;
MỤC LỤC
Lời mở đầu
Cuộc đời và đạo nghiệp
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền
Lời kết
Mấy lời tâm huyết
LỜI MỞ ĐẦU
Hằng năm, cứ đến tháng 11 âm lịch, người Phật tử nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung đều hướng tâm thành kính tưởng nhớ và kỷ niệm ngày mất của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là một vị vua có công lớn đối với dân tộc, đồng thời là vị tổ khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam. Để tưởng nhớ đến công ơn của Ngài đối với đất nước và đạo pháp, hôm nay, tôi sẽ chia sẻ về cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài để chúng ta lấy đó làm tấm gương noi theo tu học.
CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP
Theo sử sách ghi lại, Ngài sinh ngày 07 tháng 12 năm 1258 (tức ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ). Cha Ngài là vua Trần Thánh Tông, mẹ là hoàng hậu Nguyên Thánh. Tương truyền khi mới sinh, thân tướng của Ngài sáng rực như vàng ròng nên được vua cha đặt tên là Kim Phật (nghĩa là Phật vàng).
Lớn lên, tên Ngài là Trần Khâm. Từ nhỏ, Ngài đã học giỏi và tinh thông tất cả lĩnh vực như thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật,… Đặc biệt, Ngài rất thích nghiên cứu về Phật giáo. Năm 16 tuổi, Ngài được sắc phong làm Hoàng thái tử và kết hôn với Quyên Thanh công chúa Trần Thị Trinh, con gái lớn của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo.
Tuy nhiên, vì đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên Ngài không muốn làm Hoàng thái tử và càng không muốn trở thành vua. Chính vì vậy, Ngài có ý nhường ngôi vị lại cho em mình là Trần Đức Việp để xuất gia tu học, nhưng vua cha không bằng lòng.
Vào một đêm nọ, Ngài vượt thành lên núi Yên Tử với ý định xuất gia. Sau khi biết được tin đó, vua cha đã ra lệnh cho toàn bộ quan quân đi tìm. Lúc đó Ngài nhận ra rằng mình chưa thể xuất gia được vì trên vai vẫn còn trách nhiệm của một người con, một người chồng, một người trị vì đất nước tương lai. Do vậy, Ngài quyết định trở về. Dù sống trong hoàng cung nhưng Ngài vẫn tiếp tục tìm hiểu về giáo lý đạo Phật và luôn có được an vui trong việc tu học.
Vào năm 1279, khi vừa tròn 21 tuổi, Ngài lên nối ngôi vua cha trị vì đất nước. Chỉ sáu năm sau, tức năm 1285, quân Nguyên Mông kéo vào xâm lược nước ta lần thứ hai. Vua Trần Nhân Tông cùng với quan quân nhà Trần đã đánh tan đội quân xâm lược đó.
Vào năm 1288, quân Nguyên Mông lại tràn qua nước ta một lần nữa, nhưng lần này chúng vẫn thất bại thảm hại trước quyết tâm và tinh thần đoàn kết của nhân dân Đại Việt. Đất nước đã trở lại yên bình, đến năm 1293, Ngài nhường ngôi lại cho con trai là Trần Anh Tông, và được tôn lên làm Thái thượng hoàng. Năm 1294, Ngài xuất gia ở Vũ Lâm, Ninh Bình.
Ngày 16 tháng 11 năm 1308 (tức ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân), Ngài mất ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử, hưởng thọ 51 tuổi. Trần Nhân Tông được người đời tôn vinh là vị Hoàng đế anh minh, vị lãnh tụ thiên tài, vị anh hùng dân tộc của Việt Nam, và Ngài cũng chính là vị tổ đầu tiên khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Đó là tiểu sử tóm tắt về cuộc đời vua Trần Nhân Tông. Qua đó, chúng ta có thể thấy Ngài là bậc vĩ nhân đã có rất nhiều đóng góp to lớn cho đất nước và dân tộc ta. Vào thế kỷ thứ XIII, quân Nguyên Mông là một đội quân hùng mạnh, bách chiến bách thắng, là nỗi khiếp đảm đối với nhiều nước châu Á và cả châu Âu. “Vó ngựa Nguyên Mông đi tới đâu, cỏ xanh không mọc được tới đó”, đoàn quân này trước giờ chỉ có thắng chứ không thua.
Thế mà, khi sang xâm lược Đại Việt, chúng đã bị vua Trần Thái Tông cùng quân dân nhà Trần đánh cho tan tác. Chưa từ bỏ dã tâm, chúng tràn qua xâm chiếm nước ta hai lần nữa. Vua Trần Nhân Tông, dù lên ngôi chưa lâu, nhưng đã có thể chỉ huy quan quân và nhân dân ta đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Ngoài ra, vào năm 1306, Ngài còn góp phần mở mang lãnh thổ nước ta về phía Nam trong hòa bình. Khi đó, vua nước Chiêm Thành là Chế Mân, do muốn lấy Huyền Trân công chúa nên đã dâng châu Ô và châu Lý sáp nhập vào Đại Việt để làm sính lễ. Vùng đất đó được gọi là Thuận Hóa, nay thuộc khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Sau khi cắt ái ly gia, vua Trần Nhân Tông lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Dù đã là người xuất gia, Ngài vẫn tiếp tục lo cho dân, cho nước. Ngài đi khắp nơi hóa độ giúp mọi người biết đến Phật pháp.
Đặc biệt, Ngài đã phổ biến tư tưởng “cư trần lạc đạo” (ở đời vui đạo) đến với quần chúng nhân dân, để họ hiểu rằng, tu hành không cần phải lên núi hay vào rừng, mà ở nhà, ở đời cũng tu được. Đi đâu Ngài cũng truyền bá tư tưởng này và khuyên người dân sống theo thập thiện.
Tư tưởng “cư trần lạc đạo” đã tạo ra sự ảnh hưởng rất lớn trong xã hội thời bấy giờ. Bởi vì trong giai đoạn đó, quân Nguyên Mông đang hăm he xâm chiếm nước ta, nếu ai cũng vào rừng hoặc lên núi tu hành thì chắc chắn sẽ mất nước. Tư tưởng này đã giúp những người con Đại Việt thời đó định hướng được con đường tu học của mình, trong khi vẫn làm tròn trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình và đất nước.
Có thể nói, thời Trần là thời đại mà Phật giáo phát triển rực rỡ và hưng thịnh nhất trong lịch sử nước ta. Phật giáo trở thành quốc giáo, từ vua quan đến dân chúng ai cũng là Phật tử, ai cũng biết áp dụng lời Phật dạy vào trong đời sống. Và cũng chính tư tưởng này đã giúp cho dân tộc ta có thêm sức mạnh để bảo vệ và giữ gìn hòa bình trong suốt giai đoạn đó.
Trúc Lâm Đại Sĩ thường đi nhiều nơi hoằng pháp để hóa độ quần chúng. Nhưng đến cuối đời, khi sắp viên tịch, Ngài biết trước ngày giờ và trở về núi Yên Tử. Vào ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân, lúc trời đã về khuya, Ngài nằm trên giường và hỏi thị giả Bảo Sát: “Bây giờ là giờ gì?”. Bảo Sát thưa: “Bạch thầy, bây giờ là giờ Tý”. Ngài đưa tay mở cửa sổ, nhìn ra ngoài trời ngắm sao, rồi nói: “Đây là giờ ta đi”. Bảo Sát nghe vậy liền hỏi lại: “Bạch thầy, bây giờ thầy đi đâu?”. Ngài trả lời bằng một bài kệ:
Tất cả pháp không sinh, Tất cả pháp không diệt. Nếu hay hiểu như vậy, Chư Phật thường hiện tiền,
Sao có chuyện đến đi?
Nói xong, Ngài nằm nghiêng về phía bên phải theo thế cát tường[1], rồi ra đi một cách nhẹ nhàng. Sang ngày hôm sau, y theo di chúc, thị giả thiêu nhục thân của Ngài. Đến khi vua Trần Anh Tông nhận được tin và lên núi
[1] Thế cát tường: thế nằm sư tử, tức là nằm xuôi, thân nghiêng bên phải, hai chân chồng lên nhau, miệng ngậm, tay phải gối đầu, tay trái duỗi để xuôi bên mình.
Yên Tử thì chỉ rước được tro cốt và xá lợi của Ngài đưa về kinh. Sinh thời, Ngài có hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ hoặc Hương Vân Đại Đầu Đà; sau khi viên tịch, Ngài được tôn xưng là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.
Qua cuộc đời tu hành của Ngài, chúng ta thấy có hai điều đáng thán phục. Thứ nhất, Ngài biết trước ngày giờ ra đi và rất ung dung, tự tại trước sinh tử. Đây là một điều hiếm có. Nếu không phải một bậc cao Tăng đã tu hành đắc đạo thì không thể làm được như vậy. Thứ hai, Ngài để di chúc lại, dặn dò đệ tử phải đem nhục thân đi thiêu ngay.
Đây cũng là một điều rất hiếm có. Bởi, một vị vua có công lớn với đất nước, một vị tổ khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử như Ngài, khi viên tịch chắc chắn sẽ thông báo cho nhân dân cả nước biết, rồi tổ chức thật long trọng, trang nghiêm theo hình thức quốc tang. Thế mà trong di chúc, Ngài đã căn dặn đệ tử lặng lẽ đem xác đi thiêu, không làm các nghi lễ ồn ào, phức tạp và tốn kém.
Khi còn là một vị vua lãnh đạo đất nước, mặc dù phải đối đầu với đội quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, nhưng lúc nào Ngài cũng chú tâm vào việc tu học. Trong cuộc đời, Ngài đã sáng tác nhiều bài thi, bài phú có nội dung về Phật pháp.
Nếu đọc những bài thi, bài phú này, ta sẽ thấy sự hiểu biết của Ngài rất thâm sâu, trong đó có những tư tưởng mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Phải là một người có trí tuệ, có sự tu học và thực hành mới viết ra được những bài thi, bài phú như vậy. Trong các bài phú của Ngài, nổi bật nhất có lẽ là bài Cư Trần Lạc Đạo. Bài phú này có tất cả mười hội, đặc biệt, có một bài kệ rất hay ở cuối hội thứ mười. Bài kệ đó là:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mích, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch nghĩa:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Đói đến thì ăn mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Bài kệ đã thể hiện được tinh thần tự do tự tại trong việc tu hành. Qua đó, chúng ta thấy, theo tư tưởng của Ngài, việc tu hành không quá gò bó, khắc khổ, ở đâu cũng có thể tu được. Phật tại tâm, chúng ta không cần phải vào rừng hay lên núi để tìm kiếm, mà chỉ cần tâm ta thanh tịnh thì nơi đâu cũng là đạo tràng, nơi đâu cũng thích hợp để tu tập. Sau đây, tôi sẽ chia sẻ kỹ hơn về nội dung của bài kệ này.
Chú thích:
[1] Thế cát tường: thế nằm sư tử, tức là nằm xuôi, thân nghiêng bên phải, hai chân chồng lên nhau, miệng ngậm, tay phải gối đầu, tay trái duỗi để xuôi bên mình.
Ở ĐỜI VUI ĐẠO HÃY TÙY DUYÊN
“Ở đời vui đạo” nghĩa là chúng ta có được niềm an vui, hạnh phúc từ việc tu học và thực hành Phật pháp ngay trong cuộc sống thường ngày mà không cần phải đi đâu xa xôi.
Dù sống giữa đời chúng ta vẫn có thể giữ được năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Ở đâu chúng ta cũng có thể tu tập theo pháp môn Tịnh độ: đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật. Và ở đâu chúng ta cũng có thể thực hành theo Bát Chính Đạo: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chínhđịnh.
Ví dụ, chính niệm là khi ăn biết mình đang ăn, khi nói biết mình đang nói, khi ngồi biết mình đang ngồi, khi đi biết mình đang đi,... Rõ ràng, dù ở đâu đi chăng nữa thì chúng ta vẫn tu tập, vẫn an vui được, không nhất thiết phải vào rừng hay lên núi!
“Tùy duyên” có nghĩa là thuận theo hoàn cảnh, hay nói rõ hơn là biết uyển chuyển, linh hoạt để có thể tu trong bất kỳ hoàn cảnh nào.Tinh thần tùy duyên thể hiện rất rõ trong cuộc đời của vua Trần Nhân Tông.
Lúc vừa được phong làm Hoàng thái tử, Ngài đã trốn lên núi Yên Tử để xuất gia; thế nhưng khi vua cha cho quan quân đi tìm, Ngài đã quyết định trở về hoàng cung, vừa tu tập, vừa làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình. Đó chính là tùy duyên.
Chúng ta phải biết áp dụng tinh thần tùy duyên này vào cuộc sống. Giả sử, sau khi tiếp xúc với Phật pháp, mình muốn tu tập, muốn xuất gia, nhưng vợ hoặc chồng không cho, thế là mình buồn giận, bực tức, thậm chí gây gổ với vợ chồng mình.
Như vậy là mình chưa biết tùy duyên. Trước đây, khi kết hôn, mình đã làm giấy hôn thú, cũng giống như đã lấy dây buộc tay hai người lại với nhau rồi; bây giờ muốn đi tu đâu phải dễ, cần có thời gian để đối phương hiểu ra và chịu cắt sợi dây ràng buộc kia đi đã.
Theo quy định, người đã có gia đình, nếu muốn xuất gia phải có giấy ly hôn. Do đó, mình phải tùy duyên, không nên gấp gáp, phải thuyết phục vợ chồng trước đã, rồi sau mới xuất gia được.
Có người đi quy y Tam bảo về, người chồng không cho lập bàn thờ Phật nên buồn rầu đến chùa gặp tôi, hỏi giờ phải làm sao. Tôi nói: “Tùy duyên thôi. Không thờ Phật bằng hình tượng được thì thờ Phật ở trong tâm.
Bây giờ, mình cứ sống đạo đức, sống có trách nhiệm đi, biết đâu ông chồng thấy vậy hiểu ra lại cho mình thờ. Phật ở trong tâm mới là chính, còn Phật ở ngoài có cũng tốt, không có cũng không sao”.
ĐÓI ĐẾN THÌ ĂN MỆT NGỦ LIỀN
“Đói ăn, mệt ngủ” là chuyện rất bình thường của con người. Thế nhưng, trong cuộc sống, đôi khi người ta đói không ăn, mệt không ngủ. Ví dụ, có những người khi sắp mâm cơm ra, bụng đói rồi nhưng không có rượu thịt thì không chịu ăn,...
Hay có những người tuy mệt nhưng nằm mãi không chịu ngủ, vì còn bận suy nghĩ, tính toán đủ thứ, rồi lại giận người này, buồn người kia, tức người nọ,…
Cũng vậy, trong tu tập, có hai thái độ cực đoan chúng ta cần phải tránh. Thứ nhất là tu mà đói không ăn, mệt không ngủ. Có nhiều người nghĩ rằng nhịn ăn có thể diệt dục, do vậy mà đói cũng không dám ăn.
Hoặc có những người muốn tu sao cho mau thành Phật, do vậy mà mệt cũng không dám ngủ. Đó là thái độ cực đoan thứ nhất, bởi tu là cả một quá trình, không phải ngày một ngày hai, và nếu không có sức khỏe thì không thể tu được.
Thái độ cực đoan thứ hai là hễ đói liền ăn, mệt liền ngủ. Người công nhân đang làm, thấy mệt là bỏ hết việc lại đó, đi ngủ một giấc; khi người chủ bắt gặp sẽ bị phạt, hoặc tệ hơn là bị đuổi ra khỏi xưởng, coi như mất việc.
Người chiến sĩ đang canh giữ biên cương, cứ mệt là ngủ, trước mắt thì có nguy cơ mất mạng, xa hơn nữa thì mất nước. Đặc biệt là người tu, hễ đói liền ăn, mệt liền ngủ sẽ dễ dẫn đến mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, lại còn mất thời gian, không thể chuyên tâm tu tập.
Như vậy, “đói không ăn, mệt không ngủ” giống như dây đàn quá căng, khi đánh dễ bị đứt. Còn “hễ đói liền ăn, mệt liền ngủ” giống như dây đàn quá chùng, khi đánh tiếng sẽ không vang, không hay. Chúng ta đừng hiểu câu “Đói đến thì ăn mệt ngủ liền” theo hai ý nghĩa cực đoan nêu trên, mà ở đây chúng ta phải hiểu theo tinh thần tùy duyên.
Khi đói thì ta ăn, nhưng phải thuận theo hoàn cảnh, ăn để sống, nên có gì ăn đó chứ không cần cao lương mỹ vị. Khi mệt thì ta ngủ, ngủ để dưỡng sức, chứ không đòi hỏi phải có giường đẹp, phòng tốt hay máy điều hòa mát mẻ mới ngủ được.
Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, chữ “tùy duyên” ở đây mang ý nghĩa rất tích cực chứ không hề tiêu cực. Tùy duyên tích cực là biết tùy hoàn cảnh mà sống, không mong cầu quá khả năng của mình, hay nói cách khác là biết thiểu dục tri túc (ít muốn, biết đủ). Thực tế, mình nghèo thì chỉ cần có nhà để ở là tốt rồi, không nên đòi nhà cao cửa rộng.
Hoặc chưa đủ điều kiện thì di chuyển bằng xe máy cũng được, không nhất thiết phải có xe hơi. Tùy duyên tích cực còn là khi ngoại cảnh thay đổi, mình biết lựa chọn những duyên tốt mà tùy thuận. Thí dụ, khi mình đang chuẩn bị đi chơi, có người bạn đến rủ mình đi chùa, lúc đó, mình không đi chơi nữa mà đi chùa cùng bạn; đó gọi là tùy duyên tích cực.
Còn tùy duyên tiêu cực là thuận theo những duyên xấu. Thí dụ, mình đã quyết tâm giữ giới không uống rượu, một hôm đi ăn đám cưới, người ta rủ mình uống rượu, thế là tùy duyên uống luôn.
Hoặc mình giữ giới không sát sinh, một hôm đi chơi với bạn bè, họ rủ mình vào rừng săn bắn, thế là tùy duyên săn bắn luôn. Hoặc cứ đói là vô bếp lục nồi, cứ mệt là leo lên giường ngủ,…
Tùy duyên kiểu này là sai lầm. Cho nên, chúng ta phải biết tùy duyên tích cực, hay nói rõ hơn là tùy duyên thế nào để hướng đến những điều thiện, những điều tốt đẹp và cao thượng.
Đôi khi, chúng ta hiểu lầm, nghe Tổ dạy: “Đói đến thì ăn mệt ngủ liền”, thế là lúc nào muốn ăn thì ăn, lúc nào muốn ngủ thì ngủ, khi hỏi đến lại nói tổ Trúc Lâm dạy như vậy, hiểu thế là oan cho Ngài! Chúng ta phải hiểu tinh thần tùy duyên “đói ăn, mệt ngủ” là có gì ăn nấy, ngủ sao cũng được, không bị vướng mắc vào chuyện ăn ngon, ngủ sướng, luôn có chính niệm trong việc ăn và ngủ. Không nên hiểu thành “hễ đói liền ăn, mệt liền ngủ”, bởi nếu sống như thế dễ dẫn đến béo phì, lười biếng, giải đãi và hoàn toàn sai với tinh thần mà Tổ đã dạy.
TRONG NHÀ CÓ BÁU THÔI TÌM KIẾM
Trong Quy Sơn Cảnh Sách có câu: “Kia đã là bậc trượng phu thì ta cũng thế”, ý nói đức Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành, ai cũng có Phật tính, ai cũng có khả năng thành Phật.
Trong kinh Pháp Hoa có câu chuyện như sau: Một anh ăn xin nghèo khổ đến thăm người bạn là một trưởng giả giàu có. Người bạn đãi anh một bữa ăn no say. Ăn uống xong, anh ta nằm ngủ ly bì. Đúng lúc đó, người bạn có công việc cần phải đi gấp, không đợi anh thức dậy được. Vì thương anh nghèo khổ nên trước khi đi, người bạn đã lấy một viên ngọc quý nhét vào trong chéo áo của anh.
Khi thức dậy, không thấy bạn đâu, anh ta liền bỏ đi và tiếp tục lang thang khắp nơi để xin ăn. Một thời gian sau, người bạn kia gặp lại anh, ngạc nhiên hỏi: “Sao anh vẫn nghèo khổ, lang thang đi xin ăn như thế này? Hôm anh đến thăm tôi, lúc anh ngủ, tôi đã nhét một viên ngọc quý vào trong chéo áo của anh. Anh không dùng nó à?” Anh ăn xin đưa tay sờ vào chéo áo, thấy đúng là có một viên ngọc trong đó thật. Kể từ đấy, anh ta trở thành người giàu có.
Câu chuyện này rất ý nghĩa. Viên ngọc trong chéo áo tượng trưng cho Phật tính của mọi người. Tất cả chúng ta đều có Phật tính, đều có kho báu ở bên trong, thế nhưng đa phần đều không biết, không chịu mở nó ra mà cứ đi tìm ở bên ngoài.
Một số người chụp được mấy tấm hình có ánh sáng mặt trời kỳ ảo hoặc vài đám mây trông tựa hình Phật, liền đăng lên Facebook, khoe là thấy hào quang của đức Phật, thấy Phật xuất hiện. Lại có người lên núi vào rừng, thấy một ụ mối đùn lên hoặc một khối đá hình thù trông giống như tượng Phật, liền về đồn thổi khắp nơi, người này người kia nghe được lại rủ nhau kéo đến chỗ ụ mối hoặc khối đá đó cúng bái, xì xụp lạy.
Bây giờ, giả sử đức Phật có xuất hiện thật thì Ngài cũng không giúp mình hết khổ, không cho mình thành Phật được. Phật là vị thầy chỉ đường, còn đi hay không, đến đích hay không là do mình. Phật là vị thầy thuốc giỏi, Ngài nhìn đúng bệnh cho đúng thuốc, còn hết bệnh hay không là do mình có chịu uống thuốc hay không.
Cho nên, kinh Pháp Cú có dạy: Chính ta làm cho ta trong sạch và cũng chính ta làm cho ta ô nhiễm; trong sạch hay ô nhiễm đều là do chính ta. Trong kinh Kim Cang cũng có bài kệ: “Nếu do sắc thấy ta/ Do âm thanh cầu ta/ Người ấy hành tà đạo/ Không thể thấy Như Lai”. Chúng ta tìm Phật ở bên ngoài thì không bao giờ thấy đâu, mà giả sử có thấy được (như thời Phật còn tại thế) đi chăng nữa, ta vẫn phải tự mình tu, tự mình chứng thôi.
Lục tổ Huệ Năng từng nói một câu như sau: “Phật pháp nơi thế gian/ Không lìa thế gian giác/ Lìa thế tìm Bồ Đề/ Giống như tìm sừng thỏ”. Phật ở ngay tại thế gian này, lìa thế gian mà tìm Phật thì không bao giờ thấy. Phật đâu có ở trong rừng, trong núi, cũng không có ở trong chùa! Trong chùa chỉ có tượng Phật bằng xi măng, bằng gỗ, bằng đồng thôi. Thật ra, Phật ở trong tâm mình chứ không ở trên bàn thờ.
“Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”, Phật ở trong nhà rồi, còn cần tìm ở đâu? Phật tính có sẵn trong mỗi chúng ta được ví như kho báu có sẵn trong nhà, nếu chúng ta biết cách mở kho báu đó ra thì sẽ là người giàu nhất thế gian. Khi ta biết quay về trong ta tìm Phật thì sẽ có ngày Phật hiện tiền. Phật chính là ta, ta chính là Phật, không cần phải tìm ở đâu xa.
ĐỐI CẢNH VÔ TÂM CHỚ HỎI THIỀN
Chúng ta uống thuốc vì thân có bệnh. Chúng ta tu thiền cũng vì tâm có bệnh, đó là bệnh vọng tưởng, điên đảo, chấp trước. Nếu thân mình khỏe mạnh thì không cần uống thuốc. Nếu tâm mình không vọng tưởng, điên đảo, chấp trước thì không cần tu thiền.
Cho nên, tổ Trúc Lâm mới nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”, nghĩa là khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà không bị nhiễm ô, dính mắc, không khởi vọng tưởng, điên đảo thì đó chính là thiền rồi.
Chúng ta phải hiểu rõ cốt lõi của thiền định là như thế nào. Lục tổ Huệ Năng giải thích hai chữ “thiền định” rất hay: “Ngoài không nhiễm cảnh là thiền, trong không rối loạn là định”. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tâm mình không ô nhiễm, không rối loạn, đó chính là thiền định.
Lâu nay, chúng ta cứ nghĩ thiền là phải ngồi nhắm mắt hoặc phải đến một nơi thật yên tĩnh, nên phải lên rừng, lên núi để tu. Nhưng nếu ngồi nhắm mắt rồi đến khi mở mắt ra, thấy sắc thì mê, thấy tiền thì ham,… Thiền như vậy 100 năm hay 100 kiếp cũng không thể đắc đạo được.
Nước có trong thì trăng mới hiện. Muốn nước trong, mặt hồ phải lặng yên. Cứ một, hai giờ mình lại khuấy bùn lên thì nước không bao giờ trong được. Tâm của mình cũng vậy. Mình ngồi thiền lắng tâm được vài giờ, đến khi xả thiền đụng đâu nhiễm đó, thấy đẹp thì mê, thấy xấu thì ghét, nghe khen thì vui, nghe chê thì giận,…
Như vậy khó mà thanh tịnh được. Muốn thanh tịnh thì đối cảnh phải vô tâm, nghĩa là không để sáu trần làm tâm loạn động. Khi tâm đã thanh tịnh, Phật tính sẽ hiện tiền.
Nghe thì tưởng là dễ, nhưng thực hành “đối cảnh vô tâm” để đạt được tâm thanh tịnh là việc khó vô cùng. Bởi vì, chúng ta là hạng phàm phu, hễ gặp cảnh liền bị dính mắc, không thể nào “vô tâm” được. Đừng nghĩ tổ Trúc Lâm dạy: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” là chỉ cần vô tâm, không cần phải tu gì hết.
Thật ra, vô tâm không phải là thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống xung quanh; vô tâm ở đây là đứng trước cảnh, ở trong cảnh mà tâm không ái nhiễm, không dính mắc. Chính vì vậy, phải là người tu rất nhiều, có sự thực tập sâu dày mới có thể làm được điều đó.
LỜI KẾT
Tóm lại, bài kệ kết thúc Cư Trần Lạc Đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã nêu lên một tư tưởng rất tích cực và tiến bộ, đó là tu hành nhập thế. An vui và hạnh phúc không cần phải tìm ở trong rừng hay trên núi, mà ở ngay giữa cuộc sống đời thường. Chúng ta không cần nhọc công đi tìm Phật ở bên ngoài, quay vào trong tâm mình là sẽ thấy Phật.
Chỉ cần biết tùy duyên: tùy duyên sống, tùy duyên tu, không mong cầu quá mức, biết thiểu dục tri túc, đói ăn mệt ngủ trong chính niệm tỉnh giác. Chúng ta phải tin tưởng vào khả năng của mình, đừng quá mong cầu tha lực, bởi chính mình làm cho mình trong sạch, chính mình tu hành thì mới được hạnh phúc, an vui.
Chúng ta nên áp dụng tư tưởng này vào trong đời sống tu tập của mình. Nắm được tinh thần “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên” thì việc tu hành sẽ rất nhẹ nhàng, ở đâu cũng tu được, không bị hoàn cảnh sống cản trở, không bị bổn phận và trách nhiệm buộc ràng.
Sống như thế, tu như thế, chắc chắn đến lúc cuối đời, chúng ta sẽ ra đi an nhiên, tự tại giống như Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
(Quyển sách này được biên tập từ pháp thoại “Ở đời vui đạo” giảng vào ngày 13 tháng 12 năm 2015, trong “Khóa tu một ngày” tại chùa Hoằng Pháp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tác giả: Hòa thượng Thích Chân Tính