;
Những đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn
PV tìm đến chùa Hải Sơn (thôn Lệ Uyên, xã Xuân Phương, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) vào một ngày cuối tháng 10 đầy oi ả. Vừa thấy bóng dáng chúng tôi, 6, 7 đứa trẻ khoảng chừng 5 – 10 tuổi với khuôn mặt sáng, đôi mắt to tròn, đen láy từ nhà dưới chạy lên, lễ phép vòng tay, cúi đầu chào khách. Lia mắt khắp căn phòng một lượt, đập vào mắt tôi là 3 sư cô, trên tay không phải là kinh phật, tràng hạt quen thuộc mà là những đứa bé khoảng chừng 2, 3 tuổi đang oằn mình trong cái nóng hầm hập, đặc quánh của buổi ban trưa.
Trên gương mặt hốc hác, bợt bạt, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ của mỗi sư cô vẫn in rõ những “đa đoan sự đời” trải dài không dứt. Không có điện chạy quạt, mỗi sư cô cầm một cái quạt giấy, liên tục phe phẩy để ngăn cái nóng tứ phía phả vào những hình hài bé bỏng, mặc cho gương mặt, thân mình đẫm ướt mồ hôi.
Sư cô Thích Nữ Minh Chơn, trụ trì chùa Hải Sơn, nhớ lại, vào một đêm tháng 8/2006, khi đang ngon giấc, các sư cô bỗng nghe văng vẳng tiếng trẻ khóc từ ngoài cổng chùa. Thấy lạ, các sư cô chạy ra xem thì phát hiện một trẻ sơ sinh khoảng hai tháng tuổi đang nằm khóc ngặt nghẽo. Đính trên người cháu là tờ giấy với những dòng chữ nghiêng vẹo: “Đứa con này sinh ra không mong muốn… bị người yêu phụ bạc, tôi không có điều kiện nuôi dưỡng. Nay nhờ nhà chùa nhận nuôi giúp”.
Sinh ra đã thiếu cân, lại được bọc sơ sài trong một tấm khăn mỏng, phơi mình hàng giờ trong sương đêm giá lạnh nên khi đem vào phòng, thân người của bé lạnh toát, tím tái, hơi thở yếu dần…. nên sinh mạng của em lúc ấy chẳng khác gì “chỉ mành treo chuông”. Nhờ các sư chăm sóc tận tình, em dần dần bình phục. Sau này, bé gái đó được đặt tên là Phan Nguyễn Bảo Ngọc.
Quý sư cô chăm cho bé từ miếng ăn
Từ đó trở đi, sau bé bảo Ngọc, các cô sư lần lượt đón nhận các bé khác bị bố mẹ bỏ rơi hoặc từ chối nuôi dưỡng với lý do gia đình khó khăn. Trước đó, vào năm 2004, em Nguyễn Thị Thiện (12 tuổi) ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) và một em bé khác ở tỉnh Gia Lai đều mồ côi cha từ nhỏ, gia đình đông anh em, cuộc sống quá đỗi cơ cực nên được người thân dắt hai em vào chùa Hải Sơn để nương nhờ cửa Phật.
Hiện nay nhà chùa đang chăm sóc, dạy dỗ cho 22 em, em lớn nhất được 17 tuổi, nhỏ nhất mới 24 tháng. Lớn thì được nhà chùa cho đi học, nhỏ thì ở chùa được các sư cô chăm sóc. Trong số đó, có 1 em đang là sinh viên của một trường đại học ở TP.HCM, 5 em học cao đẳng, trung cấp Phật học ở Đồng Nai, Quy Nhơn, các em còn lại đều đang học tại địa phương.
Nhiều lần lao đao vì những lời đồn vô căn cứ
Để làm được giấy khai sinh để sau này được đi học, các bé đều được khai sinh bằng họ Phan và Nguyễn – họ trước khi xuất gia của sư cô Thích Nữ Minh Chơn và Thích Nữ Minh Kỉnh. Những ngày đầu nuôi các bé, các sư cô vấp phải không ít những định kiến xã hội, trong đó có người nửa đù nửa thật: “Các sư cô ra ngoài “làm gì” mà có nhiều con đến thế không biết?” hay cay nghiệt hơn là: “Đây đều là con rơi, con rớt của các sư phụ trước khi cắt tóc đi tu chứ làm gì có chuyện trẻ bị bỏ rơi ?”.
Vì những lời dị nghị trên nên có một khoảng thời gian, chùa Hải Sơn gần như vắng bóng phật tử, số người đi cúng dường cũng ngày một thưa thớt. Theo thời gian, mọi người cũng hiểu ra sự thật nên bắt đầu tìm lại chùa. “Các sư cô đều buồn lắm nhưng chẳng ai lên tiếng thanh minh bởi nghĩ đi nghĩ lại mình đâu có làm điều gì trái đạo nên cũng không bận tâm. Rốt cuộc mọi người đều hiểu ra sự thật” – một sư cô trẻ (xin giấu tên) cho biết.
...đến cái mặc
Sư cô Thích Nữ Minh Chơn tâm sự: “Biết các cháu ngoan, hiền, lễ phép lại hanh thông sự học nên nhiều người có điều kiện ngỏ lời xin các cháu về làm con nuôi. Lúc đầu tôi và các sư cô cũng muốn chu toàn tâm nguyện của họ bởi nếu được vậy, cuộc đời các bé sẽ thêm nhiều may mắn. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, ai cũng không yên tâm vì đời các bé đã một lần bất hạnh, cho đi rồi liệu có được sống sung sướng hay lại càng bất hạnh hơn?.
Mặt khác khi đã lọt được vào cửa chùa, âu cũng là cái duyên của các bé với nhà Phật. Dù có đói nghèo, thiếu thốn đến đâu, chúng tôi cũng ráng chăm sóc, nuôi nấng, cho các em ăn học thành người. Vả lại, gần gũi các bé đã lâu, không khác con ruột của mình, nay xa bé dù chỉ một phút, các sư cô không cầm lòng được…”. Vào tháng 8/2011, trên địa bàn Thị xã Sông Cầu rộ lên tin đồn có một nhóm người chuyên bắt cóc trẻ em bán nội tạng nên các sư cô đều lo sợ, suốt ngày canh chừng các bé. Ban đêm, các sư cô đều luân phiên canh cửa bởi “chùa chỉ toàn nữ giới, các em lại say ngủ, nên nếu có kẻ cạy cửa xông vào thì biết kêu ai đến giúp”. May mà sau đó cơ quan chức năng Thị xã Sông Cầu vào cuộc, xác định đây chỉ là tin đồn nhảm nên các sư cô mới thật sự yên lòng ….
Ngôi nhà ấm áp tình thương
Dù chỉ là “người dưng nước lã”, không có máu mủ ruột thịt nhưng các sư cô ở chùa Hải Sơn đều rất mực yêu thương, chăm bẵm cho các bé. Do chưa một lần được làm mẹ, nên các sư cô phải đi đến nhà phật tử để học hỏi cách chăm sóc cho trẻ em. Bất kể sáng trời hay tối khuya, cứ cách 3 – 4 giờ, các sư cô lại phải pha sữa cho bé uống. Mỗi khi cho ăn, các sư cô mất thêm vài tiếng đồng hồ để múa hát, làm mặt cười, mặt dữ để đút cho được từng muỗng cơm vào miệng các bé.
Mỗi khi “trái gió trở trời”, các bé lại đổ bệnh, ngoài việc cho uống thuốc, các sư cô phải thay phiên nhau đắp khăn ướt lên trán, thoa chanh khắp người bé để hạ sốt. Có lần giữa khuya, dù đã làm hết cách nhưng người bé vẫn nóng hầm hập, hốt hoảng, các sư cô vội vàng ẵm bé cứ thế chạy bộ hơn 2 cây số tới Trạm Y tế xã Xuân Phương “cầu cứu” các y, bác sĩ. Vì phải tất tả chăm sóc cho các bé nên các sư cô không còn mấy thời gian rảnh tập trung vào việc tu đạo. “Đành rằng là vậy nhưng vì phải ưu tiên chăm sóc các bé nên các sư cô ở đây cũng chẳng nề hà gì” – sư cô Thích Nữ Minh Kỉnh cho biết.
Đối với các sư cô, lũ trẻ cũng như con ruột
Hải Sơn là ngôi chùa nhỏ, lại tọa lạc ở vùng quê hẻo lánh ít người biết đến, số lượng Phật tử ít, đa phần lại nghèo khó nên để nuôi nấng, dạy dỗ các em, nhà chùa hoàn toàn tự lo về mặt kinh tế. Mỗi tháng, nhà chùa chỉ thu được vài trăm nghìn đồng từ tiền cúng Dường của Phật tử và một phần hỗ trợ của địa phương. Để có thêm vài trăm nghìn đồng phụ trợ, các sư cô phải làm nhang, tương, đậu hũ, bánh chưng đem bán ở chợ phiên hoặc vào các ngày rằm. Tất cả số tiền trên đều được dành để mua sữa, mua thức ăn và lo cho các em học hành.
Do đó, bữa ăn hàng ngày của hơn 33 con người nơi đây chỉ có cháo rau, củ đậu và mấy món đồ chay đạm bạc. Dù vậy nhưng đó là tất cả những gì tốt nhất mà các sư có thể làm được cho các em.
Nhìn các sư cô chăm các bé, tôi thấy họ chẳng khác gì những “người mẹ hiền” sẵn sàng chịu mọi khổ nhọc để vun đầy hạnh phúc cho “con”. Tôi tạm gọi họ - những “cô tiên” cuộc sống đời thường…
Hòa thượng Thích Nguyên Đức, Phó Trưởng ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên: “Lâu nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích các chùa trong toàn quốc làm từ thiện. Sư cô Minh Chơn và đồng đạo ở chùa Hải Sơn là một trường hợp như vậy. Tuy nhiên hiện tại, Giáo hội không có nguồn quỹ để hỗ trợ việc làm đó của chùa Hải Sơn. Điều này làm Giáo hội rất boăn khoăn, trăn trở”. Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên: “Bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng trong việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ em. Theo quy định của pháp luật, trẻ mồ côi cả cha và mẹ, trẻ bị bỏ rơi… được hỗ trợ 180.000 đồng/em/tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu các sư cô ở chùa Hải Sơn có đủ điều kiện thì tiếp tục nuôi các cháu, còn không thì đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh. Thật ra, việc đưa trẻ đến trung tâm cũng không được khuyến khích, ở đó các em được chăm sóc tốt nhưng khâu hòa nhập cộng đồng cũng khó, cho nên chúng tôi vẫn muốn tìm cho trẻ một gia đình mới, để các em có cuộc sống bình thường… |
Không chỉ chăm sóc, cưu mang 22 đứa trẻ, sư cô Thích Nữ Minh Chơn còn dành gạo quyên góp cho gần 20 người già neo đơn cũng như tìm cách vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các trẻ khuyết tật ở địa phương. Do vậy rất cần những tấm lòng hảo tâm xa gần góp sức. |
Lưu Tình Theo: PNDT