;
Dạy trẻ thông minh sớm - chuyện không của riêng ai
Tôi kiêm thêm vai trò lái xe và 05h00 sáng rời nhà lên đường. Hải Phòng thẳng tiến. Tại trụ sở của Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hải Phòng có hơn 80 hội viên của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em địa phương đã đợi sẵn để tổ chức đại hội. Nhìn những khuôn mặt tuổi không còn trẻ nhưng tinh thần rất trẻ tề tịu để cùng bàn về trẻ em, cùng nghĩ cách bảo vệ và giúp đỡ trẻ em, tôi vui quá. Thật sự vui.
Theo tôi được biết, hầu hết các hội được thành lập ra để làm sân chơi cho chính mình và bảo về quyền lợi của chính mình: Hội nông dân là dành cho nông dân. Hội cựu giáo chức dành cho các thầy cô giáo đã nghỉ hưu. Hội nhà báo dành cho giới báo chí. Hội Xuất bản dành cho dân xuất bản…. Nhiều lắm. Tính ra chắc cả trăm hội. Tuy nhiên có rất ít các hội lập ra để vì người khác, trong đó có hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam.
Đa phần những ai tham gia Hội là những người tâm huyết với trẻ em. Nhiều anh chị từng làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ đến khi nghỉ hưu. Nhiều anh chị làm công đoàn, lao động, xã hội,… cũng cùng chung tay gánh vác nhiệm vụ. Có cả những doanh nghiệp và những cá nhân. Cái chung của những con người ở đây là vì “thế giới ngày mai”.
Hôm nay tôi có dịp lái xe chở Chủ tịch Hội và có 1 ngày bên bà. Bà Trần Thị Thanh Thanh nguyên là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ Trẻ em. Tôi biết bà tình cờ trong chuyến đi thiện nguyện tại tỉnh Thái Bình để đến với các cháu bị chất độc da cam ở đây, quãng 5 năm về trước. Tôi bị ấn tượng với sự nhẹ nhàng nhưng khá quyết đoán, nụ cười thân thiện và sự nhiệt tình của bà. Bà và đoàn còn về thăm bố mẹ tôi ở vùng quê xã Đông Hòa, huyện Đông Hưng, trong khi bà chưa biết sâu về tôi. Sự quan tâm và ân cần của bà làm tôi xúc động để rồi sau này tôi được tham gia Hội từ ngày còn phôi thai.
Nhiều câu chuyện của vị Bộ trưởng này làm tôi khó quên. Nhưng có lẽ câu chuyện về việc xóa vùng đất ăn xin Thanh Hóa là tôi ấn tượng hơn cả. Vấn đề là ở chỗ khi đó nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa cấp giấy giới thiệu cho người dân đi ăn xin. Chuyện lạ có thật! Và người ta đi ăn xin không phải là vì nghèo đói mà ăn xin về xây nhà, mua xe, đóng giường và… làm giàu. Bà Bộ trưởng phải làm 1 dự án, huy động rất nhiều nhân lực, cùng giờ G (4h sáng) đồng loạt ra quân kiểm tra những người ăn xin đang tá túc tại Hà Nội. Chỉ sau khi có đủ căn cứ và số liệu mới về làm việc với lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của Thanh Hóa. Trọng điểm và trung tâm lúc đó là xã Quảng Thái.
Chuyện thú vị là lãnh đạo các cấp ở Thanh Hóa chối đây đẩy chuyên địa phương có người đi ăn xin. (Không biết là do họ không biết thật hay đùn đẩy trách nhiệm hoặc cố tình trốn tránh!). Tuy nhiên với những căn cứ rõ ràng và quyết tâm bảo vệ trẻ em, bà Bộ trưởng đã thuyết phục được địa phương tìm cách cho các cháu ở quê và dạy nghề. Cuối cùng, sau nhiều năm với biết bao cố gắng và quyết tâm bền bỉ, dự án đã thành công và bây giờ trẻ em Thanh Hóa ít đi ăn xin lắm rôi!
Tôi ngồi gõ những dòng chữ này và chợt nghĩ, nếu hồi đó, Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh không quyết liệt, không làm đến cùng thì không biết tỷ lệ trẻ em Thanh Hóa thất học là bao nhiêu và bây giờ tệ bạn ăn xin sẽ như thế nào. Một xã ăn xi về làm giàu, các xã khác cứ thế bắt chước. Người nghèo là người ở nhà chăm chỉ làm ăn, không đi ăn xin.
Bạn có tin câu chuyện ông chủ tịch xã nói với vơ mình rằng đừng đi ăn xin nữa, xấu mặt ông, thì bà vợ trả lời: “Cứ để mẹ con tôi đi nốt chuyến này. Đóng xong nốt cái tủ tôi sẽ không đi nữa!”
Chuyện thứ 2 là xóa tệ bới rác tại bãi rác Đông Thạnh tại TP HCM. Đấy là câu chuyện của những năm 90 của thế kỷ trước. Vấn đề là ở chỗ mỗi ngày có đến gần 2.000 (hai ngàn) người đến nhặt rác, kiếm sống ở đây trong đó có đến mấy trăm em nhỏ từ lứa tuổi 7 đến 16. Bà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em đã đích thân xuống tận nơi và không chỉ 1 lần. Bà cũng thu thập chứng cứ và số liệu để sau đó về làm việc với lãnh đạo 7 tỉnh miền tây. Để cuối cùng bãi rác đóng cửa. Để kết quả là trẻ em đã được bảo vệ, được học nghề, được chăm sóc.
Nhân đây tôi nhớ lại câu chuyện 1 người bạn nước ngoài biết bãi rác Đông Thạnh đã chở vợ mình đến mục sở thị. Khi nhìn thấy mấy ngàn chiếc đèn chiếu sáng rực góc trời ban đêm như sao sa họ rất ngạc nhiên. Tuy nhiên khi chứng kiến cảnh hàng trăm người xô ra, chen lấn bới rác mỗi khi có xe rác về, làm bà vợ anh bạn… ngất và …không ăn được đến mấy ngày! Họ sợ quá. Sợ sự mất an ninh. Sợ cái bẩn đến khủng khiếp. Sợ tính mạng hiện tại và tương lai của những đứa trẻ.
Những câu chuyện về việc bảo vệ và chăm sóc trẻ thơ của nguyên Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh thì nhiều lắm, chắc phải cả cuốn sách cũng không hết. Tuy nhiên khi nhìn thấy những gì bà đang làm tôi khâm phục hơn. Bà bây giờ đi làm bằng xe ôm. Bà vẫn lọ mọ đến từng nơi, thăm từng hoàn cảnh. Bà vẫn vận động chính sách, làm việc với các địa phương. Bà làm việc không có ngày nghỉ. Tất cả chỉ vì trẻ em.
Hiện nay Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đang lần lượt mở ra tại các tỉnh thành trên cả nước. Mỗi lần vào Sài Gòn tôi hay đến văn phòng phía nam để làm việc cùng với bà Lê Thị Thu, cũng 1 vị nguyên Bộ trưởng khác rất rất tâm huyết vớ trẻ em. Trong nam, những người lo cho trẻ còn tổ chức bữa cơm Thiên Phước tự nấu tự phuc vụ để mời những ai có tâm với trẻ đến ăn, vui, chơi. Toàn bộ tiền thu được dành cho trẻ kém may mắn. Các chị không chỉ tự nấu mà còn tự hát, tư biểu diễn rất hay phục vụ khán giả. Lần vừa rồi tôi có tham dự và thấy cũng gom được cả trăm triệu tiền thiện nguyện đóng góp tại chỗ. Thế là lại thêm 1 số hoàn cảnh khó khăn lại được cứu giúp rồi.
Tôi biết Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tại Huế và Bắc Giang đang rất mạnh. Ở Huế có chị Hòa rất tâm huyết. Còn ở Bắc Giang có chị Lợi toàn tâm toàn ý. Các chị rất tích cực và hết mình vì trẻ thơ. Còn tại HN thì có biết bao nhiêu anh chị, kể tên không hết, đang ngày đêm vì các cháu nhỏ, vì trẻ thơ. Điển thú vị là lần nào đến văn phòng Hội cũng được ăn gì có. Chị Lan Minh bảo, cứ ai thấy gì ngon thì mua mang đến cùng ăn cho vui. Làm việc và cống hiến cho trẻ, “vác tù và hành tổng” mà vui hơn tết.
Tôi muốn mượn lời các bài hát do các cháu thiếu nhi trường Nguyễn Huệ quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng đã hát mừng Đại hội làm lời kết. Các cháu hát rằng, “Điều em muốn là 1 niềm tin. Đây là niềm tin của ngày mai”. Các con hát rằng “Bàn tay mẹ vì chúng con. Bàn tay mẹ bế chúng con. Bàn tay mẹ chăm chúng con. Trời nóng bức, gió từ tay mẹ. Trời giá rét, ấm từ tay mẹ”. Các bé ca tiếp và tuyên bố rất dõng dạc “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Thê hệ tương lai của chúng ta múa về phép lạ của chú gà nở ra từ quả trứng,. Các con biểu diễn khúc tình nhân ái. Tôi cầu mong cho các em, tất cả các em được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô và người lớn.
Xúc động lắm. Ngồi gần cạnh tôi là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Lê Hữu Nghĩa. Ông vỗ tay liên tục. Ông cười và tâm đắc liên tục. Tôi đọc từ mắt ông tình yêu thương với trẻ. Chẳng vậy mà ông cũng từ Hà Nội xuống chung vui với Hải Phòng.
Ôi, quý làm sao những tấm lòng. Ôi, Mong sao trẻ em trên khắp cả nước được bảo vệ và chăm sóc.
TS Nguyễn Mạnh Hùng
Ủy viên BCH TW hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam