;
Hòa thượng Thích Thiện Chiếu - người hàng chục năm chăm sóc, yêu thương trẻ em mồ côi như con ruột.
Mỹ đối lập với Trung Quốc, Mỹ cháy hàng chục ngàn hecta rừng thì Trung Quốc lũ lụt mưa bảo dầm đề suốt hơn ba tháng liền làm khốn khổ, mất tích nhiều sinh mạng, tài sản trôi giạt.Thủy hỏa tương xung! Cái khổ vô tận của dân chúng Trung Quốc nói lên quả báo mà nhân quá khứ, theo tinh thần nhà Phật, hiện tại phải lãnh chịu.
Không hiểu luật nhân quả thì không thể chấp nhận những hiện tượng bất thường do cộng nghiệp đem đến. Lòng tham chiếm đoạt biển Đông thì trời cho nước ngập hơn biển Đông tại chỗ; Những tâm tham ác đối với nhân loại luôn phản hồi chính chủ, thế nhưng mấy ai hiểu rằng ”hàm huyết phún nhơn, tiên ô tự khẩu”. Những bất trắc nạn tai đều là bài học cho con người cảnh giác, phản tỉnh xét lại cách sống của mình.
Vô cổ bất thành kim: Không có xưa thì không có nay, không có nhân thì sao có quả. “dục tri tiền thế nhân, kim sanh sanh thọ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” nghĩa là: Muốn biết nhân kiếp trước, xem đời sống hiện tại, muốn biết quả kiếp sau, hãy xem việc làm hiện tại. Khi hoạn nạn không ai cứu giúp, một đất nước thiên tai không ai ngó ngàn giúp đỡ cho dù từng là môi với răng, môi hở răng lạnh, núi liền núi, sông liền sông; ngay cả thế giới cũng bỏ mặc cho đất trời trừng trị, phải xem lại mình.
Nhất thiết duy tâm tạo – tất cả do tâm cảm ứng, tâm đạo đức sẽ cảm ứng điều lành, tâm ác độc hại người bằng mọi hình thức cũng khó tránh quả báo. Trong nhà, tang gia bối rối không lo mà cứ muốn gây sự, cướp đoạt hàng xóm thì dó gọi là gì? Một quả báo kéo dài phải biết do nhân tích lũy quá lớn. Một đất nước nhỏ bé và nghèo như dân ta, biết nhường cơm xẻ áo lúc đồng bào hoạn nạn, đó là cái đức ươm mầm cho phúc lộc nở hoa.
Không làm ác mà tâm cũng không nghĩ ác. Virus trên đất nước Trung Quốc phát sanh thì Nhật đã chỉa sẻ, khích lệ, an ủi dân chúng Trung Quốc, khi nghe Nhật và các nước khác nhiễm bệnh thì họ tung hô cầu chúc, ăn mừng; tâm ác như thế sao khỏi chiêu họa? Đừng trách thế giới vô tâm trước cảnh thiên tai hiện nay.
Đời người không ai tránh khỏi lúc thạnh lúc suy; có nghiệp mới mang thân người; nghiệp nặng thì cuộc đời khốn đốn, nghiệp nhẹ cuộc sống an vui thanh thản. Đừng nhìn thấy người lúc lâm nạn mà chê cười. Nghiệp thân, nghiệp tâm do quá khứ quy tập, hay do vô tình đem đến mà ta thường nói – tai bay họa gửi.
Một nhãn tên trên hủ cốt chùa Kỳ Quang 2 do thợ di dời làm vệ sinh, bị rơi ra, chuyện quá nhỏ, nhưng tại sao truyền thông bẩn biết mà tri hô khích động giới bình dân thiếu hiểu biết hô hoán, chửi mắng nhà sư thậm tệ! chắc gì trong số đó có người gửi tro cốt thân nhân ở chùa.
Phải chăng đây là một âm mưu làm nhục Phật giáo mà lâu nay một số truyền thông từng khích động gây phẩn nộ, gây ác cảm với PG. Quần chúng thiếu bình tĩnh đã đành, một người tự nhận là đảng viên bốn nhiệm kỳ làm ủy viên UBMT TQ Quận 12 “đòi chôn sống nhà sư” là HT. Thích Thiện Chiếu là thế nào? Nhân cách một đảng viên được đào tạo thế ư?
Người đàn ông phát biểu tự xưng là uỷ viên UBMT TQ quận 12 đòi chôn sống HT Thiện Chiếu - ảnh chụp màn hình video clip.
Phía truyền thông hành động có ác ý, phía quần chúng thiếu hiểu biết, do hạt giống sân hận tích lũy sẵn, đợi có dịp bùng phát đốt cháy cả rừng công đức mà không biết.
Theo kinh Pháp cú phẩm ác, Phật dạy:
119. “Người ác thấy là hiền.
Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác nghiệp chín muồi,
Người ác mới thấy ác.”
125. “Hại người không ác tâm,
Người thanh tịnh, không uế,
Tội ác đến kẻ ngu,
Như ngược gió tung bụi.”
Đối với nhà sư bị hàm oan, điều tâm niệm nhà Phật - Oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ thì hèn nhát mà trả thù thì ân oán kéo dài.
Một nhà sư bị vu oan có con rơi, họ đem con giao, ngài bảo –Thế à – thời gian sau do lương tâm kẻ vu vạ cắn rứt, bèn đến xin nhận con lại và sám hối, ngài lại bảo – Thế à! HT. Thiện Chiếu đứng ra nhận lãnh mọi sai trái của đệ tử đó là nhân cách của bậc trượng phu.
Lời trình bày của anh em thợ hồ đủ minh oan cho người. Việc người nhịn ăn là để tự mình sám hối nghiệp chướng, nếu có, trong quá khứ, cũng có thể sám hối cho những người thiếu bình tĩnh đã xúc phạm bậc chân tu.
HT. Thích Thiện Chiếu cùng các em nhỏ ở mái ấm tình thương chùa Kỳ Quang 2 (154/4A đường Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh Báo SGGP.
Rất tiếc, do áp lực truyền thông, Giáo hội muốn trấn an, dập tắt cơn phẩn nộ của quần chúng, GH vội ra văn thư tạm đình chỉ chức trụ trì của HT Thiện Chiếu. Tuy Kỳ Quang trực thuộc GH trên mặt pháp lý, ngoài ra còn là một hệ phái có nhiều cơ sở, làm từ thiện; việc đưa một đệ tử lên thay quyền thầy một cách vội vả là một sỉ nhục trong tông phong.
Thay vì một văn thư phản cảm gây phẫn nộ trong Phật giáo như thế, Giáo hội cần có một văn bản mang nội dung trấn an quần chúng không kém hiệu quả:
“…trước tình hình chưa được kiểm chứng tại chùa Kỳ Quang, trong thời gian tìm hiểu, tạm thời đề cử TT. Quang Thạnh thay việc quản lý mọi sinh hoạt trong chùa để HT. Thiện Chiếu được an tâm tu tập…”
Qua sự kiện, luật Đạo không phạm mà luật đời cũng không. Nếu thật sự hệ trọng xúc phạm đến đức tin quần chúng, Giáo hội quận Gò Vấp và chính quyền quận cùng hợp tác điều tra cho rõ ngọn ngành; một sự việc cho là kinh hải mà chỉ giải quyết bằng văn bản trong thời gian ngắn thế sao? Nếu không quan trọng, cần gì phải Giáo hội Thành phố nhúng tay vào một cách khó hiểu? Chỉ cần nội bộ chùa hoặc tông môn cũng đủ khả năng giải quyết ổn thỏa. Có hợp tình hợp lý thiên hạ mới tâm phục khẩu phục, nội tình không xào xáo.
Lâu nay Giáo hội quá nhạy cảm, nghe truyền thông đưa tin là vội hành động như đĩa phải vôi, áp đảo nội bộ, mục đích là trấn an quần chúng và chận đứng truyền thông, đây là cách mở đường cho hươu chạy, tạo tiền đề cho những kẻ ác tâm tiếp tục đánh phá Phật giáo.
Trong thời gian qua, Phật giáo luôn là nạn nhân của một số truyền thông bẩn, khi mà xã hội đang đối phó với nạn dịch thế kỷ, biên giới bị lăm le đe dọa, truyền thông nên tiếp tay trấn an dân chúng hơn là khích động xáo trộn xã hội, với ác tâm mà hậu quả không tránh khỏi về sau.
Giáo hội Trung ương cũng như Thành phố, tổ chức có Ban Pháp chế, Ban Giám luật mà một văn bản không cần tham cứu chu đáo thử hỏi hành chánh thế nào, luật đạo thế nào để một kẻ phàm tục đòi chôn sống bậc chân tu? Bộ mặt Phật giáo dưới mắt quần chúng bây giờ như cọng rác, ai muốn chà đạp cũng được?
Đồng ý tinh thần nhà Phật chuyện khen chê, mắng chửi là lá rơi theo cơn gió, không có gì quan trọng, nhưng đã là một tổ chức hành chánh song hành với bao tổ chức trong xã hội, cần phải có uy tín, thanh danh.
Qua sự kiện giao động lớn trên thế giới, do cộng nghiệp tích lũy lâu đời, con người phải cam chịu trước thiên tai, dịch bệnh, muốn giảm phải biết tích lũy âm đức bằng hành động nhân ái và tâm thiện lành. Cá nhân con người, ngoài cộng nghiệp còn có biệt nghiệp.
Chùa Kỳ Quang là một biệt nghiệp lãnh chịu, mọi người cần lắng đọng tâm tư để nhận biết phải trái, đúng sai khi vu vạ cho một người hiền, quả báo không nhỏ. Cuộc sống không ai hoàn toàn đúng, chả ai hoàn toàn sai, bởi – Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội phạm nào cũng có tương lai. Hiện tượng và bản chất đôi khi không thể là một.
Chỉ có sự trầm lắng tâm tưởng như mặt nước hồ Thu mới thấy tận đáy lòng sự việc đúng sai.
Giáo hội cần cẩn trọng khi ra văn bản quyết định nội tình Phật giáo.
Quần chúng cần bình tĩnh xét đoàn đúng lý đúng tình khi hô hào theo phong trào.
Người làm truyền thông cần có lương tâm khi điều hướng quần chúng có lợi xây dựng nhân cách làm người.
Người cán bộ khi tham gia sự kiện trong xã hội cũng cần có phẩm cách của một con người được đào tạo đạo đức cách mạng, vì đất nước trong thời bình không thể như lúc chiến tranh muốn chôn sống ai cũng được.
Hy vọng đất nước sẽ trầm lắng sau những dao động ngoài ý muốn.
14/9/2020