;
Lễ rước Phật Phật quanh khu dân cư Bằng Liệt và khu đô thị Linh Đàm
Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025 diễn ra trong không khí trang nghiêm, trọng thể trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt trong đó tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự), quận Hoàng Mai, Hà Nội – nơi đã tổ chức nhiều hoạt động tu học, hoằng pháp, tâm linh gắn kết cộng đồng, mang đậm tinh thần từ bi và giáo dục nhân văn của Phật giáo.
Một Phật tử trang nghiêm đón đoàn rước Phật
Một trong những điểm nhấn thiêng liêng và đầy cảm xúc trong dịp lễ này hằng năm là lễ rước tôn tượng Đức Phật đản sanh quanh làng Bằng. Trong niềm vui hân hoan hòa cùng tiếng niệm Phật trầm ấm, đoàn rước do Chư Tăng ni chùa Bằng dẫn đầu đã đi qua từng con ngõ nhỏ, mang theo hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa sơ sinh – biểu tượng của sự giác ngộ và giải thoát cho muôn loài. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trụ trì chùa Bằng – đã trực tiếp dẫn đầu đoàn rước trong sự hoan hỷ, an nhiên. Thầy thân thiện gặp gỡ, chúc phúc nhân dịp Phật đản cho Phật tử, nhân dân, xoa đầu trẻ nhỏ, chia sẻ lời dạy từ bi yêu thương của Đức Phật, để lại những hình ảnh đẹp về một bậc Thầy mô phạm gần gũi, đầy lòng yêu thương.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thăm và chúc phúc người già, trẻ nhỏ
Không khí làng Bằng những ngày này rực rỡ sắc màu Phật đản. Người dân từ cụ già, em nhỏ đến thanh niên, nam nữ đều trang nghiêm...chắp tay kính cẩn đón đoàn rước đi qua.
Trang nghiêm thành kính
Trước cửa mỗi nhà nhiều ban thờ nhỏ có hình Đức Phật đản sanh, vài đóa hoa tươi, chai nước lọc, trái cây đơn sơ thanh khiết – biểu tượng cho lòng thành kính sâu sắc. Những ngọn đèn lồng ấm áp, những lá cờ Phật giáo bay phấp phới, những băng rôn treo cao với thông điệp "Kính mừng Phật đản" đã làm bừng sáng tinh thần hòa bình, yêu thương lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Tinh thần ấy cũng hòa nhịp với những sự kiện trọng đại khác trong mùa Phật đản năm nay. Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là sự kiện quốc tế quan trọng, mà còn là minh chứng cho việc Phật giáo Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong việc xây dựng hòa bình, khơi dậy lòng từ bi, đoàn kết các dân tộc. Hàng nghìn Tăng Ni, Phật tử và đại biểu quốc tế đã cùng nhau hội tụ, lan tỏa thông điệp “Đoàn kết và khoan dung vì nhân phẩm: Trí tuệ Phật giáo cho hòa bình và phát triển bền vững”– đó cũng là nền tảng của một xã hội hạnh phúc và bền vững.
Đặc biệt, năm nay còn ghi dấu ấn thiêng liêng khi Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cung thỉnh từ Ấn Độ về Việt Nam, đảnh lễ Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc sống năm 1963 tại miền Nam Việt Nam để lại xá lợi trái tim là bảo vật vô cùng quý giá tạo nên một sự kiện tâm linh sâu sắc và kỳ diệu.
Xá lợi Đức Phật được tôn trí tại chùa Quán Sứ - Hà Nội
Sự hiện diện của Xá lợi Đức Phật không chỉ là một biểu tượng tâm linh linh thiêng, mà còn là cầu nối giữa lịch sử và hiện tại, giữa lòng tin và sự thực hành giáo lý Phật đà trong đời sống hôm nay.
Trong thông điệp gửi tới Đại lễ Phật đản 2025, Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhấn mạnh: “vai trò thiêng liêng của tinh thần đoàn kết và bao dung trong sự nghiệp kiến tạo hòa bình, hạnh phúc, và phát triển bền vững cho nhân loại. Đức Pháp chủ cũng kêu gọi toàn thể Phật tử thắp sáng tình yêu thương, thực hành từ bi, trí tuệ và lan tỏa chánh niệm trong đời sống hiện đại”.
Thông điệp ấy không chỉ vang vọng trong chánh điện, mà còn hiện hữu qua từng bước chân rước Phật, qua ánh mắt trìu mến của những vị sư hiền hòa, qua nụ cười trong sáng của trẻ nhỏ, và qua bàn tay chắp lại đầy niềm tin của người dân.
Tổ chức nghi thức tắm Phật tại Đình làng
Lễ Phật đản PL.2569 tại chùa Bằng không chỉ là một nghi lễ tín ngưỡng, mà là biểu tượng sống động cho tinh thần nhập thế của Phật giáo – lấy yêu thương làm gốc, lấy sự hiểu biết và đồng cảm để xây dựng cộng đồng hòa hợp. Những giá trị từ bi, trí tuệ và nhân ái của đạo Phật, thông qua các hoạt động như rước Phật, đón Xá lợi, đảnh lễ Xá Lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức, tổ chức Đại lễ Vesak... đang từng ngày thấm sâu vào lòng người, vào đời sống, vào từng ngôi làng, từng thành phố của đất nước Việt Nam.
Và như thế, mỗi mùa Phật đản không chỉ nhắc nhớ về sự ra đời của một bậc giác ngộ, mà còn là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống tỉnh thức, yêu thương và bao dung hơn – để cùng nhau kiến tạo một thế giới an lạc, từ bi và hạnh phúc.
Ảnh: Diệu Tường