;
Vì hoàn cảnh sinh hoạt ở hải ngoại (Châu Âu, Úc, Mỹ) khác với Việt Nam và Châu Á, đa số các chùa với tình trạng “nhất Tăng nhất Tự” (chỉ có 1 vị tu sỹ ở và lo công việc Phật sự chùa đó), do vậy, nếu đi tham dự Khóa an cư dài hạn thì việc Phật sự (nhất là giảng Pháp và các khóa nghi lễ) ở trú xứ không có ai lo thay thế được cho các Phật tử địa phương vùng xa. Bởi vậy Chư Tăng hải ngoại chỉ có thể sắp xếp tham dự khóa an cư ngắn ngày, thường là 10 ngày.
Với tinh thần đó, Chư Tăng, với 38 tu sỹ Phật giáo trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ cũng như nhiều hành giả từ Việt nam. đã vân tập về tham dự khóa an cư kiết hạ tại chùa Quang Minh, Chicago, Hoa Kỳ từ ngày 03/07/2018 đến ngày 13/07/2018.
Ngày 04/07/2018 là ngày đầu tiên trong Khóa An cư được bắt đầu bằng thời hô canh ngồi thiền. Khi canh năm đến, trời vào khuya, bao nhiêu người còn đang chìm trong giấc ngủ say sưa thì chư Tăng Ni tinh tấn thức dậy hành trì tu tập để trừ các phiền não, triền cái : tham, sân, hôn trầm, trạo hối, nghi. Đại chúng nhiếp tâm quán tưởng theo lời hô canh trầm ấm đầy thiền vị của chủ lễ :
Ngũ canh dĩ đáo pháp môn khai,
Phổ nguyện đồng đăng bát nhã đài.
Liễu triệt Tam thừa dung Nhị đế.
Cao huyền huệ nhựt tịnh vân mai (mê).
Ngưỡng lao đại chúng các các tỉnh tâm niệm Phật
(Canh năm đã đến pháp môn mở
Nguyện cho tất cả lên thuyền Bát Nhã
Thông tỏ ba Thừa, bao hàm cả hai đế (tục đế và chân đế)
Mặt trời Trí Tuệ tỏ rạng, sạch mây mê mờ)
Thiền có lợi ích rất lớn lao trong tu tập và cuộc sống. Thiền giúp chúng ta quân bình cơ thể, thân an, tâm lạc, thư giãn, phục hồi năng lượng, phát triển chánh niệm tỉnh giác, phát khai Trí Tuệ, sáng suốt chiếu soi, hướng đạo cho cuộc sống sinh hoạt Phật sự và nhận rõ vạn pháp.ôi
Ngày mới, thiền giúp các hành giả tươi tỉnh, có nhiều năng lượng, đem từ tâm ban rải khắp muôn phương, như một vị Thiền sư mô tả:
“Thức dậy miệng mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.”
Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật ân cần khuyến nhủ :
“Các thầy Tỷ kheo, ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện. Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi. Hãy nhớ ngọn lửa vô thường đốt cháy thế gian, để sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ. Giặc phiền não thường rình giết ta, dữ hơn kẻ thù, tại sao ta có thể ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác?”
Đức Phật trong nhiều Kinh, thường dạy bảo các đệ tử:
"Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có sanh lòng hối hận về sau. Đây là lời giáo giới của Ta cho các người".
Thiền giúp chúng ta tăng trưởng chánh niệm tỉnh giác, tập trung tâm ý, tăng trưởng đạo lực, chiếu soi nơi mình và thấu rõ vạn pháp. Ngày nay, Thiền rất được phổ thông và ưa chuộng ở Âu – Mỹ. Hàng đệ tử Phật phải tinh cần tu tập Giới – Định– Tuệ để thăng hoa, giác ngộ và giải thoát.
Sau thời thiền hành là công phu khuya. Trong phần kỳ nguyện, HT Thích Phước Thuận, vị Tôn Túc chứng minh cho đạo tràng an cư, niêm hương bạch Phật về đạo tràng các hành giả đang vân tập an cư tu tập 10 ngày với trọn tâm thành, nguyện cho Khóa An Cư Kiết Hạ thành tựu viên mãn. Thuở xưa khi Ngài A Nan mắc nạn Ma Đăng Già, Đức Phật sai bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi đem Chú Lăng Nghiêm đến giải cứu và dẫn Ngài A Nan về Tinh Xá.
Giờ khuya đầu ngày, tinh tấn hành trì, tịnh tâm trì chú sẽ gia tăng công lực loại trừ những hôn trầm, giãi đãi, dục vọng thường trỗi dậy nơi mỗi người. Cả năm qua, nhiều vị Tăng Ni hải ngoại giờ khuya thức dậy công phu một mình, đến nay được hòa mình, hòa âm trong biển Pháp âm dạt dào, trầm bỗng du dương của Đại chúng Tăng, với nghi lễ truyền thống với đầy đủ hòa âm pháp khí : chuông, mõ, đẩu, linh, trống tán, ý vị đặc biệt, cảm nhận được một nguồn năng lực vô biên, một cơ hội quý giá hy hữu để trải nghiệm uy lực Tăng Đoàn, hòa hợp, thanh tịnh, trang nghiêm, đức chúng như biển.
Sau thời công phu khuya, đại chúng tác pháp an cư và Hòa thượng chứng minh Thích Phước Thuận đã ban lời sách tấn chư Tăng lo tinh tấn tu học, khép mình theo thanh quy của đạo tràng an cư, theo truyền thống Tăng già thời Đức Phật, để phát triển giới thân huệ mạng, tăng trưởng đạo lực người tu, muốn phát triển Phật Giáo cần có thế hê kế thừa “có lượng và có chất” ngõ hầu chu toàn bổn phận Như Lai Sứ giả, tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Sau giờ tảo thực (ăn sáng) là đến thời thọ trì Kinh Đại Bát Niết Bàn, đây là Kinh rất quan trọng, Đức Phật thuyết sau cùng trước khi nhập vô dư y niết bàn. Đại chúng vừa tụng vừa ôn học lại lời dạy của Đức Phật về niềm tin, Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Phước Đức, Trí Tuệ, Phật Tánh, Như Lai Thân, thiểu dục, tri túc, vui tịch tịnh, tứ sanh, ngũ nghịch đại tội, nhứt xiển đề, vô ngã, nhân quả,
Các ngày kế tiếp theo đều có các thời Pháp đàm, thảo luận chia sẻ Phật pháp cho lớp Tăng ni hành giả an cư, mỗi ngày 2 lần vào lúc 9h – 11h sáng và 7h-8h30 tối và pháp thoại cho Phật tử vào mỗi buổi tối 7h – 8h30 tối. Mỗi năm, chư Tăng mới có được cơ hội quý giá gặp nhau 10 ngày như vậy, cho nên việc “kiến hòa đồng giải”, chia sẻ cho nhau những điều tâm đắc trong giáo Pháp và kinh nghiệm hành đạo.
Đây là cơ hội để tu nghiệp, nâng cấp cho mỗi hành giả. Đề tài trong lớp học Pháp và thảo luận của chư Tăng rất rộng, bao gồm nhiều phạm vi như là : Phật Giáo với kinh tế : Phật Giáo với Kinh Tế, ý nghĩa chữ KINH, ý nghĩa bài SÁM QUY MẠNG, Phòng ngừa và trị liệu bệnh tiểu đường, Hoằng pháp trong thời hiện đại, Phật giáo với vấn đề bình đẳng, 4 Pháp Y cứ - Luật Ma Ha Tăng Kỳ, các phương pháp để cải đạo của Ky Tô giáo và Tin Lành, Phát triển Phật Giáo Việt Nam và Phật Giáo Hoa Kỳ, Pháp chân thận thường trú và Pháp đàm, vấn đáp mọi câu hỏi liên quan đến Pháp học, Pháp hành và thắc mắc khó khăn khi hành đạo.
Trong khi, mỗi đêm chư Phật tử có cơ duyên tiếp xúc với các giảng sư khác nhau và học hỏi những điều tinh túy từ họ với nhiều đề tài phong phú, làm hành trang tu tập cho người Phật Tử như: 4 Pháp an lạc cho người Phật tử tại gia, cho trọn niềm vui, nền tảng của người học Phật, toát yếu ý nghĩa Kinh Di Giáo, Phật Pháp tùy duyên, sống hạnh phúc chết bình an, 6 Pháp hòa kính của người con Phật, ý nghĩa việc Khất thực,…Thật khó có cơ hội để tổ chức cho Phật tử ở những tiểu bang xa xôi ( không phải là Cali hay Washington) lại có thể nghe được Pháp Thoại nhiều như vậy từ nhiều vị giảng sư trong vòng một tháng hay một năm như vậy.
Mỗi giờ ngọ trai, chư Thiện Tín có cơ hội để gieo trồng phước đức, cúng dường, gieo duyên, cúng dường cho những người tu hành thanh tịnh có công đức – phước đức thù thắng, như trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy :
“Bố thí thức ăn cho một trăm người bình thường, không bằng hiến cho một người thiện. hiến thức ăn cho một ngàn người thiện, không bằng cúng thức ăn cho một người giữ năm giới. Cúng thức ăn cho một vạn người giữ năm giới, không bằng cúng thức ăn cho một bậc Tu-đà-hoàn. Cúng thức ăn cho một trăm vạn vị Tu-đà-hoàn, không bằng cúng thức ăn cho một vị Tưđà-hàm. Cúng thức ăn cho một ngàn vạn vị Tư-đà-hàm, không bằng cúng thức ăn cho một vị A-na-hàm. Cúng thức ăn cho một ức vị A-na-hàm, không bằng cúng thức ăn cho một vị A-la-hán. Cúng thức ăn cho mười ức vị A-la-hán, không bằng cúng thức ăn cho một vị Bích-chi Phật….”
Chư Tăng an cư tu hành thanh tịnh là ruộng phước điển vô lượng cho tín chủ gieo trồng, Kinh Vu Lan Bồn Đức Phật cũng dạy Ngài Mục Kiền Liên sắm sanh phẩm vật cúng dường thanh tịnh Tăng trong ngày Tự Tứ, sau mùa an cư, để có công đức lớn lao có thể cứu độ mẹ Ngài ra khỏi địa ngục A Tỳ.
Hình ảnh chư Tăng trang nghiêm với y vàng giải thoát thọ trai với nghi thức quá đường, lặng lẽ chánh niệm giữa dòng đời hối hả, tranh đua, biến động,… ban cho người Phật tử một niềm tôn kính vô biên, sự nhắc nhở về thân giáo về thực hành chánh niệm tỉnh giác trong đời sống, Đạo gắn liền cuộc sống, biết ăn là biết đạo.
Trong thời khóa tụng kinh Đại Bát Niết Bàn mỗi chiều có phần đi kinh hành mang lại rất nhiều lợi lạc cho hành giả. Đi kinh hành để thay đổi thể nghi, oai nghi, để cho cơ thể được vận động, các hệ tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, … làm việc tốt hơn. Tu là tu trong cả 4 oai nghi : đi, đứng, nằm, ngồi. Ngồi tụng kinh cũng tu mà đi kinh hành niệm Phật cũng là pháp môn tu, từng bước nở hoa sen, từng bước chân di vào cõi tịnh, những bước chân an lạc, giải thoát, không vướng bụi trần.
Mỗi chiều đều có phần mông sơn thí thực để bố thí thức ăn cho cõi âm, cho ngạ quỷ với lòng thương và mong họ cam lồ, pháp thực sung mãn, sớm thoát đường mê, vãng sanh miền Cực Lạc.
Kết thúc mỗi ngày, vào lúc 9 giờ tối, các hành giả bước vào thời : Hô canh ngồi thiền. Đức Phật dạy : đầu canh, giữa canh, cuối canh tinh tấn tu hành không luống bỏ. Các hành giả có thể định tâm quán sát lại một ngày tu học của mình có hoàn hảo hay chưa, có điều gì cần nên tu sửa, các mê tình vọng chấp gạn lọc được bớt chưa, trí tuệ có được khơi sáng để chiếu soi vạn pháp không. Hãy biết lắng nghe hơi thở của mình, ta lắng nghe ta, tự tại và chơi giữa vô thường.
Đặc biệt, sáng thứ 7 (07/07/2018), sau thời công phu khuya, đại chúng nghe đọc lại : “Kinh Di Giáo”, đây là những Giáo Huấn cuối cùng của Đức Phật trước khi Ngài nhập Niết Bàn, bao gồm những điều quan trọng nhất, đúc kết từ hơn 45 năm vân du giáo hóa của Ngài liên hệ đến : tôn kính giới, chế ngự các căn, thiểu dục tri túc, tinh tấn trừ buông lung, chánh niệm tỉnh giác, tứ đế, tịch tĩnh an vui, vô thường, mục tiêu giải thoát,…
Dù chúng ta sinh ra vào thời đã nhập niết bàn, nhưng gia tài pháp bảo vẫn còn đó, hãy lấy “Pháp” và “Luật” làm Thầy, hãy làm hòn đảo, nơi nương tựa cho chính mình, “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, hãy tinh tiến lên để giải thoát”.
Với sự tôn kính giới Luật “Giới Luật là thọ mạng của Phật Pháp – Giới Luật còn là Phật Pháp còn”, khuya chủ nhật (08/07/2018), Tăng chúng cử hành Bố Tát, TT. Thích Nhật Quang trùng tụng Tỳ Kheo Giới Bổn cho đại chúng đồng thính thọ. Hành giả ngày nay đã xa thời Đức Phật hơn 25 thế kỷ và cuộc sống tại Hoa Kỳ khác với xã hội Ấn Độ ngày xưa, tuy rằng tinh thần giữ giới có “Khai, Giá, Trì, Phạm” thế nhưng các hành giả cần phải liên tục ôn học lại giới luật, nguyên nhân chế giới, đối chiếu với những gì đức Phật đã dạy và hiểu nguyên nhân, mục đích, ý nghĩa sâu xa trong đó, thì mỗi hành giả biết mình phải ứng xử ra sao khi gặp các duyên khác nhau xảy đến trong cuộc sống. Hành đạo thì cần khế hợp, uyển chuyển, tùy duyên nhưng bất biến, chỉ khi nào nắm vững được cái gốc, đối chiếu với cái gốc thì hành giả mới có thể sống, ứng xử,…thích hợp nhất và xứng đáng nhất với phẩm hạnh và giới luật đã thọ.
Sáng thứ Tư (11/07/2018) Chư Tăng ôm bình bát thứ lớp khất thực trên đường phố, nhân tiện ghé thăm Chùa Nhật Bản và Chùa Thái Lan rồi ra bờ hồ thọ trai. Thật là hy hữu, những chiếc Y vàng thanh thoát, những bước chân thong dong tự tại, vững chãi thảnh thơi đi trên đường phố, tạo niềm tin và hoan hỷ vô biên cho những ai chứng kiến.
Nhiều tín chủ dù đang làm việc trong các khu thương mại, mua sắm,… cũng tạm ngưng công việc của mình để đến gieo duyên đặt bát cúng dường đến Chư Tăng. Chư Tăng đã tái hiện lại hình ảnh sinh hoạt Tăng Già thời Đức Phật và đó là gia phong của ba đời mười phương chư Phật. Ôi đẹp làm sao hình ảnh người tu sỹ chỉ với 3 Y 1 Bát vân du khắp chốn, khất thực nuôi thân mạng để dồn hết thời gian, tâm trí vào tu học và hoằng Pháp :
“Một bát cơm ngàn nhà,
chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem trần thế,
Mây trắng hỏi đường qua.”
Như vậy người tu sỹ tu tập để khỏi dính mắc buộc ràng và tinh tiến hết sức mình để không phụ đàn na tín thí :
“Bát cơm tín chủ biết bao công,
Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng.
Thỏa miệng thích tình tham quấy bỏ,
Nuôi thân hành đạo đuốc lành dùng.
Toan vun chánh pháp cho thành tựu,
Nguyện dứt ác duyên thoáng sạch không.
Nguyện các việc lành làm tất cả,
Nguyện xin độ tận chúng sanh chung.”
Trước khi làm lễ chẩn tế cô hồn để cứu độ các loài chúng sanh trong cảnh khổ Địa Ngục, Ngạ Quỷ, chư Tăng đã làm Lễ Phóng Sanh để cứu giúp cho các loài chúng sanh trong hàng Súc Sanh có duyên. TT. Thích Minh Hạnh và Thích Đồng Trí đã làm Lễ quy y cho các loài chim bồ câu và nhắn gửi tâm tình với chúng trước khi thả chúng vào bầu trời cao rộng tự do :
Các người trước lòng trần tục lắm
Nên kiếp này chìm đắm sông mê
Bấy lâu chẳng biết tu trì
Gây bao tội ác lại về mình mang.
Sống đọa đày chết thường đau khổ
Lông, da, sừng có đở được đâu
……
May sao nhờ các bậc thiện nhân
Cứu cho ngươi được thoát thân
Đến đây lại được nhờ ân Pháp mầu.
Vậy ngươi kiếp hồi đầu quy Phật
Cùng dốc lòng quy Pháp quy Tăng….
Dù tu sỹ hay cư sỹ, chúng ta đều có nguồn gốc là người Việt Nam, mang trong mình canh cánh Tứ Trọng Ân, vì những duyên Phật sự, hoàn cảnh khác nhau, mọi người phải sống xa quê hương, nhưng “quê hương mỗi người chỉ một – như là chỉ một mẹ thôi”, thời gian qua, bà con đồng bào xôn xao, lo lắng, đau khổ với Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt bao gồm Vân Đồn , Bắc Vân Phong , Phú Quốc chuẩn bị thông qua tại Quốc Hội và Luật An ninh mạng đã được thông qua.
TT Thích Minh Hạnh, trụ trì chùa Quang Minh Chicago, Trưởng ban tổ chức đã nói về nguyên nhân, ý nghĩa, mục đích trong “Đêm thắp nến cầu nguyện cho quê hương Việt Nam” tổ chức tại Chùa Quang Minh đêm thứ tư, 11/07/2018, TT Thích Đồng Trí là MC điều hợp buổi lễ và đọc bài thơ: “Đặc khu kinh tế - biển lệ ngậm ngùi” chỉ ra nhiều tai hại nghiêm trọng mà những xứ vùng đặc khu kinh tế cho Trung Quốc thuê 99 năm, khả năng người của chính quyền Trung Quốc đến đấu thầu và thuê 3 đặc khu kia là rất cao vì họ ở gần và có dư tiền bạc,…
Phần nghi lễ và mỗi người thắp dâng một ngọn nến cầu nguyện cho đất nước Việt Nam thái hòa, dân chủ, độc lập, thế giới hòa bình nhơn sinh an lạc. Cầu nguyện cho mọi người Việt thương yêu nhau, cân nhắc đắn đo sáng suốt trước mọi hành động có ảnh hưởng đến hàng triệu triệu người đồng bào, cho cộng nghiệp Việt Nam sớm qua để Việt Nam sớm vươn tầm thế giới sánh với các cường quốc năm châu, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, hạnh phúc và thịnh vượng,…
Mười ngày an cư trôi qua nhanh, đêm thứ Năm, 12/07/2018 là đêm Thiền trà để đánh dấu sự thành tựu viên mãn của Khóa an cư Kiết Hạ và thư giãn trước khi mỗi người sẽ trở về trú xứ vào hôm sau. Có đại diện Tỳ Kheo Thích Thông Nguyên và các tu sỹ trẻ đảnh lễ tri ân Chư Tôn đức đã ân cần giáo dưỡng, tạo điều kiện cho Tăng Trẻ Hải Ngoại nương náu tu học trong mùa hạ, có Phật Tử Chúc Đào và toàn thể Phật tử đồng quý đọc lời cảm niệm và tri ân đến Chư tôn đức Tăng Ni, phật tử Bổn Nghiêm đại diện cho hàng Phật tử trẻ phát biểu cảm tưởng trong 10 ngày được phụng sự đạo tràng an cư, những bài hát đạo vị, thấm nhuần tình đời ý đạo được hát lên từ Thầy Nguyên Nguyện, Pháp Trí, Đồng Trí, Kiến Dũng, Giác Mãn, ca sỹ Chúc Đào và bài thơ “Mai Mãn Hạ” của Thầy Thích Đồng Trí đã được Thầy Giác Mãn và Chúc Đào ngâm tặng mọi người trước khi Thầy Đồng Trí thay cho MC nói lời lắng đọng ân tình – bế mạc đêm thiền trà.
Khóa An cư Kiết hạ PL 2562, DL 2018 tại chùa Quang Minh Chicago đã kết thúc. Tăng Ni và Phật Tử tại Đạo Tràng an cư thấm nhuần nhiều lợi lạc. Chư Tăng dành trọn vẹn thời gian, tâm sức vào việc tụng niệm, lạy phật, kinh hành, hành trì, ngồi thiền,… và chia sẻ thảo luận Phật pháp, kinh nghiệm lo công việc tại các trú xứ, hoằng pháp, cư sỹ được nghe Pháp mỗi đêm, tham gia các khóa tụng niệm, đi kinh hành, ngồi Thiền, với chư Tăng, đây là cơ hội để cúng dường, gieo duyên, kết nối tình Pháp duyên Tăng và học hỏi được nơi Chư Tôn đức hành giả an cư rất nhiều từ Thân, Khẩu, Ý giáo và nền nếp, quy củ sinh hoạt thiền môn suốt thời gian an cư để có nhiều hành trang học Pháp, hành Pháp, hộ Pháp và hoằng Pháp.
Phật Pháp xương minh do Tăng già hòa hợp
Thiền môn hưng thịnh do đàn việt phát tâm
Có câu nói : “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn” và Dức Phật cũng dạy về “Bảy Pháp bất thối” quyết định sự hưng suy của Tăng Đoàn. Tăng chúng tu tập lục hòa thanh tịnh trong đạo tràng này đang bồi dưỡng năng lực, huấn luyện, hoàn thiện cho nhau trong tinh thần “đi như một dòng sông” (quên đi những điểm xuất phát riêng biệt khác nhau của mình) tạo thành một thể hòa quyện, thống nhất.
Những ánh mắt thân thương, những chấp tay chào tương kính, những chia sẻ chân thật, những kỷ niệm tại đạo tràng là hành trang cho mỗi hành giả ngày mai đi muôn phương, trở về trú xứ và vân du hành Đạo muôn phương. Hạt giống tốt sẽ đâm chồi, này lộc. Mỗi hành giả học hỏi, tu dưỡng, sinh hoạt trong sự nương tựa Tăng đoàn và hình ảnh trang nghiêm, thanh tịnh, hòa hợp, an lạc của Tăng đoàn hôm nay sẽ chuyển vận thành một sức sống và trỗi dậy diệu kỳ, mở ra những trang sử mới huy hoàng cho Phật Giáo tại Hoa Kỳ và Hải Ngoại như lời khuyến tấn chư Tổ Sư :
Nhờ công tu-tập tinh-chuyên,
Đại-thừa liễu-ngộ chứng truyền chân-tâm.
Thoát ngoài kiếp hải trâm-luân,
Hoằng-khai Lục-độ hạnh-môn cứu người.
Đạo tràng dựng khắp nơi-nơi,
Lưới nghi phá hết trong ngoài sạch không.
Tà ma hàng-phục đến cùng,
Truyền-đăng Phật-pháp nối dòng vô chung.
Vâng làm Phật-sự mười-phương,
Không vì lao-nhọc, nản lòng tinh-chuyên.
Bao nhiêu Diệu-pháp thâm-huyền,
Thảy đều thực-hiện trong vòng trầm-luân.
Rồi đem Phước-huệ độ-sanh,
Chứng nên Phật-quả hoàn-thành Pháp-thân.
Tùy-cơ ứng-biến cõi-trần,
Phân-thân vô-số độ dần chúng sanh.
Ngày 14/07/2018 - Thích Đồng Trí
-------------------------------------------------
Bài Thơ :
MAI MÃN HẠ
Mai nhé lên đường xong kiết Hạ
Người đi còn vướng chút tâm tư
Mai nhé đệ huynh người mỗi ngả
Nhặt cánh hoa rơi kết tạ từ …
Mai nhé không còn vai sánh bước
Tiễn biệt đêm nay mấy ngụm trà
Chân cứng, đá mềm đời ngũ trược
Lời thơ nhắn gửi khách đi xa…
Mai chớ ngại ngùng khi xuống núi
Cô thân chiếc ảnh khách phong trần
Những ngày hội ngộ tuy ngắn ngủi
Trong Ta hiển hiện trọn Tăng Thân.
Mai chớ quên lời Ta đã hẹn
Sắt son vì Đạo, độ chúng sinh
Gió mát trăng thanh làm bầu bạn
Lưu luyến mà chi, bận chút tình?
Mai nhé dấn thân vào cuộc lữ
Dãi dầu từng trải lắm phong sương
Chúng sanh chìm đắm trong sanh tử
Ta ngại làm chi chút bụi đường?...
Mai nhé về đâu trong cõi mộng?
Bao độ dấn thân vạn dặm trường
Quán trọ bên đường thôi tơ tưởng
Quay về, Ta gặp lại cố hương.
Mai nhé, còn ngày Ta hội ngộ
Lục hòa chung sống trọn niềm thương
Tiếp nhận đèn Thiền chư Phật Tổ
Mang đi thắp sáng khắp muôn phương…