;
NSNA Võ Văn Tường cho biết như thế khi đề cập đến vai trò của mình trong suốt 25 năm cầm máy, đi từ Nam ra Bắc trên khắp cả nước để tìm chụp và nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của các ngôi chùa Việt Nam.
NSNA Võ Văn Tường tặng tập sách ảnh cho Giáo hội Phật giáo VN
Có thể nói, cho đến thời điểm này trong số những người cầm máy ở nước ta, chưa ai chụp, lưu giữ nhiều hình ảnh về các ngôi chùa của Việt Nam như NSNA Võ Văn Tường.
Sinh ra trên mảnh đất thi ca (Huế) trong một gia đình thuần tín Phật giáo, từ thuở còn là học sinh trường Hàm Long, Võ Văn Tường đã “bén duyên” với việc chụp ảnh các ngôi chùa ở xứ Huế.
Đến năm 1971, ông vào học tại Đại học Vạn Hạnh, TPHCM. Và đề tài nghiên cứu khoa học của ông là “văn, bia ở chùa”.
Cái duyên nghiệp chụp ảnh chùa đã theo ông kể từ đó. Sự kiện đầu đời cầm máy của ông đã được “đơm hoa kết quả” vào năm 1981, khi Sở VH-TT TP.Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm ảnh của ông tại Bảo tàng lịch sử TPHCM. Năm 1999, ông tổ chức triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên với 1.000 bức ảnh giới thiệu các ngôi chùa Việt tại Học viện Phật giáo Việt Nam.
Những năm gần đây, nhiều công trình nghiên cứu về những ngôi chùa Việt Nam của tác giả Võ Văn Tường đã được xuất bản. Các tác phẩm của ông như: Việt Nam danh lam cổ tự (1992), Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam (1994), Danh lam nước Việt (1995), Hà Nội danh lam cổ tự (2003), Những ngôi chùa nổi tiếng tại TP.Hồ Chí Minh (2006), CD-Rom Những ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam (2007) và hàng ngàn bức ảnh về các ngôi chùa kỷ lục Việt Nam đã được Bộ VH-TT&DL và Cục Di sản Văn hóa đánh giá cao.
Gần đây nhất, ông liên tục xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị như: 108 danh lam cổ tự Việt Nam được dịch sang 4 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp - Hoa do Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản năm 2007. Đĩa CD-Rom Chùa Việt Nam - xưa và nay giới thiệu 8.000 bức ảnh của 522 ngôi chùa Việt xưa và nay kèm theo những bài viết có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của từng ngôi chùa và cuốn sách Phật tích Ấn Độ - Nepal (Việt - Anh) xuất bản 2008, giới thiệu 8 Phật tích ở Ấn Độ, Nepal (nơi xuất xứ của Phật giáo) và 4 ngôi chùa Việt Nam trên đất Ấn.
Đặc biệt, cuốn sách 500 danh lam Việt Nam (2008), giới thiệu những nét khái quát về lịch sử các ngôi chùa nổi tiếng ở các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam.
Quyển sách đã mở ra một phong cách mới trong văn hóa đọc; vừa là tuyển tập các hình ảnh nghệ thuật về kiến trúc, điêu khắc, vừa là tác phẩm mô tả các phương diện lịch sử, văn hóa và giá trị tâm linh của nó trong lịch sử văn hóa Việt Nam.