;
Trong quá trình duy trì hoạt động của đường dây nóng miễn phí về bảo vệ ĐVHD 1800-1522, ENV thường xuyên tiếp nhận phản ánh của người dân về một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD như sau:
- Thứ nhất, một số nhà chùa trên cả nước nuôi nhốt ĐVHD và lưu giữ các mẫu vật ĐVHD không có giấy chứng nhận nguồn gốc hợp pháp.
- Thứ hai, nhiều loài ĐVHD bị buôn bán trái phép gần khu vực các chùa để phục vụ phật tử thực hiện hoạt động phóng sinh tại chùa. (Danh sách các vụ việc đính kèm).
Được biết, các hoạt động phóng sinh, nuôi nhốt ĐVHD thể hiện sự nhân đạo của nhà chùa. Tuy nhiên, nếu các hoạt động này không được kiểm soát và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD thì không những gây ảnh hưởng đến hình ảnh của các nhà chùa mà còn tác động tiêu cực đến nỗ lực bảo vệ ĐVHD ở Việt Nam. Cụ thể như sau:
1. Các loài được nuôi nhốt, phóng sinh tại chùa như vượn, khỉ, rùa đất lớn, rùa hộp lưng đen, rùa núi vàng, rùa núi viền, rùa đất pulkin đều là những loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ cấp độ cao theo quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế.
Cụ thể, các loài vượn nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP và Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Các loài khỉ và rùa nói trên đều nằm trong Nhóm IIB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 và nằm trong Phụ lục II của CITES v.v... Hành vi nuôi nhốt trái phép những loài này đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và quốc tế về bảo vệ ĐVHD.
Việc mua, cho phép phóng sinh tại chùa các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm này cũng tiếp tay cho một số không ít các đối tượng buôn bán trái phép ĐVHD. Theo quy định hiện hành của pháp luật, những hành vi nuôi nhốt, buôn bán ĐVHD trái pháp luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 500 triệu đồng theo quy định tại Điều 21, 23, 24 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 41/2017/NĐ-CP) quy định xử phạt hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản hoặc xử lý hình sự lên đến 15 năm tù theo quy định tại Điều 234 và 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Hằng năm, có rất nhiều phật tử, người dân đến thắp hương, vãn cảnh tại chùa. Chính vì vậy, việc nuôi nhốt ĐVHD tại các chùa không những vi phạm pháp luật mà còn vô hình chung khuyến khích cộng đồng nuôi nhốt ĐVHD. Hơn thế nữa, trong một số trường hợp, việc nuôi nhốt ĐVHD trong các điều kiện vật chất kém cũng gây phản cảm, trái với quan điểm, giáo lý nhân đạo của nhà Phật.
3. Hầu hết các loài rùa (được liệt kê ở trên) trên thực tế khó tồn tại trong môi trường ao chùa. Do không có kiến thức về sinh học, khi đến chùa phóng sinh, người dân vô tình đã thả các cá thể rùa cạn hoặc rùa biển xuống nước ao, khiến chúng chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được phóng sinh. Có thể thấy rằng, ngược lại với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng phóng sinh ĐVHD xuống ao chùa là việc thiện, trên thực tế, chính hành động đó đã giết hại các cá thể ĐVHD. Nếu muốn bảo vệ ĐVHD, cách tối ưu nhất là không mua bán, nuôi nhốt hay tiêu thụ các loài ĐVHD và để chúng được sống trong môi trường tự nhiên.
Trước thực trạng đó, EVN kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử trên cả nước về việc:
(1) Không nuôi nhốt trái phép các loài ĐVHD tại nhà chùa.
(2) Chuyển giao những cá thể ĐVHD còn sống đang bị nuôi nhốt (nếu có) tới các trung tâm cứu hộ được nhà nước cấp phép.
(3) Chuyển giao các mẫu vật từ ĐVHD đến các cơ quan chức năng để tiêu hủy hoặc trưng bày tại các bảo tàng, cơ sở nghiên cứu khoa học.
(4) Không mua, bán, nuôi nhốt các loài ĐVHD để phóng sinh.
(5) Việc phóng sinh phải phù hợp với đặc tính sinh học của các loài ĐVHD.
ENV luôn sẵn sàng giúp đỡ những trường hợp có liên quan liên hệ và điều phối chuyển giao ĐVHD đến các trung tâm cứu hộ được cấp phép theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) là một tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) được thành lập từ năm 2002 với mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học của đất nước thông qua việc hỗ trợ các cơ quan chức năng tăng cường thể chế, chính sách và thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) cũng như khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ ĐVHD. ENV hiện cũng đang duy trì một đường dây nóng miễn phí thông báo vi phạm về ĐVHD 1800-1522 thường xuyên tiếp nhận thông tin từ người dân và hỗ trợ cơ quan chức năng trong công tác xử lý các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD. |
Kim Tâm - Ban TTTT PGVN