;
Chùa “2 trong 1”
Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa cho biết, phần được xác lập kỷ lục châu Á của chùa là kiến trúc “Liên hoa đài” mà nhân dân vẫn thường gọi là “chùa Một Cột”. Thực tế, đây là một phần kiến trúc của chùa Diên Hựu.
Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, cái tên “chùa Một Cột” dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người nên kiến trúc “Liên hoa đài” được coi là một ngôi chùa. Vì thế, nếu coi phần “Liên hoa đài” là một ngôi chùa thì quần thể Diên Hựu – Một Cột sẽ có hai ngôi chùa trong một di tích.
Đối với các tranh luận về tên gọi của ngôi chùa hiện nay, quan điểm của Đại đức Thích Tâm Kiên là có thể sử dụng bằng cả hai cách gọi là chùa Diên Hựu hoặc chùa Một Cột cho di tích này, vì bằng cách gọi nào thì mọi người vẫn sẽ hiểu.
Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, kiến trúc “Liên hoa đài” được ra đời trước, sau đó phần chùa chính mang tên Diên Hựu xây dựng sau nằm cùng trong một quần thể.
Tra trong các tài liệu lịch sử thì chùa có nguồn gốc từ một giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, nhà vua đã thuật lại giấc mơ và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá ở giữa đất và làm tòa sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng, sau đó cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ.
“Liên hoa đài” được tạo hình bởi một trụ đá gồm hai khối, được gắn rất khéo léo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Tầng trên là một khung gỗ kiên cố đỡ ngôi đài với mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có hình “lưỡng long chầu nguyệt”.
Sự độc đáo của kiến trúc là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. Ở chùa Một Cột là sự kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét.
Chùa bị… cá xâm hại
Trước đây, chúng tôi đã từng có nhiều bài viết về sự xuống cấp của quần thể chùa Diên Hựu – Một Cột nhưng đã nhiều năm nay, quần thể di tích quan trọng này vẫn chưa được trùng tu vì còn chờ các cuộc hội thảo…
Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, ông rất vui mừng khi chùa nhận được kỷ lục châu Á. Tuy nhiên, nhà chùa vẫn khá lo lắng bởi mỗi khi trời đổ mưa thì chùa vẫn thành ao và tượng Phật của chùa vẫn tiếp tục phải mặc… áo mưa. “Nếu cứ để lâu, tôi cũng không rõ có ảnh hưởng gì đến danh hiệu được nhận hay không?!”, ông nói.
Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết thêm, vì thường xuyên mưa ngập nên các loại cá trong ao chùa phát triển rất nhanh. Cá khiến hoa sen vốn là một phần hồn cốt của hồ Linh Chiểu không thể sinh sống. Nhà chùa thường xuyên cho đánh bắt cá và trồng lại hoa sen nhưng nhiều năm nay, không cây sen nào có thể sinh sống nổi vì đàn cá quá đông.
Đàn cá phát triển nhanh do có nhiều người mang cá tới hồ thả phóng sinh. Thêm vào đó, mỗi khi mưa lớn, chùa ngập thì cá ở nơi khác lại tràn về và nước rút đi thì chúng ở lại trong ao. Theo Đại đức, nếu di tích chùa Một Cột – Diên Hựu có thêm phần hoa sen nở trong hồ Linh Chiểu như xưa kia thì cảnh quan của chùa sẽ được nâng cao giá trị.