;
I. Mở đề:
Phàm làm người, ai ai cũng có sự thụ hưởng tối thiểu. Sự thụ hưởng ấy tùy thuộc phúc báo của mỗi người, gọi theo từ chuyên môn là Chánh báo (Tâm), Y báo (vật sở hữu và hoàn cảnh xã hội) trang nghiêm. Vì vậy, vấn đề đủ hay không đủ là do quan niệm. Quan niệm ấy được định vị trên cơ sở Trí tuệ quán chiếu. Như người xưa thường nói: “Biết đủ thì đủ, đợi cho đủ, khi nào mới đủ?” (Tri túc tiện tuy đãi túc hà thời túc?). Đối với Phật giáo, biết đủ những gì mình đã có (thuộc quá khứ), chấp nhận những cái gì đang có thuộc hiện tại. Ít muốn là những sở hữu sẽ có thuộc tương lai. Trong ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai đã xác lập vị trí vấn đề.
Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo, ở mức độ giải thoát, siêu thời gian, do con người hiện tại vun đắp xây dựng nên, không do ai ban cho, hay cầu khẩn mà có, do chính mình tu tập mà thành tựu. Vì vậy, ở hướng tích cực và cao cấp, người xuất gia tu học, cần xây dựng đầy đủ cho mình mười đức tính và thành quả của sự đầy đủ theo tinh thần Phật giáo Đại thừa phát triển, nhưng không tách rời giáo lý Nguyên thủy qua góc độ của một vị Trụ trì cơ sở của Giáo hội trong Pháp giới duyên sinh vô tận, chủ bạn viên dung.
II. Nội dung:
1. Thọ mạng cụ túc (đầy đủ về thọ mạng).
Thân nầy là thân dị thúc báo hay di thục quả, là quả báo của nhân đã tạo đời trước kết tinh thành thân quả báo thuần thục trong đời hiện tại. Với một tuổi thọ nhất định của khoa học xã hội hiện nay, trung bình là 75 tuổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ là 80, 100 hay cao hơn nữa. Dù dài hay ngắn, thọ hay yểu cũng là một kiếp. Do đó, muốn duy trì cái đã có, và ước nguyện dài hơn, để làm Phật sự, vì chết là loại Ma, phá hoại đường hành đạo và sự nghiệp độ sanh không trọn vẹn, thì cần phải tu tập. Không những không sát sinh, ăn chay lạt mà còn phóng sanh. Chú nguyện phóng sanh, làm lễ phóng sanh, tùy hỷ với người ăn chay lạt, phóng sanh, không sát sinh, bố thí thuốc men, từ thiện xã hội, không làm đau khổ thể xác lẫn tinh thần người khác, chúng sinh v.v… Qua đó, kiến lập được thọ mạng lâu dài đời nay và đời trước để lại, mà còn xây dựng cho thọ mạng đời sau. Đức Phật gọi đây là đầy đủ về Thọ mạng thuộc Pháp thân thường trú của mỗi người, mỗi chúng sanh (là Vô lượng Thọ Phật).
2. Tướng hảo cụ túc (đầy đủ tướng hảo).
Kinh Tạp A Hàm, Đức Phật dạy: Đời nay làm người, đầy đủ sáu căn (sáu cơ quan) mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là do đời trước đã từng thọ giới, giữ giới trang nghiêm thanh tịnh. Thường đúc tượng, tô tượng, mặc áo Phật, thường dâng hoa cúng dường chư Phật, xá lợi Phật, Thánh Tăng, ít sân hận, không đấu tranh, nên được thân tướng trang nghiêm, đẹp đẽ, cao ráo trượng phu, chúng sanh trông thấy đều hoan hỷ, cung kính. Do đó, để củng cố thêm nhân quả đã có, cần thực hiện giữ giới thanh tịnh, không sân hận, ít tranh luận, không đấu tranh, luôn luôn hoan hỷ từ hòa với mọi người, với xã hội. Như người xưa từng nói: “Miệng ta là đóa hoa sen. Một khi hé nở, một phen thơm lừng. Miệng ta là gió mùa xuân. Một khi khởi động, muôn dân mát lòng”. Tóm lại, Đức nhuận thân là điều quan trọng trên cơ sở xây dựng nhân quả đầy đủ về tướng hảo trang nghiêm. Nhân quả của 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp thuộc Phật quả. Đây là Báo thân đức, thuộc Báo thân và Ứng hóa thân Phật trong tương lai.
3. Quyến thuộc cụ túc (đầy đủ về quyết thuộc bạn bè).
Thế gian thường nói: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Đó là mối tương quan, tương duyên với nhau trong cuộc sống, trong xã hội tình người. Do đó, sự đoàn kết hòa hợp, thương yêu đùm bọc lẫn nhau là sợi dây thân ái, liên kết đời nầy và đời sau trong xã hội, cũng như Chánh pháp, trong Giáo hội. Vì vậy, ca dao Việt Nam có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy là khác giống nhưng chung một giàn”. Nhân duyên quyến thuộc là như thế, sự phát triển vững mạnh và nhân rộng chính là tạo các môi trường gieo duyên với nhau, như mở trường lớp, các lớp giáo lý, đạo tràng khóa tu, sinh hoạt câu lạc bộ, tọa đàm, hội thảo, hội nghị; giảng dạy giáo lý, thuyết giảng Phật pháp, mở đàn giới, đàn quy y v.v… đều là nhân tố tích cực cho sự đoàn kết hòa hợp với nhau, đời này và đời sau. Nguyện đời đời kiếp kiếp làm bạn với nhau trong Chánh pháp. Đây thuộc Tâm từ bi, Ứng hóa thân Phật.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS GHPGVN giáo giới Chư Tăng, Ni tại chùa Giác Lâm - Kiên Giang
(ảnh Thích Tuệ Tánh)
4. Phương tiện cụ túc (đầy đủ về phương tiện thụ hưởng, thọ dụng).
Phương tiện tối thiểu, thụ hưởng tối thiểu là ước vọng của người tu hành thật sự. Do đó, cảm nhận được sự tự do qua ý nghĩ, hành động và lối sống trong cộng đồng xã hội đan xen tương tác tương thành.
Muốn đầy đủ về phương tiện thụ hưởng hay thọ dụng, thì bố thí, cứu giúp người nghèo đói, làm công tác từ thiện xã hội, tặng xe lăn, xe lắc, xây cầu, làm đường xá, tặng nhà tình thương, tình nghĩa, bếp cơm từ thiện, chén cháo tình thương v.v… Nuôi dưỡng người già, người nghèo khó cô đơn đến nơi đến chốn. Tạo điều kiện cho mọi người phát triển trong cuộc sống, thăng hoa trong lĩnh vực hoạt động đều đầy đủ, không kém, không dư, không bất túc, không hữu dư thái quá. Những phương tiện trên cơ sở Y báo có được trang nghiêm, thì tiếp tục duy trì phát triển vun đắp thêm, để sự thụ hưởng được đáp ứng tối thiểu trong hoàn cảnh cá nhân có được. Như thế gian thường nói: “Người khác ăn thì còn hoài. Mình ăn thì hết hẳn”. Do đó, mà nỗ lực tu tập bố thí, nhường cơm xẻ áo, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Làm tất cả công tác từ thiện xã hội. Đây thuộc Đại từ bi đức, nhiếp về Ứng hóa thân Phật, Bồ tát.
5. Giới thân cụ túc (đầy đủ về Giới).
Như Khế kinh Đức Phật day: “Vui thay sống có Giới. Vui thay sống có Định. Vui thay sống có Tuệ. Vui thay không làm ác” (PC 333). Qua lời huấn thị trên, cho thấy, không làm các điều ác, chính là Thân không làm ác (không sát sinh…); Miệng không nói lời độc ác (không nói dối); Ý không nghĩ đều ác (không tham sân si…) thành tựu ba nghiệp thanh tịnh. Đấy chính là Giới, mà Giới đã có thì Định phát sinh, đã có Định thì nhất định Trí tuệ vô lậu xuất hiện, thành tựu Giới Định Tuệ đồng thời và đầy đủ ngay Thân, Miệng, Ý của chúng ta. Và chính đấy cũng là nền tảng cho sự chứng ngộ Đoạn đức (Hạnh đức – Giới), Pháp thân thanh tịnh. Tâm đức là Pháp thân, Chơn như thường trú (Định). Tuệ đức là Bát nhã, Bồ đề. Bát nhã đức, Pháp thân thường trụ, như Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Ba Thân vốn Tâm Ta. Bốn Trí tại Tâm Ta. Tâm Trí dung hòa không chướng ngại, Ứng hóa theo duyên mặc tùy hình”.
6. Định thân cụ túc (đầy đủ về Định).
Như Kinh A Hàm nói: “Mỗi khi tọa thiền đếm hơi thở. Dù đất chấn động, Tâm không động. Ấy là Thiền độ nên tu tập” (Kinh Tăng Nhất A Hàm). Tiến thêm một bậc về giáo pháp, như Kinh Bát Nhã nói: “Ngồi yên nơi thanh vắng. Lặng lẽ diệt điều ác. Đạm bạc được nhất tâm. Ba cõi không ai bằng”. Chính là đầy đủ các Thiền định, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, cho đến Kim cang Đại định, Lăng Nghiêm Tam muội v.v… Nói tóm lại là thành tựu Chánh định, Chánh thọ, thân tâm thanh tịnh, không còn phiền não khuấy động, Tam an định tĩnh, bình ổn trước mọi hoàn cảnh, biến thiên của cuộc đời. Như Cổ đức nói: “Trăng trong in khắp trong muôn dòng nước. Thông cổi tha hồ bốn gió rung. Xưa mê nay tỉnh là như thế. Đạo cả sâu xa lòng hiểu lòng”.
7. Tuệ cụ túc (đầy đủ về Trí tuệ).
Bằng trí tuệ thanh tịnh, tư duy quán chiếu hằng ngày đối với các pháp, như Đức Phật day: “Tất cả pháp là Khổ, là Vô thường. Tất cả pháp Vô ngã. Thường quán chiếu như thế. Nhất định được Đạo thanh tịnh” (PC 277 – 279). Với Trí tuệ tác quán liên tục đến các pháp xuất thế gian như: “Xưa Ta cùng các ông. Vì không ngộ Tứ đế. Nên bị sinh tử mãi, trong bể khổ sinh tử. Nay đã ngộ Tứ đế. Nên sinh tử không còn, không còn thọ thân sau” (Kinh Tăng Nhất A Hàm, Kinh Niết Bàn).
Đồng quan điểm và ý chỉ, Đức Phật dạy: “Vận dụng Trí tuệ sáng. Quán tất cả các pháp. Tâm giải thoát, Tuệ thanh tịnh. Ba cõi không ai bằng” (Kinh Bát Nhã). Như vậy, với sự tu tập, quán chiếu như thế thành tựu trí tuệ vô lậu.
Đồng thời, có thể thực hiện theo phương án sau đây, vẫn gọi là đầy đủ Trí tuệ, đấy là tu tập, thành tựu 5 loại Trí tuệ:
- Văn tuệ: Trí tuệ thành tựu được do nghe pháp…
- Tư tuệ: Trí tuệ thành tựu do suy tư về pháp…
- Tu tuệ: Trí tuệ thành tựu được do tu tập theo pháp…
- Giản trạch tuệ: Trí tuệ gạn đục khơi trong, lắng đọng phiền não, giảm nồng độ vô minh, thành tựu trí tuệ vô lậu từ từ.
- Sinh đắc tuệ: Trí tuệ được tích lũy từ đây cho đến đời sau tiếp tục phát sinh và tác dụng, còn gọi là Trí tuệ bẩm sinh.
8. Đa văn cụ túc (đầy đủ về sự học rộng, nghe nhiều).
Như Khế kinh dạy: “Ngu si sinh tử. Bồ tát thường nguyện quảng học, đa văn, tăng trưởng Trí tuệ, thành tựu biện tài. Giáo hóa nhất thiết” (Ngu si thì bị sinh tử luân hồi đau khổ. Do đó, Bồ tát thường nguyện học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng thêm phần trí tuệ, thành tựu bốn biện tài (Pháp biện tài, Nghĩa biện tài, Ngữ biện tài, Nhạo thuyết biện tài). Tức đầy đủ khả năng để thuyết pháp, vui thích, ưa thích, ham nói pháp cho chúng sinh nghe từ trí tuệ đạt được về giáo pháp, nghĩa lý, ngôn ngữ, danh từ, từ ngữ để diễn đạt giáo lý trong một thời pháp, một bài giảng giáo lý v.v…)
Cuối cùng phải thành tựu trí về không, gọi là Không trí. Do Không trí mới thấy Ngã không, Pháp không, tự tại hành sự Vô ngại giải thoát. Như Hương Hải Đại sư dạy: “Trời không cánh nhạn bay qua. Bóng in đáy nước xóa nhòa một khi. Nhạn không để bóng làm gì. Nước không giữ bóng bởi vì Vô Tâm”.
Nói tóm lại, phải hiểu thông về 12 Phần giáo pháp cũng như Tam tạng giáo điển Kinh, Luật, Luận của các Hệ phái Phật giáo Nam Bắc truyền, tuần tự dung thông vô ngại.
Chư Tôn đức lắng nghe giáo giới - (ảnh Thích Tuệ Tánh)
9. Ước nguyện cụ túc (đầy đủ về ước nguyện).
Là đệ tử Phật, không nguyện cầu, không thệ nguyện, không ước nguyện, không có chí nguyện, thì không phải là đệ tử Phật. Như Cổ đức nói: Không thệ nguyện, thì không thành tựu đạo quả (Tu hành vô thệ nguyện, đạo quả nan thành). Do đó, phải phát nguyện. Có thể từng bước như: Trên cầu chứng Phật đạo. Dưới thệ độ chúng sanh. Hay thệ nguyện phát triển ba căn lành, đoạn trừ ba độc phiền não, tham, sân si thành tựu ba căn lành vô tham, vô sân, vô si. Như khi dùng ba miếng cơm lạt đều nguyện:
- Nguyện đoạn trừ các điều ác (Đoạn đức: Giới luật nghi)
- Nguyện tu các điều thiện (Trí đức: Thiện pháp Luật nghi)
- Nguyện độ tất cả chúng sinh (Ân đức: Giới độ chúng sinh).
Từ Tứ đế phát nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ độ tận (Khổ đế). Phiền não vô tận nguyện đoạn trừ (Tập đế). Pháp môn vô lượng thệ học hết (Đạo đế). Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành (Diệt đế)”.
Nói rộng hơn, thành tựu 10 điều nguyện của Bồ tát Phổ Hiền:
10. Niết bàn cụ túc (đầy đủ về sự an vui).
Sống mà không an vui thì thật đau khổ. An vui có được chính là không có phiền não, tham sân si… Như Cổ đức nói: “Lửa lòng đã tắt từ lâu. Tự tâm thanh tịnh, một bầu thanh lương. Mưa từ, nước pháp cành dương. Chúng sinh lợi lạc, bốn phương đượm nhuần”. Do đó, Niết bàn không đâu xa, mà ở ngay nơi Ta và tại đây, và do chính chúng ta tạo nên (làm cho nó phát hiện). Như Kinh Pháp cú nói: “Ít bịnh là điều đại phúc. Biết đủ là kẻ rất giàu. Thành tín là bạn chí thân. Niết bàn vui vô thượng” (PC 204).
Tóm lại, cơ sở Tự viện v.v…., được xem như thành Niết bàn, Trụ trì, Pháp tánh của cơ sở là Bản thể Niết bàn. Trong đó, cơ sở là ngoại tướng Niết bàn; Tâm, Pháp tánh là nội tướng Niết bàn. Nội ngoại hiệp nhất, Tánh tướng hiệp nhất, dung thông vô ngại, hội tụ và lan tỏa.
Do đó, Niết bàn có ba cửa: Không, Vô tướng, Vô tác giải thoát. Như Kinh Bát Nhã nói: “Thành Niết bàn có ba cửa để vào. Do ba cửa nầy mà hành giả vào thành Niết bàn”. Do đó, cơ sở Tự viện còn được gọi là Tam môn thanh tịnh tuyệt phi ngu, Đàn na thí chủ quy y tăng phúc tuệ. Về nội tại có thể chứng minh “Mỗi bước dần đi chốn Niết bàn. Lướt dòng sinh tử chớ hề nan. Chân không dần bước trong ly niệm. Tịnh độ là đây, cũng Niết bàn”. (Đây thuộc Pháp giới Pháp thân thanh tịnh).
III. Kết luận:
Với trách nhiệm và ý nghĩa cao đẹp, nặng nề, Trụ trì cần trang bị, luôn luôn củng cố, bổ sung đầy đủ mười đức tính nầy ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần trưởng dưỡng thiện căn, tiêu trừ nghiệp chướng, tăng cường đạo lực, trang nghiêm Giáo hội trong hiện tại và tương lai. Mãi mãi sẽ là quyến thuộc với nhau trong Chánh pháp trong ngôi nhà chung GHPGVN, phúc trí trang nghiêm, chánh nhân, chánh quả, giải thoát thành Phật. Còn hiện tại là một thành viên tiêu biểu, trung kiên của Giáo hội, là chủ nhân xây dựng, củng cố, điều hành cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung bằng tinh thần Phật pháp, an lạc, giải thoát và vô trụ. Như Cổ đức nói: “Hoa mầu Bồ đề khắp trang nghiêm. Tùy theo chỗ ở thường an lạc”./.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn
Tài liệu tham khảo:
- Kinh Tạp A Hàm
- Kinh Hoa Nghiêm Sớ
- Kinh Hoa Thủ
- Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã.
*Bài viết đăng tải đã được sự cho phép của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS.