;
HỎI: Thưa thầy pháp Vô là thế nào?
ĐÁP: Nói theo hệ Bát-nhã là: "Vô sanh vô bất sanh". Theo con mắt của người phàm tục thì thấy vạn vật thật có sanh thật có diệt. Vì vậy mà muốn tìm cái vô sanh. Nhưng cái vô sanh ở đâu? Ví dụ cái bàn, trước khi chưa được thợ mộc cưa, bào, đục gỗ và dùng đinh đóng lại thì không có cái bàn.
Bây giờ đã được thợ mộc cưa, bào, đục đóng gỗ thành cái bàn, thì nói cái bàn mới sanh. Như vậy, cái bàn thật có sanh không? Nếu biết rõ cái bàn này là tướng duyên hợp tạm có, hư dối không thật sanh đó là thấy lý vô sanh.
Theo mắt phàm phu đối với thân con người, khi lọt lòng mẹ thì thấy thật sanh, khi ngừng thở thấy là thật tử. Nếu chúng ta nhìn thân ta thấy tóc, răng, xương... là đất; máu, nước mắt, mồ hôi, nước tiểu là nước; hơi thở là gió, hơi ấm là lửa, hoặc nhìn qua từng tế bào kết hợp thì cái gì thật là ta? Chẳng qua do duyên cha mẹ và thần thức hội đủ thì tạm có thân và tạm nói là sanh.
Xét theo lý nhân duyên thì duyên hợp tạm nói là sanh, chớ có sanh thật đâu? Nếu không có thật sanh thì đâu có thật tử. Vậy, quý vị thấy sanh và tử thật hay không thật? Tôi nói sanh và tử không thật. Tại sao? Vì trước tứ đại hợp lại tạm gọi là sanh, nay tứ đại tan rã tạm gọi là tử. Chỉ có duyên hợp và duyên tan mà thôi, nào có sanh tử thật? Giống như dùng phương tiện ráp lại thì thành cái bàn.
Những dụng cụ làm nên cái bàn vẫn còn đó không mất, chỉ giả tướng cái bàn mất thôi. Thân người cũng vậy, đất, nước, gió, lửa hợp lại tạm có thân gọi là sanh; khi hơi thở trả về với gió, hơi ấm trả về với lửa, máu tủy... trả về với nước, tóc xương răng... trả về với đất tạm gọi là tử.
Đất, nước, gió, lửa vẫn còn đó nào có mất đâu? Chỉ có giả tướng của thân là mất thôi. Nếu thấy rõ sanh là tạm sanh, tử là tạm tử thì ngay trong cái tạm sanh, thấy được cái vô sanh. Không thể tìm lý vô sanh ngoài cái sanh tử ấy.
Trích ( NHỮNG CÁNH HOA ĐÀM )