;
Phật giáo và người phụ nữ: Một sự nghịch lý hay mâu thuẫn?
Vai trò người phụ nữ trong Phật giáo
Hạnh khiêm cung và bát kỉnh pháp
Ai là vị Tỳ Kheo Ni đầu tiên của Ni đoàn Phật giáo ?
(ảnh chụp trong dịp đài truyền hình Pháp phỏng vấn ông trong chương trình Phật giáo ngày 05/12/2010)
Lời giới thiệu của người dịch
Dưới đây là phần chuyển ngữ của một bài viết trong quyển "Người phụ nữ" ("Les Femmes", nhiều tác giả, nhà xuất bản de l'Atelier, 2002), thuộc một bộ sách với chuyên đề "Các tôn giáo nghĩ gì?" (Ce qu'en pensent les religions). Tác giả bài viết này là Dominique Trotignon, nguyên tổng giám đốc Viện Nghiên Cứu Phật Học (IEB/Institut d' Etude Bouddhique) của Pháp, tu tập theo Phật giáo Theravada.
Bài viết này được đăng tải trên nhiều trang mạng, và gần đây hơn đã được giới thiệu qua lá thư hàng tháng của Viện Nghiên Cứu Phật Học.
Lời giới thiệu của Viện Nghiên Cứu Phật Học (IEB)
Vào tháng ba mỗi năm, và một trong các ngày của tuần lễ thứ hai đã được chọn làm "Ngày Quốc tế Phụ nữ"... Quả đây cũng là một dịp thích hợp để nêu lên chủ đề "Người phụ nữ và nữ tính trong Phật giáo" - và thật ra thì chủ đề này cũng đã được Viện Nghiên Cứu Phật Học (IEB) đưa ra trong chương trình giảng dạy năm nay (2015), bắt đầu từ tháng ba vừa qua.
Đây là một chủ đề khá phức tạp và đã gây nhiều tranh luận - nhất là đối với vấn đề có nên cho phép các tỳ kheo ni được quyền chấp thủ "toàn bộ giới luật" (tức là được "chính thức thụ phong") hay không (thật ra vấn đề này không gây ra khó khăn nào đối với trường hợp Việt Nam, bởi vì tất cả những người phụ nữ Viêt Nam xuất gia đều có thể trở thành ni sư, trong khi đó tại một số các quốc gia khác nhất là các nước theo Phật giáo Theravada, thì chỉ có nam giới mới được thụ phong tỳ kheo. Thiết nghĩ cũng cần nêu lên thêm là đối với hầu hết các tín ngưỡng khác cũng vậy, chỉ có nam gìới mới có thể trở thành các giáo sĩ, linh mục, mục sư, những người đảm trách tế lễ, v.v.). Tuy nhiên mỗi khi nêu lên chủ đề Phật giáo và người phụ nữ thì không phải chỉ là để tranh luận về vấn đề thụ phong trên đây! Thật vậy, kinh điển xưa (tức là các kinh điển nguyên thủy trong Kinh Tạng) cho thấy có xu hướng ít nhiều ưu đãi đối với người phụ nữ, và cả về sau này khi Mahâyâna (Đại Thừa) Vajrayâna (Kim Cương Thừa) được hình thành vả chủ trương các đường hướng tu tập mở rộng hơn, thì người phụ nữ còn trở thành cả một biểu tượng của Trí Tuệ. Sự kiện này cho thấy Phật giáo chưa bao giờ đưa ra những bài thuyết giảng mang tính cách một chiều vể vấn đề này (tức chỉ nói đến nam giới)!
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây của Dominique Trotignon về chủ đề trên đây. Tác giả viết bài này cách nay cũng đã vài năm, với mục đích nêu lên một vài đường hướng suy nghĩ khác nhau, nhưng không hề tự nhận là đã đào sâu và trình bày toàn bộ các khía cạnh liên quan đến chủ đề này.
***
Nguời phụ nữ và nữ tính trong Phật giáo
La femme et le féminin dans le bouddhisme
Dominique Trotignon
Hoang Phong chuyển ngữ
Bài viết này được trích từ quyển "Người phụ nữ" gồm nhiều tác giả, thuộc một bộ sách với chuyên đề "Các tôn giáo nghĩ gì?", nhà xuất bản "de l'Atelier", 2002.
Trên đây là pho tượng hoàng hậu Mâyâ (Ma Gia) hạ sinh Đức Phật tương lai, bà sinh đứng trong khu vườn Lumbini (Lâm-tì-ni), tay vịn một cành cây (nghệ thuật điêu khắc Nepal, bảo tàng viện Guimet - Paris). Bất cứ ai tìm hiểu Phật giáo qua tiểu sử mang ít nhiều truyền thuyết của vị sáng lập là Đức Phật Siddhârta Gautama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm) thì không thể nào lại không nhận thấy vai trò khá quan trọng của người phụ nữ trong cuộc sống của Ngài..., thế nhưng không phải vì thế mà đã không xảy ra nhiều điều tương phản!
Dưới một góc nhìn nào đó, ngay cả từ lúc đầu mọi sự cũng không diễn tiến suôn sẻ lắm: trước hết là hoàng hậu Mâyâ (Ma Gia), mẹ của Đức Phật, đã qua đời một tuần lễ sau khi sinh ra Ngài... Đứa hài nhi được người dì, em gái của mẹ, và cũng là vợ thứ của cha mình là Prajâpati (Bà-xà-ba-đề; đây là cách dịch âm sang tiếng Hán, thiết nghĩ các danh từ riêng - tên người, địa danh, v.v. không nên dịch và cứ giữ nguyên tiếng Pa-li hay tiếng Phạn. Thí dụ ngày xưa người Việt Nam gọi thủ đô nước Pháp là Ba-lê, dịch từ tiếng Hán là "Bá lị"/巴黎, ngày nay mỗi khi nói đến Paris thì ai cũng hiểu là thủ đô nước Pháp, không cần phải dịch từ tiếng Hán)nuôi nấng. Năm mười sáu tuổi, Siddhârta (Tất-đạt-đa) cưới một người vợ xinh đẹp là Yasodharâ (Da-du Đà-la), và tiếp tục cuộc sống bình lặng của một hoàng tử thừa kế. Thế nhưng một hôm, lúc đó Siddhârta (Tất-đạt-đa) được khoảng ba mươi tuổi, tình cờ trông thấy những cảnh bệnh tật, già nua và cái chết, và từ đó ôm ấp ước vọng bước theo cuộc sống lang thang của những "kẻ tu hành không nhà" (samana) (chữ này có nhiều nghĩa: người tu hành, người ăn xin, người tu khổ hạnh, người sống ẩn dật...).
Một hôm giữa đêm tối, lúc đó con trai mình là Rahula (La-hầu-la) cũng vừa mới sinh không lâu, Siddhârta (Tất-đạt-đa) nhất định thực hiện ước nguyện của mình từ trước. Một mình trong đêm, vị hoàng tử Siddhârta (Tất-đạt-đa) ngắm nhìn đám phụ nữ ngủ vùi trong hậu cung, nằm la liệt trong các "tư thế thật chướng mắt: người thì xõa tóc, nằm vật như bị voi xéo; người thì ngáy, hai chân giạng ra thật khiếm nhã; một số nằm mê man như xác chết, hai mắt trợn ngược chỉ thấy tròng trắng, một số khác thì miệng há hốc, nước dãi lòng thòng...". Siddhârta bèn rời khỏi lâu đài, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con mới sinh!
Sau hai năm học hỏi bên cạnh những người tu hành khổ hạnh Bà-la-môn và sáu năm sống khổ hạnh trong cô độc, Gautama (Cồ-đàm) quyết định không tu theo lối khắc khổ đó nữa. Tất cả cũng chỉ vì một hôm, sau nhiều ngày đói lả, có một thiếu nữ tên là Sujata (Tu-xà-đa) dâng cho mình một bữa ăn thịnh soạn: một bát cơm nấu với sữa. Sau đó Gautama (Cồ-đàm) ngồi xuống dưới một gốc cây, lắng sâu vào thiền định, đạt được Giác Ngộ (bodhi) và thành Phật.
Bắt đầu từ đó, Ngài thuyết giảng và thành lập một tập thể (sangha) (lúc đầu chữ này chỉ có nghĩa là "một nhóm/đám đông gồm nhiều người", và sau này thì mới mang ý nghĩa là "tập thể những người tu hành", kinh sách tiếng Việt gọi là "tăng đoàn") gồm những người từ bỏ [gia đình] sống bằng "khất thực" (bhikkhu/tỳ kheo). Lúc đó những người trong tập thể chỉ gồm toàn nam giới... Phải đến năm năm sau, lần đầu tiên mới thấy thành lập một tập thể gồm những người phụ nữ từ bỏ [gia đình] (bhikhuni) (tỳ kheo ni), tất cả là nhờ sự quyết tâm của người mẹ nuôi của chính Đức Phật. Thế nhưng những người phụ nữ này phải tuân thủ nhiều giới luật hơn so với những người đồng tu nam giới, và trong số đó có những giới luật kỳ thị giới tính một cách thật gắt gao. Người mẹ nuôi của Đức Phật rất thất vọng, thế nhưng Đức Phật vẫn cứng rắn.
Trong số các đệ tử tu tại gia, cũng có nhiều người là phụ nữ, và chính họ là những người chu cấp miếng ăn cho những người từ bỏ [gia đình], quả họ là những người mẹ đã nuôi dưỡng tăng đoàn. Trong số này có những người mẹ rất nổi tiếng, chẳng hạn như người phụ nữ Ambapâli, tuy làm điếm nhưng lại là một người cúng dường thật tích cực. Đức Phật cư xử với người phụ nữ này không khác gì một người quyền quý!... Đức Phật cũng cho biết rằng nữ giới cũng có thể thăng tiến trên "Đường Giải Thoát", không khác gì nam giới, và thực tế cũng đã cho thấy nhiều phụ nữ từng đạt được các cấp bậc thật cao trên Con Đường, thực hiện được thể dạng Giác Ngộ của người arhat (A-la-hán), tức là kết quả tối thượng trên đường tu tập của Phật giáo cổ xưa (tức là Phật giáo Theravada, nguyên nghĩa của chữ này là "Con Đường của những người xưa", thường được gọi không chính xác là "Phật giáo nguyên thủy", "Nam Tông", v.v).
Qua vài nét thật sơ lược về tiểu sử của Đức Phật trên đây, người ta cũng có thể nhận thấy hiện lên ba khía cạnh rất "phụ nữ" trong cuộc sống của Ngài: trước hết là tình mẫu tử, nêu lên hình ảnh một người mẹ (dòng sữa nuôi con và sự chu cấp cho người từ bỏ [gia đình]); sau đó là sự hấp dẫn của thân thể người phụ nữ, đôi khi cũng đáng để thèm muốn, thế nhưng than ôi, quả là phù du; sau cùng là thái độ bình đẳng đối với người phụ nữ về phương diện tu hành - thế nhưng trên thực tế thì thế nào?! (cuộc sống của Đức Phật "gắn liền" với sự hiện diện của người phụ nữ qua ba sắc thái, thứ nhất là tình mẫu tử: hoàng hậu Mâyâ sinh ra Ngài, người dì cho bú và nuôi nấng, cô gái Sujata hiến dâng một bát cơm nấu với sữa, một người làm điếm hiến dâng thực phẩm cho Ngài và tăng đoàn; thứ hai là sự phù du của thân thể người phụ nữ: hoàng hậu Maya chết sau khi sinh, những người phụ nữ trong cung mệt lã ngủ vùi trong đêm; thứ ba là sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới: Đức Phật chấp nhận cho mẹ nuôi của mình được phép bước theo con đường của tăng đoàn và xác nhận là người phụ nữ cũng đạt được Giác Ngộ như nam giới).
Trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo, ba khía cạnh trên đây về người "phụ nữ" (tình mẫu tử, việc nuôi dưỡng những người từ bỏ gia đình, sự bình đẳng giữa nam và nữ giới) liên hệ với nhau thật phức tạp. Một số người cố tình chỉ nhìn vào các khía cạnh tích cực: sự bình đẳng giới tính trên phương diện tu hành; tính cách "cách mạng" trong sự thành lập tăng đoàn nữ giới vào thời bấy giờ; nêu cao các phẩm tính của người phụ nữ - nổi bật hơn hết là tình mẫu tử - và xem đấy là bản chất của chư Phật... Trái lại, một số khác thì chỉ nhìn vào [các khía cạnh tiêu cực]: một số giới luật được thiết lập thêm bắt người tỳ kheo ni phải tuân thủ; Đức Phật từ bỏ người vợ trẻ để ra đi; trong giáo huấn nêu lên bản chất phù du của sắc đẹp người phụ nữ và sự tàn phá do sự thèm muốn sắc đẹp ấy gây ra, tất cả những thứ ấy đã biến người phụ nữ trở thành đối tượng của sự thèm khát dục tính, một thứ gì đó nguy hiểm thật sâu xa...
Sự phân biệt giới tính chỉ là một quy ước...
Tuy nhiên từ khởi thủy khi mọi sự vật mới bắt đầu hiển hiện, thì không có một dấu hiệu nào báo trước về tình trạng phân biệt trên đây.
Rất ít kinh điển xưa trong Phật giáo (tức các kinh trong Kinh Tạng) đề cập đến nguồn gốc của mọi sự vật, và dầu sao đi nữa thì đối với Phật giáo thì mọi sự vật cũng không phải là kết quả của một sự Sáng Tạo theo cách giải thích của các tôn giáo độc thần. Theo vũ trụ quan Phật giáo, thì có rất nhiều vũ trụ tiếp nối nhau hiển hiện trong một chu kỳ bất tận giữa sự hình thành và thoái hóa. Không có một sự khởi thủy nào đúng nghĩa của nó (tức không có một thứ gì do nó và tự nó có thể hình thành được, hay do một đấng Sáng Tạo sáng chế ra nó. Khi có một hiện tượng xảy ra thì đấy là kết quả mang lại từ sự liên kết giữa nhiều nguyên nhân và điều kiện, sự chấm dứt của nó sẽ tạo ra các điều kiện và nguyên nhân khác đưa đến sự hình thành của một hiện tượng khác), chính Đức Phật cũng từng nói rằng: "Người ta không thể biết được nguyên nhân của chu kỳ bất tận giữa sự sinh và cái chết (chỉ có thể biết được cái chết làm nguyên nhân cho sự sinh và sự sinh làm nguyên nhân cho cái chết, đối với sự vận hành chung vô cùng phức tạp của toàn thể giới hiện tượng thì trí thông minh hạn hẹp của con người dựa sự vận hành của não bộ vật chất, không đủ khả năng nắm bắt), kể cả cái đống ngổn ngang của sự khổ đau ấy..." (sinh là khổ đau, vô thường là khổ đau, cái chết là khổ đau: đó là "cái đống ngổn ngang" của sự hiện hữu trong thế giới hiện tượng). Thế nhưng người ta lại có thể tìm được cách thoát ra khỏi nó, và đấy mới thật sự là những gì quan trọng (nguồn gốc và nguyên nhân làm phát sinh ra "cái đống ngổn ngang" ấy chúng ta không cần biết đến).
Tuy nhiên cũng có một bản kinh là Aggañña-sutta, thuật lại mọi sự vật đã được hình thành như thế nào (nhưng không cho biết là tại sao...). Trong kinh này cũng có nói đến sự tách biệt giữa nam tính và nữ tính.
Kinh Aggañña-sutta là một trong số các kinh rất hiếm hoi trong kinh điển xưa của Phật giáo (tức trong Kinh Tạng) đề cập đến vấn đề "nguồn gốc của mọi sự vật". Rất ít thấy các học giả nhắc đến bản kinh này, và cũng chưa thấy có bản dịch nào sang tiếng Pháp. Trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi chỉ xin nêu lên (dưới hình thức tóm lược và không mang tính cách từ chương) một vài phân đoạn liên quan đến chủ đề đang bàn luận (đây là bản kinh thứ 27 trong Digha Nikaya/Trường Bộ Kinh. Chữ Agga trong tựa của bài kinh có nghĩa là nơi tận cùng, chỗ khởi nguyên. Có rất nhiều bản dịch sang tiếng Anh mang tựa là " On Knowledge of Beginnings", trong số này có một bản do Maurice Walshe (1911-1998) dịch chung trong quyển "The Long Discourses of the Buddha", tức Trường Bộ Kinh, nhà xuất bản Wisdom Publications, độc giả có thể đọc toàn bộ quyển sách này trên mạng. H.T. Thích Minh Châu có dịch bản kinh này sang tiếng Việt với tựa là "Kinh Khởi Thể Nhân Bổn", và đã được Bình Anson hiệu đính.).
Khi một vũ trụ hiển hiện và bùng lên, thì chúng sinh khi đó được hình thành trong các "cõi thiêng liêng"; sau một thời gian thật dài thì vũ trụ bắt đầu thu nhỏ lại.
"Vào thời kỳ này, chúng sinh được hình thành trong thế giới. Các chúng sinh ấy sinh ra từ tư duy của chính mình, được nuôi dưỡng bằng sự hân hoan, và phóng ra chung quanh hào quang của chính mình. "Thế giới (nguyên sinh) đó chỉ gồm duy nhất một lớp nước chìm trong một bóng tối dầy đặc, mặt trăng và mặt trời chưa xuất hiện; cũng chưa có giống cái và giống đực: chúng sinh chỉ đơn giản là chúng sinh" (sự sống là như thế).
"Tiếp theo đó, liên tục xảy ra các sự suy thoái thật tệ hại... Một chất liệu thơm ngon hiện ra trên mặt nước, "tương tự như một lớp váng trên mặt sữa sau khi được đun sôi và để nguội. Một chúng sinh nếm thử và cảm thấy thích. Sự thèm muốn bắt đầu thâm nhập vào chúng sinh ấy. Các chúng sinh khác cũng bắt chước theo và cũng cảm thấy thích. Thế rồi tất cả chúng sinh tự nuôi dưỡng bằng cách đó (tức là bằng sự thèm khát). Sự kiện này khiến cơ thể chúng sinh mất đi ánh sáng tỏa rộng của chính mình(tâm thức nguyên sinh bị che lấp); mặt trăng và mặt trời xuất hiện (tâm thức bắt đầu hướng vào thế giới bên ngoài), và tiếp theo đó hiện ra đêm, ngày, tháng, mùa màng và năm (sự lạc hướng và hoang mang của tâm thức). Sau đó là một thời kỳ mà các chúng sinh tự nuôi dưỡng mình, nhận thấy cơ thể trở nên thô kệch, một số có vóc dáng xinh đẹp, một số khác có vóc dáng xấu xí. Các chúng sinh xinh đẹp thì cảm thấy hãnh diện, thế nhưng khi cảm thấy hãnh diện thì chất liệu thơm ngon cũng vụt biến mất và các chúng sinh này, vừa tiếc nuối sự thơm ngon ấy, vừa thốt lên "Quả thật là thơm ngon! Quả thật là thơm ngon!" (đưa đến sự bám víu và thèm khát, tạo ra sự tiếc nuối và khổ đau).
"Các loại thức ăn khác hiện ra và cũng lại biến mất sau đó: nào là các thứ nấm tuyệt hảo, nào là các loại dây leo thật mềm..., sau cùng là gạo thóc, chúng sinh ăn uống từ sáng đến chiều, không cần phải gieo trồng gì cả (sự hình thành của bản năng sinh tồn, sự tham lam và ích kỷ). "Và cứ thế cơ thể ngày càng trở nên thô kệch hơn... Cơ quan sinh dục nữ phát sinh nơi người nữ, cơ quan sinh dục nam phát sinh nơi người nam (ngày nay khoa học gọi là sự tiến hoá sinh học đưa đến sự sinh sản hữu tính, góp phần hữu hiệu vào sự tồn vong của chủng loại). Người nữ và người nam chăm chú nhìn nhau, sự thèm khát dục tính phát sinh bên trong con người của họ. Từ đó sự đam mê nồng nhiệt thấm sâu vào cơ thể và một số giao cấu với nhau (sự hình thành của bản năng truyền giống, tạo ra thế giới luân hồi). Một số khác trông thấy họ như thế bèn ném cát, ném tro, ném phẩn vào họ và thốt lên: "Cút đi, đồ dơ bẩn! Làm thế nào mà một chúng sinh lại có thể làm chuyện ấy với một chúng sinh khác được!!".
"Mọi sự trước đây chỉ được xem một cách quy ước là các hình thức hỗn loạn của mọi sự vật, ngày nay thì ngược lại được xem một cách quy ước là những gì phù hợp với quy luật tự nhiên của mọi sự vật" (l'ordre des choses/order of things)" (phải chăng câu này có nghĩa là mọi sự vật từ nguyên thủy được xem là phát sinh từ sự hỗn loạn, và ngày nay thì lại xem chúng tự nhiên và đúng thật? Dầu sao thì bản kinh Aggañña-sutta cũng rất phức tạp, khúc triết và nhất là mang tính cách ẩn dụ nên rất khó giải đoán).
Lúc khởi thủy không có sự phân chia thứ bậc (hierarchy) nào về giới tính, cũng không cho thấy một ưu thế nào đối với nam giới: sự tách biệt giới tính trước đây chưa có, nay bắt đầu hiện ra với tư cách là một hiện tượng, tương tự như tất cả các hiện tượng khác, và cũng chỉ là kết quả tạo ra bởi sự tiến hóa, phát sinh từ một sự tạo dựng mang tính cách phân biệt nhị nguyên (dualistic differentiation/một sự tách biệt phát sinh từ sự phân biệt), theo một quy trình giống hệt với quy trình phân chia tế bào (theo sự hiểu biết khoa học ngày nay)! Và đấy cũng chính là "quy luật tự nhiên của mọi sự vật" (order of things): có nghĩa là sự hiển hiện của mọi hiện tượng (dhamma/pháp) cũng chỉ là kết quả phát sinh từ một số điều kiện cần thiết để tạo ra nó đã hội đủ, và các điều kiện này thường là liên hệ đến các tác động của sự thèm muốn (desires/thèm khát, tham lam, hám dục). Các sự thèm muốn ấy sẽ không khỏi tạo ra cho chúng sinh những sự thèm muốn khác, và các sự thèm muốn này đều mang tính cách nhị nguyên (đối nghịch): chẳng hạn như bám víu và ghét bỏ, ngạo mạn và khinh miệt, quyến rũ và chán ghét.... Chính vì thế mà một hệ thống phức tạp gồm các "quy ước" khác nhau dần dần được hình thành và biến đổi với thời gian.
Kinh sách xưa (trong Kinh Tạng) còn đưa ra thêm các thí dụ khác về quan điểm trên đây. Chẳng hạn như cuộc tranh luận nổi tiếng giữa một tỳ kheo ni là Soma - đã đạt được niết bàn (nirvana) nhờ luyện tập thiền định và loại bỏ được mọi sự thèm khát - và thần Mâra biểu trưng cho sự Tham Dục và Cái Chết. Thần Mâra nói với người tỳ kheo ni như sau:
- "Cõi của những người trí tuệ [tức là niết-bàn] / thật hết sức khó để đạt được / Cõi ấy người phụ nữ sẽ chẳng bao giờ đạt được!"
- "Người tỳ kheo ni vặn lại:
- "Làm phụ nữ thì có gì là thấp kém đâu? / Một khi đã tập trung được tâm thức / thì tất mọi sự cảm nhận cũng sẽ trở nên trong sáng / Này Mâra, nếu thâm tâm ta cứ luôn thắc mắc: "Ta có phải là người phụ nữ hay một gã đàn ông" thì đấy chính là cách mà ta ăn nói bằng ngôn ngữ của mi đấy / Một khi sự thèm khát dục tính đã bị toàn toàn loại bỏ / thì bóng tối dầy đặc cũng sẽ tan biến hết / Và này, Thần Chết ơi, cả mi cũng sẽ bị hủy diệt!".
Sự phân biệt giới tính chẳng qua cũng chỉ đơn giản là một quy ước hoàn toàn vô nghĩa, chỉ là kết quả mang lại từ sự thèm khát dục tính và ảo giác, luôn nhận chìm con người mà thôi. Khi nào đạt được Giác Ngộ, tức là "quán thấy đúng đắn được mọi sự vật cũng chỉ là như thế", thì người ta sẽ không còn gán cho giới tính một tầm quan trọng nào nữa cả.
Trong kinh điển cũng có một tiết thơ khẳng định về điều này, và cũng được xem là do Đức Phật phát biểu:
"Chỉ có Cỗ Xe (Đạo Pháp) mới là quan trọng / Dù là nam hay nữ / bất cứ ai biết nhờ vào Cỗ Xe / đều đạt được niết bàn" [Samyutta Nikaya/Tương Ưng Bộ Kinh; I, 5, 6]
Giáo huấn của Đức Phật hướng vào tất cả chúng sinh, không phân biệt một chúng sinh nào, thật phù hợp với danh hiệu của Ngài là "Vị Giáo Huấn của các sinh linh thiêng liêng và cả con người", không phân biệt giới tính! Chỉ vì vướng mắc trong chu kỳ bất tận của sự sinh và cái chết trong cõi samsâra (luân hồi) nên con người phải gánh chịu đủ mọi thể dạng hiện hữu với các giới tính khác nhau..., đúng như những lời thuật lại trong bài kệ dưới đây của bà mẹ nuôi Đức Phật là Prajâpati sau khi đạt được Giác Ngộ và nhớ lại các tiền kiếp của mình:
"Tôi từng làm mẹ, làm con, làm cha, làm bà... / Trước đây nào tôi có biết được những chuyện ấy đâu / [Lúc đó] tôi chỉ biết bước theo con đường của tôi [trong cõi luân hồi]; / Thế rồi tôi được diện kiến Đấng Thế Tôn! / Thân xác này là thân xác cuối cùng / Tôi sẽ không còn quay lại nữa / để mà tái sinh hết kiếp này sang kiếp khác".
Được làm nam giới phải chăng vẫn tốt hơn?
Phật giáo cũng không do dự chút nào khi thừa nhận là sinh con trai mang nhiều lợi điểm hơn là sinh con gái, thậm chí một số người còn cho rằng sinh con gái là hậu quả mang lại từ các hành động xấu trong trong quá khứ (nghiệp đưa đến sự tái sinh dưới thể dạng con người là một loại nghiệp chủ yếu, các nghiệp khác mang tính cách thứ yếu, chẳng hạn như các nghiệp khiến tái sinh dưới các thể dạng nam, nữ, ái nam, ái nữ, đồng tình luyến ái, xinh đẹp, xấu xí, thông minh, đần độn, hung dữ, hiền lành,, sinh ra trong các gia đình nghèo khó hay giàu sang, trong một quốc gia Phật giáo, Ki-tô giáo hay Hồi giáo, v.v... Dầu sao các tác động của nghiệp cũng thật hết sức phức tạp, trong khi đó trí thông minh con người không vượt xa hơn được sự vận hành sinh học của não bộ, do đó không sao có thể phân tích và nắm bắt được hết các tác động trùng trùng điệp điệp của nghiệp). Thế nhưng quan điểm trên đây (trai hơn gái), dù có đúng đi nữa, thì cũng không thể xem là phù hợp với giáo huấn của Đức Phật được (vì đấy chỉ là quy ước xã hội). Nhiều lần chính Đức Phật cũng đã cho biết là không ai có thể biết được (ngoại trừ Đức Phật đã phát huy được một sự hiểu biết siêu nhiên) tại sao một chúng sinh lại tái sinh dưới thể dạng này mà không tái sinh dưới thể dạng khác! (sự tương liên và tương tác giữa mọi hiện tượng - interdependence/conditioned co-production/lý duyên khởi - là một sự vận hành vô cùng phức tạp xuyên qua không gian và thời gian, trong khi đó trí "thông minh" của con người, dù đạt được một trình độ giác ngộ khả quan đi nữa, cũng không thể nào đủ sức "gỡ rối" được sự tương kết chằng chịt đó). Kết quả chính xác tạo ra bởi nghiệp là một trong bốn chủ đề không thể "hiểu thấu" (inconnaissable/unknowable) được, tương tự như đối với trường hợp nguồn gốc của cõi samsâra (luân hồi)...,(nghiệp ngay sau khi được tạo ra sẽ không giữ nguyên tiềm năng của nó - bởi vì nghiệp cũng "vô thường" như tất cả các hiện tượng khác - mà tức khắc tương tác với các nghiệp khác đã được ghi khắc trên dòng tri thức từ trước, và sau đó sẽ còn tiếp tục bị biến đổi bởi các nghiệp xảy đến trong tương lai. Vì thế kết quả do nghiệp quá khứ tạo ra sẽ không nhất thiết phản ảnh "một" hành động hay "một" nghiệp nhất định nào trong quá khứ cả, mà đúng hơn là từ một "tổng thể" của thật nhiều nghiệp tạo ra bởi thật nhiều "hành động", kể cả "tư duy" và "tác ý" của một cá thể trong quá khứ).
Điều sau cùng cần lưu ý là kinh sách Phật giáo cũng không sao tránh khỏi ảnh hưởng của "quy ước". Quả không khó để nhận thấy có hai thể loại kinh sách khác nhau: một thuộc giáo huấn "chính thức" (gồm các kinh điển sûtra) (tức các kinh trong Kinh Tạng) nêu lên sự bình đẳng giới tính, và một là các trước tác "đại chúng" mang khuynh hướng trọng nam khinh nữ, và tập truyện "Tiền thân Đức Phật" (Jataka/Bổn Sanh Kinh) là một thí dụ điển hình. Trong số 547 câu chuyện trong tập kinh này, không có một câu chuyện nào cho thấy Đức Phật tương lai (khi đó còn là một người bodhisattva/bồ-tát) là nữ giới, dù dưới thể dạng thánh nhân, con người hay là một con thú giống cái...
Vào khoảng đầu kỷ nguyên Thiên Chúa giáo - tức năm thế kỷ sau khi Phật giáo được hình thành, và cũng là thời kỳ mà một đường hướng Phật giáo mới là Đại Thừa (Mahâyâna) đang trên đà phát triển - thì vấn đề (phân biệt nam và nữ giới) trên đây lại được nêu lên không úp mở gì cả: người phụ nữ có thể trở thành một vị "Phật toàn vẹn và hoàn hảo" (Samyak-Sambuddha) (Hán dịch chữ này là Tam-miệu Tam Phật-đà) tương tự như Đức Phật Siddhârta Gautama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm) hay không? (xin nhắc thêm là Phật giáo quan niệm có nhiều cấp bậc Giác Ngộ khác nhau, biểu trưng bởi nhiều thể dạng Phật mang các danh hiệu khác nhau như: Bích chi Phật, Độc giác Phật, Duyên giác Phật, Thanh Văn Phật, v.v. Cảm nghĩ chung của hầu hết mọi người về vấn đề này là: không! Thật thế, cũng vào khoảng thời gian này tập truyện Jataka (Bổn Sanh Kinh) cũng được phổ biến rộng rãi và được nhiều người ưa chuộng... (xin nhắc thêm là tập Jataka/Bổn Sanh Kinh tuy được gọi là "kinh" thế nhưng không phải là những lời thuyết giảng của Đức Phật. Jataka chỉ là một tập sách được trước tác lần đầu vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch - cùng thời đại của vua A-dục - và sau đó được sửa chữa nhiều lần, và bản sau cùng được thực hiện vào thế kỷ thứ III sau Tây Lịch).
Dưới ảnh hưởng của Mahâyâna (Đại Thừa) một khái niệm mới đã được hình thành nêu lên một hệ thống gồm các thứ bậc Giác Ngộ khác nhau giữa Chư Phật. Các thứ bậc này tùy thuộc vào quá trình tu tập từ trước và khả năng tâm linh của họ. Chẳng hạn như sự Giác Ngộ của các vị arhat (A-la-Hán) được xem là "thấp", mà tất cả những người tu hành dù là nam hay nữ đều có thể đạt được, trái lại đối với sự Giác Ngộ "tối thượng" (với khả năng có thể thuyết giảng "Con Đường Giải Thoát" cho người khác, trực tiếp dựa vào các kinh nghiệm do chính mình thực hiện được) thì chỉ có nam giới mới có thể đạt được mà thôi. Do đó nhằm né tránh quan điểm không lối thoát này, một giải pháp thật bất ngờ, cứ như là trò ảo thuật, đã được đưa ra: một người phụ nữ bất thần hóa thành nam giới trước khi đạt được sự Giác Ngộ tối thượng! Phải chăng đôi khi cũng cần phải bảo vệ đôi chút sự thật bên ngoài, tức là những gì thuộc vào lãnh vực quy ước...? (thật hết sức khó cho những người chưa hề đạt được một kinh nghiệm nào về sự giác ngộ, đánh giá và phân loại các cấp bậc "Giác Ngộ" khác nhau. Khái niệm trên đây phải chăng là do một số các vị đại sư trong quá khứ đã từng đạt được giác ngộ nêu lên? Tuy nhiên nếu hiểu sự "Giác Ngộ" với ý nghĩa nguyên thủy và từ chương của nó là sự "Hiểu Biết", thì chúng ta cũng có thể so sánh các cấp bậc "Hiểu Biết" hay "Giác Ngộ" ấy với các trình độ học vấn, và nếu hiểu theo cách đó thì sự giác ngộ cũng sẽ có thể xảy đến với chúng ta từng chút một trong từng ngày một - tất nhiên là với điều kiện phải học hỏi và tu tập đều đặn. Tuy nhiên cũng có những sự "hiểu biết" đột khởi, bất thần phát sinh từ những khắc khoải và suy tư lâu dài trong thâm tâm mình, hoặc bùng lên một cách bất ngờ từ những nghiệp lâu đời trong quá khứ, khi các nghiệp này gặp được các cơ duyên phù hợp hiện ra trong bối cảnh hiên tại. Các sự "hiểu biết" đặc biệt và "đột ngột" này đôi khi mang một tầm quan trọng thật to lớn, có thể biến cải toàn bộ các xúc cảm và cả khả năng vận hành của tâm thức mình, mang lại các cấp bậc "giác ngộ" thật cao và sâu xa).
Nam tính hay nữ tính cũng chỉ là hai "tiềm năng" khác nhau: đó là trí tuệ và lòng từ bi
Dầu sao thì Mahâyâna (Đại Thừa) cũng còn đưa ra thêm một khái niệm khác về bản chất "vô giới tính" của Đức Phật. Các kinh điển xưa đều nhất loạt mô tả Đức Phật như là một bậc "Vĩ Nhân" (Mahâpurusa/Con Người Vĩ Đại) (mahâ có nghĩa là to lớn, purusa có nghĩa từ chương là con người/a person - tức muốn nói lên Đức Phật cũng chỉ là một con người, nhưng là một con người Vĩ Đại)mang giới tính rõ rệt. Một trong số ba mươi hai dấu hiệu đặc thù (còn gọi là tướng tốt hay hảo tướng) của Vĩ Nhân ấy - tức có nghĩa là các dấu hiệu trên thân thể cho biết vị hoàng tử vừa sinh ra đời là một vị thánh nhân - có một dấu hiệu cho thấy "cơ quan sinh dục được dấu kín trong một bao dương vật, tương tự như trường hợp của một con ngựa giống", ý nghĩa của dấu hiệu này là sự cường tráng!
Trong khi đó thì Đại Thừa lại có khuynh hướng biểu trưng nhân dạng Đức Phật bằng các ảnh tượng cho thấy Ngài là một chúng sinh ái nam ái nữ (androgyne/androgynous), hay đúng hơn là mang một tiềm năng có thể là nam giới nhưng cũng có thể là nữ giới. Các ảnh tượng biểu trưng Đức Phật dưới các hình tướng nhân dạng (anthropomorphic) (thật ra cũng chỉ bắt đầu xuất hiện vào khoảng đầu kỷ nguyên Thiên Chúa giáo), thường mặc áo rất mỏng ôm sát người, cho thấy một "chỗ trống", không mang dấu hiệu nam tính nào cả (trước thế kỷ thứ I, Đức Phật được biểu trưng bằng một chiếc Ngai hay một chiếc bệ trống không, hoặc bằng cội cây Bồ-đề, hoặc dấu hai bàn chân..., cho biết sự hiện diện của Ngài trước đây trên thế gian này và cũng là cách nêu lên sự tịch diệt của Ngài. Trong suốt năm thế kỷ đầu tiên trong lịch sử phát triển của Phật giáo, Đức Phật không hề được biểu trưng bởi các ảnh tượng mang hình tướng nhân dạng).
Hình ảnh:
1- Đức Phật, thế kỷ thứ I-II, Gandhara - Pakistan ngày nay, (Bảo tàng viện quốc gia Tokyo)
2- Đức Phật, thế kỷ VIII-IX, Đồng Dương Quảng Nam, (Bảo tàng viện Lịch sử Việt Nam, tp HCM)
3- Đức Phật, thế kỷ IX-X, Nâgapattinam - nam Ân Độ, (Bảo tàng viện Madras - Ấn Độ)
4- Đức Phật, thế kỷ XII, Bodhgaya (Bồ-đề Đạo-tràng) - Ấn Độ, điêu khắc nổi, bên trái là Bồ-tát Manjusrî (Văn-thù Sư-lợi), bên phải là Bồ-tát Avalokitesvara (Quán Thế Âm). (Các hình trên đây là do người chuyển ngữ thêm vào bản gốc do Viện Nghiên Cứu Phật học IEB phổ biến)
Đức Phật sau khi đạt được Giác Ngộ đã vượt lên trên tất cả mọi quy ước nhị nguyên thuộc thân xác cũng như trong tâm thần (vượt thoát mọi hình thức đối nghịch: thân xác không còn là đàn ông hay đàn bà, tâm thần không phát lộ một cảm tính nào liên hệ đến giới tính). Đức Phật không nam tính cũng không nữ tính, do đó Ngài có thể hiển hiện dưới cả hai thể dạng này (nói chung Đức Phật có thể hiện ra dưới mọi hình tướng - trong trường hợp vừa kể là nam hay nữ giới - hầu cảm hóa chúng sinh, các hình tướng này gọi là các "hóa thân" (nirmânakâya) của Ngài), và đấy cũng là cách nói lên hai phẩm tính cao nhất của Phật giáo: là trí tuệ siêu việt (prajnâ) (nữ tính) mang lại sự Giải Thoát và lòng từ bi tối thượng (nam tính), hiển lộ qua các "phương tiện thiện xảo" mà Đức Phật với tư cách là một "Vị Phật Tối Thượng" (Samyak-Sambuddha/Tam-miệu Tam Phật-đà/một vị "Phật toàn năng và hoàn hảo", có nghĩa là hội đủ khả năng thuyết giảng cho người khác bằng kinh nghiệm Giác Ngộ của chính mình) thường mang ra để thuyết giảng.
Bắt đầu từ thời kỳ này (tức là từ khi phát sinh khái niệm không phân biệt giới tính của Đấng Giác Ngộ), thì phẩm tính năng hoạt của nam giới (tức là lòng từ bi) trở thành bất khả phân với phẩm tính trí tuệ (prajnâ-parâmitâ), là phẩm tính mà Mahâyâna (Đại Thừa) đã cụ thể hóa qua bóng dáng của người phụ nữ và gọi đấy là "mẹ của tất cả Chư Phật". Sự xác định giới tính trở thành một hình thức hư ảo! (trong bản gốc là chữ virtuel/virtual, có nghĩa là một sự kiện nào đó hoàn toàn có thể là sự thật, thế nhưng thật ra thì không phải là sự thật, nói một cách khác là trong trường hợp trên đây thì giới tính - nam và nữ - có thể là một sự thật, thế nhưng thật ra thì chỉ là một sự hư ảo, một ảo giác, một hình thức quy ước). Bất cứ một chúng sinh nào - sau khi đạt được Giác Ngộ - đều có thể hiển hiện dưới thể dạng trí tuệ mang tính cách nữ tính mà mình có thể thụ hưởng, hoặc là dưới thể dạng năng hoạt mang tính cách nam tính, hầu giúp đỡ chúng sinh đang vướng mắc trong các quy ước phát sinh từ sự thèm khát dục tính (có nghĩa là dưới thể dạng hiền hòa và dịu dàng của một người phụ nữ, hoặc dưới thể dạng tích cực và năng hoạt của một nam giới sẵn sàng trợ giúp chúng sinh).
Prajñâpâramita - điêu khắc tìm thấy trên đảo Java (Indonêxia) - thế kỷ XIII
("prajnaparamita" tức "trí tuệ hoàn hảo" được biểu trưng bởi một pho tượng phụ nữ, thủ ấn - cử chỉ hai tay - nói lên sự sự lý luận và thuyết giảng)
Các đường hướng tiến hóa muộn sau này của Mahâyâna (Đại Thừa) (kể từ thế kỷ thứ VI) đưa đến sự hình thành của Phật giáo Tan-tra (còn gọi là Tan-tra Thừa/Tantrism, hay Kim Cương Thừa/Vajrayana. Cũng xin nhắc thêm là một số học giả Tây Phương và nhất là Phật giáo Tây Tạng cho rằng Kim Cương Thừa là một Thừa riêng biệt, ngang hàng với Đại Thừa, có nghĩa là không trực tiếp phát sinh từ Đại Thừa), còn đẩy xa hơn nữa sự diễn đạt về khái niệm trên đây (tức là sự kết hơp bất khả phân giữa từ bi/nam tính và trí tuệ/nữ tính. Ý niệm này phản ảnh cụ thể những gì xảy ra trên thực tế: một người thiếu từ bi - hung dữ, biển lận, tham lam - không bao giờ phát huy được trí tuệ, ngược lại một người thiếu trí tuệ thì sẽ không bao giờ mở rộng được lòng từ bi của mình một cách chân thật được). Những gì mà Mahâyâna (Đại Thừa) nêu lên trước đây dưới hình thức lý thuyết (khái niệm về sự liên kết bất khả phân giữa trí tuệ và lòng từ bi) thì Tan-tra Thừa diễn đạt bằng các hình ảnh cụ thể và xem đó là một phương tiện luyện tập: các vị Phật dưới thể dạng nam tính sẽ được "kết hợp" với các thần linh thứ yếu (trong nguyên bản là chữ parèdre, là một từ trong tiếng Hy Lạp cổ, dùng để chỉ các vị thần "phụ thuộc" - ngoài vị thần "chủ yếu" - của một tín ngưỡng) mang thể dạng nữ tính, qua hình ảnh một sự giao hợp, thường được biểu trưng bởi các pho tượng hay tranh vẽ. Ý niệm không phân biệt tiềm năng giới tính trước đây (một vị Phật giác ngộ có thể là nam hoặc là nữ) thì nay biến thành một sự giao hợp, và trở thành một phép luyện tập (thật ra cũng chỉ dành cho một thiểu số những người tu tập thật uyên thâm) qua các các kỹ thuật du già về dục tính, và nên hiểu rằng các kỹ thuật này hoàn toàn không hề mang một ý nghĩa nào về sự thích thú!
Nam tính và nữ tính đều được xem như cùng hiện hữu bên trong thân xác của mỗi chúng sinh; nhưng thân xác đó không phải là thân xác thô thiển do cha mẹ sinh ra mà là "thân xác tinh tế" tỏa ra một năng lượng tinh khiết thâm nhập vào thân xác "quy ước"(tức là thân xác thô thiển). Thân xác "tinh tế" là sự hiển lộ của "Phật Tính" (bản thể của chư Phật), tàng ẩn bên trong tất cả chúng sinh, và mục đích của việc tu tập là làm hiển lộ bản thể ấy. Tính cách không phân biệt [giới tính] không phải chỉ là đặc tính của chư Phật đã thành đạt, mà là nền tảng tự nhiên hiện hữu nơi mỗi chúng sinh, và mục đích của các phép luyện tập du-già tan-tra là giúp cho mỗi con người cảm nhận được thể dạng đó của chính mình .
Târâ hay vị Phật nữ giới (tượng đồng Tích Lan - bảo tàng viện British Museum, Luân đôn)
(Nữ thần Tâtâ đôi khi còn được xem là một vị Phật nữ giới biểu trưng cho trí tuệ)
Tan-tra Thừa là đường hướng Phật giáo duy nhất cho rằng tiềm năng nữ tính của chúng sinh có thể "hiện ra" qua một nhân dạng mang tính cách cá thể (individué/individuated, identified), kể cả qua thân xác của một vị "Phật đã hoàn toàn thành đạt" (Samyak-Sambuddha/một Vị Phật tối thượng, hoàn toàn giác ngộ). Thí dụ điển hình nhất là trường hợp của nữ thần Târâ (Hán dịch là Đa-la, Đà-la, Đà-la Tôn, Đa-lợi, v.v., thiết nghĩ không nên dịch mà dùng thẳng chữ Phạn là Târa có lẽ đơn giản hơn chăng?).
Bồ-tát Avalokitesvara (Quán Thế Âm) từ nguyên thủy chỉ được xem như là một biểu tượng, một phương cách nói lên lòng từ bi của toàn thể Chư Phật, một hình thức biểu lộ của tiềm năng nữ tính nơi một vị "Phật tương lai" (một vị Phật sắp thành), thế nhưng sau đó thì lại dần dần biến thành một vi Phật nữ giới có thật!
Theo truyền thống, Bồ-tát Quán Thế Âm lúc đầu chì là một công chúa "bình dị", các vị tỳ kheo khuyên công chúa này hãy phát nguyện tái sinh dưới thể dạng nam giới, hầu có thể biến cải thật hoàn hảo các phẩm tính của thể dạng nam giới này giúp mình đạt được sự Giác Ngộ tối thượng.
Thế nhưng công chúa này đã trả lời như sau: "Tại nơi này không có ai là nam giới hay nữ giới cả, không có cái ngã nào, không có con người nào, cũng chẳng có một tri thức nào cả. Nhãn hiệu "nam" hay "nữ" không hàm chứa một thực thể nào mà chỉ là