Lịch sử Phật giáo Việt Nam có những bước thăng trầm, thịnh suy, nhưng nhìn chung trong hoàn cảnh nào Phật giáo Việt Nam cũng hòa nhập vào đời sống dân tộc, cùng chung vận mệnh và có nhiều cống hiến đối với dân tộc. “Trong suốt chiều dài hơn 2000 năm lịch sử, giới Phật tử và nhiều vị cao Tăng đã nhập thế tham gia phong trào yêu nước, những cuộc kháng chiến chống xâm lăng, những công cuộc phục hưng dất nước”1. Khẳng định vai trò của Phật giáo Việt Nam đối với lịch sử là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở nền tảng tư tưởng. Song thực tế, nước ta là một nước đang ở trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, với nền kinh tế thị trường mở cửa, nhiều thành phần, chúng ta đang cố gắng xây dựng con người mới – con người theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Điều đó chứng tỏ ở nước ta hiện nay vốn có nhiều tầng lớp khác nhau, nhưng có lẽ phổ biến hơn cả vẫn là con người truyền thống rải rác ở khắp các làng quê. Dĩ nhiên, con người truyền thống hiện nay không phải là con người truyền thống cách đây hai, ba thế kỷ, nhưng những nét chung căn bản của con người truyền thống trước kia cho đến nay họ vẫn còn giữ được. Đó là những nét riêng của văn hóa Việt Nam.
Nói đến văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể không đề cập đến đạo đức truyền thống. Việt Nam xưa nay vốn tự hào về lịch sử 4000 năm văn hiến, với truyền thống tốt đẹp của nòi giống tổ tiên. Niềm tự hào đó được thể hiện đậm nét trong ca dao, tục ngữ, thi ca và truyện cổ, với những biểu tượng mộc mạc nhưng vẫn đầy tình người, tình quê hương đất nước.
Trước hết là đạo làm người, nó biểu hiện qua tấm lòng con cái đối với cha mẹ. Hai dòng văn học dân gian và trí thức ở nước ta đều nhiệt tình ca ngợi tấm lòng hiếu kính của con cái với đấng sinh thành, tình sâu nghĩa nặng ấy được nhân dân ta cảm kích sâu đậm và hát thành những bài ca mang tính “uống nước nhớ nguồn”.
Ngoài ra, Phật giáo Việt Nam còn có nhiều quan niệm khác về đạo đức. Tùy theo mục tiêu của đời sống dừng lại ở những chỗ khác biệt nhau. Riêng Phật giáo xây dựng con đường sống đạo đức, đến với đạo đức từ trí tuệ thực nghiệm toàn giác của Đức Phật. Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong di sản đạo đức và văn hóa quý báu của dân tộc. Có thể nói, một trong những đặc sắc tốt đẹp của đạo Phật là khả năng thích ứng một cách cởi mở, không hẹp hòi, không giáo điều, một tôn giáo đạo đức nhân bản thực sự của con người.
Giáo lý Phật giáo không phải là một phạm trù trừu tượng, mà là những nội dung hết sức cụ thể, có tính hệ thống bao gồm nhiều giá trị nhân bản, khoa học và rất thực tại. Tất cả đều là những nhân tố góp phần xây dựng bản thân, hướng dẫn mọi người sống một lối sống tích cực để làm nên những viên đá xây dựng vững chắc ngôi nhà đạo đức.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay đều khẳng định: “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới…”2, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam nhằm tăng cường sự đồng thuận xã hội và tạo ra động lực mới trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa… Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng đã khẳng định: “Đời sống mới không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm”3. Trong công trình nghiên cứu “Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay” (của Nguyễn Tài Thư chủ biên), một trong những nhận định được đề cập đến là: “Công bằng mà nói, hệ tư tưởng tôn giáo cũng có mặt tích cực nhất định trong quần chúng và điều kiện xã hội hiện nay bởi tính quần chúng và từ thiện xã hội.
Nề nếp, kỷ cương và ý thức cộng đồng, đạo lý nhân nghĩa và vị tha. Những giá trị Chân - Thiện - Mỹ là cái gốc của Phật giáo, nên thường được bảo lưu và có cơ hội phát triển trong quần chúng, trong thế hệ trẻ. Nếu tín ngưỡng thật sự là nhu cầu thiết thân thì ta không ngăn cản, song phải chỉ rõ tính phản khoa học, phản động của hệ tư tưởng này và sự lợi dụng của các lực lượng thù địch đang chống phá quyết liệt con đường phát triển đi lên của đất nước ta”4.
Có thể nói, trong những biến cố lịch sử xã hội những năm 30-40 của thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam là một trong những môi trường cho những ai muốn gạn đục khơi trong, nhằm mục đích giải thoát thanh thiếu niên ra khỏi cạm bẫy của thực trạng xã hội, khỏi sự mê hoặc của tình trạng văn học nghệ thuật bi đát, nếp sống buông thả, văn nghệ diễn tình, đọa lạc… Nó đã góp một phần trong việc gìn giữ tín đồ tránh khỏi con đường sa đọa, vong bản, lai căng. Phân tích những nội dung trong chương trình tu học, chúng ta thấy rằng đạo đức Phật giáo đã được Tăng Ni, cư sĩ bổ sung và làm cho phong phú bằng các vấn đề của đạo đức trần thế trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Nghĩa là những hệ thống giáo lý chặt chẽ có tính khái quát cao đã được chuyển thành một thứ đạo đức bác học từ bi, bác ái, với những lời khuyên răn dễ hiểu, dễ học, những phép ứng xử, những lối sống trong các mối quan hệ và chuyển hóa nó theo lối bình dân, để biến chúng thành một triết lý sống, một hành vi mang tính xã hội. Những nội dung trên thực chất là những nguyên tắc đạo đức được hình thành nên từ yêu cầu cuộc sống xã hội mà Phật giáo nắm bắt được và vận dụng vào việc thực hiện mục đích của mình. Với Phật giáo là điều kiện để giải thoát, nhưng với xã hội thì phải tính đến hệ quả là làm sao cho xã hội có cuộc sống bình yên, có quan hệ lành mạnh, cục diện mà xã hội nào cũng mong đạt được. Nghĩa là, đạo đức đó cũng “có gốc rễ từ đời sống xã hội hiện thực, bắt nguồn từ đạo đức xã hội”.
Những nội dung giáo lý Phật giáo và những vấn đề thuộc lĩnh vực đạo đức Phật giáo Việt Nam không chỉ thể hiện tinh thần nhân bản, mà còn có nhiều điều phù hợp với đạo đức của con người mới, của các quy định về nếp sống văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Đó là lòng yêu thương con người và vạn vật; lòng hiếu thảo với cha mẹ và thuận thảo với mọi người; lòng yêu quê hương đất nước và nhân loại; tinh thần khuyến thiện trừ ác. Nó giáo dục mọi người thương yêu đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, hướng cho con người đến với lý tưởng sống cao đẹp. Vì những điều thiện, diệt trừ những điều ác, diệt trừ tham, sân, si, diệt trừ những phiền não, bực dọc của đời thường để đạt đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Tổ chức gia đình Phật tử đã thể hiện được sự kết hợp giữa đạo với đời, giúp cho thanh thiếu niên tự tạo cho mình một cuộc sống hòa thuận đầy tình người, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội. Đánh giá ý nghĩa về vấn đề này, tác giả Nguyễn Tài Thư đã nhận định: “Các lý thuyết trên ít nhiều mang tính chất thần bí, hư vô và bịa đặt… nhưng chúng cũng có ý nghĩa tích cực nhất định. Vì ở đó nhắc nhở con người phải chú ý đến việc hình thành ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, chú ý đến làm điều thiện. Chúng có thể trở thành công cụ để con người chủ động nhận thức sự diễn biến của thế giới, để họ khỏi bỡ ngỡ trước thay đổi của ngoại cảnh và có thể từ đó mà nâng cao phong cách sống, thái độ sống của mình”5.
Thật vậy, khi nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo và đạo đức, cũng như ảnh hưởng của nó đối với cộng đồng dân cư, các nhà nghiên cứu tôn giáo đưa ra các kết luận như: “Thực tế cho thấy quan niệm đạo đức của hầu hết mọi tôn giáo, ngoài những giá trị đặc thù bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác… Hơn nữa, ở tôn giáo, những quy định, quy phạm, những lời răn dạy, cấm đoán ngoài sự chế ước bởi những vùng có đông đồng bào theo tôn giáo thì các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, đánh nhau… giảm so với các vùng khác. Nét đặc thù riêng này của tôn giáo góp phần ngăn chặn các hành vi xấu xa, góp phần ổn định đời sống xã hội”6. Và cũng không phải không có căn cứ khi xã hội Việt Nam đã tiếp biến quan niệm từ bi của Phật giáo đối với muôn loài trong việc xây dựng chương trình “Đạo đức môi trường” giáo dục trong học đường với mong muốn tôn trọng môi trường, không tàn phá rừng, góp phần vào việc tạo cân bằng sinh thái, góp phần vào việc bảo đảm cuộc sống bền vững cho con người. Vấn đề môi sinh và đạo đức môi sinh cũng là vấn đề được chú ý trong chương trình tu học của gia đình Phật tử Việt Nam, là những vấn đề cần được khuyến khích và kế thừa.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, với khuynh hướng làm giàu bằng bất cứ giá nào, kể cả lừa đảo, gây tội ác, vi phạm pháp luật, sẵn sàng chà đạp lên lương tâm và nhân phẩm đã làm phát sinh lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất mà quên đi giá trị tinh thần, chạy theo tiền tài và danh vọng mà quên đi việc làm hoàn thiện nhân cách. Khuynh hướng đó đã làm băng hoại các truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta. Để giải quyết tận gốc các hiện tượng tiêu cực trên đây, phải là kết quả của một quá trình cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đảng và Nhà nước kịp thời đưa ra các định hướng về đạo đức xã hội, đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh thiếu niên thì việc kế thừa, cải tạo, tiếp biến những điểm tương đồng, hợp lý, tích cực trong đạo đức Phật giáo và áp dụng nó một cách linh hoạt, mềm dẻo nhằm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội là rất cần thiết.
Việc tiếp biến một cách sáng tạo những yếu tố đạo đức Phật giáo lành mạnh vào việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc phối hợp tuyên truyền chống các tệ nạn xã hội như HIV/AIDS và xây dựng các mô hình cai nghiện, các chương trình nuôi dạy hướng nghiệp cho trẻ em mồ côi lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa bằng các biện pháp tâm lý, bằng tình thương của các Tăng Ni, huynh trưởng, gia đình Phật tử cần được khuyến khích. Tuy nhiên, các hoạt động này còn mang tính dè dặt, giới hạn. Không ít công trình của các nhà nghiên cứu và báo cáo của các tỉnh, thành, đoàn đều công nhận rằng, những giá trị đạo đức Phật giáo cũng góp phần ngăn chặn tệ nạn xã hội cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo và những hành động hút sách, bạo loạn, xung đột. Nhiều Phật tử chân chính đã tham dự vào các tổ chức đoàn thể Phật giáo như Gia đình Phật tử. Bởi lý tưởng của họ là tôn trọng hòa bình thế giới, yêu đất nước không phải bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống cụ thể của mỗi người. Tự nguyện giữ giới luật Phật chế, thực hành Tam quy, Ngũ giới, mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống, trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật, sống trong sạch từ thể chất tới tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
Ngay từ khi mới thành lập Gia đình Phật tử, họ đã tuyên bố: “Vì lý tưởng cao cả của gia đình Phật tử, chúng ta sẽ không từ chối một gian lao khổ ải nào hết. Hiện nay đang có hàng nghìn, hàng vạn con em mà phụ huynh giao phó cho chúng ta uốn nắn, che chở, vun xới. Những phần tử ưu tú của mọi giới Phật tử và của xứ sở đang phó thác cho chúng ta dìu dắt. Chúng ta phải làm thế nào cho xứng đáng sứ mệnh ấy”. Cho nên, đa số các thanh niên tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, ít sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Như vậy, xét ở lứa tuổi, ảnh hưởng của Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đối với người Việt hiện nay không dừng lại ở các cụ già, mà còn ở cả những tầng lớp trẻ thanh thiếu niên.
Tóm lại, ảnh hưởng của Phật giáo đối với người Việt hiện nay thể hiện rõ ở lớp người truyền thống, ở tầng lớp cụ già và thanh thiếu niên. Còn đối với tầng lớp các tu sĩ, cư sĩ thì đó là một việc đương nhiên. Đó là ở bình diện bề nổi, dễ thấy, còn ở bình diện sâu xa khó thấy, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, đại đa số người Việt hiện nay đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo.
Thái độ khoa học không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận mặt tích cực của Gia đình Phật tử trong việc góp phần bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, mà nó còn đòi hỏi phải chỉ ra cho được những hạn chế, tiêu cực của nó. Những nội dung trong chương trình giáo dục của Gia đình Phật tử còn thể hiện tính chất hư vô chủ nghĩa khi nhìn nhận sự khổ đau của cuộc đời là một sự tất yếu và phương pháp giải thoát sự khổ đau còn mang tính chất duy tâm chủ quan. Thái độ cam chịu và thụ động đã làm triệt tiêu tính tích cực xã hội và khát vọng vươn lên trong việc giải phóng cá nhân, giải phóng xã hội, đôi khi nó đã vô tình ru ngủ làm lu mờ mục tiêu, ý chí. Một số nội dung tu học còn bộc lộ tính phiến diện, phản khoa học khi cho rằng chỉ có đạo Phật mới giữ gìn được truyền thống đạo đức, mới có tư tưởng nhân bản, mới là dân chủ. Những giá trị đạo đức trong chương trình học tập và huấn luyện chỉ dừng lại ở chỗ góp phần đào luyện thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo, chứ không phải là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó tuy bắt nguồn từ đạo đức xã hội, nhưng nó không thể bao quát hết đạo đức xã hội và đặc biệt là nó luôn luôn cần đến sự chứng giám của Đức Phật mà thiếu phần tự nguyện, tự giác, phần quan trọng trong việc thực hiện nghĩa vụ đạo đức. Do đó, không thể nói rằng, đạo đức Phật giáo nói riêng cao hơn đạo đức xã hội hoặc chủ trương giáo dục đạo đức Phật giáo cho toàn xã hội Việt Nam, với quan niệm chỉ có Phật giáo mới phù hợp với xã hội hiện nay, mà Mác phải ở cạnh Phật thì Gia đình Phật tử mới yên ổn; và chỉ có Phật giáo mới làm nền tảng cho công cuộc tuyên truyền đức dục... Nếu tâm trí chúng ta được nương tựa theo trí tuệ và từ bi của Đức Phật thì lo gì không thực hiện được một xã hội hòa bình, một nền văn minh chân thực và bền vững, một thế giới cực lạc. Đó là chưa kể đến việc lợi dụng phương thức tu học này của một bộ phận huynh trưởng, Tăng Ni để lôi kéo thanh thiếu niên vào con đường lầm lạc, ảnh hưởng đến sự đoàn kết nhân tâm và ổn định chính trị - xã hội. Do vậy, song song với việc giáo dục lòng yêu nước, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì cần tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh thiếu niên, góp phần hình thành thế hệ trẻ sống có văn hóa, yêu lao động, giàu lòng nhân ái và có niềm tin vào đường lối độc lập dân tộc Chủ nghĩa xã hội.
Bất kỳ một tôn giáo nào cũng đề cập đến ước nguyện, một mục đích mang lại tính tuyệt đối vĩnh cửu cho cộng đồng, cá nhân, điều mà con người dù vươn tới trình độ khoa học công nghệ cao đến mấy cũng không vươn tới được. Tuy nhiên, thái độ khoa học đòi hỏi khi nhìn nhận vấn đề, chúng ta phải nắm bắt được những tác động của Phật giáo để có cơ sở trong việc đề xuất các giải pháp có tính đồng hành trong mặt trận đoàn kết, tập hợp tín đồ Phật giáo trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân của Đảng. Đồng thời, trong quá trình xem xét cũng phải chỉ ra cho được mặt hạn chế, tiêu cực của nó để khắc phục, cải tạo. Thái độ tả khuynh hoặc hữu khuynh khi đánh giá, ứng xử vấn đề trên sẽ tạo ra sự thách đố hoặc ngộ nhận trong xã hội và sẽ làm phức tạp, bất ổn định trong đời sống tín đồ Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để các cấp lãnh đạo, quản lý xác định một thái độ ứng xử đúng đắn, nhằm tạo nên một sự đồng thuận xã hội trong chiến lược đoàn kết tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, nó sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc đề xuất các giải pháp hài hòa và thực sự có hiệu quả trong công tác đoàn kết, tập hợp tín đồ Phật giáo.
Như vậy, nếu cho rằng tư tưởng truyền thống Phật giáo Việt Nam là tích cực, nhập thế, cứu đời, độ mình thì điều này phải hiểu rằng, nhập thế không phải là lao mình vào con đường danh lợi, tình ái. Người Phật tử Tăng hay tục nhập thế không phải vì lòng còn vương vấn thế sự, còn đam mê danh lợi và dục tình thế gian, mà là vì hạnh nguyện lớn cứu đời, độ sinh của Bồ tát, như Đức Thích Ca đã làm trong vô lượng, vô số kiếp trước khi thành Phật dưới gốc cây Bồ Đề. Người Phật tử chân chính Tăng hay tục chủ trương nhập thế với tinh thần vô ngã, không đắm trước, không chấp nệ, không tham ái.
Nói tóm lại, những tư tưởng và hình ảnh của Phật giáo, Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là 30 năm trở lại đây đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa người Việt Nam. Những ảnh hưởng đó biểu hiện trong tất cả mọi mặt của nền văn hóa Việt. Nó không chỉ trong lịch sử mà trong thời đại ngày nay nó vẫn biểu hiện cực kỳ rõ nét và đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo, đặc sắc mang đậm bản sắc của người Việt. Phật giáo Việt Nam hòa nhập với văn hóa truyền thống đã trở thành một trong các yếu tố tạo dựng nên nền văn hóa Việt Nam, tạo dựng phong cách tư duy Việt Nam qua nhiều lần đổi mới. Mỗi lần đổi mới là một lần tự phản tư đồ, vươn lên của mỗi người cũng như của xã hội, của thời đại. Sự tìm kiếm và hoàn thiện là không ngừng của tư duy. Các hệ tư tưởng khác tìm đến Phật giáo và Phật giáo tìm đến các tư tưởng khác, đó là một tất yếu lịch sử.
Truyền thống văn hóa – tư tưởng của Phật giáo Việt Nam vừa xa xưa, lâu đời, vừa phổ cập và đại chúng, lại hàm súc một nội dung cao đẹp tích cực, đầy tính nhân bản, thật sự là một truyền thống quý báu xứng đáng để cho hậu thế chúng ta trân trọng, giữ gìn và phát huy một cách thích nghi nhất trong hoàn cảnh mới ngày nay. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981-07/11/2011), tác giả có đôi chút suy nghĩ hằng mong góp phần nhỏ bé trong định hướng lựa chọn những giá trị của đạo Phật, của Phật giáo Việt Nam trong nhu cầu đổi mới tư duy hôm nay, hội nhập văn hóa quốc tế, xây dựng con người mới Xã hội chủ nghĩa theo phương châm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra.
Thích Diệu Luyến
Chùa Quán Sứ, 73 Quán Sứ, Hà Nội
___________________________
- Phan Huy Lê (1991), “Hồ Chủ tịch với dòng văn hóa Phật giáo Việt Nam”, Nội san Nghiên cứu Phật học, số 1, tr.9
- Đảng Cộng Sản Việt Nam (1998), “Văn kiện Hội nghị lần thứ V, BCHTW khóa IX”, Nxb. CTQG, Hà Nội
- Hồ Chí Minh (1995), “Toàn tập Hồ Chí Minh”, tập 5, NXb. CTQG, Hà Nội
- Nguyễn Tài Thư (chủ biên, 1997) “Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay”, Nxb. CTQG, Hà Nội
- Nguyễn Tài Thư (1996), “Phật giáo Việt Nam những vấn đề hiện nay”, Nxb. Học viện CTQG, Hồ Chí Minh