;
... Đứng bên đống xương bừa bãi, hình ảnh bà con quyến thuộc bao đời trôi lăn trong sanh tử hiện ra, gợi nguồn cảm xúc vì ân nghĩa tương thân, về đạo lý làm người đối với các đấng sanh thành dưỡng dục. Nhân đó, Đức Phật đã nói về sự khó nhọc, cằn cỗi, héo hon của người mẹ do mang thai, sinh đẻ, bú mớm làm cho xương tủy hao mòn. Và vì vậy xương của đàn bà nhẹ và đen hơn xương của đàn ông...
Người Việt Nam chúng ta từ bao đời được thừa hưởng di sản văn hóa của các Tôn giáo lớn ở Đông Phương, trong đó việc giáo dục về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chiếm một phần trọng yếu. Người Việt cũng tự hào có một nền văn hóa lâu đời, có một truyền thống hiếu để trung tín vững chắc. Ân đức của cha mẹ được ví như trời cao, bể cả, núi rộng sông dài, phản ảnh rất hiện thực qua nền văn hóa dân gian...
Chúng ta phát tâm bố thí cúng dường nhân ngày Vu Lan báo hiếu để hồi hướng công đức cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời nương nhờ oai lực của Tam Bảo mà vĩnh viễn xa lìa cảnh khổ tối tăm, sanh về Lạc quốc. Đối với cha mẹ và quyến thuộc hiện tại, chúng ta tỏ niềm hiếu kính, thương yêu, phụng sự và nhất là học theo hiếu hạnh, từ bi của Đức Phật bằng cách ban trải lòng thương đến với mọi người, mọi loài và cầu mong cho tất cả thấm nhuần phúc lạc.
Đức Phật là nhà giáo dục, nhà văn hóa tư tưởng vĩ đại trên nhiều lãnh vực từ xưa đến nay, tất nhiên Ngài rất chú trọng đến vấn đề hiếu để. Những lời dạy của Ngài về đạo hiếu, được ghi chép trên nhiều Kinh điển: Trong Kinh Bộ Tăng Chi, Ngài nêu ra bốn trách nhiệm mà con người phải thực hiện để đền đáp công sinh dưỡng. Trong Kinh Thiện Sanh thuộc Kinh Trường A Hàm, Phật khẳng định năm bổn phận mà một người con hiếu phải có. Nhưng cảm động nhất, sâu sắc nhất, chi tiết nhất vẫn là những lời dạy tha thiết chân tình trong Kinh Vu Lan Bồn và Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, mà hôm nay nhân mùa báo hiếu chúng ta đang trân trọng thọ trì.
Một hôm trên đường du hóa từ Thành Xá Vệ về phương Nam, Đức Phật cùng Đại chúng lần lượt bước đi với những bước chân thật thong thả vững chãi thanh nhàn. Trên con đường ấy Đức Phật đã gặp một đống xương khô ngoài đồng vắng. Với tất cả sự trân trọng thành kính, Ngài đã lạy xuống đống xương ba lạy, khiến Tôn Giả A Nan hết sức ngạc nhiên, nên bạch với đức đạo sư rằng: “Thế Tôn là bậc Cha lành của bốn loài trong ba cõi, sao Ngài lại lạy xương khô?”
Phật bảo Ngài lạy là lạy những bậc tiền bối, vì trong đống xương khô ấy có hài cốt của lục thân quyến thuộc và có thể ngay cả của chính mình trong nhiều đời trước.
Đứng bên đống xương bừa bãi, hình ảnh bà con quyến thuộc bao đời trôi lăn trong sanh tử hiện ra, gợi nguồn cảm xúc vì ân nghĩa tương thân, về đạo lý làm người đối với các đấng sanh thành dưỡng dục. Nhân đó, Đức Phật đã nói về sự khó nhọc, cằn cỗi, héo hon của người mẹ do mang thai, sinh đẻ, bú mớm làm cho xương tủy hao mòn. Và vì vậy xương của đàn bà nhẹ và đen hơn xương của đàn ông.
Tiếp nhận lời dạy của Phật, Tôn Giả A Nan nghĩ đến công lao sanh dưỡng của cha mẹ thật là sâu nặng, nên Ngài cầu Phật chỉ dạy phương pháp báo hiếu để người hiếu thảo vâng hành.
Trước khi huấn thị về cách báo hiếu, Đức Phật trình bày tóm lược mười công đức của cha mẹ như sau:
- Một là trong thời gian mười tháng cưu mang, người mẹ phải thận trọng giữ gìn, nuôi nấng chăm sóc thai nhi hết sức chu đáo;
- Hai là, đến ngày sanh nở sự nguy hiểm và khó nhọc trăm phần: sanh được thì sống, không sanh được thì chết.
- Ba là mẹ chịu cực khổ nuôi con từ tấm bé. Mỗi khi trái gió trở trời em bé nóng mình khó ở thì người thao thức bỏ ăn mất ngủ, nhưng không vì vậy mà phiền hà.
- Bốn là mẹ ăn đắng nuốt cay, để dành bùi ngọt cho con.
- Năm là săn sóc chăm chút cho con từng ly từng tí, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.
- Sáu là sú nước nhai cơm, bế bồng bú mớm.
- Bảy là mẹ phải chịu đựng ô uế, tắm rửa giặt giũ đồ dơ cho con.
- Tám là lớn lên, khi con đi ra, cha mẹ phải lo lắng buồn phiền.
- Chín là cha mẹ cam chịu nghiệp chướng khổ đau, chỉ mong cho con được sung sướng.
- Mười là cha mẹ kham nhẫn sự thiếu thốn để con được sống thanh nhàn.
Phật bảo công ơn sinh dưỡng của cha mẹ sâu nặng như thế mà không có mấy người biết được ân đức cao dày này, nên khi bị rày rà thì liền trả treo ngỗ nghịch, phùng mang trợn mắt, chẳng kể người trên trước, không biết nghĩa tương thân. Hoặc bỏ nhà ra đi biền biệt không về thăm viếng. Hoặc phá hết của cải rồi theo bọn trộm cướp để rồi bị tù tội hay bỏ xác nơi xứ người. Vậy mà khi nghe tin cha mẹ vẫn xót thương buồn khóc, có thể vì thế mà mắt bị mù, thân bị bại, song vẫn không nguôi. Như thế, con có thể không thương cha mẹ, nhưng cha mẹ bao giờ cũng yêu thương con. Nên tục ngữ có câu: “Hùm dữ không ăn thịt con” là vậy. Cha mẹ sanh con bao giờ cũng muốn cho con nên người hữu dụng và có hiếu thảo. Lòng mong ước ấy thật bền bỉ kiên trì và dễ thương vô hạn. Nhưng gặp phải đứa con bất hiếu bất mục, cha mẹ cũng phải cam chịu cảnh bất hạnh phủ phàng đơn côi đói rách, nhất là trong những ngày tàn trống vắng dưới mái tranh leo lét điều hiu.
Đại chúng nghe Phật kể tội bất hiếu của con người thì sinh lòng cảm thương bi lụy, và thấy chính mình cũng phạm vào những lỗi lầm này, nên có người tự trách và tự hành hạ mình cho đến thân thể đẫm máu và tâm thần bất tỉnh, rồi tự thán rằng:
Bọn ta quả thiệt tội nhân
Xưa nay chẳng rõ không hơn người mù
Nay tỏ ngộ biết bao lầm lạc
Ruột gan dường như nát như tan.
Đã thật sự thấy được ân đức cao dày của cha mẹ nhiều đời mà từ trước tới nay vì vô minh nên hờ hững lãng quên. Ngày nay tỏ bày lòng thành hối hận, nên Đại chúng lại cầu Phật chỉ cách báo đáp thù ân.
Phật bảo ân cha mẹ không có gì so sánh được, không có cách phụng dưỡng nào có thể đền đáp được:
Ví có người ơn sâu dốc trả
Cõng mẹ cha tất cả hai vai
Giáp vòng hòn núi Tu Di
Đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền
Ví có người gặp cơn đói rét
Nuôi song thân dùng hết thân này
Xương nghiền thịt nát phân thây
Trải trăm nghìn kiếp thân đây chưa đồng
Nhưng ân đức của cha mẹ có thể báo đáp được khi người con chí thành ăn năn lỗi trước, vì cha mẹ biên chép, lưu truyền và trì tụng Kinh này. Đồng thời cúng dường Tam bảo, phụng hiếu chúng Tăng trong ngày Tự Tứ để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại và lục thân quá vãng được an vui tự tại, giải thoát khổ đau, nhất là tự mình phải chuyên trì tam quy ngũ giới, sống đời gương mẫu cho con cháu noi theo.
Cuối cùng Đức Phật xác định: bất hiếu là tội đứng đầu trong năm trọng tội. Kẻ mắc vào tội này bị rơi vào địa ngục vô gián, nghĩa là bị hành hạ suốt ngày đêm cho đến trăm nghìn kiếp không có một giây gián đoạn.
Đến đây hai con đường họa, phúc mở ra rõ ràng cho hàng tứ chúng. Vì vậy tất cả Đại chúng đồng thanh phát nguyện tuân giữ phụng hành lời dạy vàng ngọc về hiếu đạo của Đức Thế Tôn.
Người Việt Nam chúng ta từ bao đời được thừa hưởng di sản văn hóa của các Tôn giáo lớn ở Đông Phương, trong đó việc giáo dục về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chiếm một phần trọng yếu. Người Việt cũng tự hào có một nền văn hóa lâu đời, có một truyền thống hiếu để trung tín vững chắc. Ân đức của cha mẹ được ví như trời cao, bể cả, núi rộng sông dài, phản ảnh rất hiện thực qua nền văn hóa dân gian, như những ca dao:
Ơn cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi
Dù cho dâng cả một đời
Cũng không trả được ân người sanh ta.
Tinh thần hiếu thảo của dân tộc được kết hợp một cách hài hòa với lòng hiếu đạo của văn hóa Phật giáo qua truyền thống báo hiếu trong Kinh Vu Lan Bồn:
Đêm Vu Lan trăng tròn vành vạch
Nhớ mẹ cha canh cánh bên lòng
Cha còn như ngọn đèn chong
Mẹ còn như ánh trăng rằm Trung Thu.
Thể hiện tinh thần hiếu hạnh ấy, người Việt ngàn xưa không thiếu những hàng trung hiếu tiết nghĩa tiêu biểu. Hiếu hạnh là đức tính căn bản. “Cùng cực điều thiện không gì hơn hiếu; Cùng cực điều ác không gì hơn bất hiếu”. Nhờ nó mà gia đình êm ấm, xã hội tương thân; mọi người biết quý trọng nhau, nhất là tinh thần đạo hiếu trong Phật giáo mà được thực hiện thì tình thương và hiểu biết chan hòa khắp cả và hạnh phúc sẽ đến với mọi người. Bởi vì, với đống xương khô mà Đức Phật còn trân trọng, huống chi là con người hiện hữu.
Ngày nay đạo đức xã hội của ta đang suy đồi nghiêm trọng, nhất là tuổi trẻ, trong đó đạo hiếu cũng cùng chịu chung số phận. Như vậy, bổn phận của nhà giáo dục văn hóa nói chung của cha mẹ nói riêng phải khai thác nguồn hiếu hạnh sẵn có của dân tộc mình, kết hợp với hiếu đạo của Phật giáo, rồi vận dụng vào môi trường giáo dục hầu vãn hồi tình trạng suy thoái đạo đức hiện nay.
Chúng ta là Phật tử, được may mắn hơn những người khác, vì chúng ta có niềm tin nơi Phật - Pháp - Tăng. Tin Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, phước trí đầy đủ; tin Pháp là chân lý là ánh sáng soi đường; tin Tăng là những người xuất gia thanh tịnh, giới đức kinh hương. Nhờ có những niềm tin ấy, chúng ta sẵn sàng tuân thủ những lời dạy quý báu trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân này. Chúng ta phát tâm bố thí cúng dường nhân ngày Vu Lan báo hiếu để hồi hướng công đức cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời nương nhờ oai lực của Tam Bảo mà vĩnh viễn xa lìa cảnh khổ tối tăm, sanh về Lạc quốc. Đối với cha mẹ và quyến thuộc hiện tại, chúng ta tỏ niềm hiếu kính, thương yêu, phụng sự và nhất là học theo hiếu hạnh, từ bi của Đức Phật bằng cách ban trải lòng thương đến với mọi người, mọi loài và cầu mong cho tất cả thấm nhuần phúc lạc.
Nhựt Chiếu