nguoiphattu.com Dù không ai biết đích thực có Thiên đường và Thượng đế hay không, người ta vẫn thiết tha hy vọng, bằng niềm tin tôn giáo của mình, một ngày nào đó sau khi rũ bỏ thân xác hình hài ở nơi thế giới này, sẽ được lên Thiên đường và sống gần bên Chúa. Đó là một ước mơ đẹp, hướng thượng. Và nhiều khi con người ta sống được giữa cuộc đời đầy biến đổi, nhiều thương đau, bất hạnh này chỉ nhờ vào một niềm tin, một tia hy vọng nhỏ nhoi đó.
Nhưng vấn đề là chúng ta không thể lên Thiên đường chỉ bằng niềm tin và hy vọng. Cũng như dòng sông Aciravati nước đầy tràn bờ, có một người đến và muốn qua bên kia sông vì công việc, nhưng người ấy chỉ đứng trên bờ bên này kêu bờ bên kia và nói: “Bờ bên kia hãy lại đây! Bờ bên kia hãy lại đây!”. Có thể nào vì người ấy kêu gọi bờ bên kia, vì cầu khẩn, vì hy vọng, vì tán thán mà bờ bên kia của sông Aciravati đến bờ bên này không? Chúng ta cũng không thể lên Thiên đường bằng cách cầu nguyện và hy vọng.
Vậy làm thế nào để lên Thiên đường, để sống chung với đấng Phạm thiên? Đó là đề tài tranh luận của hai thanh niên Bà-la-môn Vàsettha và Bhàradvàja, và chúng ta có thể đọc được trong Trường Bộ, kinh số 13.
Một thời, khi đức Phật đang giáo hoá tại vương quốc Kosala, xứ sở có nhiều Bà-la-môn trứ danh và đại phú hào. Bấy giờ có hai thanh niên tên gọi Vàsettha và Bhàradvàja tranh luận nhau về con đường dẫn đến sống chung với Phạm thiên, nghĩa là được nhìn thấy và sống gần bên Thiên chúa. Lẽ dĩ nhiên, cả hai đều y cứ trên tín điều tôn giáo được truyền bởi các Thánh điển Vệ-đà như nhau, nhưng mỗi người lại hiểu theo một cách khác nhau dưới sự hướng dẫn của trường phái bổn sư của mình. Ai cũng cho rằng ‘đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo’. Không ai thuyết phục được ai, và cuối cùng họ đề nghị đến chỗ đức Phật để nhờ Ngài phân định.
Đức Phật đã giảng giải cho hai thanh niên Bà-la-môn rằng không thể đi đến Thiên đường, sống chung với Phạm thiên bằng cách cầu nguyện, tán tụng hay hy vọng được cứu rỗi, mà chỉ có thể đi đến Thiên đường, sống chung với Phạm thiên bằng cách sống với tâm tư tương ứng với tâm tư, phẩm chất của Phạm thiên. Phẩm chất của Phạm thiên là gì? Là “không dục ái, không sân hận, không ô nhiễm, và tự tại”.
Quả nhiên, nếu hiểu theo tín điều tôn giáo của họ, thì Phạm thiên hay Thiên chúa đích thực là bác ái, là tình yêu. Vậy thì, một người mà tâm tư luôn chất chứa hận thù không thể sống chung với một người mà tâm tư luôn tràn ngập tình yêu. Nói một cách khác, Thiên đường hay nước Chúa là mảnh đất của tình yêu và sự hiểu biết, ở đó Thiên chúa sống với tâm không dục ái, không giận hờn, lẽ nào lại tiếp nhận những con người mà tâm tư luôn chứa đầy tham lam, sân hận và si mê, sẵn sàng ôm bom đi đánh sập nhà người khác!
Đức Phật nói, dù cho những Bà-la-môn niên cao lạp trưởng, những bậc tôn sư và đại tôn sư thông thuộc các bộ Thánh điển, tinh thông ba tập Vệ-đà, nhưng đời sống chấp trước, mê đắm, bị trói buộc bởi sự trói buộc của dục lạc – tức là sống trái với tâm tư và phẩm chất của đấng Phạm thiên – thì không thể sau khi thân hoại mạng chung sẽ cộng trú với Phạm thiên. Những bậc lãnh đạo tôn giáo mà không thể về bên Phạm thiên thì làm sao dẫn dắt tín đồ của họ về với Phạm thiên? Những người này “khi ngồi với sự tự tín, thật sự đang bị chìm trong bùn lầy, và khi đang chìm trong bùn lầy phải sống trong thất vọng, lầm tưởng rằng đã đến cảnh giới an lạc hơn. Do vậy, đối với những người Bà-la-môn tinh thông Vệ-đà, sự tinh thông ấy được gọi là bãi sa mạc không có nước, sự tinh thông ấy cũng được gọi là rừng rậm không có đường lối, sự tinh thông thông ấy cũng được gọi là sự bất hạnh”.
Thật không có sự bất hạnh nào hơn khi mình gởi trọn niềm tin vào đấng Phạm thiên và nuôi hy vọng sẽ được sống chung với Ngài trong Thiên đường an lạc hạnh phúc, nhưng rốt cuộc rồi không đến được! Vì sao vậy? Vì chúng ta sống trái với tâm tư và phẩm chất của Ngài. Xét cho cùng, tâm tư và phẩm chất của Phạm thiên chính là bốn tâm vô lượng.
Kinh Tăng nhất A-hàm nói: “Có bốn tâm vô lượng được gọi là bốn Phạm trụ. Vì sao gọi là bốn Phạm trụ? Vì đó là bốn tâm tư để cho một người mà đời sống được coi là tương ứng với Phạm thiên, và với tâm ấy, sau khi chết được tái sinh lên thế giới của Phạm thiên. Thế giới của Phạm thiên có vị Thiên chúa tên gọi là Đại Phạm, thống lãnh một nghìn thế giới, tối thượng không gì vượt qua. Nếu Tỳ kheo tu tập bốn Phạm trụ này, tâm tư có thể bao trùm cả một nghìn thế giới như vậy. Tỳ kheo muốn siêu việt Dục giới để sống trên cõi Phạm thiên giới, hãy tu tập bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả”. (Tăng nhất A-hàm 21, Đại tạng chính, số 0125, [0658c18], bản điện tử).
Tóm lại, những ai muốn sống chung với Phạm thiên, muốn sống ở Thiên đường, thì hãy sống với tâm tư và phẩm chất của Phạm thiên, tức phải sống bằng cái tâm từ, bi, hỷ, xả. Tuy nhiên, nước Trời hay Thiên giới của Phạm thiên vẫn hạn cuộc trong tam giới, còn bị chi phối bởi vô thường. Vượt ra khỏi sự kiềm toả của sinh tử luân hồi trong ba cõi mới là mục đích cứu cánh của đời sống phạm hạnh.