;
Có nên nói đạo nào cũng là đạo ?
Đạo Phật có phải là một tôn giáo?
Theo báo cáo của BTS GHPGVN Quận 9, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip về "Nhà sư hát thánh ca" gây xôn xao dự luận, làm ảnh hưởng không tốt đối với tập thể tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vụ việc này liên quan đến ĐĐ.Thích Lệ Ngạn (nhà sư hát nhạc thánh ca) - Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử Phật giáo Quận 9 (NK. 2016 - 2021), hiện đang tu học tại Tổ đình Phước Tường số 16, đường 102 KP7, Phường Tăng Nhơn Phú A, Q.9 TP.HCM. Vì thế, BTS GHPGVN Quận 9 đã tiến hành triệu tập đương sự và thầy bổn sư ĐĐ.Thích Nhựt An - Trụ trì Tổ đình Phước Tường Quận 9, đến Văn Phòng BTS Phật Giáo Quận 9, số 614 Đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Bình, Quận 9 Tp.HCM, vào ngày 15 tháng 10 năm 2016 để tiến hành điều tra, xác minh.
Toàn cảnh phiên họp
Căn cứ báo cáo của BTS GHPGVN Quận 9, Thường trực Ban Trị sự TP.HCM đã chính thức tổ chức phiên họp tại văn phòng BTS GHPGVN TP.HCM, triệu tập đương sự Đại đức Thích Lệ Ngạn và thầy bổn sư Thích Nhựt An, trụ trì Tổ đình Phước Tường số 16, đường 102 KP7, Phường Tăng Nhơn Phú A, Q.9 TP.HCM để làm rõ vụ việc trên.
HT.Thích Thiện Tánh - Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực GHPGVN TP.HCM trực tiếp điều phối và chủ trì phiên họp, cùng với sự tham dự của HT.Thích Minh Thông - Phó Ban kiêm Trưởng ban Tăng Sự GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Tịnh Hạnh - Phó Ban kiêm Trưởng ban Kinh tế tài chính GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Như Tín - Phó Ban kiêm Trưởng Ban kiểm soát GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Như Niệm - Phó Ban kiêm Trưởng Ban Từ Thiện Xã Hội GHPGVN TP.HCM, HT.Thích Huệ Văn - Phó Ban Trị Sự GHPGVN TP.HCM, HT.Thích Thiện Minh - Phó Ban Tăng Sự GHPGVN TP.HCM, HT.Thích Huệ Cảnh - Trưởng BTS GHPGVN Q.9... và Chư tôn đức Ban Thư ký, Ban Tăng sự, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát, Ban truyền thông, BTS Phật giáo Quận 9 TP.HCM.
Tại phiên họp, ĐĐ.Thích Lệ Ngạn đã thừa nhận video clip "Ơn gọi một ngôi sao" là do chính đương sự trình bày tại Tu viện Phanxico, Quận 9, vào tối ngày 03 tháng 10 năm 2016, nhận dịp "Lễ Diễn Nguyện". Việc tham dự và trình diễn này có sự đồng ý của thầy Bổn sư ĐĐ.Thích Nhựt An - Trụ Trì Tổ Đình Phước Tường.
Đương sự Đại đức Thích Lệ Ngạn đối trước Chư tôn đức
ĐĐ.Thích Nhựt An - Trụ trì Tổ Đình Phước Tường cũng tiếp tục giải trình việc đệ tử mình tham gia chương trình biểu diễn này. Nguyên nhân là hàng năm Tu Viện Phanxico đều có thư mời Chư tăng Tổ đình Phước Tường đến tham gia giao lưu tôn giáo, nhưng do vì bận nhiều Phật sự nên Đại đức đã đề cử ĐĐ.Thích Lệ Ngạn đến tham dự, và đồng ý cho đệ tử mình giao lưu văn nghệ với Tu viện Phanxico (vì thấy vị này có năng khiếu về ca hát). Tuy nhiên, do không lường trước được việc Video clip của chương trình được đăng tải lên mạng xã hội, tạo ra nhiều dư luận không tốt về một "Sư Thầy hát thánh ca", vi phạm giới luật Phật chế, mất oai nghi phẩm hạnh của một Tỳ kheo, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu chỉ trích bôi nhọ Tăng đoàn, làm mất uy tín Giáo hội. Đại đức Thích Nhựt An và đệ tử Thích Lệ Ngạn thành khẩn sám hối, kính mong chư tôn đức lãnh đạo hoan hỷ tha thứ về vụ việc trên.
HT.Thích Minh Thông - Phó Ban kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM phát biểu: Giới luật nhà Phật quy định Sa Di, Tỳ kheo không được ca hát. Việc một Tỳ kheo ca hát ở bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, đều đã vi phạm giới điều của Phật chế. Chúng ta có thể thấy việc ca hát tội không nặng, nhưng hành vi này sẽ làm tổn thương đến hình ảnh của người xuất gia, khiến người bình thường có cách nhìn sai lệch đối với đời sống Tăng Ni và cả hệ thống Giáo hội. Trong vụ việc này, trách nhiệm quy về người thầy bổn sư, chúng tôi đề nghị thầy cần xem lại trách nhiệm vai trò bổn sư đối với đệ tử và chức vụ trụ trì đang đảm nhiệm.
HT.Thích Minh Thông - Phó Ban kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM phát biểu.
HT.Thích Như Tín - Phó Ban kiêm Trưởng ban Kiểm soát GHPGVN TP.HCM phát biểu ý kiến
Tiếp đó, HT.Thích Thiện Tánh - Phó Chủ Tịch HĐTS GHPGVN, kiêm Phó ban thường trực GHPGVN TP.HCM, chủ trì phiên họp nhấn mạnh, hiện nay chúng tôi cũng nhận được các hình ảnh, thông tin về hiện trạng Tăng Ni ca hát được đăng tải trên các mạng xã hội. Vì thế, Ban thường trực GHPGVN TP.HCM đã có chỉ đạo đến các Ban trị sự khi tổ chức các sự kiện văn nghệ, hạn chế Tăng ni tham gia. Riêng vụ việc Đại đức Thích Lệ Ngạn, BTS GHPGVN TP.HCM đã trực tiếp nhận được ý kiến phản ánh của dự luận, vì thế trách nhiệm của đương sự và thầy bổn sư trong vụ việc này vô cùng lớn. Căn cứ vào nội quy Tăng sự GHPGVN TP.HCM, chúng tôi đề nghị tùy theo mức độ vi phạm của đương sự mà xử lý.
HT.Thích Thiện Tánh - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, kiêm Phó ban Thường trực GHPGVN TP.HCM chủ trì phiên họp
Qua đó, HT.Thích Minh Thông lấy ý kiến của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội,tác pháp yết ma với quyết định sau:
- Đại Đức Thích Lệ Ngạn phải sám hối trước Chư tôn đức, gỡ những video clip liên quan đến đương sự trên mạng xã hội, cam kết chấm dứt việc ca hát và không tham gia các hoạt động sinh hoạt có liên quan đến lĩnh vực này.
- BTS GHPG Quận 9 có trách nhiệm tạm thời đình chỉ vai trò Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Phật giáo Quận 9 của Đại đức Thích Lệ Ngạn trong thời gian 3 năm. Các hoạt động học tập tại trường Phật học, tự viện vẫn được tiếp tục, sinh hoạt bình thường.
- ĐĐ Thích Nhựt An, Trụ trì Tổ đình Phước Tường, bổn sư của ĐĐ.Thích Lệ Ngạn tạm thời sẽ không tiếp nhận đệ tử trong thời gian ít nhất là 3 năm khi thi hành quyết định này.
HT.Thích Minh Thông lấy ý kiến Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và tác pháp Yết ma
Đại đức Thích Nhật An và đệ tử Thích Lệ Ngạn đối trước Chư tôn đức thành tâm sám hối
Sau khi tác pháp yết ma, ĐĐ.Thích Nhật An và đệ tử Thích Lệ Ngạn đối trước Chư tôn đức thành tâm sám hối và tuân thủ quyết định yết ma của Chư tôn Ban Thường Trực BTS GHPGVN TP.HCM đề ra.
HT.Thích Tịnh Hạnh - Phó ban kiêm Trưởng Ban kinh tế tài chánh BTS GHPGVN TP.HCM trăn trở phát biểu: Thầy Bổn sư và đương sự đã thành tâm sám hối rồi, song hiện nay, tình hình Tu sĩ ca hát rồi đăng lên các trang mạng xã hội là một vấn đề đáng báo động. Dẫu biết rằng âm nhạc là phương tiện hoằng Pháp tốt trong thời hiện đại mới, nhưng các ban chuyên ngành trực thuộc của Giáo hội cần định hướng cho Tăng Ni về các khái niệm nhạc lễ, nhạc đời, nhạc đạo... để không bị nhầm lẫn, và khai thác một cách thái quá, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Xuất gia.
HT.Thích Tịnh Hạnh - Phó ban kiêm Trưởng Ban kinh tế tài chánh BTS GHPGVN TP.HCM trăn trở phát biểu
Kết thúc phiên họp, HT.Thích Thiện Tánh chỉ đạo, đây là bài học lớn lao cho những Tăng Ni trẻ thích thể hiện mình, không tuân thủ giới luật đã thọ. Hơn nữa, thông qua vụ việc này các thầy bổn sư cũng phải xem lại như phương pháp quản lý và dạy dỗ đối với đệ tử. Chúng tôi đề nghị các ban chuyên ngành, BTS phật giáo 24 quận huyện tiếp tục rà soát những tăng ni có những hình ảnh, clip ca hát trên mạng xã hội không phù hợp với oai nghi của người xuất gia, yêu cầu thông báo trực tiếp đến Ban Tăng Sự, Ban Thường Trực GHPGVN TP.HCM kịp thời xử lý. Các thầy bổn sư cần hợp tác với các cấp Giáo Hội để quản lý Tăng ni chặt chẽ hơn, giúp Tăng ni trẻ có đời sống xuất gia phù hợp với quy củ thiền môn.
'Nhà sư hát thánh ca' - ảnh chụp từ clip
Trần Hòa
********************************************
VÌ SAO NHÀ SƯ KHÔNG ĐƯỢC CA HÁT
(Phỏng vấn Hòa Thượng Thích Thiện Tánh, Trưởng Ban Kiểm Soát Trung Ương GHPGVN)
“Giới luật nhà Phật đã có quy định rất rõ cấm nghe xem hát múa đờn kèn, thì sao một người tu có thể đi thi hát. Hát nhạc Phật giáo đã không đúng chứ nói gì hát một bài nhạc đời, dù đó là bài có nội dung đạo đức cũng không thể chấp nhận.”
Đây là khẳng định của Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Tp.HCM.
"Tôi mong muốn Bổn sư và các giáo thọ sư cần cố gắng hướng dẫn cho Tăng Ni trẻ về tứ oai nghi để không làm ảnh hưởng đến đạo Phật", Hòa thượng Thích Thiện Tánh chia sẻ.
Đã là tu sĩ thì không có hát
Bạch Hòa thượng, trong một cuộc thi hát ở TP HCM, có một “tiểu ni cô” mặc áo tràng nâu tham gia là như thế nào?
Theo như tôi nhận thấy, “tiểu ni cô” này không biết có thật sự là người đi tu không? Hay là cư sĩ… Nếu người tu thì vị Bổn sư cần xem lại vì thứ nhất, như đã nói trong vấn đề ăn mặc của người tu hành, “tiểu ni cô” này nếu là người tu, xét về tuổi và giới luật thọ nhận thì chỉ có thể mặc áo nhật bình lam, chứ sao lại mặc áo tràng màu nâu?
Vì thế vị bổn sư cần chấn chỉnh. Riêng nếu là Phật tử tại gia thì Ban tổ chức hay vị thầy 5 giới của cô bé nên khuyên cô bé xem lại cách ăn mặc của mình để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo.
Tại sao Hòa thượng lại nói ảnh hưởng đến Phật giáo?
Nếu mặc đồ bình thường để hát trước công chúng sẽ không làm ảnh hưởng đến hình ảnh người tuVì với hình tướng cạo đầu, mặc áo tràng nâu dễ khiến người đời nhầm tưởng đó là hình ảnh của tu sĩ Phật giáo, gây ra những suy nghĩ không tốt cho các tu sĩ hiện nay. Đặc biệt là còn đi hát trước công chúng. Đây là điều Phật giáo không đồng ý.
Giới luật nhà Phật đã có quy định rất rõ cấm nghe xem hát múa đờn kèn, thì sao một người tu có thể đi thi hát. Hát nhạc Phật giáo đã không đúng chứ nói gì hát một bài nhạc đời, dù đó là bài có nội dung đạo đức cũng không thể chấp nhận.
Hiện nay, do sự phát triển của xã hội, các phương tiện truyền thông và thông tin xuất hiện, các mối quan hệ xã hội nên chúng tôi cho rằng có thể du di việc nghe và xem hát. Nhưng không thể một người là tu sĩ thì không được làm như thế. Đây là giới luật do đức Phật chế ra không ai dám sửa đổi. Nếu làm là vi phạm.
Ca hát trước công chúng, là ca sĩ… việc này là của người ngoài đời, người tu không được làm. Vì hát là còn tham đắm vào cái hay mà người tu thì cần lìa xa việc tham, sân, si. Vậy sao còn làm? Hãy để việc ca hát cho người đời họ làm. Giáo hội không thể đồng tình với những hành vi này.
Nếu ai đã làm thì nên tự xét lại… Cần quản lý chặt chẽ hơn
Theo Hòa thượng vì đâu mà có chuyện này?
Qua việc này tôi thấy Ban Pháp chế từ TW đến các tỉnh thành dù đã có những nội quy, quy chế hoạt động những vẫn chưa phổ biến rộng, chưa thực hiện vào việc kiểm tra ngay thực tế.
Một thực tế chúng ta cũng cần nhìn nhận đó là chưa có quy chế để xử phạt, vì thế cần xây dựng để bảo vệ giáo hội đang có nhiều vấn đề xảy ra như hiện nay.
Theo tôi, Giáo hội Trung ương cần có văn bản chỉ đạo các ban ngành có quy chế cụ thể để chấn chỉnh các hoạt động của Tăng Ni và Phật tử. Nếu như chúng ta không làm thì sau này sẽ có rất nhiều hiện tượng không tốt xuất hiện, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của đạo Phật.
Hòa thượng có lời khuyên nào với Trụ trì các tự viện và Tăng Ni trẻ không?
Hiện nay các Tịnh nhơn trẻ chưa xuất gia, hay đã là Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na… thì cũng nên xem lại hình tướng, hình thức của một người tu, mình nên thế nào? Nên học tập theo những gì bổn sư chỉ dạy, không nên làm vượt quá mức quy định.
Phải giữ cho được màu sắc tu sĩ trẻ, màu áo nâu, áo lam với hình thức người tu sĩ Việt Nam, đừng để Phật tử đánh giá, hay các đạo khác chê cười.
Người tu sĩ khi xuất hiện ở đâu hãy tâm niệm là vì đạo pháp, hoằng pháp, đem ánh sáng đạo từ bi đến tất cả chúng sanh
Phật tử đi chùa, nhìn những vị mới xuất gia ăn mặc luộm thuộm, hay làm những điều không đúng trong giới luật… điều này là do bổn sư. Vị này cần có trách nhiệm nhắc nhớ tứ oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi. Ngay các vị Tăng Ni trẻ khi gặp các Chư Tôn đức phải như thế nào cũng cần phải chỉ dạy.
Không chỉ ở chùa, ngày đến các trường học, Chư Tôn đức giáo thọ cũng cần hướng dẫn đến các Tăng ni sinh trẻ biết làm sao cho phù hợp với cuộc sống hiện nay. Người ta nhìn thấy màu sắc của tu sĩ trẻ nếu làm sai thì ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo.
Không chỉ Tăng Ni trẻ mà ngay cả các vị Chư Tôn đức lớn cũng đừng nghĩ lớn rồi mặc sao thì mặc, làm gì thì làm… phải sống sao cho Tăng ni trẻ và Phật tử kính phục. Chư Tôn đức trang nghiêm thì Tăng Ni trẻ và Phật tử tại gia mới kính mà học theo.
Xin cảm ơn Hòa thượng!
Nguồn: Theo Hộ Pháp (giadinhonline.vn) & Ban Tôn Giáo Chính Phủ
Đinh thị Hồng Hanh
Bình thường thôi mà...Đức Giáo hoàng cũng từng câu Nguyễn trọng Thành đường hơi giáo...các linh mục đối khi vẫn muợn kinh Phật để giảng cho con chiên nghe mà...
Thích 2 Trả lời 10/24/2016 10:35:56 AM