;
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Rồi gia chủ Anàthapindika với khoảng năm trăm nam cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika:
Này gia chủ, ông đã cung cấp cho chúng Tỷ kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng ông chớ có bằng lòng với ý nghĩ: “Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh”. Do vậy, này gia chủ, ông cần phải học tập như sau:
“Với phương tiện nào chúng ta thỉnh thoảng đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh”. Như vậy, này gia chủ, ông cần phải học tập.
Ðược nghe nói như vậy, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Khéo nói thay là lời nói này của Thế Tôn: “Này gia chủ, ông đã cung cấp cho chúng Tỷ kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng ông chớ có bằng lòng với ý nghĩ: Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Do vậy, ông cần phải học tập như sau: Với phương tiện nào chúng ta thỉnh thoảng đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh! Như vậy, này gia chủ, ông cần phải học tập”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Hoan hỷ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.644)
LỜI BÀN:
Hoan hỷ là vui vẻ, sự đẹp lòng với tâm trạng hân hoan mà an tịnh, thoải mái, nhẹ nhàng và thanh thoát. Niềm vui trong cuộc sống thì có nhiều nhưng không phải niềm vui nào cũng được gọi là hoan hỷ. Những sự vui thích do thu về nhiều nguồn lợi vật chất hay sự hả hê của say men chiến thắng hoặc hài lòng khi thấy đối phương thất bại v.v… đều không phải hỷ. Một niềm vui an tịnh, nhẹ nhàng và sâu lắng khi đã buông xả hết các vướng mắc, chấp thủ mới là hỷ đích thực.
Cuộc sống vốn dĩ là vướng mắc. Chúng ta thường bị kẹt vào vô số chuyện như bị tham sân si phiền não chi phối thì đã đành, những chuyện tốt đẹp, làm các điều phước thiện như công quả, tu học, bố thí, cúng dường nếu không khéo cũng bị kẹt, rơi vào chấp thủ. Đại thí chủ Anàthapindika (Cấp Cô Độc) đã nhiều năm thực hành bố thí rất to lớn, tâm tư thật hào phóng và khoáng đạt nhưng Thế Tôn vẫn luôn khuyến tấn “chớ có bằng lòng” vì mình đã cúng dường nhiều, có công đức lớn với Tam bảo mà phải luôn “an trú hỷ do viễn ly sanh” trước mỗi điều tốt đã làm.
Làm được nhiều việc thiện lành nhưng không hề nghĩ mình đã làm được nhiều, buông xả hết không chấp thủ thì công đức ấy mới vô lượng. Niềm vui của sự thâu vào tuy có đấy nhưng chật hẹp, nhỏ nhoi và không bền. Niềm vui buông ra, xả ly trọn vẹn mới thật sự bền vững và có tác dụng trị liệu phiền não, nuôi dưỡng thân tâm an tịnh, hướng đến an lạc dài lâu.