;
Khuôn viên tuyệt đẹp lối vào chùa với đầm sen lớn và hàng lộc vừng trổ bông thơm ngát.
Ngôi chùa 1800 năm giữ hàng loạt kỷ lục và hai Bảo vật quốc gia
Chùa Đậu nằm ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 200 đến 210 sau Công nguyên. Ngôi chùa cổ hơn 1.800 tuổi đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A từ năm 1964.
Năm 2016, hai pho tượng nhục thân của hai vị thiền sư thờ tại chùa Đậu được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia. Chùa Đậu cũng được xác lập kỷ lục là ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam.
Vẻ đẹp của ngôi chùa nghìn năm.
Không chỉ nổi tiếng là ngôi chùa cổ nghìn năm thờ hai bức tượng người thật 400 tuổi vô cùng đặc biệt, khoảng 20 năm trở lại đây, chùa Đậu còn là nơi các sĩ tử tìm đến mỗi mùa thi với hy vọng sẽ đạt kết quả tốt và đỗ vào trường như ý.
Đến chùa Đậu những ngày cuối tháng 6, chúng tôi vô cùng ấn tượng vì không gian rộng lớn, thanh tịnh và đẹp đẽ của ngôi chùa bao quanh bởi đầm sen thơm ngát. Rất đông sĩ tử và các bậc phụ huynh tới chùa dâng lễ tạo nên cảnh tượng hiếm thấy bởi mùa hè là thời điểm các ngôi chùa rất vắng khách viếng thăm.
Tượng Phật được cài hoa sen trong khuôn viên chùa.
Trong cuốn sách bằng đồng để lại ghi rõ chùa Đậu được nhà vua xây dựng với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Theo văn bia và sử liệu thì vua Lê Thần Tông cho đại trùng tu chùa Đậu vào đầu thế kỷ 17, sau chùa được phong là Đệ nhất danh lam.
Ngoài không gian rất rộng, chùa còn 80 mẫu ruộng. Từ 1986 -1993, chùa không có sư trụ trì nên chính quyền mang ruộng của chùa chia cho dân, diện tích còn lại khá ít. Năm 2000, nhà chùa làm việc với dân để mua lại đất, đến nay diện tích chùa Đậu khoảng 8ha.
Chùa Đậu đã được công nhận hai kỷ lục quốc gia: Là nơi có tượng nhục thân đầu tiên ở Việt Nam (với xá lợi toàn thân của hai thiền sư Vũ Khắc Minh - Vũ Khắc Trường) và sở hữu cuốn sách ghi lịch sử chùa bằng đồng có nhiều trang và cổ xưa nhất Việt Nam.
Đại đức Thích Quang Minh - trụ trì chùa Đậu chia sẻ với VietNamNet: 20 năm trở lại đây, chùa là điểm đến yêu thích của các sĩ tử vào mỗi mùa thi với hy vọng sẽ đỗ đạt như ý. Đại đức Thích Quang Minh nói: "Dân ta quan niệm 'Đậu' nghĩa là 'Đậu đạt'. Chùa Đậu là tên dân gian còn tên chữ của chùa là Thành Đạo Tự. 'Thành Đạo' nghĩa Nôm cũng là 'Đạt'. Đặc biệt thời phong kiến, ngôi chùa này chỉ dành cho vua chúa đến lễ bái".
Khuôn viên chùa Đậu.
Chùa Đậu được xây dựng từ thời Bắc thuộc nên ít nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Điểm đặc biệt nhất là chùa Đậu được đức vua cho xây dựng để cầu mưa thuận gió hòa với kiến trúc kiểu "nội công ngoại quốc". Để thực hiện được lối kiến trúc này, ngôi chùa phải rất rộng lớn. Chính giữa chùa là ngôi Tam Bảo và thượng điện, phía trước là tiền đường, phía sau là nhà thờ tổ, 2 bên là 2 dãy hành lang dài.
Kiến trúc này na ná với kiến trúc Tứ hợp viện của Trung Quốc và cơ bản được gìn giữ cho tới ngày nay. Chính vì chùa Đậu là nơi vua thường đến lễ bái nên các giai đoạn đều được quan tâm, trùng tu và bảo tồn.
Đại đức Thích Quang Minh cho biết hiện nay toàn bộ di tích lõi của chùa Đậu vẫn còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn.
Xung quanh chùa Đậu trước đây là cái đầm rộng lớn, chỉ nổi lên khu đất gò cao với thế đất giống đôi hoa sen đang nở. Quan niệm hoa sen là nơi đất Phật ngự nên Sĩ Nhiếp cho xây lên hai ngôi chùa. Chùa Đậu không chỉ có địa thế tuyệt đẹp như đang ngự trên bông hoa sen đang nở, mà còn là một quần thể kiến trúc nguy nga.
Điều đặc biệt là chùa đậu có hai ngôi tam bảo. Ngôi tam bảo chính trước là đền thờ Pháp Vũ chỉ dành cho vua chúa hành lễ. Chùa nhỏ ở dưới dành cho người dân đến lễ bái. Ban đầu, chùa có tên là Thành Đạo Tự, sau khi chùa rước Đại thánh Bồ tát Pháp Vũ (vị thần cai quản mưa - PV) về thờ thì được gọi là Pháp Vũ Tự.
Chùa được làm chủ yếu từ gỗ lim, đến nay được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Đại đức Thích Quang Minh cho biết hiện nay toàn bộ di tích lõi của chùa Đậu còn tương đối nguyên vẹn so với thời chùa được phong là Đệ nhất danh lam thời Hậu Lê - Lê Trung Hưng. Năm 1947 ngôi Tam Bảo chùa Vua bị đốt cháy, còn lại tất cả vẫn nguyên vẹn. Chùa được làm từ gỗ lim, có cột 600-700 năm tuổi, đến nay kết cấu vẫn rất bền vững.
Hai pho tượng người thật độc nhất vô nhị
Chùa Đậu đặc biệt ở chỗ từng là nơi hai nhà sư tu hành đắc đạo đầu thế kỷ 17. Thiền sư Vũ Khắc Minh viên tịch vào năm 1639, để lại xá lợi toàn thân. "Trên thực tế các nhà sư của Việt Nam tu hành, ngộ đạo và giải thoát đắc đạo nhiều nhưng có ngài thì ẩn, có ngài không hiện, có ngài hiện 1 thời gian rồi ẩn nhưng đến đời nay mà đương đại chúng sinh nhìn thấy thì chỉ còn hai thiền sư ở chùa Đậu.
Điều này đã được kiểm chứng bằng khoa học. Năm 1983, các nhà khoa học đã rước hai thiền sư ra Bệnh viện Bạch Mai để chụp X quang và qua phim chụp được, các nhà khoa học kết luận đây là cơ thể của hai người thật. Hai nhục thân này đang ở thể tự nhiên nhất", Đại đức Thích Quang Minh - trụ trì chùa Đậu cho biết.
Đại đức Thích Quang Minh trụ trì chùa Đậu.
Theo Đại đức Thích Quang Minh, một số người vẫn đang hiểu rằng phải có phương pháp bảo quản nhục thân của hai thiền sư mới có thể giữ được gần 400 năm hoàn toàn nguyên vẹn.
"Trên thực tế đây hoàn toàn là thể tự nhiên của hai người tu đắc đạo, không có bất cứ sự can thiệp nào của con người hay khoa học.
Các khớp xương, đốt xương vẫn dính vào nhau ở thể tự nhiên chứ không cần dùng keo hay chất gì để gắn kết. Qua phim chụp thì thấy hộp sọ của ngài Vũ Khắc Minh vẫn còn nguyên vẹn.
Đến nay các nhà khoa học cũng khẳng định bộ não của các ngài vẫn ở bên trong hộp sọ. Nếu không lấy não ra thì khoa học khẳng định đây không phải là thuật ướp xác. Vì nếu ướp xác thì sẽ phải lấy toàn bộ nội tạng ra khỏi cơ thể nếu không sẽ thối rữa hoặc phải để ở môi trường chân không hoặc dùng thuốc", Đại đức Thích Quang Minh giải thích.
Xá lợi toàn thân của thiền sư Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu.
Đại đức Thích Quang Minh cho hay nhục thân của hai thiền sư vẫn ngồi trong thất ở môi trường bình thường từ năm 1639 đến 1983 trước khi được đưa đi kiểm tra và rước vào nhà thờ tổ. Hiện xá lợi toàn thân của hai thiền sư được đặt trong lồng kính mà không có sự can thiệp hay phương pháp bảo quản nào đặc biệt.
Bia đá ở hành lang chùa Đậu ghi chép lại và Viện Hán Nôm dịch cho biết ngài Vũ Khắc Minh mất năm 1639. Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là thầy - trò và cũng là hai thành viên dòng họ Vũ Khắc. Sau khi ngài Vũ Khắc Minh nhập thất và viên tịch, ngài Vũ Khắc Trường trụ trì chùa Đậu 1 thời gian rồi nhập thất 10 năm sau đó và viên tịch.
Đại đức Thích Quang Minh cho hay, hai ngài nhập thất 100 ngày và xây kín cửa thất lại, suốt thời gian đó không ăn uống gì nên các chất hữu cơ trong cơ thể tiêu dần, chỉ còn da bọc xương. Nhục thân của ngài Vũ Khắc Minh sau khi viên tịch chỉ còn 7kg, tức là chỉ còn bộ khung xương. Qua phim X-quang có thể thấy một vùng ở đáy bụng vón lại đã được các nhà khoa học khẳng định đó chính là nội tạng của ngài. Ở tư thế ngồi thiền, nội tạng khô và rụng xuống, vẫn còn nguyên ở bên trong cơ thể.
Theo lời kể của Đại đức Thích Quang Minh, năm 1982 các nhà khoa học về xã nghiên cứu để xây đền thờ Nguyễn Trãi và nghe người dân đồn đoán ở chùa Đậu có thờ nhục thân của hai nhà sư từng trụ trì từ thế kỷ 17. Thấy kỳ lạ, các nhà khoa học qua chùa Đậu để tìm hiểu. Càng tìm hiểu thấy càng vi diệu nên năm 1983 các nhà khoa học xin rước các thiền sư qua Bệnh viện Bạch Mai để chụp X-quang để có được kết luận rõ ràng.
Trụ trì chùa Đậu chia sẻ với VietNamNet: "Năm 2016, hai xá lợi toàn thân của thiền sư được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Theo quy định của Luật Di sản thì phải có phương án bảo tồn nhưng hiện nay các ngài vẫn được thờ trong nhà tổ ở môi trường tự nhiên, hiện chưa cần phương án nào để bảo tồn, tất cả vẫn diễn ra như mấy trăm năm qua. Nhục thân của hai ngài đến nay chưa cần sự can thiệp của khoa học vì các ngài đang tồn tại ở thể tự nhiên".
Xá lợi toàn thân của hai thiền sư hiện được phủ một lớp sơn ta trực tiếp lên da dày 0,03mm. Năm 2003 hai ngài được sơn lại một lớp sơn mới cho đến nay.
Mỹ Anh - https://vietnamnet.vn/