;
Bảo tháp của các Tăng ni nghĩa sĩ Phật tử ở chùa Cổ Lễ, tỉnh Nam Định (nguồn ảnh internet).
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài. Quá trình phát triển, Phật giáo đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo trở thành những căn cứ che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhiều nhà sư nêu cao tinh thần đại sĩ chính nghĩa tham gia phong trào “cởi cà sa khoác áo chiến bào” lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.
Trước hết nói về Di tích, di tích là nơi các vị Tổ sư cùng đạo hữu và nhân dân bách tính Tam Bảo thập phương, góp công góp sức trải qua nhiều thế hệ cùng với bản tự trụ trì làm nên nổi bật về tiên cảnh, có ý nghĩa đặc biệt non nước hữu tình danh lam thắng cảnh, đậm sâu văn hóa hoặc những nơi do bảy chúng hàng đệ tử Phật xây dựng nên.
Do giác ngộ tinh thần Đạo Phật. Đó là đền báo tứ ân, đó là hộ quốc an dân, như kinh Kim Quang minh lời Phật dạy, nên những người con Phật. Mang tư tưởng, phụng đạo yêu nước phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật, chăm sóc người bệnh là cúng dường chư Phật, vì lý do đó trải qua biết bao đời Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, cụ thể là năm 1954.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước. Phật giáo đã đem hết sức mình có nhiều hy sinh, biết bao người đã ngã xuống phục vụ cho hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tại chùa Trấn Quốc đã hưởng ứng tham gia tinh thần, Phật giáo đã làm lễ xả giới cho hơn 50 sư trẻ gọi là “cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Lên đường tòng quân nhập ngũ để bảo vệ đất nước thân yêu của chúng ta, về sau phần nhiều đã hy sinh không ai quay về chùa nữa,đây là lời kể của hòa thượng Kim Cương Tử trụ trì chùa Trấn Quốc Hà Nội.
Ở tỉnh Nam Định cũng có 30 sư tòng quân nhập ngũ. Theo khẩu hiệu giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh chưa nói các chùa ở các tỉnh thành đã chung sức chung lòng làm thuốc nam chữa bệnh, nuôi dấu phục vụ cho du kích địa phương. Chính những mầm móng giác ngộ từ những người con Phật nơi mái chùa cổ kính thân thương, Phật giáo đã cống hiến hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Phần nhiều những ngôi chùa có đóng góp lớn lao, đều được xếp vào hạng di tích hoặc những nơi do các vị thiền sư đắc đạo hoặc do truyền thống Tổ tiên những người con Phật có tinh thần yêu nước mãnh liệt, như danh tướng Lý Thường Kiệt cũng là một người Phật tử, chính những nơi được xếp vào hạng di tích những nơi ấy Nhà nước cần nên quan tâm hơn.
Nhiều ngôi chùa, đặc biệt là chùa miền Bắc nếu có các lễ hội, các lễ hội thường là do các Tổ sư trải qua nhiều đời cùng với bà con nhân dân tín đồ Phật giáo khởi xướng được sự chấp thuận của vua, quan và chính quyền lúc bấy giờ từ đó truyền thừa đến ngày nay.
Ngoài những lễ hội còn có những ngày “truyền thống” trong Phật giáo như lễ Khánh đản của Đức Phật, các vị Bồ Tát, các vị Tổ sư trụ trì hoặc Tổ khai sơn. Với tinh thần phương tiện, kết nối nhân dân Phật tử, gieo duyên mọi người về chùa lễ Phật, nhận sự cúng dường để duy trì hoạt động, tạo nên nét văn hóa tâm linh trong đời sống của mỗi người.
Những lễ hội, những ngày “truyền thống” đó đã gieo duyên cho người dân, tín đồ vừa mưu cầu đời sống tinh thần tâm linh nhưng cũng tạo cơ hội cho họ có những đóng góp vật chất nhất định để ngày nay hàng hậu sinh tiếp nhận những địa chỉ tâm linh những di tích văn hóa có giá trị.
Những hạng mục của nhà chùa được kiến thiết xây dựng như: Phật đường, Pháp đường là nơi lưu trữ kinh sách,Tăng đường là nơi ở của nhà sư, Trai đường là nơi ăn uống và bếp,Tổ đường là nơi thờ phụng các vị Tổ sư tiên nhân, Giảng đường là nơi nghe giảng và học giáo lý, Thiền đường là nơi để cho thiện trí thức và vua quan đến tỉnh tâm tọa thiền, Niệm Phật đường là nơi cho Phật tử tín đồ tu tịnh độ công phu..
Theo góc nhìn của nhân gian, lễ hội là nét đẹp văn hóa, qua một năm làm việc mệt nhọc, đi lễ hội được thư thới lòng người thấy bình an nhẹ nhàng nơi chốn tâm linh, tạo nên tinh thần phấn chấn an vui,tạo tinh thần tốt làm động lực kinh doanh buôn bán lao động sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, cần duy trì và phát huy những văn hóa tốt đẹp ấy.
Trải qua một thời gian dài Chư tăng vì lý do tinh thần cách mạng, hoặc do thầy Tổ khuyên bảo với sự kêu gọi của Nhà nước nên hầu hết các sư đều hoàn tục tất cả tập trung cho tiền tuyến, chư Tăng nhiều nơi làm lễ xả giới tham gia vào hai cuộc chiến tranh, thiếu hẳn người kế thừa, lúc bấy giờ cảnh chùa nhiều nơi hoang tàn chẳng người đèn nhang hương khói nên chính quyền địa phương mới cắt cử người trông coi chùa gọi là “ông từ giữ chùa”,sống lâu ở chùa trở thành nếp, là người tại gia nên phải có chính quyền kiểm soát.
Phật giáo miền Bắc đã đứng mũi chịu sào biết bao là sóng gió, vẫn giữ vững tâm Bồ đề kiên cố không lay động chuyển biến của dòng đời, các ngài chính là những vị Bồ tát hóa thân vậy.
Chúng ta hôm nay có được đầu tròn áo vuông, có được sự hành đạo dễ dàng, có được sự cả nước, đạo tràng mở mang xương minh, chính nhờ công quý ngài đã nhẫn nhục tu hành, hành theo lục độ vạn hạnh qúy ngài là bóng cây đại thụ che mát cho đàn hậu tấn.
Qúy ngài đã chịu thiên ma bách chiết, mới chèo lái được con thuyền trang nghiêm, giáo hội từ trung ương đến địa phương. Phật giáo chúng ta phát triển mỗi ngày mỗi tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước và dân tộc, tô thắm thêm văn hóa sâu đậm ngày càng phát triển và đổi mới.
Một điều còn chưa thông suốt và gây ra nhiều cảm xúc không vui cho Tăng ni tín đồ Phật tử và những người yêu mến đạo Phật là những bất cập và thiếu thực tế của dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức,tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội của Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính và các ban nghành liên quan có sự điều chỉnh, tránh việc khi áp dụng quản lý mà tác động lớn đến đời sống và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Bài cảm tác:
Tỳ nại da tạp sự ghi
Trong luật căn bản đều chi tỏ bày
Chư Tăng trong giai đoạn này
Sống chung tu tập, nương thầy Như Lai
Thường ngày khất thực, đó đây
Sinh hoạt trụ xứ chuyện này đã lâu
Phật xưa vẫn nhận cúng dầu
Cử thầy tri sự nhận thâu cho người
Thiện tín dâng cúng tốt tươi
Kẻ nhiều người ít tươi cười như nhau
Thảy không phân biệt nghèo giàu
Tâm thành dâng kính trước sau hòa đồng
Phật dạy tri khách giữ lòng
Chớ mà phân biệt thật không xứng gì
Dầu nhiều dầu ít những chi
Chẳng nên để ý phân bì so đo
Học đạo giải thoát tự do
Dầu đèn phương tiện giúp cho đêm tàn
Giúp cho ánh sáng thường quang
Giúp cho ánh sáng soi đàng ban đêm
Tăng già bệnh hoạn càng thêm
Gíup cho sinh hoạt, chớ quên ân người
Ơn người quý lắm ai ơi…
Ngày nay công đức tới nơi cửa thiền.
Người thì cầu nguyện gia tiên
Đem tiền cúng Phật để yên cửa nhà.
Người thì nhớ ơn Phật Đà
Lòng thành công đức, hương hoa cúng dường
Người thì dốc chí tựa nương
Thương con thương cháu ở phương xứ người
Người thì phát tâm tốt tươi
Dâng dầu dâng nến đến nơi cửa thiền
Người cầu gia đạo bình yên
Người thì cầu tự, chút tiền dâng lên
Người thì gởi lễ chốn thiêng
Dưới trên hòa thuận bình yên cả nhà
Người thì báo đáp công cha
Mồng năm ngày tết nữa là ơn sư
Người thì có chút thừa dư
Cầu phúc, cầu đức gia cư vững bền
Người thì tạ lễ Phật tiền
Giúp cho họ được hiểu nền đạo cao
Người thì chuộc lỗi năm nào
Sơ suất tạo nghiệp núi cao chất chồng
Người thì bớt lương ít đồng
Thêm vào tu sửa phòng trong Tăng đường
Người thì cảm động lòng thương
Những lời pháp nhủ sư thường dạy khuyên
Người thì giác ngộ bình yên
Cầu cho nhân loại muôn miền như ta
Người thì mến đạo Thích Ca
Đem dâng chút ít để mà tạo duyên
Người thì tâm ý lòng hiền
Công đức mong được não phiền tiêu tai
Giúp cho an lạc lâu dài
Cầu phúc cầu đức ai ai khác lòng
Trăm người vạn ý cầu mong
Nhưng đều có ý vun trồng cội đức
Đã là cội đức như vầy
Đem tiền công đức sư thầy phải hay
Nhà sư khất thực đó đây
Mới là chính thống những ngày Phật khuyên
Nước nhà văn hóa khác miền
Chẳng được khất thực não phiền người tu
Người tu có chút công phu
Nhờ đức, lộc Phật công ơn Tổ thầy
Hoặc là thất chúng đủ đầy
Công phu bái sám những ngày đã qua
Hội hè, Tổ chế ấy mà
Làm sai ý Tổ chẳng thà đừng nên
Ý Tổ thường dạy thường khuyên
Công phu buổi sáng ba miền như nhau
Hoàn kinh bài sám ngỏ hầu
Xin trích một đoạn tóm thâu như là
“Hiện vi dược thảo cứu liệu trầm kha.
Cơ cẩn thời nhi hóa tác đạo lương
Tế chư bần nổi”
Từ bi chính là gốc cội
Việc nhà sư luôn tìm lối cứu người.
Góp phần xã hội tốt tươi
Vâng lời Phật Tổ giúp đời ai ai
Xin trên thấu rõ trong ngoài
Mong rằng xét nét an bài mới hay
Trợ duyên giúp sư những ngày
Tu thành đạt đích vui vầy gì hơn
Nguyện cầu hết thảy giang sơn
Ấm no hạnh phúc chính chơn nước nhà
Văn hóa tiếp bước theo đà
Văn minh nếp sống nhà nhà tiến lên
Noi theo nét đẹp hòa hiền
Tương lai rực rỡ vững bền nhân dân
Đôi lời gửi gắm mến thân
Cầu chúc an lạc muôn phần thắm tươi
Bình đẳng tôn giáo nụ cười
Còn vang vọng mãi, để đời mai sau
Đoàn kết hòa hợp cùng nhau
Phụng sự đất nước trước sau vẹn toàn
Đạo đức đẹp mãi vạn ngàn
Lời chúc sức khỏe bình an sống đời
Chúc người lãnh đạo sáng ngời
Bình đẳng tôn giáo tuyệt vời nước ta./.
Hà Tĩnh 19/ 7/2021
Quảng Duyên