;
Với những giá trị văn hóa truyền thống, phụng đạo yêu nước, giáo lý Phật đà không chỉ dừng lại với ý niệm từ bi hỷ xả, tự lợi, lợi tha trong lòng mọi người, mà nó còn đi vào thực tiễn trong cuộc sống, hòa nhập với những phong tục tập quán tại địa phương…, từ đó đạo Phật đã trở thành một tôn giáo thân thiện của dân tộc Việt Nam.
Phật giáo được du nhập vào đất nước Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Địa phận Luy Lâu(thuộc tỉnh Bắc Ninh)là trụ sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Đến đời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh và được coi là quốc giáo, có sức ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đã đi vào giai đoạn suy thoái. Đến đầu thế kỷ 18, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ 20, mặc dù ảnh hưởng mạnh của quá trình Âu hóa, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ, khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu.
Cho đến thời điểm thống nhất Việt Nam năm 1975, tại miền Bắc và miền Nam có nhiều tổ chức Phật giáo hoạt động. Với mục đích thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo tại Việt Nam thành một tổ chức duy nhất, cuộc vận động thống nhất Phật giáo đã được tiến hành. Năm 1980,Ban vận động Thống nhất Phật giáora đời do Hòa thượngThích Trí Thủlàm trưởng ban.
Năm 1981, Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên làGiáo hội Phật giáo Việt Nam, là hợp nhất của 9 tổ chức:Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam,Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất,Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam,Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam,Ban liên lạc Phật giáo yêu nước,Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán Tông,Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam,Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ,Hội Phật học Nam Việt. Đại hội đã thông qua Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời suy tôn suy cử giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, bao gồm Hội đồng Chứng Minh và Hội đồng Trị sự.
Giáo hội Phật giáo Việt Namlà Giáo hộiPhật giáoduy nhất đượcChính phủ Việt Namcông nhận, được thành lập tại Đại hộiPhật giáo Việt Namtổ chức tại chùaQuán Sứ,Hà Nộivào ngày7 tháng 11năm1981nhằm thống nhất tất cả sinh hoạtPhật giáocủa Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Phương châm của Giáo hội là:"Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội".
Hòa trong nhịp đập phát triển 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố và lớn mạnh về mọi mặt. Tiêu chí hoạt động của Ban Trị sự Thành hội là “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”, góp phần xây dựng xã hội công bằng dân chủ và văn minh, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao gương hạnh đạo đức và thuần phong mỹ tục, sống tốt đời đẹp đạo.
Trải qua gần 6 nhiệm kỳ, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp.HCM đã gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp: Nếp sống Tăng đoàn ngày càng ổn định và phát triển, các cơ sở thờ tự trực thuộc Giáo hội ngày một trang nghiêm, số lượng tín đồ Phật tử ngày càng tăng trưởng; Công tác tổ chức, Thành hội Phật giáo luôn kiện toàn thành phần nhân sự lãnh đạo Ban Trị sự - đều là các bậc tu hành phẩm hạnh, có đầy đủ nhiệt tâm và trách nhiệm, hoàn thành tốt các nghị quyết của Trung ương Giáo hội đề ra và tham gia tích cực các hoạt động xã hội tại địa phương. Về mặt hoạt động của 9 ban ngành trực thuộc Thành hội Phật giáo đã có nhiều thành quả đáng kể, cụ thể là trong các lĩnh vực:
1./ Thiết lập một hệ thống giáo dục cho Tăng Ni và lối sống đúng đắn cho các Phật tử:
Số lượng Tăng Ni: Có6.845Tăng Ni(trong đó 6.205 Tăng Ni Bắc tông, 395 Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ, 31 chư Tăng Nam tông Kinh, 19 chư Tăng Nam tông Khmer, 195 Tăng Ni Phật giáo người Hoa).Chư Tăng Phật giáo Bắc Tông, hệ phái Khất sĩ, Phật giáo người Hoa và hệ phái Nam tông đã có nhiều dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tu tập và công tác Giáo hội.
Số lượng tự viện: Có1.121cơ sở Tự viện(1.008 Tự viện Bắc tông, 41 Tịnh xá, 17 chùa Nam tông Kinh, 02 chùa Nam tông Khmer, 53 chùa Phật giáo người Hoa).
Về lĩnh vực Giáo dục Phật giáo, rèn luyện phẩm hạnh, giảng dạy cho Tăng Ni về Phật học cũng như thế học, nghiêm trì giới luật, giữ gìn sự thanh tịnh và hòa hợp, tạo được niềm tin cho tín đồ Phật tử. Mỗi năm, Ban Tăng sự Thành hội đều lập kế hoạch tổ chức khoảng 40 trường Hạ an cư tập trung cho các hành giả an cư và 50 Hạ trường an cư kiết hạ tại chỗ tại 24 Ban đại diện Phật giáo Quận Huyện cho hàng ngàn Tăng Ni thúc liễm thân tâm, tấn tu tam vô lậu học. Mỗi nhiệm kỳ kiến lập 2 đại Giới đàn, và trong 30 năm Thành hội Phật giáo đã tổ chức trên 9 đại giới đàn, hơn 1 vạn giới tử cầu thọ giới pháp để tu học.
Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của chư tôn đức Giáo thọ sư, trải qua 3 thập niên đã giảng dạy cho khoảng10.000Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và đang theo học tại các trường Cao - Trung Phật học, lớp Sơ cấp Phật học và Học viện Phật giáo. Cho đến nay, Ban giáo dục Tăng Ni đã và đang đào tạo được8khóa Trung cấp Phật học,5khóa Cao đẳng Phật học và9khóa Cử nhân Phật học, hàng trăm Tăng Ni du học sinh theo học các chương trình Cao học thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Srilanka… Giới thiệu Tăng Ni sinh theo học khóa Thiện Hoa, Trí Thủ, lớp Cao - Trung cấp giảng sư do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức.
Giúp đỡ và khuyến khích giới Tăng Ni trẻ luôn tấn đạo nghiêm thân, xứng đáng là trưởng tử của Như Lai, duy trì mạng mạch giáo pháp của Đức Thế Tôn, kế thừa sự nghiệp hoằng hóa của Tổ Thầy.
Nhận thức được trách nhiệm thiêng liêng cao quý là“Hoằng pháp lợi sanh”,Ban Hoằng pháp Thành hội rất quan tâm và nỗ lực đem đạo vào đời, ngõ hầu tuyên dương chánh pháp, lời Phật dạy được phổ biến muôn nơi. Chư tôn đức thành viên giảng sư đoàn đã thuyết giảng trên100giảng đường Phật học, và khoảng150các đạo tràng tu tập bát quan trai giới, đạo tràng niệm Phật, lớp Phật học hàm thụ có khoảng5.000lượt Phật tử tham dự khóa học. Các buổi giảng đều truyền tải thông điệp từ bi trí tuệ của đức Phật, được các vị Pháp sư, giảng sư khai thác và giảng dạy dưới góc nhìn tâm lý đạo đức Phật giáo khiến thính giả dễ tiếp thu và ứng dụng lời Phật dạy “Sống đạo trong đời”.
Hoằng dương Phật pháp cũng như hướng dẫn Phật tử tu hành đúng chánh pháp là trách nhiệm của chư Tăng Ni. Thành hội Phật giáo luôn quan tâm đến lĩnh vực này vì Phật tử luôn là nhân tố tích cực trong nhiều công tác Giáo hội. Thường trực Ban Trị sự đã chỉ đạo Ban hướng dẫn Phật tử Thành phố tạo nhiều mô hình sinh hoạt tu học, đề cao nếp sống hiền thiện và đạo đức. Từ đó, có nhiều tín đồ Phật tử đến chùa để lễ Phật, hành thiền hay tham dự các khóa học giáo lý, khóa tu một ngày an lạc, khóa tu mùa hè dành cho giới trẻ, các đơn vị sinh hoạt Gia đình Phật tử, các Câu lạc bộ thanh thiếu nhi Phật tử tu học. Điều này đã tạo sự tĩnh lặng, sáng suốt và làm phong phú thêm đời sống tâm linh của mọi người. Hướng dẫn Phật tử làm lành lánh dữ, hành thiện tránh ác, góp phần vào việc ổn định cho xã hội, tạo môi trường sống lành mạnh trong cuộc sống, từng bước khắc phục và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
2./ Truyền bá chánh pháp và thể hiện rõ tính tích cực của Phật giáo
Những ấn phẩm Phật giáo như Báo Giác Ngộ, Tạp chí Văn hóa, Đạo Phật Ngày Nay được phát hành rộng rãi khắp các tỉnh thành trong cả nước là những tài liệu quý cho độc giả tìm hiểu về giáo lý đạo Phật. Đặc biệt, báo Giác Ngộ là cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi kỳ phát hành12.000số, mỗi năm phát hành576.000số. Bên cạnh đó, tòa soạn báo đã phối hợp với Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam tổ chức trao các kỷ lục về các công trình văn hóa, mỹ thuật và nghiên cứu các thể tài Phật giáo.
Bên cạnh đó, Ban văn hóa Thành hội Phật giáo phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin thành phố tiến hành khởi công xây dựng và hoàn tất tượng đài Bồ tát Quảng Đức tại ngã tư Cách mạng tháng 8 - Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 để tưởng nhớ công đức vị pháp thiêu thân để bảo vệ Đạo pháp, giành độc lập cho Tổ quốc của Hòa thượng Thích Quảng Đức – Thánh tử đạo trong mùa pháp nạn 1963. Nhà truyền thống văn hóa Phật giáo thành phố được đặt tại Chùa Phổ Quang để phục vụ cho các lễ hội, tập trung hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử về tham dự.
Tổ chức trang nghiêm và trọng thể đại lễ Kính mừng Phật Đản và đại lễ Vu Lan báo hiếu gắn với các hoạt động: Diễu hành xe hoa, thuyết giảng Phật pháp cho đồng bào Phật tử tại lễ đài, triễn lãm thư pháp, trình diễn văn nghệ, từ thiện xã hội, ủy lạo đến đồng bào nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
3./ Nhằm tăng cường truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, mối liên hệ, gắn bó của Phật giáo với nhân dân Việt Nam và sự đóng góp tích cực của Phật giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Thành hội Phật giáo luôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố trong mọi hoạt động xã hội. Động viên giới Tăng Ni và Phật tử hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn dân cư. Nhiều tấm gương điển hình người tốt việc tốt của chư tôn đức Tăng Ni được Nhà nước tặng thưởng Huân chương cao quý, các cấp chính quyền và ban ngành đoàn thể biểu dương khen tặng.
Về lĩnh vực từ thiện xã hội, với tinh thần“Phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”,lấy từ bi cứu khổ làm phương châm hoạt động tự độ, độ tha, tinh thần tương thân tương ái. Trong những năm vừa qua, Thành hội Phật giáo đã hưởng ứng các phong trào xây dựng hàng ngàn ngôi nhà tình thương, những hoạt động ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các chương trình mổ mắt từ thiện, tặng xe lăn xe lắc, xây dựng cầu bê tông nông thôn, ủng hộ kinh phí đào giếng… cũng được triển khai thực hiện thường xuyên. Các Tuệ Tĩnh đường, phòng thuốc y học dân tộc miễn phí, các lớp học tình thương, cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo, nhà nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, cứu trợ đồng bào thiên tai lũ lụt, góp phần làm vơi đi những khó khăn về mặt vật chất cũng như tinh thần của người dân.
Trải nghiệm 30 năm, thuật ngữ“Kinh tế học Phật giáo”được bàn luận, nghiên cứu khá nhiều trên các diễn đàn hội thảo. Với mục đích tạo sự ấn định bền vững cho kinh tế nhà chùa nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt của Tăng Ni và đóng góp tạo phồn vinh cho đất nước… Ban Kinh tế Tài chánh Thành hội Phật giáo đã phối hợp tổ chức hệ thống nhà hàng Việt Chay, các phòng phát hành kinh sách Phật giáo phục vụ cho Tăng Ni, Phật tử và các sản phẩm du lịch hành hương tâm linh chiêm bái các thắng tích Phật giáo trong nước cũng như quốc tế.
Đứng trước bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa giao lưu mọi mặt trong đời sống, Phật giáo cũng có những bước chuyển mình đầy tích cực và ngoạn mục theo xu hướng phát triển của thời đại. Với mục đích tăng cường mối liên hệ hữu nghị với Phật tử và các tổ chức Phật giáo trên thế giới, tham gia xây dựng hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại,Ban Phật giáo Quốc tế đã thực hiện chương trình đối ngoại và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, trong thời gian qua Thành hội Phật giáo phối hợp với Văn phòng 2 TWGH tiếp các phái đoàn Phật giáo các nước: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản Thái Lan, Lào, SriLanka; thăm hữu nghị và chiêm bái thánh tích tại Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan; tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới tại Trung Quốc, Ấn Độ và tham dự Hội nghị hợp tác hữu nghị 2 nước Việt Nam - Campuchia tại Tp. Hồ Chí Minh… Các công tác quốc tế Phật giáo đã từng bước kiện toàn khả năng hoạt động và giới thiệu hình ảnh Phật giáo Việt Nam ra ngoài thế giới, thắt chặt tinh thần đoàn kết ngoại giao, hợp tác hữu nghị.
Các bậc Cổ đức có dạy “Ôn cố tri tân”,nghĩa là ôn lại việc đã qua để rút kinh nghiệm cho những việc của ngày hôm nay. Cũng vậy, trong đại lễ kỷ niệm này, chúng ta ngồi lại với nhau để thảo luận và tán dương những thành quả mà 30 năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã từng bước chuyển mình phát triển theo chiều hướng tích cực, phụng đạo yêu nước, đồng hành cùng dân tộc.
Bằng những hoạt động và thành quả đạt được, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp.HCM đã khẳng định tính mẫu mực trong hoạt động theo định hướng và phương châm của Hiến chương Giáo hội, phù hợp với Hiến pháp Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… đã thể hiện tính năng động và hội nhập cùng với tầm nhìn lớn lao trong định hướng hoạt động, phát triển trong xu thế làm mới không ngừng của quốc gia và Giáo hội. Và để có những thành quả lớn lao này, trong đó có một phần nhỏ sự đóng góp của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh với việc hoằng pháp độ sinh, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, giúp cho Phật giáo Việt Nam ngày một kiện toàn, ngõ hầu xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp, văn minh và phồn thịnh./.
Ban Trị sự THPG Tp. Hồ Chí Minh