóa khổ đau làm chất liệu hạnh phúc trong cuộc sống. Vì thế, những người con Phật cần phải học tập và hiểu rõ ý nghĩa của vấn đề nghi lễ trước khi hành lễ để tránh những tiêu cực, rườm rà trong sự tổ chức, cho đến hình thức cũng như nội dung phù hợp với thời đại nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong quá trình du nhập, giao lưu và phát triển của đạo Phật thì nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng và nghi lễ Phật giáo nói chung là điều vô cùng cần thiết.